[Tổng Quan] Bệnh đau lưng cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

[Tổng Quan] Bệnh đau lưng cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

19-10-2022

Đau lưng cấp diễn ra đột ngột, nhanh chóng, gây đau đớn và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Cùng tìm hiểu về những dấu hiệu, nguyên nhân cũng như các cách điều trị đau lưng cấp để hạn chế tối đa những ảnh hưởng của nó đến cuộc sống thường ngày và ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.

Bệnh đau lưng cấp là gì?

Đau lưng cấp được xem là những cơn đau “nằm vùng” vì nó thường chỉ xuất hiện ở một số vùng như cạnh dưới sườn đến lằn mông, chủ yếu là thắt lưng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đau có thể kéo xuống một hoặc cả 2 chân.

Đau lưng cấp thường đi kèm với những triệu chứng nghiêm trọng nhưng ngắn hạn, thường chỉ kéo dài khoảng 6 tuần. Một số trường hợp chỉ đau vài ngày, trong khi có trường hợp cần tới vài tháng để triệu chứng biến mất hoàn toàn.

Hầu hết mọi người đều đã, đang và sẽ trải qua cơn đau lưng cấp tính một hoặc nhiều lần trong đời. Cơn đau cấp ở lưng có xu hướng tự khỏi mà ít khi, thậm chí không cần can thiệp điều trị y tế chuyên sâu và không làm mất chức năng cử động của khớp xương.

Nguyên nhân gây bệnh đau lưng cấp

Đau cột sống do nguyên nhân cơ học

Nguyên nhân phổ biến do căng giãn cơ, giãn dây chằng cạnh cột sống quá mức; thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng; thoái hóa đĩa đệm cột sống; trượt thân đốt sống, dị dạng thân đốt sống (cùng hóa thắt lưng 5, thắt lưng hóa cùng 1...), loãng xương nguyên phát... Loại này diễn biến lành tính, chiếm 90% số trường hợp đau cột sống thắt lưng.

đau lưng cấp Nguyên nhân chủ yếu gây đau lưng cấp là do giãn cơ

Đau cột sống thắt lưng do một bệnh toàn thân

Đau cột sống thắt lưng là triệu chứng của một trong các bệnh khớp mạn tính (viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, loãng xương) hoặc tổn thương tại cột sống do nguyên nhân nhiễm khuẩn (viêm đĩa đệm đốt sống do vi khuẩn lao hoặc vi khuẩn sinh mủ); do ung thư; do chấn thương; do các nguyên nhân khác (sỏi thận, loét hành tá tràng, bệnh lý động mạch chủ bụng,...)

Triệu chứng bệnh đau lưng cấp tính

Khi bị đau lưng cấp, người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng như:

  • Đau nhói đột ngột hoặc đau nhức âm ỉ ở lưng, có thể ở vùng lưng trên hoặc lưng dưới. Đau đột ngột hay đau nghiêm trọng sau khi nâng vác vật nặng, ngồi lâu một chỗ hay nằm bất động trên giường.

  • Đau lưng khu trú hay đau dọc cột sống, đau lan rộng từ lưng sang hông, xuống mông và các chi.

  • Cơn đau khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi đứng thẳng trong lúc di chuyển, xoay hay vặn mình đột ngột, có tai nạn hay chấn thương.

  • Cơn đau có thể giảm dần khi nghỉ ngơi.

  • Một số cơn đau có thể trở nặng vào buổi sáng kèm theo tình trạng cứng vùng lưng.

Ngoài ra, tùy theo nguyên nhân gây đau và mức độ nghiêm trọng, các triệu chứng đi kèm có thể xuất hiện như:

  • Cứng hay căng cơ tại khu vực quanh cột sống, hông và xương chậu.

  • Cơ lưng bị tê yếu, cảm giác tê như kim châm.

  • Đau kèm cảm giác bỏng rát, tê bì và châm chích từ vùng thắt lưng tới cẳng chân, các ngón chân.

  • Ngứa râm ran, yếu cơ tại các khu vực ảnh hưởng.

  • Khả năng vận động suy giảm, khó đứng thẳng hay xoay người.

  • Rối loạn chức năng ruột và bàng quang dẫn tới khó khăn trong tiêu tiểu.

  • Sốt.

  • Viêm hay sưng tấy trên vùng da lưng.

  • Đau nhức tại bộ phận sinh dục.

  • Sụt cân.

đau lưng cấp Đau lưng cấp thường gây đau đột ngột

Đau lưng cấp có nguy hiểm không?

Đa phần trường hợp bệnh nhân bị đau lưng cấp đều không nguy hiểm. Cơn đau sẽ thuyên giảm khi người bệnh áp dụng đúng cách các biện pháp chăm sóc. Tuy nhiên, tình trạng này tái có thể tái phát nhiều lần, nhất là khi đau lưng khởi phát do bệnh lý. Trong trường hợp tái phát nhiều lần, nếu trì hoãn điều trị, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng như:

  • Đau lưng mạn tính.

  • Suy yếu cơ.

  • Khả năng vận động suy giảm.

  • Khi tình trạng tiến triển có thể dẫn đến liệt các chi.

Các phương pháp chẩn đoán đau lưng cấp

Để xác định phác đồ điều trị đau lưng cấp đúng tính chất và mức độ của bệnh thì người bệnh nên đến khám ở các cơ sở y tế uy tín. Lúc này các bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán và đưa ra các quyết định liên quan đến các bước khám xét và điều trị tiếp theo. Hiện nay trong phác đồ điều trị của bộ y tế sẽ có các loại chẩn đoán sau:

Chẩn đoán lâm sàng

Các bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng mà bệnh nhân cung cấp, kết hợp với việc quan sát và làm một số bài kiểm tra nhỏ để xác định nguyên nhân gây bệnh.

  • Nếu đau cột sống lưng do nguyên nhân cơ học như giãn dây chằng quá mức hoặc do chấn thương đến vị trí đốt sống thắt lưng: Cơn đau xuất hiện đột ngột sau khi bệnh nhân mang vác vật nặng, rung xóc do đi xe đường dài, nhiễm lạnh… Đau thường kèm theo chứng co cơ, cong vẹo cột sống. Khi dùng tay ấn vào cột sống có thể xác định được điểm đau.

  • Đau cột sống thắt lưng do một bệnh toàn thân: xuất hiện các triệu chứng đi kèm như: sốt, sút cân nhanh, đau thắt lưng dữ dội, không đáp ứng được với các thuốc chống viêm giảm đau thông thường. Một số triệu chứng còn cho thấy đau lưng cột sống là biểu hiện của ung thư như: các cơn đau ngày càng tăng và dữ dội hơn, kèm theo đó là dấu hiệu sốc, da xanh xao thiếu máu

Chẩn đoán cận lâm sàng và chẩn đoán xác định

Dựa trên kết quả chẩn đoán lâm sàng, các bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện thêm một số xét nghiệm như chụp X quang, chụp cộng hưởng từ MRI… để đưa ra chẩn đoán xác định cuối cùng về bệnh.

Cách điều trị đau lưng cấp tính

Với trường hợp nhẹ, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp giảm đau tại nhà. Đối với các trường hợp nghiêm trọng (đau dai dẳng, đau do bệnh lý…), bạn nên dùng thuốc, áp dụng những phương pháp điều trị chuyên sâu theo hướng dẫn của bác sĩ.

Biện pháp chăm sóc và giảm đau tại nhà

Nghỉ ngơi

Nếu cơn đau xuất hiện đột ngột hay đau nghiêm trọng ảnh hưởng tới sinh hoạt, bạn nên dừng ngay mọi hoạt động và nghỉ ngơi tại chỗ. Biện pháp này giúp làm dịu cơn đau bằng việc giảm áp lực lên cột sống và các mô mềm cạnh sống. Ngoài ra, nghỉ ngơi còn giúp cơ thể thư giãn, cải thiện tình trạng căng cơ, qua đó giảm đau hiệu quả.

Tập thể dục

Người bệnh được khuyên tập thể dục khoảng 30 – 45 phút mỗi ngày. Bạn có thể tập yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội hay thực hiện các bài tập giãn cơ đơn giản tại nhà. Vận động cơ thể với cường độ phù hợp sẽ giúp giải nén dây thần kinh, giúp máu lưu thông tốt hơn, thư giãn cơ, gia tăng sức chịu đựng và độ linh hoạt cho xương khớp. Qua đó, người bệnh sẽ bớt đau, cải thiện khả năng vận động.

đau lưng cấp Tập thể dục thường xuyên giúp làm giãn cơ bắp, giảm đau lưng hiệu quả

Chườm ấm

Nhiệt độ cao có thể giúp làm ấm và thư giãn cơ lưng, cột sống và dây thần kinh, hỗ trợ máu lưu thông tốt hơn, qua đó giúp cải thiện tình trạng căng cơ, đau lưng và khôi phục tầm vận động cho người bệnh. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp giảm viêm, thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương xương khớp của cơ thể. Bạn có thể tham khảo những cách chườm ấm dưới đây:

  • Sử dụng chai thủy tinh chứa nước ấm khoảng 70°C (có thể lấy khăn bọc quanh vỏ chai) rồi chườm và lăn trên khu vực lưng bị đau.

  • Sử dụng túi chườm ấm lên khu vực lưng bị đau.

  • Tựa lưng lên miếng đệm ấm để thư giãn, giảm đau và cải thiện tình trạng căng cơ.

  • Lưu ý thực hiện chườm ấm khoảng 2 – 3 lần/ngày. Mỗi lần khoảng 20 phút. Bạn nên thực hiện đều đặn mỗi ngày.

Chườm lạnh

Biện pháp này phát huy hiệu quả cao nhất trong 72 giờ đầu giúp giảm sưng đau đối với những cơn đau lưng khởi phát sau chấn thương. Người bệnh có thể sử dụng túi chườm hay sử dụng một chiếc khăn bọc đá lại rồi chườm lại vị trí đau khoảng 3 lần/ngày. Mỗi lần từ 15 – 20 phút. Lưu ý không dùng đá lạnh chườm trực tiếp lên da.

Massage

Lực tác động từ bàn tay lên lưng có thể giúp người bệnh lưu thông kinh mạch, khí huyết, thư giãn cột sống, cơ và các dây thần kinh, qua đó chữa lành các tổn thương và cải thiện tình trạng đau nhức ở lưng. Massage phù hợp cho người bệnh đau lưng do làm việc quá sức, ngồi sai tư thế, căng cơ.

Kiểm soát tốt cân nặng

Đây là biện pháp ngăn ngừa và cải thiện tình trạng đau lưng cấp hiệu quả. Vì cân nặng hợp lý sẽ giúp giảm áp lực lên cột sống, hạn chế tổn thương tiến triển. Để kiểm soát cân nặng, người bệnh nên quản lý nghiêm ngặt chế độ ăn uống. Hằng ngày, bạn nên ăn nhiều rau xanh, các loại hạt và trái cây, uống nhiều nước; tránh xa các món chế biến nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp…

Sử dụng thuốc

Nếu đã áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà nhưng cơn đau vẫn không thuyên giảm, bạn có thể sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn từ bác sĩ. Các loại thuốc thường được dùng gồm:

  • Thuốc giảm đau: Với các trường hợp lưng bị đau cấp tính nhẹ bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau dạng uống hoặc dạng kem thoa lên vùng lưng bị ảnh hưởng.

  • Thuốc kháng viêm: Giúp chống viêm và làm giảm chỉ số viêm nhiễm của cơ thể

  • Thuốc giãn cơ: Thuốc được dùng cho người bệnh đau lưng cấp do co thắt hay co cứng cơ. Thuốc giúp làm giảm triệu chứng căng cơ vùng lưng, do đó giúp giảm đau.

  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc được dùng cho các trường hợp đau lưng nghiêm trọng ảnh hưởng tới tâm lý và giấc ngủ hay đau do căng thẳng. Tác dụng của thuốc là an thần, điều chỉnh tâm trọng, cải thiện giấc ngủ, ngoài ra còn có tác dụng giảm đau.

Vật lý trị liệu

Để điều trị đau lưng cấp, bác sĩ sẽ thiết lập chương trình vật lý trị liệu phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người bệnh. Các bài tập căng cơ và phục hồi chức năng sẽ giúp tăng cường sức cơ, thư giãn và tăng sự linh hoạt cùng độ bền cho hệ cơ xương khớp; đồng thời giảm đau, tăng lưu thông máu và giải nén dây thần kinh.

Vật lý trị liệu giúp người bệnh hạn chế tình trạng tái phát các cơn đau lưng, giảm nguy cơ mắc bệnh xương khớp, duy trì và phục hồi khả năng vận động cho người bệnh. Sau khi kết thúc vật lý trị liệu, người bệnh sẽ hướng dẫn các bài tập để ngăn ngừa các cơn đau tái phát.

đau lưng cấp Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu hỗ trợ giảm đau lưng hiệu quả

Tại Hồng Ngọc, mỗi bệnh nhân bị đau lưng cấp sẽ có 1 phác đồ điều trị riêng biệt. Với phương châm hạn chế lạm dụng thuốc, Khoa Vật lý trị liệu - BV Hồng Ngọc sử dụng hệ thống máy trị liệu của Đức cùng kỹ thuật nắn chỉnh chuyên sâu của Áo giúp bệnh nhân lấy lại vận động nhanh chóng, giảm đau lưng rõ rệt.

Châm cứu

Đây là liệu pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị đau lưng cấp. Bác sĩ sẽ sử dụng những chiếc kim nhỏ tác động lên các huyệt đạo tương ứng. Qua đó, người bệnh sẽ được thư giãn cơ thể và giảm đau hiệu quả.

Phẫu thuật

Phần lớn trường hợp đau lưng cấp tính không cần phải điều trị phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu đã áp dụng các biện pháp điều trị nội khoa nhưng cơn đau vẫn không thuyên giảm, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật được áp dụng tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau lưng và được chỉ định trong một số trường hợp sau.

  • Đau lưng do hẹp ống sống, gãy xương, thoát vị đĩa đệm, dị tật bẩm sinh ở cột sống.

  • Đau lưng do dây thần kinh tủy sống bị chèn ép.

  • Đau lưng nghiêm trọng, có liên quan tới cấu trúc xương khớp khiến tầm vận động bị hạn chế hay có nguy cơ yếu cơ và bại liệt.

  • Điều trị nội khoa không hiệu quả.

Biện pháp phòng ngừa và giảm nguy cơ tái phát bệnh

Có một thực tế là: Ngay cả người chưa từng bị đau lưng cấp tính cũng hoàn toàn có thể phát bệnh bất cứ lúc nào, còn riêng đối với người đã từng một hoặc vài lần đau lưng cấp thì cũng không thể tránh được bệnh tái phát. Do đó, chúng ta nên xây dựng lối sống khoa học và chế độ chăm sóc sức khỏe hợp lý theo lời khuyên của chuyên gia xương khớp dưới đây để giảm tối đa nguy cơ bị hoặc tái phát đau lưng cấp tính:

  • Duy trì thói quen luyện tập thể chất để khối cơ lưng luôn chắc khỏe và linh hoạt

  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân đối giúp tăng cường độ vững chắc cho cột sống lưng

  • Hạn chế vận động và làm việc quá sức (nhất là người có tiền sử đau lưng cấp)

  • Giữ tư thế đúng trong quá trình làm việc, học tập hay chơi thể thao

  • Tập khởi động làm nóng cơ thể trước khi tham gia các môn thể dục thể thao

  • Đặt một chiếc gối nhỏ đệm sau lưng khi lái xe hoặc ngồi xe đường dài.

  • Thư giãn thường xuyên với các bài tập ngồi thiền hay yoga.

  • Giảm cân nếu đang thừa cân, béo phì thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục.

  • Bỏ thuốc lá.

  • Không nên đi giày cao gót quá nhiều.

Áp dụng sớm những biện pháp nêu trên giúp phòng ngừa hiệu quả nguy cơ bị đau lưng cấp, đồng thời hỗ trợ bệnh không tái phát ở những người đã từng bị đau lưng.

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý. Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: 

https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc

Đọc tiếp
Quay lại
Hỏi đáp Bác sĩ
Viết câu hỏi
Cơ sở chuyên khoa liên quan
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh
  • Số 8 đường Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: +(84-24) 7300 8866
Đặt lịch ngay
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Yên Ninh
  • Số 55 Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
Phòng khám đa khoa Hồng Ngọc Keangnam
  • Tầng 10, Keangnam Landmark 72, Phạm Hùng, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HỒNG NGỌC - KOSMO TÂY HỒ
  • Gian S20 và TMDV 2A + 2B, Tầng 1 và 2, tổ hợp chung cư, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại Newtatco - Kosmo Tây Hồ, Phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay