Hotline: 024 7300 8866

Cấp Cứu Ngoài BV: 1900 636 555

  |  

Viêm amidan ở trẻ sơ sinh: Những thông tin cha mẹ nhất định phải biết

Viêm amidan là bệnh nhiễm trùng có thể gặp ở mọi đối tượng, trong đó phổ biến nhất là trẻ sơ sinh. Vậy nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị và biện pháp phòng ngừa viêm amidan ở trẻ sơ sinh như thế nào? Mời các bậc cha mẹ cũng tham khảo bài viết dưới đây để có thêm kiến thức chăm con khỏe mạnh.

Nguyên nhân gây viêm amidan ở trẻ sơ sinh

Dưới đây là những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh dễ dàng bị viêm amidan.

Sự tấn công của virus, vi khuẩn

Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng amidan bị viêm. Có rất nhiều loại virus, vi khuẩn là tác nhân gây bệnh, nhưng dưới đây là những loại thường gặp nhất:

– Virus cảm lạnh thông thường: Cảm lạnh thông thường là nguyên nhân hàng đầu gây viêm amidan ở trẻ sơ sinh. Đó là sự tấn công của một số loại bao gồm virus cúm, rhovovirus, adenovirus, coronavirus…

– Vi khuẩn streptococcus nhóm A: Nhiễm vi khuẩn là nguyên nhân gây ra khoảng 30% trường hợp trẻ sơ sinh bị viêm amidan. Trong đó vi khuẩn streptococcus nhóm A là nguyên nhân chính.

– Các loại vi khuẩn khác: Mycoplasma pneumoniae, chlamydia pneumoniae, staphylococcus aureus, streptococcus pneumoniae… Ngoài ra, một số ít trường hợp, viêm amidan ở trẻ sơ sinh còn có thể do các loại vi khuẩn khác như ho gà, fusobacterium….

Sự tấn công của virus, vi khuẩn là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm amidan ở trẻ sơ sinh

Sự tấn công của virus, vi khuẩn là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm amidan ở trẻ sơ sinh

Các yếu tố liên quan

Dưới đây là những yếu tố khiến trẻ sơ sinh có nguy cơ bị bệnh amidan cao hơn:

– Trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời sẽ có hệ miễn dịch kém, khiến cơ thể dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, virus.

– Vấn đề vệ sinh cho trẻ không đảm bảo, đặc biệt là vệ sinh răng miệng. Thường xuyên để trẻ ngậm tay, đồ chơi…

– Thời tiết: Thời điểm giao mùa đặc biệt là mùa đông rất dễ khiến trẻ mắc các bệnh về Tai Mũi Họng.

– Trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh về đường hô hấp như viêm xoang, viêm họng, cảm cúm

9 triệu chứng viêm amidan ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh bị viêm amidan thường sẽ gặp phải 9 triệu chứng dưới đây:

– Cổ họng sưng đỏ: Cha mẹ có thể thấy amidan của bé bị sưng đỏ khi bé mở miệng. Đôi khi có thể xuất hiện 1 lớp màu trắng hay vàng trên amidan.

– Đau khi nuốt: Trẻ sợ hãi, quấy khóc khi ăn uống, bú sữa. Nguyên nhân do amidan sưng, chà xát vào thành họng khi trẻ nuốt thức ăn.

– Ho nhiều: Trẻ ho nhiều do có sự kích thích ở cổ họng. Những cơn ho có thể sẽ làm nặng thêm cơn đau ở trẻ.

– Chảy nước dãi nhiều: Đây chính là hệ quả của triệu chứng đau khi nuốt, khiến trẻ không muốn nuốt thức ăn. Từ đó, nước bọt tiết ra và tích tụ nhiều trong miệng, gây chảy dãi quá mức so với bình thường.

Chảy nước dãi nhiều là một trong những triệu chứng của viêm amidan ở trẻ sơ sinh

Chảy nước dãi nhiều là một trong những triệu chứng của viêm amidan ở trẻ sơ sinh

– Đau tai: Cơn đau do viêm amidan gây ra có thể lan tỏa ra phía sau tai. Tình trạng đau nhức tai xuất hiện khi bé ho hay nuốt. Khi cha mẹ chạm hay ngoáy tai có thể khiến bé khóc nhiều hơn.

– Sốt: Nhiệt độ cơ thể trẻ tăng lên để phản ứng lại với hiện diện của bệnh, dẫn đến tình trạng sốt.

– Hạch bạch huyết bị sưng: Amidan được xem là một phần của hệ bạch huyết. Chính vì thế, việc nhiễm trùng có thể gây ảnh hưởng, dẫn đến sưng các hạch bạch huyết ở khu vực cổ và hàm.

– Phát ban: Đây là triệu chứng viêm amidan tương đối phổ biến ở trẻ sơ sinh. Triệu chứng này xuất hiện khi tác nhân gây bệnh là vi khuẩn streptococcus nhóm A, sẽ kích thích giải phóng độc tố trong cơ thể trẻ. Từ đó hình thành các vết ban đỏ ở mặt, cổ, lưng và bụng, lưỡi.

– Hôi miệng: Các loại vi khuẩn gây bệnh hoạt động trong cổ họng sẽ tạo một số hợp chất gây mùi hôi, dẫn đến tình trạng hôi miệng ở trẻ.

Viêm amidan ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Trẻ sơ sinh là nhóm đối tượng có hệ miễn dịch còn non kém nên bất cứ vấn đề nào về sức khỏe cũng sẽ gây ra ảnh hưởng nhất định tới trẻ. Với viêm amidan ở trẻ sơ sinh, nếu không khắc phục sớm, bệnh sẽ diễn tiến nhanh và gây ra các biến chứng nghiêm trọng như áp xe amidan, viêm mũi, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm VA…

Bên cạnh đó, bệnh có thể ảnh hưởng đến một số cơ quan khác, gây ra các bệnh như viêm cầu thận, nhiễm trùng huyết….

Chẩn đoán viêm amidan ở trẻ sơ sinh

Để chẩn đoán bệnh viêm amidan ở trẻ sơ sinh, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thông qua các bước sau:

– Bước 1- Kiểm tra trực quan cổ họng: Bác sĩ sử dụng que đè lưỡi để quan sát các triệu chứng ở cổ họng của trẻ. Hầu hết các bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán sơ bộ dựa vào kiểm tra này.

– Bước 2 – Kiểm tra các mô xung quanh: Amidan bị nhiễm trùng có thể sẽ gây viêm các hạch bạch huyết quanh cổ. Bác sĩ sẽ dùng tay kiểm tra các mô để xác định vùng da quanh cổ và hàm có bị sưng hay không.

– Bước 3 – Kiểm tra tai và mũi: Thường phát hiện khi tác nhân gây bệnh xâm nhập qua tai và mũi, có thể gây nhiễm trùng thứ cấp ở những khu vực này.

– Bước 4 – Sinh thiết bệnh phẩm: Bác sĩ sẽ dùng gạc y tế lấy 1 ít chất lỏng từ amidan của trẻ rồi gửi xét nghiệm để xác định cụ thể loại virus, vi khuẩn gây bệnh.

– Bước 5 – Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm tổng phân tích máu. Nếu có sự hiện diện cao của tế bào lympho cùng các triệu chứng liên quan thì có thể kết luận trẻ đang bị viêm amidan.

Trẻ sơ sinh bị viêm amidan phải làm sao?

Điều trị viêm amidan ở trẻ sơ sinh sẽ phức tạp hơn bởi đây là nhóm đối tượng rất nhạy cảm. Khi nghi ngờ trẻ bị viêm amidan, cha mẹ cần ngay lập tức đưa bé tới các cơ sở y tế uy tín để thăm khám. Căn cứ vào thể trạng sức khỏe và độ tuổi của trẻ, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ chăm sóc và điều trị thích hợp.

Chăm sóc tại nhà

Trẻ sơ sinh bị viêm amidan ở mức độ nhẹ, một số biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp khắc phục triệu chứng và đẩy lùi bệnh. Dưới đây là những khuyến cáo từ bác sĩ chuyên khoa mà cha mẹ có thể tham khảo:

Bổ sung nhiều chất lỏng

Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, còn đang bú sữa mẹ thì bạn có thể bổ sung thêm nước cho trẻ. Còn khi bé đã cai sữa mẹ thì có thể cho trẻ uống nước và ăn các món nhuyễn như cháo loãng, súp…

Chất lỏng tự nhiên sẽ có tác dụng tốt trong việc giữ ẩm họng và giảm kích ứng. Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng đồ lạnh, nóng hay quá ngọt vì có thể gây kích thích amidan và làm nặng thêm triệu chứng.

Cho trẻ dùng đồ lỏng như cháo, súp sẽ giúp giảm kích ứng ở cổ cho trẻ

Để bé được nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi chính là liều thuốc tốt nhất để hỗ trợ điều trị. Nhất là khi viêm amidan khiến trẻ bị sốt, nghỉ ngơi sẽ giúp làm dịu kích thích và làm giảm mức độ nghiêm trọng của cơn sốt.

Lắp đặt máy tạo độ ẩm

Trẻ sơ sinh bị viêm amidan thường rất nhạy cảm với không khí khô bởi nó có thể gây kích thích, với amidan đang bị đau. Chính vì thế, sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng là cần thiết.

Độ ẩm vừa phải sẽ hỗ trợ tốt việc làm lành amidan đang bị tổn thương. Trường hợp không thể lắp máy tạo độ ẩm thì bạn cần giữ bé tránh xa luồng không khí khô.

Điều trị theo phác đồ của bác sĩ

Trẻ sơ sinh bị viêm amidan có thể hồi phục trong khoảng 2 tuần sau khi được phát hiện sớm và chăm sóc tốt. Tuy nhiên, với các trường hợp viêm amidan nặng mà biện pháp chăm sóc tại nhà không thể đáp ứng triệu chứng, bác sĩ sẽ cân nhắc việc sử dụng thuốc.

Một số loại thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định, bao gồm cả các thuốc giảm đau như acetaminophen hay ibuprofen. Việc dùng thuốc cho trẻ sơ sinh cần hết sức thận trọng bởi có thể khiến trẻ gặp phải các tác dụng phụ nguy hiểm.

Trường hợp trẻ bị viêm amidan tái phát nhiều lần trong năm (5-6 lần/năm) thì bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật cắt amidan. Đây là biện pháp cuối cùng khi viêm amidan tái phát, làm gián đoạn các hoạt động của trẻ như ăn, thở hay ngủ.

Biện pháp phòng bệnh amidan cho trẻ sơ sinh

Dưới đây là những khuyến cáo dành cho cha mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh, phòng ngừa viêm amidan cho trẻ:

– Giữ không gian sống cho bé sạch sẽ, bởi vi khuẩn gây bệnh có thể tồn tại trong không khí.

– Tránh đưa trẻ ra ngoài khi tiết trời thay đổi, giữ ấm cho trẻ khi trời chuyển lạnh, thời điểm giao mùa.

– Vệ sinh đồ chơi, dụng cụ và bình sữa để ngăn ngừa nhiễm trùng từ đường miệng.

– Vệ sinh cá nhân, răng miệng cho trẻ sạch sẽ, dặc biệt là vào thời điểm trẻ bắt đầu mọc răng. Rửa tay cho trẻ thường xuyên để tránh nhiễm trùng khi trẻ đưa tay vào miệng.

– Không để trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh về tai mũi họng.

– Khi trẻ sơ sinh bị viêm amidan, cha mẹ cần sớm phát hiện, đưa trẻ thăm khám và điều trị kịp thời để hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Hồng Ngọc là địa chỉ thăm khám và điều trị viêm amidan uy tín tại Hà Nội với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại. Thăm khám tại đây, khách hàng sẽ được chẩn đoán kỹ lưỡng về tình trạng amidan viêm, tư vấn phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả nhất với từng trường hợp. Đặc biệt, khoa còn sở hữu công nghệ dao Plasma thế hệ mới giúp quá trình phẫu thuật Amidan/nạo VA trở nên nhẹ nhàng và an toàn hơn rất nhiều.

    Thông tiên liên hệ:

    BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG NGỌC

    Hotline: 0912 002 131

    Tel: 024 39 275 568 / 024 7300 8866 

    Email: SMK@hongngochospital.vn

    Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/

    **Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

    Bài viết liên quan