Tổng quan về bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa có tên khoa học là Atopic Dermatitis (AD), trong dân gian còn được gọi là chàm thể tạng, chàm sữa, eczema,.... Đây là một bệnh lý da liễu thuộc nhóm bệnh viêm da, khiến da khô, ngứa và viêm.
Viêm da cơ địa được xác định thông qua thăm khám lâm sàng, khai thác tiền sử bản thân hoặc gia đình bị dị ứng loại I, viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn. Xét nghiệm nồng độ globulin miễn dịch (IgE) trong máu cao. Bệnh nặng hay nhẹ phụ thuộc vào mức độ mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh.
Viêm da cơ địa thường phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Viêm da cơ địa là bệnh lý viêm da mạn tính, tái phát nhiều lần. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đa số sẽ hết khi trẻ được 2 tuổi. Tuy nhiên, vẫn có 1 số trường hợp sẽ tiến triển thành bệnh viêm da cơ địa ở trẻ lớn và viêm da cơ địa ở người lớn. Đối với những bệnh nhân này thì viêm da cơ địa sẽ không chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể kiểm soát tối đa tình trạng bệnh, tránh tái phát nhiều lần gây khó chịu trong cuộc sống.
Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa có nguyên nhân gây bệnh và cơ chế sinh bệnh rất phức tạp, có liên quan tới nhiều yếu tố gây nên như: Di truyền, nhiễm trùng, hệ miễn dịch, rối loạn hàng rào bảo vệ da.
Trong đó yếu tố di truyền thường là nguyên nhân chính. Nếu cả bố và mẹ đều bị viêm da cơ địa thì 80% trẻ sinh ra có nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa. Ngoài ra, trong gia đình có người bị hen suyễn, viêm mũi dị ứng,... thì thế hệ sau cũng sẽ di truyền các bệnh di ứng này.
Viêm da cơ địa có nhiều nguyên nhân gây nên, nổi bật nhất là do di truyền, nhiễm trùng, hệ miễn dịch kém
Ở một số trường hợp, viêm da cơ địa có nguyên nhân từ các tác nhân dị ứng loại I, hen suyễn, viêm mũi dị ứng,...
Bên cạnh đó, viêm da cơ địa cũng do các nguyên nhân như: cơ địa hay bị dị ứng, tiếp xúc thường xuyên với xà phòng, chất tẩy rửa; dị ứng thời tiết; dị ứng thực phẩm; nhiễm trùng cấp tính gây suy giảm miễn dịch, rối loạn nội tiết, căng thẳng thần kinh,...
Phân loại các triệu chứng của viêm da cơ địa theo từng độ tuổi
Viêm da cơ địa là bệnh lý da liễu mãn tính. Xuất hiện ở mọi lứa tuổi khác nhau. Đối với mỗi giai đoạn tuổi sẽ xuất hiện các biểu hiện của bệnh khác nhau. Cụ thể:
- Ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi (giai đoạn từ khi trẻ mới sinh đến 1 tuổi): Ở giai đoạn này viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ thường được gọi là chàm sữa. Da xuất hiện tình trạng bạn đỏ, tróc vảy, nhiều mụn nước nhỏ vỡ ra chảy dịch gây nên viêm, trợt da. Những dấu hiệu này thường tập trung ở 2 bên má, quanh miệng, trán, thân mình, cổ, bẹn, các kẽ da. Theo thời gian, vết loét này khô, tróc vảy, có thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn nếu không được vệ sinh và điều trị kịp thời. Ở một số bệnh nhi còn có dấu hiệu nhiễm khuẩn khác như: tiêu chảy, viêm tai giữa,... Bệnh gây đau, ngứa rát khiến trẻ khó chịu, mất ngủ và quấy khóc.
Viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ thường được gọi là chàm sữa
- Ở trẻ em (từ 2 tuổi đến 12 tuổi): Viêm da cơ địa ở độ tuổi này thường có những triệu chứng như: da phát ban dày màu đỏ, khô ráp, nứt nẻ, rỉ nước hoặc chảy máu khi trầy xước do gãi. Ở những vùng da bị trầy xước do ngứa, gãi hình thành các mảng lichen hóa dạng đĩa. Triệu chứng viêm da thường xuất hiện ở vùng da sau đầu gối, khớp gối, khuỷu tay, mặt sau của tay, cổ, mắt cá chân, các nếp da, kẽ da,.... Giai đoạn này thường kèm với tình trạng đục thủy tinh thể, viêm kết mạc dị ứng.
- Giai đoạn viêm da cơ địa ở người trưởng thành: Viêm da cơ địa ở người trưởng thành thường phân chia thành cấp tính hoặc mạn tính. Ở giai đoạn cấp tính, người bệnh xuất hiện các mảng da viêm đỏ, ngứa dữ dội, nóng rát và sưng đau, bề mặt da có mụn nước nhỏ, rỉ dịch, da sần sùi, bong vảy. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính thì những tổn thương viêm trên da do chu kỳ ngứa - gãi sẽ khiến da trở nên thâm sạm, dày sừng, nứt nẻ, ngứa âm ỉ và đau rát. Đôi khi hành động gãi khiến da bị trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nên tình trạng nhiễm trùng da.
Hình ảnh viêm da cơ địa nặng ở người lớn, những tổn thương da dần hình thành lichen hóa
Các giai đoạn tiến triển của bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là một bệnh viêm da tái phát mạn tính với cơ chế sinh bệnh phức tạp, liên quan đến tính nhạy cảm di truyền, rối loạn chức năng miễn dịch và biểu bì, dị ứng bởi các yếu tố môi trường bên ngoài. Triệu chứng chính của bệnh là ngứa, tổn thương da từ ban đỏ mức độ nhẹ đến lichen hóa (dày da).
Viêm da cơ địa tiến triển qua 4 giai đoạn:
- giai đoạn ban đầu là đỏ da: Da ngứa nhiều, các mảng ban đỏ rải rác và gây sưng, phù nề trên da.
- Giai đoạn hình thành các bọng nước nhỏ.
- Giai đoạn rỉ nước kèm theo chu kỳ ngứa - gãi gây ra tình trạng bội nhiễm và tổn thương chốc lở.
- Giai đoạn đóng vảy: Tiến triển lâu dài, da dày sừng, nứt nẻ và hình thành các mảng lichen hóa.
Điều trị bệnh viêm da cơ địa
Có 2 phương pháp điều trị viêm da cơ địa tùy theo tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Đó là sử dụng thuốc thoa tại chỗ và thuốc dùng toàn thân.
Đối với thuốc thoa tại chỗ có các loại:
- Thuốc làm mềm da: Kem làm mềm da và giữ ẩm, sử dụng liên tục ngay cả khi tình trạng viêm không tái phát. Có thể dùng các chất làm mềm da chứa polidocanol, urea, salicylic acid trong trường hợp dày da. Sử dụng nhũ tương gốc nước hoặc gốc dầu để nâng cao chức năng hàng rào bảo vệ da.
- Thuốc thoa chứa corticoid: Được chia làm 3 nhóm có tác dụng từ nhẹ, trung bình và nặng. Cần lưu ý các tác dụng phụ của corticoid như teo da, giãn mạch, nổi mụn, rạn da, bội nhiễm,.... Thuốc chứa thành phần Hydrocortisone 1% sử dụng cho mặt và nếp gấp. Các loại chứa thành phần triamcinolone, betamethasone valerate có tác dụng đối với viêm da cơ địa từ trung bình đến mạnh, chỉ sử dụng ở thân và ngưng dùng ngay sau khi hết viêm.
- Thuốc thoa ức chế Calcineurin: Được khuyến cáo dùng cho điều trị viêm da cơ địa từ trung bình đến nặng. Chống chỉ định đối với trẻ em dưới 2 tuổi. Có các tác dụng phụ như bội nhiễm, vi nấm, siêu vi do ức chế miễn dịch. '
Thuốc dùng toàn thân:
- Kháng sinh: dùng trong trường hợp bị bội nhiễm
- Acyclovir: dùng trong viêm da cơ địa do vi khuẩn herperticum
- Thuốc ức chế miễn dịch: Methotrexate, Azathioprine, Cyclosporine
- Hydroxyzine và Diphenhydramine hydrochloride: kiểm soát triệu chứng ngứa
- Liệu pháp quang học: chiếu tia UVA, UVB
Khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh viêm da cơ địa cần đến ngay bệnh viện chuyên khoa Da liễu để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị
Các phương pháp kiểm soát bệnh viêm da cơ địa
- Bôi dưỡng ẩm cho da thường xuyên, dưỡng ẩm sau khi tắm và ngay khi cảm thấy da bị khô.
- Hạn chế tắm nước nóng và tắm trong thời gian dài sẽ làm mất cân bằng độ ẩm trên da.
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc da có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không sử dụng sản phẩm có lương liệu vì nó có thể là nguyên nhân gây phát bệnh viêm da cơ địa.
- Tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh và tránh các tác nhân đó..
- Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí khi dùng điều hòa để ngăn ngừa khô da. Khử trùng máy thường xuyên để ngăn ngừa nấm mốc và vi khuẩn.
- Mặc quần áo rộng rãi được làm từ chất liệu thấm hút mồ hôi tốt, 100% cotton
- Giặt quần áo mới trước khi mặc, không mặc chung đồ.
- Không dùng chung khăn tắm, khăn mặt.
- Giữ cho quần áo, khăn luôn khô thoáng tránh vi khuẩn sinh sôi.
Khi xuất hiện các dấu hiệu viêm trên da như ban đỏ, ngứa rát, mụn nước, tróc vảy,…. người bệnh cần đến ngay bệnh viện chuyên khoa Da liễu để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân phát bệnh và đưa ra phác đồ điều trị hợp lý, nhanh chóng nhất. Lưu ý người bệnh không nên tự ý mua thuốc để bôi hoặc uống mà không có chỉ dẫn của bác sĩ, bởi thuốc bôi ngoài da chứa corticoid gây ra nhiều tác dụng phụ và biến chứng nguy hiểm nếu dùng quá liều và không đúng cách.
Bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc thăm khám và điều trị của bác sĩ.
Da Liễu Bệnh Viện Hồng Ngọc
Cơ sở 1: Tầng 5 Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội
Cơ sở 2: Tầng 4 Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh - số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 0912. 853.603
Fanpage: https://www.facebook.com/dalieubvhongngoc?