Nấm da là gì?
Bệnh nấm da là tình trạng nhiễm trùng da, lông, tóc và móng do một số loại nấm gây ra. Có 2 nhóm bệnh: Nhiễm nấm nông và nhiễm nấm sâu. Tuy nhiên đa phần, chúng ta hay gặp bệnh lý nhiễm nấm nông (trên bề mặt da). Trên da người, nấm sẽ ưu thích phát triển ở những vùng da ẩm ướt, có nhiều mồ hôi. Khi chúng phát triển, sẽ gây ra tình trạng viêm da kèm theo ngứa, ảnh hưởng nhiều đến tính thẩm mỹ và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Có nhiều loại nấm da khác nhau và chúng được gọi tên và phân loại theo vị trí trên cơ thể như: nấm mặt, nấm thân, nấm bẹn, nấm bàn tay, bàn chân, viêm kẽ do nấm, nấm móng, lang ben, …
Hình ảnh triệu chứng của các loại bệnh nấm da thường gặp
Triệu chứng nhiễm nấm da
Triệu chứng nhiễm nấm da xuất hiện khi nấm có điều kiện thuận lợi và phát triển mạnh, gây tổn thương trên bề mặt da với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Các triệu chứng này thường chỉ khu trú vị trí tổn thương.
Nhiễm nấm sợi: ngứa, đỏ da hình vòng, trung tâm thường lành nhưng cũng có thể có vảy, vảy da phân bố vùng rìa thương tổn, sắp xếp đa cung đồng tâm.
Viêm kẽ do Candida hoặc nhiễm nấm Candida: Các mảng đỏ ranh giới rõ kèm theo tổn thương sẩn, mụn nước vệ tinh phía ngoài hoặc tổn thương màu trắng ẩm ướt.
Lang ben: các dát trắng hoặc nâu loang lổ thành đám, kèm vảy mỏng, ngứa khi ra mồ hôi.
Nấm móng: móng chuyển sang màu vàng - trắng hoặc nâu - đen, tách móng, dày sừng dưới móng, móng xù xì hoặc mủn móng.
Nấm tóc và da đầu: nhiều vảy da, rụng tóc ngay da đầu tạo các mảng màu xám hoặc rụng thành mảng, tóc gãy, rải rác các chấm đen vùng chân tóc
Nguyên nhân gây bệnh nấm da
Những bệnh nấm da thông thường gây ra bởi các loại nấm men như Candida, Malassezia,... hoặc các loại nấm sợi như Epidermophyton, Microsporum và Trichophyton.
- Candida: là loại nấm tồn tại sẵn ở những vùng da ẩm ướt, bí hơi trên người như niêm mạc, vùng kẽ, bẹn, vùng kín... Thường gặp là nấm Candida Albicans.
- Malassezia: là tác nhân gây bệnh lang ben, viêm da dầu,... thường gặp ở những thanh niên tuổi dậy thì và người có da dầu, tiết bã tiết dầu nhiều vì đây là môi trường thuận lợi cho nấm malassezia phát triển.
Nấm Malassezia là nguyên nhân gây nên bệnh lang ben, mụn nấm men và viêm lỗ chân lông
Dermatophytes: hay còn gọi là nấm sợi, loại nấm này bám vào lớp sừng của da, lông, tóc, móng. Chúng ăn các lớp sừng của da, thường gây các tổn thương viêm đỏ hình đa cung , trung tâm tổn thương xu hướng lành. Dân gian hay còn gọi là bệnh hắc lào. Các loại nấm gây bệnh này có thể tồn tại ở bất cứ đâu trong môi trường xung quanh. Nguồn lây có thể từ đất sang người, từ động vật, thực vật sang người hoặc từ người sang người. Khi người bệnh tiếp xúc trực tiếp với các loại nấm này, chúng bám vào cơ thể, phát triển mạnh khi có điều kiện thuận lợi, từ đó tạo ra những tổn thương rõ rệt trên da.
Nấm móng là 1 loại của bệnh nấm da liên quan đến nấm sợi Dermatophytes
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nấm da
Tiếp xúc với người mắc bệnh: bệnh dễ lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh nếu không chú ý vệ sinh hoặc có thói quen dùng chung khăn mặt, chung quần áo, giày dép…
Tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh: khi tiếp xúc với động vật mắc bệnh như vuốt ve, chải lông chó mèo, bò, lợn bị bệnh sẽ có nguy cơ lây nhiễm.
Tiếp xúc với môi trường thiếu vệ sinh: một số trường hợp có thể bị nhiễm nấm do tiếp xúc với đất bẩn, đất nhiễm nấm hoặc lây nhiễm từ bào tử nấm có trong môi trường xung quanh, đặc biệt là nguồn nước không đảm bảo vệ sinh
Do thói quen xấu: thói quen đi ngủ khi tóc ướt, không lau khô cơ thể sau khi tắm hoặc vận động mạnh là những thói quen xấu khiến nhiều người bị nấm da. Môi trường ẩm ướt tạo điều kiện do vi khuẩn nấm dễ phát triển và sinh sôi.
Môi trường làm việc có nguy cơ cao tiếp xúc với nấm như: trồng trọt, đánh bắt,...
Hệ thống miễn dịch yếu
Bác sĩ Da Liễu Bệnh Viện Hồng Ngọc thăm khám cho khách hàng
Khi nghi bị bệnh nấm da nên làm gì?
Bệnh nấm da rất tiến triển, lây lan cho các vị trí khác trên cơ thể và có thể lây cả người khác. Phương thức lây truyền chủ yếu là lây trực tiếp như: nấm bám vào da, quần áo, khăn mặt; tiếp xúc với các động vật nuôi trong nhà bị nấm; nấm lây bệnh từ người này qua người khác do nằm chung giường, mặc chung quần áo, dùng chung khăn mặt, khăn tắm,...
Để đề phòng bệnh nấm da cần vệ sinh da sạch sẽ, giữ người luôn khô thoáng, không mặc chung quần áo, không dùng chung khăn mặt, khăn tắm.
Khi có các triệu chứng của bệnh nấm da cần đến khám ngay bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám bệnh và làm các xét nghiệm nấm cần thiết. Từ các kết quả có được, bác sĩ sẽ tư vấn, chỉ định điều trị đúng bệnh, đúng thuốc. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc về điều trị sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ và ảnh hưởng đến quá trình điều trị nấm.
Inbox ngay hoặc liên hệ số hotline 0912.853.603 để đặt lịch thăm khám hoặc nhận tư vấn miễn phí về dịch vụ tại Da Liễu Bệnh Viện Hồng Ngọc.
Fanpage: https://www.facebook.com/dalieubvhongngoc