Định nghĩa về viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là tình trạng da bị viêm do tiếp xúc trực tiếp với các chất kích thích hoặc tác nhân gây dị ứng. Đây là bệnh da liễu phổ biến trong đời sống và xuất hiện ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
Khi gặp các chất dị ứng, chất gây kích thích từ bên ngoài thì các tổn thương của bệnh sẽ xuất hiện ngay ở vị trí tiếp xúc. Biểu hiện nổi trội nhất là cảm giác ngứa ngáy không thoải mái, phát ban đỏ, nổi mẩn, sưng đỏ, mụn nước, đau rát,...
Viêm da tiếp xúc là phản ứng gây viêm trên da do tiếp xúc trực tiếp với các chất gây dị ứng hoặc các chất kích thích
Tình trạng bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt thường ngày, cảm giác ngứa ngáy sẽ ảnh hưởng đến ăn uống và giấc ngủ. Ngoài ra, những nốt viêm có thể để lại sẹo thâm gây mất thẩm mỹ cho làn da của người bệnh.
Phân loại các bệnh viêm da tiếp xúc
Bệnh viêm da tiếp xúc được phân chia theo nguyên nhân gây nên tình trạng viêm da. Và được chia làm 2 loại bao gồm: Viêm da tiếp xúc kích ứng (ICD) và Viêm da tiếp xúc dị ứng (ACD).
Viêm da tiếp xúc kích ứng (ICD) là phản ứng viêm trên da khi da tiếp xúc với các chất độc hại gây nên tình trạng kích ứng, bao gồm: hóa chất (axit, kiềm, dung môi, muối kim loại), xà phòng (chất tẩy rửa), cây cối (hoa trạng nguyên, ớt), độ ẩm lâu dài (dịch cơ thể, nước bọt, nước tiểu), động vật (kiến ba khoang, ong),... Viêm da tiếp xúc kích ứng cũng được chia thành 2 loại gồm: viêm da tiếp xúc kích ứng cấp tính và viêm da tiếp xúc kích ứng mạn tính.
Viêm da tiếp xúc kích ứng thường có biểu hiện đau nhiều hơn ngứa
Viêm da tiếp xúc dị ứng (ACD) xảy ra khi tiếp xúc với các loại hóa chất trong sinh hoạt hàng ngày như: cao su, thuốc nhuộm tóc, nước hoa, mỹ phẩm,... Ngoài ra còn gặp tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng trong trái cây là rau củ sau khi da chạm vào dẫn đến sưng phù, ngứa.
Các triệu chứng và dấu hiệu của viêm da tiếp xúc
Dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh viêm da tiếp xúc là tình trạng mẩn đỏ, ngứa, sưng đỏ, và đau rát tại vị trí tiếp xúc của da. Ngoài ra, nếu để lâu còn xuất hiện phồng rộp và lở loét.
Viêm da tiếp xúc dị ứng thường có biểu hiện ngứa nhiều hơn đau. Dấu hiệu ban đầu từ ban đỏ, ngứa và phù nề. Sau một thời gian sẽ xuất hiện mụn nước, bong vảy đến sưng tấy nặng kèm rỉ nước. Các triệu chứng này thường xuất hiện tại những vùng da tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng.
Hình ảnh khách hàng bị viêm da tiếp xúc dị ứng do mỹ phẩm
Còn viêm da tiếp xúc kích ứng thường có biểu hiện đau rát nhiều hơn ngứa. Viêm da tiếp xúc kích ứng cấp tính xuất hiện khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng mạnh như hóa chất ăn da, axit,... nó làm tổn thương da ngay lập tức, biểu hiện điển hình là đau rát, đau nhói, phồng rộp và lở loét. Triệu chứng ban đầu thường là đỏ mảng rộng, rát, phù nề, phồng rộp và đóng vẩy,...
Ngăn ngừa và điều trị viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc được ngăn ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với chất gây kích ứng da hoặc các hoạt chất gây dị ứng.
Khi có biểu hiện của viêm da tiếp xúc người bệnh cần thực hiện điều trị tại chỗ bằng cách chườm mát (sử dụng nước muối sinh lý hoặc dung dịch Burow). Sử dụng băng gạc để tránh nhiễm khuẩn.
Sử dụng băng ướt tới khô để làm dịu các bọng nước rỉ dịch, vết lở loét, làm khô da và thúc đẩy quá trình lành vết thương.
Bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc dị ứng từ nhẹ đến trung bình có thể sử dụng corticosteroid tại chỗ bằng đường bôi ngoài da (Triamcinolone 0,1% thuốc mỡ hoặc kem betamethasone valerate 0,1%).
Những tổn thương do kiến ba khoang đốt là tình trạng viêm da tiếp xúc kích ứng
Trường hợp bệnh có bọng nước, mụn nước, bệnh lan tỏa điều trị bằng corticosteroid đường uống (prednisone 60 mg một lần/ngày trong 7 đến 14 ngày).
Sử dụng thuốc kháng histamine toàn thân như hydroxyzine, diphenhydramine giúp giảm ngứa, giảm mẩn đỏ,...
Khi bị viêm da tiếp xúc thường sẽ kéo dài suốt đời, vì vậy những hoạt chất gây nên bệnh viêm da tiếp xúc đã được xác định thì người bệnh phải tránh suốt đời. Và sau 3 tuần khi ngừng tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng thì mới hết những triệu chứng của bệnh.
Những lưu ý về bệnh viêm da tiếp xúc
Theo bác sĩ chuyên khoa Da Liễu Bệnh Viện Hồng Ngọc cho biết, viêm da tiếp xúc là bệnh da liễu phổ biến thường gặp ở mọi nơi, mọi lứa tuổi. Bệnh này không phải bệnh truyền nhiễm và cũng không gây lây lan.
Viêm da tiếp xúc hay gặp ở những người có cơ địa nhạy cảm và sức đề kháng yếu. Đặc biệt, xuất hiện nhiều ở những bệnh nhân có nghề nghiệp thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất như: thợ sơn, nhân viên vệ sinh tiếp xúc nhiều với chất tẩy rửa, thợ mỏ than, hàn xì, thợ làm tóc tiếp xúc với hóa chất, thuốc nhuộm, làm móng. Người bị dị ứng với các hoạt chất có trong các loại mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da.
Bác sĩ Da Liễu Bệnh Viện Hồng Ngọc khám cho khách hàng bị viêm da tiếp xúc dị ứng mỹ phẩm
Khi bị viêm da tiếp xúc, người bệnh cần đến bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp với từng nguyên nhân và loại bệnh.
Không tự ý dùng thuốc đường uống khi chưa được bác sĩ thăm khám. Tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ, không tự ý tăng, giảm hoặc ngưng thuốc đột ngột.
Khi sử dụng thuốc nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường cần báo ngay cho bác sĩ điều trị để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
Nếu được điều trị thích hợp, các biểu hiện của bệnh viêm da tiếp xúc sẽ hết trong vòng 2 đến 3 tuần.
Và cách tối ưu để điều trị dứt điểm bệnh là loại bỏ hoàn toàn những nguyên nhân nên tình trạng viêm da tiếp xúc. Nếu tiếp xúc lâu dài với những hoạt chất trên người bệnh sẽ có nguy cơ tái phát liên tục và mắc bệnh viêm da tiếp xúc mạn tính.
Da Liễu Bệnh Viện Hồng Ngọc
Cơ sở 1: Tầng 5 - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc số - 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội
Cơ sở 2: Tầng 4 - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh - số 8, Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 0912.853.603
Fanpage: https://www.facebook.com/dalieubvhongngoc