Hói:
Con tôi sinh được 20 ngày, gần đây bé hay vặn mình trong lúc ngủ, hay lúc không ngủ bé cũng vặn mình (mỗi khi vặn mình mặt bé đỏ cả người) và bé không chịu ngủ trong khoảng thời gian từ 2 giờ đến 4 giờ sáng. Những biểu hiện như thế của con tôi có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé không ? Biểu hiện trên thuộc bệnh lý gì ? Bác sĩ có thể cho tôi lời khuyên và chỉ dẫn cho tôi hướng khắc phục hay đi khám ở phòng mạch nào. Rất mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ để bé có giấc ngủ ngon và không vặn mình trong lúc ngủ. (Lê Tấn Tài)
Trả lời:
Triệu chứng vặn mình và đỏ mặt là hiện tượng sinh lý bình thường của trẻ sơ sinh trước 2 tháng tuổi. Biểu hiện vặn người, đỏ mặt của trẻ thường kéo dài trong vòng vài phút và tự hết. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vặn mình sinh lý như: Chỗ ngủ của trẻ quá sáng hoặc xung quanh có nhiều tiếng ồn lớn làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ; do trẻ được cho bú quá no hoặc trẻ đang đói; trẻ đi tiểu hoặc đại tiện trẻ sơ sinh nên vặn mình để rặn chất thải ra ngoài cơ thể; tã trẻ bị ướt hoặc mẹ quấn khăn quá chặt khiến trẻ khó chịu.
Có thể bạn quan tâm:
- Đau họng ở trẻ sơ sinh có phải do viêm amidan không?
- Trẻ sơ sinh sôi bụng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Trẻ sơ sinh ngủ quá nhiều? Bao nhiêu là đủ?
Ngoài ra, trẻ vặn mình đỏ mặt nhưng vẫn bú tốt, không nôn trớ, không khóc khó chịu, lên cân tốt thì cha mẹ không cần lo lắng.
Hiện tượng trẻ sơ sinh vặn mình kèm theo các biểu hiện như: ra mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn, quấy khóc đêm... luôn có mối quan hệ mật thiết với việc trẻ bị thiếu canxi, thường gặp hơn ở những bé sinh non, dinh dưỡng kém. Trẻ có biểu hiện dễ kích thích với tiếng động, hiếm hơn có khò khè, hoặc nôn ói. Trẻ còi, chậm lên cân.
Nếu vặn mình đỏ mặt do trào ngược dạ dày thực quản, trẻ sẽ có triệu chứng hay nôn trớ, khó chịu và quấy nhiều ban đêm, có thể có khò khè hoặc viêm phổi tái đi tái lại.
Nói tóm lại, nếu con bạn vẫn khỏe, vẫn lên cân tốt, thì triệu chứng vặn mình và đỏ mặt là sinh lý bình thường, sẽ tự hết khi bé được 2 - 3 tháng tuổi
Còn tình trạng con bạn không ngủ vào lúc 2 -4 giờ sáng là do bé chưa phận biệt được ngày đêm, do đó cha mẹ nên điều chỉnh giấc ngủ cho bé. Bất kể bé đã buồn ngủ hay chưa, đến một giờ cố định ban đêm, sau cho bé bú no, bạn đặt bé vào chỗ ngủ quen thuộc. Việc lặp đi lặp lại hành động chuẩn bị trước khi đi ngủ quen thuộc này sẽ giúp bé dần hình thành thói quen ngủ đúng giờ giấc. Thêm vào đó, bạn cũng cần giúp bé phân biệt ngày đêm: Vào ban ngày, hãy giữ cho con tỉnh táo bằng cách mở rèm cửa, chơi đùa cùng bé, những âm thanh quá lớn. Trẻ sơ sinh vẫn cần ngủ các giấc ngắn trong ngày, mẹ đừng giữ cho bé thức sẽ làm bé căng thẳng và phát cáu. Trong khi đó, ban đêm mẹ cho bé bú no, thay tã, tắt bớt đèn và giữ yên lặng để bé dễ đi vào giấc ngủ hơn
Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có giấc ngủ ngắn, thường 3 đến 4 tiếng sau cữ bú, do vậy ba mẹ có thể điều chỉnh lại giờ đi ngủ cho bé để việc chăm con không còn vất vả nữa.
Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: