Dấu hiệu hen suyễn ở trẻ em cha mẹ cần phải biết

Dấu hiệu hen suyễn ở trẻ em cha mẹ cần phải biết

11-03-2022

Là một bệnh lý hô hấp, hen suyễn thường kéo dài và khó điều trị dứt diểm làm ảnh hưởng không nhỏ tới chức năng hô hấp chung của trẻ em. Để kiểm soát tốt được bệnh, các bậc phụ huynh cần nắm rõ được dấu hiệu hen suyễn ở trẻ như thế nào?

Tổng quan về bệnh hen suyễn trẻ em

Hen suyễn ở trẻ em được đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp. Khi bị hen suyễn, phế quản của trẻ sẽ tăng phản ứng với nhiều kích thích khác nhau, gây co thắt, phù nề và tăng tiết phế quản dẫn đến hẹp tắc đường thở.

Qua mỗi năm, tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em có xu hướng tăng lên. Bộ Y tế đã thống kê được cứ 20 năm, tỷ lệ trẻ mắc bệnh này sẽ tăng lên 2 – 3 lần.

Để điều trị hen suyễn sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc, đồng thời khiến trẻ phải nghỉ học, nhập viện và khoa cấp cứu.

Không thể chữa dứt điểm hen suyễn, dấu hiệu hen suyễn ở trẻ còn kéo dài tới độ tuổi trưởng thành. Nhưng bù lại, có thể kiểm soát được triệu chứng và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng bệnh hen suyễn ở trẻ em nếu phát hiện sớm, điều trị phù hợp và kịp thời.

Do đó, cha mẹ cần theo dõi sức khỏe của trẻ sát sao nhằm phát hiện kịp thời các triệu chứng của hen suyễn, giúp bảo vệ sức khỏe cho trẻ một cách tốt nhất.

cách trị hen suyễn tại nhà cho bé Bệnh hen suyễn ở trẻ ngày càng gia tăng

Dấu hiệu hen suyễn ở trẻ em thường gặp nhất

Bệnh hen suyễn ở trẻ em có dấu hiệu và triệu chứng khá đa dạng. Các dấu hiệu hen suyễn ở trẻ phổ biến nhất là:

Ho dai dẳng, ho nhiều về đêm

Nhằm tống các chất kích thích ở đường hô hấp như chất tiết, vi sinh vật, khói, dị vật, bụi, phấn hoa… ra bên ngoài, cơ thể sẽ có phản xạ là ho. Nguyên nhân gây ho có thể xuất phát từ việc trẻ bị cảm lạnh, nhiễm khuẩn xoang mũi, hen suyễn…

Ho là dấu hiệu hen suyễn ở trẻ em đặc hiệu với cường độ kéo dài và tái phát nhiều lần, có kèm theo khó thở, khò khè. Thời điểm trẻ ho nhiều thường về đêm khi ngủ, ho theo mùa, ho khi trẻ gắng sức, khi cười và khi khóc, tiếp xúc với chất kích thích đặc hiệu gợi ý hen mà không có sự xuất hiện của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nào khác.

Trong hen suyễn ở trẻ, cơn ho điển hình thường là ho khan và ho kích ứng. Trường hợp trẻ ho có đờm thì đờm thường có màu trắng và trong.

Cũng có trường hợp trẻ bị hen suyễn chỉ có dấu hiệu duy nhất là ho, ho về đêm và không có triệu chứng gợi ý nào khác. Trẻ bình thường vào ban ngày. Đây cũng là lý do phụ huynh bỏ sót dấu hiệu này và không phát hiện sớm được bệnh hen suyễn ở trẻ em. 

dấu hiệu hen suyễn ở trẻ Trẻ bị hen suyễn ho nhiều về ban đêm

Trẻ thở khò khè

Khi trẻ thở, xuất hiện tiếng rít hay âm thanh không bình thường phát ra được gọi là khò khè. Tình trạng viêm, phù nề và co thắt ở trẻ bị hen suyễn khiến đường thở bị thu hẹp lại, từ đó khiến không khí lưu thông qua sẽ tạo nên âm thanh khò khè.

Không thể bỏ qua khò khè khi nhận biết dấu hiệu hen suyễn ở trẻ em. Tiếng khò khè sẽ phát ra khi trẻ thở ra hoặc trong cả hai thì thở ra và hít vào nếu trẻ bị hen nặng, cha mẹ có thể nghe bằng tai.

Khi bị hen suyễn, trẻ thở khò khè tát phát nhiều lần, nhất là khi trẻ ngủ, hoặc có các yếu tố khởi phát như gắng sức, khóc, cười, tiếp xúc khói bụi, khói thuốc lá…

Tuy nhiên, hiện tượng khò khè còn do các bệnh đường hô hấp khác ở trẻ nhỏ. Do đó, cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi khám sớm khi có hiện tượng này để được chẩn đoán chính xác nhất.

Dấu hiệu hen suyễn ở trẻ: Khó thở

Trẻ mắc bệnh hen suyễn đường thở sẽ bị thu hẹp do phù nề, co thắt gây nên tình trạng khó thở. Khi trẻ gắng sức, cười, khó sẽ khó thở nhiều hơn.

Ở những trẻ còn nhỏ, việc phát hiện ra trẻ đang cảm thấy khó thở sẽ gặp nhiều khó khăn vì trẻ chưa biết nói. Cha mẹ xác định trẻ có bị khó thở hay không khi thấy trẻ thở nhanh hơn, thở sâu hơn, cơ ở cổ và lồng ngực của trẻ bị co kéo, cánh mũi phập phồng.

Đau tức ngực

Đường thở bị thu hẹp không chỉ khiến trẻ bị khó thở mà còn làm cho trẻ bị đau tức ngực vì không khí vào phổi không đủ.

Thông thường chỉ có trẻ lớn mới cảm nhận được dấu hiệu này và nói cho cha mẹ biết hoặc thực hiện hành động xoa ngực.

dấu hiệu hen suyễn ở trẻ Trẻ lớn biết cảm giác đau tức ngực hơn trẻ nhỏ

Trẻ giảm hoạt động thể lực

Dấu hiệu hen suyễn ở trẻ sẽ có cả việc trẻ cảm thấy mệt mỏi, không thể chạy nhảy, chơi đùa, cười giống như những trẻ khác và cảm thấy mau mệt khi đi bộ, thường đòi cha mẹ ẵm bồng.

Bên cạnh các triệu chứng kể trên, bệnh hen suyễn ở trẻ em nhận biết bằng các dấu hiệu như:

  • Khó ngủ do khó thở

    , ho hoặc thở khò khè.
  • Những cơn ho hoặc thở khò khè trở nên nặng hơn khi trẻ bị cảm lạnh hoặc cúm.

  • Trẻ chậm hồi phục hoặc bị viêm phế quản sau nhiễm trùng đường hô hấp.

Dấu hiệu hen suyễn ở trẻ em có sự khác nhau ở mỗi trẻ. Tùy từng trẻ sẽ có tất cả các triệu chứng hoặc chỉ có một vài triệu chứng. Theo thời gian, mức độ của triệu chứng có thể tốt hơn hoặc tệ đi. Các triệu chứng sẽ nặng hơn vào thời điểm ban đêm, sáng sớm, khi trẻ gắng sức hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây khởi phát cơn hen như lông vật nuôi, phấn hoa, ẩm mốc, bụi, khói thuốc, hóa chất, thức ăn,…

Đối với trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, việc nhận biết bệnh hen suyễn sẽ khó hơn vì trẻ có các triệu chứng ho, khò khè dù không bị hen suyễn.

Dấu hiệu hen suyễn ở trẻ nghiêm trọng cần tới bệnh viện ngay

Bệnh hen suyễn gây ra rất nhiều biến chứng cho sức khỏe của trẻ nếu không được phát hiện kịp thời, điều trị sớm, kiểm soát tốt, chẳng hạn như nhiễm khuẩn phế quản, tràn khí màng phổi, xẹp phổi, suy hô hấp, ngừng hô hấp… nghiêm trọng nhất là ảnh hưởng tính mạng.

Vì thế, khi nghi ngờ các dấu hiệu hen suyễn ở trẻ, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế thăm khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác bệnh và nhận chỉ định điều trị phù hợp từ bác sĩ.

Quan trọng, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời khi thấy trẻ có một trong các dấu hiệu hen suyễn dưới đây:

  • Sau khi đã dùng thuốc xịt cắt cơn hoặc không có sẵn thuốc cắt cơn, các triệu chứng ít hoặc không thuyên giảm.

  • Trẻ cảm thấy rất khó thở, phải ngồi dậy để thở

  • Khi thở thấy có hiện tượng co kéo vùng xung quanh xương sườn và cổ.

  • Trẻ bị hụt hơi và không thể nói một cách thoải mái hoặc hoàn thành các câu

  • Cánh mũi phập phồng

  • Tím tái vùng da môi hay đầu ngón tay

Chăm sóc trẻ bị hen suyễn như thế nào?

Do hen suyễn ở trẻ em là một bệnh mạn tính, vì vậy đòi hỏi phải liên tục theo dõi, điều trị trong nhiều tháng, nhiều năm. Các bậc phụ huynh cần kiên trì và nghiêm túc thực hiện phác đồ điều trị và dự phòng của bác sĩ dành cho trẻ để đạt hiệu quả kiểm soát hen tốt nhất, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Khò khè, ho dữ dội, khó thở, nặng ngực, phải ngồi dậy để thở, quấy khóc, không thể nói được câu dài,… là dấu hiệu hen suyễn ở trẻ thường gặp nhất. Các triệu chứng này thường xuất hiện một cách đột ngột khi trẻ gặp một yếu tố kích thích nào đó như gắng sức, thay đổi thời tiết, tiếp xúc với các chất gây dị ứng (như bụi, phấn hoa, thuốc, thức ăn,…) hay nhiễm virus hô hấp.

Đưa trẻ tránh xa những yếu tố kích thích khởi phát cơn hen và để trẻ ngồi ở nơi thoáng đãng là việc đầu tiên các bậc phụ huynh cần làm khi nhận thấy trẻ có các dấu hiệu của cơn hen cấp. Tiếp đó, cha mẹ cần cho trẻ sử dụng thuốc giãn phế quản đã được bác sĩ kê đơn để tác dụng nhanh đồng thời thực hiện biện pháp điều trị tại nhà để cắt cơn khó thở cấp:

  • Xịt họng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh 2 nhát/lần.

  • Theo dõi các dấu hiệu hen suyễn ở trẻ xem trẻ có dễ thở hơn không, có giảm ho, giảm khò khè, bớt tức ngực hơn hay không?

  • Sau 20 phút, nếu cơn hen không giảm thì lặp lại xịt họng lần 2.

  • Theo dõi thêm 20 phút nữa mà các triệu chứng vẫn không giảm thì lặp lại xịt họng lần 3 rồi nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để cấp cứu.

  • Có thể sử dụng máy phun khí dung hoặc buồng đệm hỗ trợ đối với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi hoặc trẻ không thể xịt bình xịt đúng cách.

Mang theo bình xịt thuốc cắt cơn hen suyễn cho trẻ dù ở bất cứ nơi nào để hạn chế nguy hiểm mà cơn hen suyễn gây ra và kiểm soát tốt tình trạng.

dấu hiệu hen suyễn ở trẻ Luôn mang bình xịt thuốc hen suyễn cho trẻ mọi lúc mọi nơi

Mục đích của việc điều trị dự phòng hen suyễn ở trẻ em là kiểm soát hoàn toàn các triệu chứng của bệnh, duy trì chức năng hô hấp bình thường và cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ để trẻ sinh hoạt, học tập, vui chơi bình thường như những trẻ khác.

Điều trị dự phòng hen suyễn có thể sử dụng thuốc uống, thuốc xịt hoặc xông khí dung. Tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh hen, kết quả kiểm soát hen trước đó và các bệnh trẻ mắc phải để quyết định việc sử dụng thuốc cho trẻ.

Cha mẹ và trẻ cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình cho trẻ sử dụng thuốc, đưa trẻ đi tái khám đúng hẹn và ngay cả khi bệnh hen của trẻ có vẻ đã khá hơn cũng không được tự ý ngưng thuốc.

Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt của trẻ hen suyễn

Để góp phần kiểm soát bệnh hen tốt hơn cũng như nâng cao sức khỏe cho trẻ, gia đình cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng phù hợp để bé bổ sung:

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học tại nhà

  • Bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin C, vitamin E (rau xanh, cà rốt, bưởi, cam,…) và thực phẩm chứa nhiều acid béo Omega 3 (cá hồi, cá thu, các loại hạt, dầu Omega 3,…)

  • Hạn chế các loại thức ăn dễ gây dị ứng và khởi phát cơn hen: một số loại ngũ cốc, hạt quả, thực phẩm chứa nhiều sulfite

Cho trẻ tránh xa các tác nhân gây khởi phát cơn hen

  • Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, đặc biệt là phòng ngủ của trẻ đảm bảo không gian sinh hoạt của trẻ luôn sạch sẽ.

  • Tuyệt đối không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc

  • Nếu trẻ bị dị ứng với lông động vật, cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với động vật, đồ chơi với vật nuôi, gấu bông…

  • Không cho trẻ tiếp xúc với các chất hóa học dễ gây kích ứng như chất tẩy rửa, nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng.

  • Duy trì mức hoạt động của trẻ ở mức bình thường, không cho trẻ vui chơi gắng sức.

  • Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết thay đổi và đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài, nhất là khi thời tiết lạnh, hạn chế bật điều hòa quá lạnh khi trẻ ở trong phòng.

Đưa trẻ đi tái khám định kỳ đúng lịch

Đối với bệnh hen suyễn ở trẻ, cần thăm khám định kỳ cách nhau 1 – 3 tháng ngay cả khi bệnh hen đã được kiểm soát tốt. Lịch tái khám có thể rút ngắn trong vòng 2 – 4 tuần nếu có dấu hiệu hen cấp tính sau khi đã điều trị cắt cơn.

Cho trẻ đi tái khám định kỳ sẽ giúp bác sĩ dễ dàng theo dõi diễn biến bệnh, đánh giá sát sao hiệu quả điều trị hiện tại và thay đổi phác đồ điều trị phù hợp nếu cần thiết nhằm kiểm soát bệnh cho trẻ hiệu quả nhất.

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Theo dõi fanpage của Khoa Nhi – Bệnh viện Hồng Ngọc TẠI ĐÂY để có thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe và các chương trình ưu đãi hấp dẫn từ bệnh viện.

Đọc tiếp
Quay lại
Hỏi đáp Bác sĩ
Viết câu hỏi
Cơ sở chuyên khoa liên quan
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh
  • Số 8 đường Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: +(84-24) 7300 8866
Đặt lịch ngay
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Yên Ninh - Trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe 5*
  • Số 55 Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
Phòng khám đa khoa Hồng Ngọc Keangnam
  • Tầng 10, Keangnam Landmark 72, Phạm Hùng, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HỒNG NGỌC - KOSMO TÂY HỒ
  • Gian S20 và TMDV 2A + 2B, Tầng 1 và 2, tổ hợp chung cư, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại Newtatco - Kosmo Tây Hồ, Phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay