Viêm da tiếp xúc ở trẻ: Biểu hiện, nguyên nhân, cách phòng tránh và điều trị

Viêm da tiếp xúc ở trẻ: Biểu hiện, nguyên nhân, cách phòng tránh và điều trị

28-03-2024
Da liễu

Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc bệnh viêm da tiếp xúc. Bệnh lý này khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày và cả giấc ngủ. Cần tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị hiệu quả để giúp con cảm thấy dễ chịu hơn.

Viêm da tiếp xúc là bệnh gì?

Viêm da tiếp xúc là một tổn thương da xảy ra khi tiếp xúc với các chất kích thích và chất dị ứng bên ngoài môi trường. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc bệnh này. 

Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra, có đến hơn 50% trẻ em, nhất là đối tượng 6 - 9 tháng tuổi mắc các bệnh về da. Nguyên nhân là do làn da của trẻ còn rất mỏng manh, non nớt, hơn nữa hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện nên rất dễ bị kích thích khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.

Khi gặp các chất dị ứng, chất gây kích thích từ bên ngoài, các tổn thương do viêm da tiếp xúc sẽ xuất hiện ngay ở vị trí tiếp xúc, với biểu hiện nổi mẩn đỏ, mụn nước, gây ngứa ngáy khó chịu. Tình trạng bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt thường ngày, đến việc ăn uống và giấc ngủ của bé. Ngoài ra, những nốt mụn có thể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ.

 viêm da tiếp xúc
 Viêm da tiếp xúc là bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ nhỏ

Biểu hiện của bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em

Biểu hiện của bệnh viêm da tiếp xúc thường xuất hiện nhất thời, khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng. Sau nhiều đợt tái phát, bệnh có thể tiến triển thành mãn tính. Khu vực chịu tổn thương nhiều nhất là da mặt, da đầu, khuỷu tay, bàn tay, đùi… Triệu chứng có thể xuất hiện và phát triển xung quanh miệng ở trẻ lớn.

Biểu hiện viêm da dị ứng ở mỗi trẻ là khác nhau và rất dễ nhầm lẫn với những bệnh viêm da thông thường ở trẻ. Vì thế, ba mẹ nên quan sát bé kỹ hơn để giúp phát hiện bệnh sớm. Khi bị viêm da dị ứng, bé sẽ có những biểu hiện dưới đây:

  • Một số vùng da trên cơ thể xuất hiện những nốt ban đỏ, có hình tròn hoặc hình dài, kích thước có thể giống nhau hoặc không.

  • Xuất hiện phù nề, da khô, bong vảy tại vị trí tổn thương.

  • Trẻ cảm thấy ngứa, các nốt mẩn đỏ sưng nhẹ và nóng rát.

  • Bề mặt vùng da bị tổn thương hình thành lớp sừng dày.

  • Trẻ quấy khóc, chà xát lên vùng da bị tổn thương khiến các nốt mụn rò rỉ dịch vàng.

  • Sau vài giờ dị ứng, các bọng nước có xu hướng tự vỡ và hình thành vảy. Vùng da bị tổn thương trở nên sần sùi.

Các triệu chứng của bệnh viêm da tiếp xúc dễ nhầm lẫn với những bệnh viêm da khác nên để được chẩn đoán chính xác nhất, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ nắm bắt được chính xác tình trạng bệnh của con và đưa ra phương pháp điều trị, chăm sóc phù hợp để bé nhanh khỏi bệnh và không còn khó chịu nữa.

viêm da tiếp xúc
 Khi gặp chất gây dị ứng, da bé sẽ nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy

6 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ. Trong đó, có 6 nguyên nhân chính dưới đây:

Nhóm chất kích ứng

Nhóm chất này chiếm đến 80% các nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc ở trẻ. Chúng bao gồm các loại hóa chất, chất tẩy rửa… gây tổn thương vùng da tiếp xúc trực tiếp với những hóa chất này mà không cần thông qua phản ứng dị ứng.

Nhóm chất dị ứng

Nhóm này chiếm khoảng 20% nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc. Chúng bao gồm các tác nhân như lông động vật, thay đổi thời tiết, phấn hoa… Những tác nhân này gây tổn thương da bé thông qua việc kích thích hệ miễn dịch của da và giải phóng ra các hóa chất trung gian gây dị ứng như histamin, IgE, prostaglandin… sau đó mới gây ra các triệu chứng lâm sàng của bệnh.

Một số tác nhân cụ thể gây viêm da tiếp xúc ở trẻ nhỏ gồm:

  • Đồ chơi của bé được làm từ chất liệu cao su.

  • Núm ti giả kém chất lượng.

  • Côn trùng cắn hoặc tiếp xúc với dịch tiết của côn trùng.

  • Các loại hóa chất, bột giặt, nước xả vải, mỹ phẩm dùng cho bé…

  • Do tiếp xúc với nấm mốc, phấn hoa…

  • Do da bé cọ sát với quần áo, bỉm tã…

  • Do trẻ sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, hạ sốt…

  • Do da bé tiếp xúc với các kim loại như bạc, inox, niken.

Di truyền

Viêm da tiếp xúc là bệnh có yếu tố di truyền. Vì vậy, nếu bố mẹ hoặc người thân mắc bệnh này, hoặc một số bệnh về da liên quan đến cơ địa thì nguy cơ cao trẻ cũng sẽ mắc bệnh này.

Trẻ sinh non

Những đứa trẻ sinh non, thiếu tháng thường nhẹ cân, sức đề kháng yếu ớt và cơ địa cũng nhạy cảm hơn so với trẻ được sinh đủ tháng đủ ngày. Do đó, trẻ dễ bị kích thích bởi những yếu tố bên ngoài môi trường, dẫn đến viêm da tiếp xúc.

Do cơ địa

Những em bé mắc các bệnh liên quan đến cơ địa như bệnh hen suyễn, viêm da cơ địa, bệnh chàm, viêm mũi dị ứng… thì sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm da tiếp xúc hơn so với những đứa trẻ bình thường khác.

Giới tính

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các bé gái có nguy cơ mắc bệnh viêm da tiếp xúc cao hơn so với bé trai.

chất gây dị ứng
 Một số hóa chất có thể là tác nhân gây viêm da tiếp xúc ở trẻ

Viêm da tiếp xúc ở trẻ có nguy hiểm không?

Viêm da tiếp xúc không chỉ gây khó chịu, ngứa ngáy với bé mà nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

Hoại tử da

Viêm da tiếp xúc bội nhiễm nếu không được điều trị sớm thì vùng da bị tổn thương, hoại tử, mất chức năng sinh lý bình thường và cần phải cắt bỏ đi. Biến chứng này khá nguy hiểm vì nếu không được xử lý sớm có thể lây lan sang vùng da bên cạnh và có nguy cơ dẫn tới ung thư da.

Viêm da tiếp xúc bội nhiễm

Khi bị viêm da tiếp xúc, bé thường xuyên cào gãi, chà xát do bị ngứa. Tình trạng này khiến các nốt mụn bị hở, tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn xâm nhập. Viêm da tiếp xúc bội nhiễm nếu không được chữa trị có thể gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết…

Cần làm gì khi trẻ bị viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu và tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm nên cần được phát hiện và điều trị sớm. Khi trẻ bị viêm da tiếp xúc, ba mẹ nên áp dụng những cách chữa trị sau:

Sử dụng thuốc

Ba mẹ có thể sử dụng những loại thuốc sau để điều trị viêm da tiếp xúc cho bé. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng:

Các loại thuốc bôi ngoài da

Hồ nước: Dung dịch này được sử dụng trong trường hợp mắc viêm da tiếp xúc hoặc một số bệnh ngoài da khác. Nó có tác dụng làm sạch da, sát khuẩn nhẹ nhàng và ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm. Khi sử dụng, ba mẹ dùng bông gòn hoặc tăm bông chấm vào hồ nước rồi thoa lên vùng da bị viêm của bé.

Thuốc tím: Khi da có dấu hiệu viêm nhiễm có thể sử dụng thuốc tím để thoa lên vị trí tổn thương. Hoặc ba mẹ có thể lấy một ít thuốc tím pha loãng với nước rồi tắm cho bé, giúp sát trùng, giảm ngứa để con cảm thấy dễ chịu hơn.

Thuốc bôi da chứa corticoid: Loại thuốc này có tác dụng ức chế miễn dịch nhằm chống lại những dị ứng kháng viêm mạnh. Tuy nhiên, thuốc chỉ được sử dụng cho trẻ trên 12 tuổi và phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Các loại thuốc uống

Khi cần thiết, ba mẹ phải sử dụng thuốc đường uống cho bé để trị bệnh viêm da tiếp xúc.

Thuốc giảm đau: Nhiều trường hợp trẻ bị viêm da tiếp xúc có biểu hiện đau đầu, sốt… Lúc này, bé sẽ được chỉ định paracetamol để giảm đau và hạ sốt. Thuốc này dùng cho trẻ hơn 2 tuổi.

Thuốc kháng sinh: Nếu trẻ có dấu hiệu viêm nhiễm nặng thì ba mẹ có thể sử dụng thuốc kháng sinh cho bé. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Thuốc kháng histamin H1: Thuốc có công dụng giảm viêm, giảm ngứa, ngăn ngừa tổn thương da lan rộng. Loại thuốc này khá an toàn với trẻ nhỏ.

trị viêm da tiếp xúc
 Sử dụng thuốc trị viêm da tiếp xúc cho trẻ cần theo chỉ dẫn của bác sĩ

Chăm sóc tại nhà

Khi bé bị viêm da tiếp xúc, ba mẹ có thể áp dụng một số cách chăm sóc tại nhà dưới đây để cải thiện tình trạng bệnh của con.

Tắm nước mát: Việc tắm nước mát giúp rửa trôi các tác nhân gây dị ứng, làm dịu da, giảm ngứa ngáy khó chịu. Mẹ có thể cho thêm một vài giọt tinh dầu tràm hoặc tinh dầu khuynh diệp vào nước tắm của con.

Thoa kem dưỡng ẩm: Sau khi làm sạch da ba mẹ thoa kem dưỡng ẩm cho bé để giúp làm dịu da và giảm mức độ tổn thương da. Khi chọn kem dưỡng ẩm, nên chọn loại dành riêng cho bé, có thành phần kháng khuẩn, không chứa cồn và các hương liệu dễ gây kích ứng.

Cho bé uống đủ nước: Uống đủ nước giúp hỗ trợ thanh lọc và giải độc cho cơ thể, ngoài ra, còn hỗ trợ điều hòa hệ miễn dịch, giúp ngăn ngừa tổn thương trên da hiệu quả.

Ăn uống đủ chất: Ba mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng của bé đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu như chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin… Ăn uống đủ chất giúp con khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng để chống lại bệnh tật. Ngoài ra, ba mẹ nên tránh những món ăn dễ gây dị ứng như trứng, hải sản, đậu phộng… nếu con đang bị viêm da.

Cho trẻ mặc thoáng mát: Khi bé bị viêm da, ba mẹ nên cho con mặc thoáng mát, quần áo mỏng nhẹ để tránh cọ xát lên vùng da đang bị tổn thương.

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Theo dõi fanpage của Da Liễu Bệnh Viện Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: 

https://www.facebook.com/thammyvienhongngoc

Hotline: 0912.854.193

Đọc tiếp
Quay lại
Hỏi đáp Bác sĩ
Viết câu hỏi
Cơ sở chuyên khoa liên quan
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh
  • Số 8 đường Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: +(84-24) 7300 8866
Đặt lịch ngay
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Yên Ninh
  • Số 55 Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
Phòng khám đa khoa Hồng Ngọc Keangnam
  • Tầng 10, Keangnam Landmark 72, Phạm Hùng, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HỒNG NGỌC - KOSMO TÂY HỒ
  • Gian S20 và TMDV 2A + 2B, Tầng 1 và 2, tổ hợp chung cư, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại Newtatco - Kosmo Tây Hồ, Phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay