Vệ sinh da cho bé đúng cách sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, ngăn ngừa các bệnh về da. Tăng cường tuần hoàn da và giúp sự bài tiết da được dễ dàng hơn và đem lại sự thoải mái cho trẻ.
Vì sao cần phải chú ý đến làn da của bé?
Nhiều mẹ cho rằng làn da của bé sẽ luôn mềm mịn tự nhiên. Tuy nhiên, nếu thời tiết hanh khô thì bé cũng sẽ bị nứt nẻ hoặc bong tróc da.
Hơn nữa, so với người lớn thì làn da của bé sẽ khá nhạy cảm, mỏng manh và rất dễ bị thương tổn. Bên cạnh đó, lượng dầu mà cơ thể của các bé tiết ra cũng khá ít.
Thế nên mỗi khi thời tiết thay đổi, mẹ cần phải có biện pháp vệ sinh và chăm sóc da, bổ sung nước đầy đủ để làn da của bé được bảo vệ tốt nhất.
Lưu ý trong cách vệ sinh da cho trẻ sơ sinh
Thông thường trẻ sinh ra có một lớp bao phủ bên ngoài gọi là chất “gây”. Lớp chất “gây” trong ngày đầu mới sinh có vai trò giữ nhiệt và bảo vệ cho da trẻ.
Do vậy, không nên tắm làm sạch chất “gây” trên da bé liền ngay sau sinh. Từ ngày thứ 2 trở đi, lớp chất “gây” này là môi trường thuận lợi cho nhiễm khuẩn da. Chính vì vậy mà sau sinh từ 1 ngày (24 giờ), hàng ngày trẻ phải được tắm sạch.
Nhiệt độ nước tắm thường là 37°C. Thời gian tắm không kéo dài quá 5 phút và bố mẹ có thể sử dụng sữa tắm trẻ em/lá chè xanh đun sôi, mướp đắng, chắt lấy phần nước hòa với nước đun sôi để nguội, hay hòa ít nước cốt chanh vào mùa nóng để phòng rôm sảy.
Làn da trẻ sơ sinh rất mềm mại, mỏng manh, nhạy cảm. Do tuyến bài tiết mồ hôi chưa hoàn thiện, trẻ sơ sinh dễ mất cân bằng pH da. Ngoài ra, sự đáp ứng miễn dịch còn kém, trẻ sơ sinh ít có khả năng chống lại vi khuẩn gây bệnh nên da bé rất dễ bị nhiễm trùng, tổn thương. Vì vậy, vấn đề chăm sóc và vệ sinh da cho trẻ sơ sinh rất quan trọng.
Nếu chúng ta biết thực hiện đúng cách, điều đó không chỉ giúp giữ sạch da cho bé, loại trừ các chất bẩn, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh, phòng ngừa bệnh về da mà còn ngăn chặn sự bội nhiễm có thể gây nguy hiểm cho bé.
Trước khi tắm bé, bố mẹ nên chuẩn bị sẵn các đồ dùng: chậu tắm, sữa tắm dành cho bé, khăn lau, tã sạch, quần áo... Bố mẹ phải thực hiện đúng các bước lau tắm cho bé, kiểm tra nước ấm vừa đủ, chú ý lau rửa kỹ các vùng da có nếp gấp như : cổ, phía sau tai, cổ tay - chân, nách, đùi, bẹn, mông của bé.
Việc tắm rửa cho bé cũng giúp cha mẹ có thời gian kiểm tra cơ thể bé có bị phát ban, nổi mẩn, vùng da nào bị khô, hay có chỗ trầy xước nào không.
Bên cạnh đó, thời gian tắm rửa, chăm sóc da cho bé còn mang lại nhiều lợi ích khác như: kích thích sự lưu thông mạch máu ở tứ chi qua việc massage cơ thể và chân tay của bé, tăng cường sự tương tác tích cực giữa cha mẹ và bé qua ánh mắt, cử chỉ.
Đối với trẻ sơ sinh (trong khoảng 1 tháng tuổi) bạn có thể cách ngày tắm cho bé 1 lần. Những ngày không tắm cũng phải lau người và vệ sinh bộ phận sinh dục cho bé. Thay bỉm thường xuyên, rửa bằng nước sạch sau mỗi lần đi đại tiện.
Ở trẻ sơ sinh, làn da chưa phát triển một cách hoàn thiện, da dễ bị kích ứng vì vậy bạn cũng cần chọn loại sữa tắm dành riêng cho bé, không chứa các thành phần gây dị ứng, giúp tái tạo và duy trì độ của da, làm sạch bụi bẩn và thích hợp với da bé. Khi sử dụng các chế phẩm khác để bảo vệ và dưỡng ẩm cho da bé, tốt nhất bạn nên tham khảo tư vấn của bác sĩ để có sự lựa chọn phù hợp.
Tuyệt đối, bạn không nên dùng xà phòng để tắm cho trẻ nhỏ vì có thể sẽ gây khô da. Sau khi tắm, cần mặc quần áo thoáng rộng, chất liệu vải mềm, có độ thấm hút tốt cho bé. Một số nước hoa, thuốc nhuộm trên quần áo có thể gây kích ứng cho da bé. Do vậy chỉ dùng nước tắm dành riêng cho trẻ sơ sinh, hạn chế dùng mỹ phẩm nhưng có thể sử dụng kem dưỡng da sơ sinh ở vùng da khô, thiếu nước.
Nhiệt độ quá nóng hoặc quá ẩm rất dễ bị viêm da, nổi mẩn đỏ hay phát ban nên tuyệt đối bố mẹ không ủ trẻ trong điều kiện như thế này.
Khi nhiệt độ môi trường xung quanh trẻ trong khoảng 27°C- 28°C bố mẹ nên thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của trẻ.
Nếu trẻ có mồ hôi hoặc quần áo ẩm phải thay quần áo ngay. Nên chọn quần áo cho trẻ là vải cotton, vải không pha nilon để dễ thấm mồ hôi cho trẻ. Bố mẹ nên giặt riêng quần áo, ga giường, chăn của trẻ để bảo vệ da bé khỏi các vi khuẩn xung quanh.
Có thể bạn quan tâm:
Lưu ý trong cách vệ sinh da cho trẻ nhỏ
Luôn bảo vệ làm da của bé
Hãy giúp bé bảo vệ làn da trong quá trình sinh hoạt, vui chơi mỗi ngày. Sân chơi an toàn hãy chọn các loại đồ chơi có chất liệu an toàn. Đồ chơi mà các bé thường xuyên tiếp xúc, lăn bò như nhà bóng cho bé hay bể bơi, cầu trượt cần được làm từ chất liệu tốt, không chứa chất hóa học độc hại, vượt mức giới hạn cho phép.
Khi bé ra nắng dạo chơi bên ngoài (trời nắng to trong khung giờ từ khoảng 9h – 16h30 chiều) nên áp dụng các biện pháp chống nắng thích hợp. Sử dụng kem chống nắng dành cho trẻ nhỏ để thoa cho bé trước khi ra ngoài, giúp bé vui chơi mà không lo xấu đi làn da. Thử thoa lên một vùng da nhỏ của trẻ trước, nếu có xảy ra dị ứng như nổi mẩn hoặc tấy đỏ thì nên dừng ngay, không sử dụng tiếp tục loại kem đó cho bé.
Mặc quần áo dài tay, mũ nón chống nắng phù hợp để hợp với trẻ khi ra ngoài vui chơi với xe trượt scooter, xe đạp cho bé ngoài trời để bé không bị tác động của điều kiện thời tiết, tránh các tác hại của tia tử ngoại, bảo vệ làn da tốt hơn.
Luôn cho bé diện trang phục với chất liệu mềm mại, dễ chịu, thấm mồ hôi tốt giúp bé thoải mái hơn trong vui chơi, vận động.
Vì nước là thành phần chính giúp làn da luôn mềm mại và mịn màng nên các mẹ cho bé sơ sinh bú nhiều là rất tốt.
Chăm sóc vùng da đầu cho bé
Tương tự như tắm bé không nên gội đầu quá thường xuyên, mỗi ngày cho bé sẽ không tốt cho sức khỏe cũng như da đầu, tóc trẻ sẽ khô cứng hơn. Chỉ gội đầu khi đầy bé đã bẩn.
Chọn dầu gội dành riêng cho em bé nhé, không chứa chất tẩy mạnh khiến da đầu của bé mỏng, gây dị ứng, khó chịu cho bé. Cần dùng dầu gội hàng ngày trong 4 tháng đầu tiên để nhằm loại bỏ lớp da cáy.
Xoa nhẹ nhàng đầu bằng dầu gội thích hợp rồi dùng vòi nước hoa sen có nước ấm hay dùng cốc nhựa nhỏ dội thật nhẹ, từ từ lên đầu bé.
Không cậy bỏ các “vảy nến trên đầu của các bé nhỏ vì chúng là lớp màng bảo vệ và sẽ tự mất đi. Nếu cậy bỏ sẽ có thể làm trẻ đau hoặc nhiễm trùng nguy hiểm đến sức khỏe của bé.
Chăm sóc vùng da mặt của bé
Vùng da mặt của bé thường rất mỏng manh, dễ bị kích ứng nhưng lại hay tiếp xúc với bên ngoài nhiều. Vì vậy, cần biết cách làm sạch làn da mà vẫn đảm bảo được độ ẩm của da tránh bị nứt nẻ khi mùa hanh khô. Đối với trẻ sơ sinh thường xuất hiện những chấm nhỏ màu trắng (lác sữa), mẩn đỏ trên mặt, vết rôm sảy mẹ đừng quá lo lắng mà cố gắng làm sạch, chúng vô hại và sẽ tự biến mất.
Chăm sóc da tay, chân của bé
Ở giai đoạn này, chân tay bé thường thay da để thích ứng với môi trường tự nhiên. Hãy dùng kem dưỡng da em bé để loại bỏ những vùng da chết.
Chăm sóc da vùng kín
Vệ sinh “vùng kín” - mông luôn đi kèm với việc thay đồ cho bé. Việc vệ sinh vùng này thường xuyên là rất tốt, giúp bảo vệ da của bé, bởi trong phân và nước tiểu có chứa axít và các vi khuẩn gây hại.
Cần chú ý làm khô da bé với khăn tắm thấm nước bằng những cái vỗ vỗ nhẹ liên tiếp, đặc biệt chú ý đến những nếp gấp ở bẹn. Cơ quan sinh dục của bé luôn phải được chăm sóc một cách cẩn thận, chu đáo.
Đối với bé gái, hãy sử dụng miếng băng gạc hay vải cotton ướt không có xà phòng vệ sinh trong mọi nếp gấp da, kể cả những mép âm đạo và theo hướng từ âm hộ xuống hậu môn.
Đối với bé trai, hãy sử dụng một miếng gạc hay vải cotton ướt không xà phòng để rửa sạch dương vật cũng như phần đầu của bao quy đầu. Thực hiện việc này thật nhẹ nhàng, không quá mạnh, tránh vén bao quy đầu khi bé chưa được 4 tháng tuổi.
Trong trường hợp có những nốt đỏ và tấy rát, hãy dùng thuốc mỡ hay nước rửa vệ sinh để bảo vệ và làm dịu các biểu bì ở mông. Nên dùng cho bé tã giấy chất lượng cao để có thể yên tâm hoàn toàn về làn da bé ở những vùng nhạy cảm nhất của cơ thể.
Bảo vệ làn da toàn thân bằng việc tắm đúng cách
Việc tắm đúng cách không chỉ giữ gìn vệ sinh bảo vệ tốt cho sức khỏe của trẻ và còn có tác dụng tốt đối với làn da của trẻ nhỏ. Vì vậy, hãy tắm rửa đúng cách, chú ý các vấn đề sau:
Sử dụng sữa tắm gội bảo vệ làn da, có độ PH trung tính dùng riêng cho bé, không gây kích ứng, chứa chất tẩy làm mất độ ẩm của da giúp bé có làm da sạch sẽ và mịn màng.
Không tắm rửa quá nhiều cho bé, đặc biệt là khi thời tiết trở lạnh vì có thể khiến cho bé dễ ốm, cảm lạnh và làm da bị mất nước, gây tình trạng da khô. Với trẻ lớn chỉ cần tắm cho bé 1 lần/ngày là đủ.
Sử dụng kem dưỡng da hiệu quả cho bé
Sử dụng kem dưỡng dành riêng cho bé, tuyệt đối không dùng kem dưỡng da của mẹ đang dùng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến làn da đang non nớt của bé.
Dùng kem dưỡng đúng liều lượng và quy định. Việc dùng nhiều kem dưỡng không hề tốt cho da cửa bé mà còn rất lãng phí. Mẹ chỉ nên thoa 1 lớp kem dưỡng ẩm cho bé sau khi tắm xong hoặc trước khi đi ngủ buổi tối thôi.
Dùng kem dưỡng có thành phần tự nhiên, hạn chế có mùi hương hoặc có mùi hương dịu nhẹ, không bị hắc như mùi hoa oải hương, vani, chanh hoặc cam.
Chọn những sản phẩm có thành phần chiết xuất chủ yếu từ các thảo dược tự nhiên, các chất lành tính. Theo các chuyên gia thì kem dưỡng có thành phần chính là mật ong và sữa là tốt nhất cho bé
Cố gắng tìm hiểu thật kỹ thành phần để tránh những sản phẩm có chất dị ứng với bé.
Nên mua những tuýp nhỏ trước để bé dùng thử vì làn da của mỗi bé không giống nhau.
Chọn những địa chỉ uy tín, chính hãng để mua kem dưỡng cho bé. Các mẹ tuyệt đối không nên ham hàng rẻ mà chọn sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng.
Ngoài việc dùng kem dưỡng ẩm, đối với những bé không còn dùng sữa mẹ, nên chú ý bổ sung nhiều nước cho bé vì nước là thành phần chính giúp làn da luôn mềm mại và mịn màng.
Với các bé bị viêm da cơ địa hay bị chàm thì tần suất bôi kem cần nhiều hơn từ 3-5 lần/ngày. Thậm chí khi nào nhìn thấy da mặt bé có dấu hiệu đỏ hoặc khô thì có thể tiếp tục bôi lớp kem mỏng lên.
Chăm sóc da cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không phải là một điều đơn giản. Bố mẹ cần tìm hiểu những kiến thức chính xác xoay quanh về làn da trẻ để con có thể thoải mái phát triển.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác