Chứng tự kỷ ở trẻ em điển hình với việc rối loạn các kỹ năng khác nhau ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều mặt, nhất là kỹ năng giao tiếp xã hội và hành vi. Tình trạng tự kỷ nếu không được phát hiện kịp thời sẽ khó cải thiện, trẻ sẽ càng tự cách biệt bản thân đối với xã hội. Vậy để phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ cần làm những gì?
Phát hiện sớm và chẩn đoán tự kỷ ở trẻ
Dấu hiệu nghi ngờ trẻ tự kỷ cha mẹ cần biết
Không bập bẹ khi 12 tháng tuổi
Không biết ra hiệu khi 12 tháng tuổi
Không nói từ đơn khi 16 tháng tuổi
Không tự nói câu hai từ khi 24 tháng tuổi
Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng giao tiếp ở bất kỳ lứa tuổi nào
Chẩn đoán tự kỷ ở trẻ
Để chẩn đoán trẻ tự kỷ, có thể căn cứ theo:
Khiếm khuyết về chất lượng quan hệ xã hội (mắc tối thiểu 2 dấu hiệu)
- Khiếm khuyết về sử dụng các hành vi không lời một cách rõ rệt như mắt nhìn mắt, thể hiện bằng nét mặt, tư thế của cơ thể và các cử chỉ khác nhằm điều hành quan hệ xã hội.
- Mối quan hệ bạn bè kém phát triển tương ứng với mức phát triển.
- Thiếu khả năng tìm kiếm sự chia sẻ niềm vui, các mối quan tâm, các thành tích với người xung quanh (không biết khoe, nói cho người khác những thứ bản thân thích).
- Thiếu tình cảm và quan hệ xã hội.
Khiếm khuyết về chất lượng giao tiếp (mắc tối thiểu 1 dấu hiệu)
- Kỹ năng nói chậm hoặc hoàn toàn không phát triển (không kể đến việc thay thế bằng các kiểu giao tiếp khác như điệu bộ hoặc nét mặt).
- Khiếm khuyết rõ rệt về khả năng khởi xướng và duy trì hội thoại với người khác ở những trẻ có thể nói được.
- Ngôn ngữ trùng lặp và rập khuôn khi sử dụng hoặc ngôn ngữ lập dị.
- Thiếu các trò chơi đa dạng hoặc giả vờ chơi, bắt chước chơi mang tính xã hội để phù hợp với mức phát triển.
Gò bó, trùng lặp, định hình những mẫu hành vi, mối quan tâm, hoạt động (xuất hiện tối thiểu 1 dấu hiệu)
- Bận tâm bao trùm với 1 hoặc nhiều kiểu thích thú bất thường về tính định hình, cả cường độ và độ tập trung.
- Với những hoạt động hoặc những nghi thức đặc biệt sẽ bị cuốn hút rõ rệt, không khoan nhượng.
- Lặp lại hoặc rập khuôn những cử chỉ, cử động như vê, xoắn vặn tất hoặc những cử động phức tạp của cơ thể.
- Bận tâm kéo dài với những chi tiết của vật.
Chậm phát triển hoặc bất thường chức năng hoạt động ở ít nhất 1 trong các lĩnh vực sau (trước 3 tuổi)
- Quan hệ xã hội
- Sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp
- Chơi tượng trưng hoặc tưởng tượng
Xét nghiệm chẩn đoán
Tự kỷ ở trẻ có thể được chẩn đoán thông qua các xét nghiệm như điện não đồ, đo thính lực, test Denver, nhiễm sắc thể, chụp CT sọ não.
Phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ
Phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ cần đảm bảo những nguyên tắc sau:
- Ngay sau khi phát hiện dấu hiệu tự kỷ cần can thiệp sớm
- Nhóm can thiệp sớm sẽ gồm: bác sĩ phục hồi chức năng nhi khoa, cán bộ tâm lý, cán bộ tâm thần, kỹ thuật viên ngôn ngữ, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu, giáo viên mẫu giáo đặc biệt và cha mẹ trẻ.
- Tùy theo mức độ tự kỷ và mức độ sự phát triển của trẻ để thiết lập chương trình can thiệp phù hợp.
- Kiên trì và đều đặn cant hiệp theo đợt tại trung tâm phục hồi chức năng phối hợp với điều trị tự kỷ tại nhà.
Quá trình can thiệp được thực hiện tại khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Trung Ương.
Áp dụng phương pháp phân tích hành vi ứng dụng (ABA) để phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ
Chương trình phân tích hành vi ứng dụng (Applied Behavior Analysis – ABA) bao gồm 100 bài tập theo thứ tự từ đơn giản tới phức tạp. Các kỹ năng đặc biệt trong chương trình ABA được chia thành từng bước nhỏ khi dạy cho trẻ, dạy một bước trong một thời điểm và để củng cố bước trước đó.
Hiện nay, tại Việt Nam, phương pháp ABA đã được áp dụng tại nhiều trung tâm can thiệp tự kỷ để dạy các cá nhân tự kỷ với những khả năng khác nhau và có thể được áp dụng trong tất cả các kỹ năng: tự chăm sóc, ngôn ngữ, lời nói và kỹ năng xã hội.
Để thiết lập một chương trình can thiệp hành vi ứng dụng cần: chọn khoảng 1 – 10 bài, mỗi bài chọn 1 – 3 tiết mục sắp xếp vào phiếu can thiệp hành vi. Can thiệp trong thời gian tối thiểu 60 phút/ngày, can thiệp mỗi ngày sau khi phát hiện tự kỷ, tốt nhất 40 giờ/tuần trong 1 – 3 năm đầu.
Người thực hiện là kỹ thuật viên ngôn ngữ, kỹ thuật viên hoạt động, giáo viên mầm non hoặc gia đình.
Hình thức trị liệu
Phương pháp ABA áp dụng cho trị liệu cá nhân, giữa một cô giáo và một trẻ.
Thời gian trị liệu một lần khoảng 30 phút, thực hiện trong 5 – 6 ngày/tuần, 3 tuần/đợt, 4 – 6 đợt/năm.
Tùy theo mức độ của từng trẻ, quá trình trị liệu kéo dài 6 tháng, 12 tháng hoặc 24 tháng góp phần cải thiện hành vi và tăng cường khả năng tập trung, học tập của trẻ.
Các nội dung trong trị liệu trẻ tự kỷ
Trị liệu ngôn ngữ và giao tiếp
Hầu hết trẻ tự kỷ gặp vấn đề nghiêm trọng trong phát triển giao tiếp và ngôn ngữ nên cần được trị liệu ngôn ngữ và giao tiếp.
Có 3 mức độ của chương trình can thiệp Giao tiếp và Ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ:
- Chương trình huấn luyện mức độ ban đầu về các kỹ năng: kỹ năng bắt chước, kỹ năng chú ý, kỹ năng tiếp nhận ngôn ngữ, kỹ năng trước khi đến trường, kỹ năng thể hiện ngôn ngữ, kỹ năng tự chăm sóc.
- Chương trình huấn luyện mức độ vừa về các kỹ năng: các kỹ năng giống với mức độ ban đầu nhưng ở mức độ cao hơn.
- Chương trình huấn luyện mức độ cao về các kỹ năng: giống như trên và thêm Kỹ năng trường học, ngôn ngữ trừu tượng, kỹ năng xã hội.
Hoạt động trị liệu
Kỹ năng vận động tinh liên quan đến các cử động nhỏ của bàn tay cổ tay, ngón tay, ngón chân, môi và lưỡi giúp trẻ hiểu về ngôn ngữ, lời nói, ngôn ngữ không lời, phối hợp với các hoạt động chức năng của bàn tay được gọi là hoạt động trị liệu.
Nhiệm vụ hướng dẫn của kỹ thuật viện hoạt động trị liệu gồm:
- Kỹ năng sinh hoạt hằng ngày của trẻ tự kỷ: ăn uống (dùng dao, thìa, dĩa, cốc), mặc quần áo, tắm rửa, đi giày, đi tất, đi vệ sinh.
- Kỹ năng của bàn tay: cách viết, cách cầm vật nhỏ, cách vẽ, dùng kéo cắt dán
- Kỹ năng tiền học đường
Phương pháp chơi trị liệu
Trẻ tự kỷ thường xuất hiện đặc điểm thường thấy là thiếu các kỹ năng chơi phù hợp với lứa tuổi nên mục tiêu liên quan đến việc chơi và sử dụng thời gian một cách thích hợp sẽ có trong giáo trình tổng hợp cho trẻ nhỏ tự kỷ.
Hoạt động chơi của trẻ nhỏ là phương tiện chủ yếu để dạy các kỹ năng xã hội và nhiều trị liệu khác nhằm cải thiện động cơ hoặc ngôn ngữ hay các kỹ năng nhận thức.
Ngoài ra, trẻ tự kỷ cũng bị hạn chế về kỹ năng chơi tập thể nhóm nhỏ nên giáo viên cần hướng dẫn trẻ chơi theo một nhóm khoảng 5 – 6 người theo một chủ đề nào đó (gia đình, bác sĩ, xây dựng, nấu nướng…) để giúp trẻ hòa nhập với bạn bè và tuân theo các luật chơi.
Điện kích thích phát âm
Sử dụng máy VOCASTIM hỗ trợ việc kích thích tạo ra âm thanh và lời nói của trẻ.
Cho trẻ sử dụng 15 phút/ngày, 5 – 6 ngày/tuần, 3 tuần/đợt, 4 – 6 đợt/năm.
Sử dụng thuốc trong phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ
Tự kỷ không thể điều trị khỏi bằng thuốc, thuốc chỉ đóng vai trò giúp tăng cường độ tập trung, giảm triệu chứng và điều chỉnh hành vi tự kỷ.
Các thuốc được dùng cho trẻ tự kỷ sẽ gồm có:
- Thuốc làm giảm tăng động (Clonidine, Risperdal).
- Thuốc giảm hung tính (Haloperidol)
- Thuốc điều chỉnh cảm xúc(Tegretol).
- Thuốc tăng độ tập trung (Citicoline, Fluoxetine, DMAE H3, DHA).
- Thuốc điều chỉnh động tác lặp lại định hình (Zoloft).
- Thuốc tăng tuần hoàn não:Cerebrolysin, Nootropil, Lucidrin…
- Các loại thuốc hỗ trợ: Magie B6, canxi, sắt, thuốc điều trị động kinh.
Chứng tự kỷ nằm trong nhóm rối loạn phát triển lan tỏa, có ảnh hưởng tới sự phát triển về nhiều mặt của trẻ nên khi phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ cần thật sự kiên trì để có kết quả tốt nhất.
Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế uy tín hoặc tham khảo y kiến bác sĩ Nhi có chuyên môn để biết cách điều trị trẻ tự kỷ tại nhà tốt nhất.
Với mong muốn đồng hành cùng các gia đình có trẻ mắc tự kỷ, Bệnh viện Hồng Ngọc đã triển khai dịch vụ thăm khám và điều trị cho trẻ tự kỷ và nhận được nhiều tin tưởng của các bậc phụ huynh.
Trực tiếp thăm khám và điều trị tự kỷ cho trẻ tại Hồng Ngọc là BSCKII Phạm Đức Thịnh với hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa; hơn 10 năm công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em (còn gọi là Trung tâm Nguyễn Khắc Viện).
Sau khi trở thành Giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, bác sĩ Thịnh vẫn trực tiếp tham gia chẩn đoán, tư vấn và trị liệu cho trẻ em có vấn đề tâm lý như tự kỷ, tăng động giảm chú ý, rối loạn hành vi…
Với trình độ chuyên môn cao về Nhi khoa và Tâm lý trẻ em cùng sự tận tâm với bệnh nhi BS Thịnh đã đồng hành cùng rất nhiều gia đình có trẻ tự kỷ trị liệu thành công.
Thông tin liên hệ và đặt lịch khám
Tel: 024 3927 5568 (máy lẻ 8)
Hotline: 0916 690 018
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý. Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/