Viêm ruột thừa: Đau ruột thừa bên nào? Dấu hiệu, nguyên nhân và điều trị

Viêm ruột thừa: Đau ruột thừa bên nào? Dấu hiệu, nguyên nhân và điều trị

27-02-2020
Tiêu hóa - Gan - Mật

Viêm ruột thừa có thể gây đau bụng dữ dội cho người bệnh và phải cấp cứu ngay nếu không sẽ để lại hậu quả xấu.

Ruột thừa là gì?

Ruột thừa (ruột dư) là một đoạn ruột nhỏ, kín, tận cùng, đường kính 0,5-1cm, dài khoảng 8cm gắn vào manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Lớp lót bên trong lòng ruột thừa tiết ra ít chất nhầy và chảy vào manh tràng. Thành của ruột thừa chứa mô bạch huyết, là một phần của hệ miễn dịch sản xuất kháng thể.

Giống như những đoạn còn lại của đại tràng (ruột già) thì thành của ruột thừa cũng có chứa lớp cơ, nhưng lớp cơ này phát triển kém. Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là gì?

Viêm ruột thừa là tình trạng viêm của ruột thừa. Người ta nghĩ rằng viêm ruột thừa là do lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng bị tắc nghẽn. Hiện tượng tắc nghẽn này là do tích tụ nhiều chất dịch nhầy trong lòng ruột thừa hoặc do phân từ manh tràng đi vào ruột thừa. Chất nhầy hay phân trở nên cứng, giống như đá và làm tắc nghẽn lỗ thông.

Hiện tượng phân cứng như đá được gọi là “sỏi phân” (phân có kích thước bằng hạt đậu, cứng và bị canxi hóa gây tắc nghẽn lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng). Có thể có hiện tượng mô bạch huyết của ruột thừa bị phù và làm tắc nghẽn ruột thừa. Sau khi hiện tượng tắc nghẽn xảy ra, các vi khuẩn bình thường thường trú trong lòng ruột thừa bắt đầu xâm lấn vào thành ruột thừa.

Cơ thể đáp ứng với hiện tượng xâm lấn này bằng cách tấn công các vi khuẩn. Hiện tượng tấn công các vi khuẩn đó được gọi là viêm. Nếu hiện tượng viêm và nhiễm trùng lan rộng đến thành ruột thừa thì ruột thừa sẽ bị vỡ ra. Sau khi ruột thừa vỡ, nhiễm trùng sẽ lan rộng vào trong ổ bụng. Tuy nhiên hiện tượng nhiễm trùng này thường giới hạn thành một vùng nhỏ xung quanh ruột thừa được gọi là áp xe quanh ruột thừa.

Có thể bạn quan tâm:

Đau ruột thừa bên trái hay bên phải? Dấu hiệu đau ruột thừa? 

Viêm ruột thừa thường có biểu hiện đau vùng bụng dưới bên phải, ngoài ra có thể đi kèm một số triệu chứng sau: 

  • Ói mửa và buồn nôn;
  • Đau ở vùng dưới bên phải của bụng và càng đau hơn khi dùng tay ấn vào;
  • Đau nhức ngay phía trên rốn, vốn có thể lan rộng đến khu vực dưới bên phải của bụng;
  • Cơn đau nói trên trở nên tồi tệ hơn khi ho, hắt hơi, đi lại hoặc hít thở sâu;
  • Sốt nhẹ
  • Bị tiêu chảy, táo bón hoặc không thể “đánh rắm”
  • Mất cảm giác ngon miệng;
  • Chướng bụng;

Viêm ruột thừa có nguy hiểm không? 

Viêm ruột thừa có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào thời điểm xác định bệnh. Nếu tình trạng viêm ruột thừa không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Đám quánh ruột thừa: Đây là tình trạng ruột thừa viêm được các tổ chức xung quanh bao bọc lại, thường gặp ở người bệnh khỏe mạnh, đã sử dụng kháng sinh và nhập viện vào ngày thứ 4-5 sau khi xuất hiện triệu chứng đau vùng hố chậu phải. Đây là thể bệnh duy nhất không cần can thiệp cấp cứu ngay mà được điều trị bảo tồn. Sau khi ổn định, ruột thừa sẽ được chỉ định cắt bỏ chủ động sau 3-6 tháng.
  • Áp xe ruột thừa: Là biến chứng xảy ra khi mủ và dịch viêm trong lòng ruột thừa chảy ra nhưng được các quai ruột và mạc nối lớn bao bọc, khu trú lại và tạo ổ áp xe. Người bệnh có biểu hiện đau tăng vùng hố chậu phải và sốt cao. Điều trị ưu tiên là chọc hút dẫn lưu ổ áp xe kết hợp điều trị kháng sinh, sau đó ruột thừa sẽ được cắt bỏ khi ổn định (khoảng 3-6 tháng sau).
  • Viêm phúc mạc: Khi ruột thừa vỡ, mủ và dịch tiêu hóa tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc toàn thể – một cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng. Người bệnh cần được phẫu thuật khẩn cấp để cắt ruột thừa, lau rửa ổ bụng và đặt dẫn lưu. Sau mổ, bệnh nhân sẽ được điều trị kháng sinh phổ rộng. Nếu không xử trí kịp thời, viêm phúc mạc có thể dẫn đến nhiễm trùng nhiễm độc nặng, thậm chí tử vong.
  • Nhiễm khuẩn huyết: Là biến chứng nguy hiểm nhất, xảy ra khi vi khuẩn từ ổ viêm lan vào máu, gây suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn và nguy cơ tử vong rất cao. Biến chứng này thường phát triển từ viêm phúc mạc không được điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, bệnh có thể được kiểm soát tốt nếu được điều trị nhanh chóng bằng phẫu thuật cắt ruột thừa kết hợp kháng sinh liều mạnh.

Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa điều trị viêm ruột thừa  

Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa là phương pháp điều trị chính cho viêm ruột thừa cấp tính nhằm ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Chỉ định phẫu thuật được áp dụng trong các trường hợp như viêm ruột thừa chưa biến chứng, viêm ruột thừa vỡ gây viêm phúc mạc, áp xe ruột thừa, nhiễm trùng huyết do viêm ruột thừa, hoặc đám quánh ruột thừa (cắt chủ động sau 3-6 tháng để tránh tái phát). Ngoài ra, viêm ruột thừa mạn tính với triệu chứng đau tái phát cũng có thể cần phẫu thuật.

Ưu điểm của phương pháp nội soi cắt ruột thừa

Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa ngày càng được ưu tiên nhờ nhiều lợi ích vượt trội so với mổ mở truyền thống:

  • Ít xâm lấn, giảm đau sau mổ: Đường mổ nhỏ giúp bệnh nhân ít đau hơn và giảm nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.
  • Thời gian hồi phục nhanh: Bệnh nhân có thể xuất viện sau 1-2 ngày, quay lại sinh hoạt bình thường sớm hơn.
  • Sẹo nhỏ, tính thẩm mỹ cao: Vết sẹo gần như không đáng kể, đặc biệt phù hợp với người trẻ và phụ nữ.
  • Giảm nguy cơ dính ruột, biến chứng sau mổ: Nội soi giúp bảo tồn cấu trúc ổ bụng, hạn chế nguy cơ dính ruột và tắc ruột về sau.
  • Chẩn đoán và xử trí tốt hơn: Trong trường hợp ruột thừa không điển hình, nội soi giúp bác sĩ quan sát toàn bộ ổ bụng, hỗ trợ phát hiện bệnh lý khác nếu có.

Quy trình nội soi cắt ruột thừa: Trước, trong và sau phẫu thuật

Phẫu thuật nội soi là phương pháp điều trị hiệu quả và ít xâm lấn, giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn so với mổ hở truyền thống. Vậy các bước thực hiện nội soi cắt ruột thừa diễn ra như thế nào?

1. Chuẩn bị trước phẫu thuật nội soi 

  • Nhịn ăn: Người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi mổ, trừ trường hợp cấp cứu.
  • Truyền dịch: Bác sĩ sẽ đặt đường truyền tĩnh mạch để bổ sung dịch và duy trì huyết áp.
  • Dùng kháng sinh dự phòng: Giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng sau mổ.
  • Gây mê toàn thân: Đảm bảo bệnh nhân không cảm thấy đau trong suốt quá trình phẫu thuật.

2. Quy trình nội soi cắt ruột thừa

  • Gây mê và đặt ống nội khí quản để duy trì hô hấp.
  • Tạo lối vào ổ bụng: Bác sĩ rạch 2-3 đường nhỏ gần rốn, hạ sườn phải và vùng trên xương mu để đặt trocar – kênh dẫn dụng cụ nội soi.
  • Bơm khí CO₂ giúp nâng thành bụng, tạo khoảng trống cho thao tác phẫu thuật.
  • Sử dụng camera nội soi có độ phân giải cao để quan sát toàn bộ ổ bụng trên màn hình phóng đại.
  • Loại bỏ ruột thừa: Bác sĩ sẽ cắt ruột thừa, nếu có biến chứng viêm phúc mạc thì cần rửa sạch ổ bụng và đặt ống dẫn lưu để ngăn tụ dịch.
  • Hoàn tất phẫu thuật: Sau khi ruột thừa được lấy ra, bác sĩ rút dụng cụ và khâu đóng vết mổ.

Ekip bác sĩ Hồng Ngọc thực hiện ca phẫu thuật cắt ruột thừa

3. Chăm sóc sau phẫu thuật nội soi

  • Theo dõi sức khỏe: Người bệnh sẽ được giám sát chặt chẽ về nhịp tim, huyết áp, phản ứng sau gây mê.
  • Ăn uống nhẹ nhàng: Trong ngày đầu, chỉ nên ăn cháo loãng, sữa, súp để hệ tiêu hóa thích nghi dần.
  • Vận động sớm: Giúp giảm nguy cơ dính ruột và tụ dịch trong ổ bụng.
  • Xuất viện và hồi phục: Hầu hết bệnh nhân có thể xuất viện sau 1 ngày nếu không có biến chứng. Trường hợp ruột thừa vỡ có viêm phúc mạc, cần theo dõi lâu hơn với kháng sinh điều trị.
  • Chăm sóc vết mổ: Người bệnh có thể tắm nhưng cần thay băng, tránh để vết thương ướt hoặc nhiễm trùng.
  • Dinh dưỡng và vận động: Bổ sung rau xanh, trái cây, uống đủ nước để hỗ trợ tiêu hóa. Hạn chế vận động mạnh trong 4 tuần đầu.
  • Tái khám đúng lịch: Sau 7 ngày, bác sĩ sẽ kiểm tra vết thương và cắt chỉ, đảm bảo vết mổ lành tốt.

Biến chứng của cắt ruột thừa là gì?

Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa là phương pháp ít xâm lấn, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra một số biến chứng hiếm gặp như:

  • Nhiễm trùng tại vị trí vết mổ
  • Áp xe tồn dư
  • Rò rỉ tại mỏm cắt ruột thừa, gây viêm phúc mạc
  • Tắc ruột do dính sau phẫu thuật
  • Tổn thương ngoài ý muốn đến các cơ quan lân cận như ruột, niệu quản

Vì vậy, sau khi xuất viện, nếu gặp phải các dấu hiệu bất thường dưới đây, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời:

  • Sốt cao trên 38,5°C
  • Đau bụng dữ dội, cảm giác căng trướng kéo dài
  • Buồn nôn, nôn mửa liên tục
  • Vết mổ chảy dịch bất thường như máu hoặc mủ
  • Khó thở, cảm giác nặng ngực

Đau ruột thừa điều trị ở đâu? Địa chỉ phẫu thuật cắt ruột thừa uy tín

Đơn nguyên Phẫu thuật Tiêu hóa, BVĐK Hồng Ngọc áp dụng quy trình cấp cứu viêm ruột thừa 24/7, can thiệp cấp tốc, điều trị kịp thời, giúp bệnh nhân hết đau nhanh, hạn chế biến chứng, hồi phục nhanh chóng với:

  • Đội ngũ chuyên gia hàng đầu: Bác sĩ 15 năm kinh nghiệm túc trực, sẵn sàng xử trí mọi ca bệnh, đứng đầu là BSCKI Bạch Phúc Huy - Trưởng Đơn nguyên Phẫu thuật tiêu hóa- BVĐK Hồng Ngọc, nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại tiêu hóa, các bệnh trực tràng và tầng sinh môn. 
  • Phẫu thuật cắt ruột thừa nội soi ít xâm lấn, phục hồi nhanh, nằm viện ngắn: chỉ 3 vết mổ nhỏ chưa đến 1cm, bệnh nhân sẽ không phải trả qua cơn đau với vết mổ lớn, rút ngắn thời gian nằm viện
  • Hệ thống phòng mổ hiện đại & quy trình phẫu thuật an toàn: Bệnh viện Đa Khoa Hồng Ngọc liên tục nhận hai chứng chỉ quốc tế: Chứng chỉ toàn cầu về phẫu thuật từ Hiệp hội Phẫu thuật Hoàng gia Anh (RCS); Chất lượng dịch vụ y tế toàn cầu (ACHSI) từ tổ chức Tiêu chuẩn và Chứng nhận chất lượng dịch vụ y tế Úc
  • Dịch vụ nội trú - chăm sóc chuẩn khách sạn:

- Phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát: Hệ thống phòng nội trú được thiết kế hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn cao về vệ sinh và tiện nghi

- Chăm sóc chu đáo: Nhân viên y tế túc trực 24/7, hỗ trợ bệnh nhân từng bước trong quá trình hồi phục.

  • Chính sách bảo hiểm linh hoạt: Bệnh viện Hồng Ngọc áp dụng đầy đủ các loại bảo hiểm y tế và bảo hiểm sức khỏe, với mức áp dụng tùy theo từng trường hợp cụ thể, giúp bệnh nhân an tâm điều trị mà không lo lắng về chi phí.​

Hotline đặt lịch phẫu thuật: 0949 646 556

-------------------

Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội

Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh, số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0949 646 556

Cập nhật nhiều thông tin hữu ích và chương trình Ưu đãi tại:

https://www.facebook.com/trungtamtieuhoaBVHongNgoc  

Đọc tiếp
Quay lại
Hỏi đáp Bác sĩ
Viết câu hỏi

Đăng ký tư vấn

Cơ sở chuyên khoa liên quan
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh
  • Số 8 đường Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: +(84-24) 7300 8866
Đặt lịch ngay
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Yên Ninh
  • Số 55 Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc - Keangnam
  • Tầng 10, Keangnam Landmark 72, Phạm Hùng, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc - Kosmo Tây Hồ
  • Gian S20 và TMDV 2A + 2B, Tầng 1 và 2, tổ hợp chung cư, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại Newtatco - Kosmo Tây Hồ, Phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay