Cơn thoáng thiếu máu não xảy ra đột ngột nhưng không kéo dài, bệnh tự phục hồi, song có thể bị tái phát. Đây là triệu chứng của bệnh mạch máu não, báo hiệu của tai biến mạch não. Do đó cơn thoáng thiếu máu não được coi là tình trạng khẩn cấp, cần được phát hiện và điều trị kịp thời.
Não rất nhạy với tình trạng thiếu dưỡng khí. Chỉ thiếu dưỡng khí trong 4 phút các tế bào thần kinh đã bị huỷ hoại không phục hồi lại được. Mỗi vùng não được nuôi sống bằng một mạch máu riêng.
Nếu mạch máu não bị hẹp hoặc bị tắc làm giảm sự tưới máu cho phần não liên hệ sẽ gây rối loạn cho chức năng của vùng đó. Chẳng hạn, khi vùng não phụ trách vận động bị tổn thương thì bệnh nhân bị liệt nửa người.
Nếu sự tưới máu chỉ giảm trong một thời gian ngắn, không làm chết các tế vào thần kinh thì triệu chứng chỉ thoáng qua.
Trường hợp mạch máu bị tắc nghẽn hoàn toàn thì các tế bào thần kinh bị chết hẳn và tổn thương sẽ vĩnh viễn, khi đó gọi là tai biến mạch máu não.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh thiếu máu não
Người ta cho rằng nguyên nhân chủ yếu của cơn thoáng thiếu máu não xảy ra là do có một cục máu đông từ tim hay một mảng xơ vữa từ động mạch lớn được bơm vào một mạch máu nhỏ ở não.
Vì vậy sự lưu thông của máu trong động mạch bị giảm do động mạch bị hẹp, bị co thắt hay bị tắc nghẽn, dẫn đến xảy ra các rối loạn thần kinh đột ngột và ngắn hạn.
Những yếu tố khiến dễ bị cơn thoáng thiếu máu não hay tai biến mạch máu não bao gồm: di truyền, bệnh nhân thường có thân nhân bị bệnh tim mạch trước năm 55 tuổi; tuổi bệnh nhân thường trên 60;
Giới tính: nam giới bị cơn thoáng thiếu máu não hoặc tai biến mạch máu não nhiều hơn phụ nữ; do chủng tộc; do bệnh tăng huyết áp; bệnh tim mạch như bệnh van tim, suy tim, rung nhĩ...; do hút thuốc lá; bệnh nhân tiểu đường; cholesterol máu cao; béo phì; nghiện ma túy, uống nhiều rượu, bia...
Dấu hiệu để phát hiện cơn thiếu máu não
Một nghiên cứu cho thấy: Khoảng 7% những bệnh nhân bị cơn thoáng thiếu máu não sẽ bị tai biến mạch máu não trong vòng 1 tuần, trong đó 50% số bệnh nhân này bị tai biến trong 2 ngày đầu và trên 14% những bệnh nhân khác bị tai biến trong vòng 3 tháng.
Đang sinh hoạt bình thường bỗng nhiên bệnh nhân có biểu hiện: bất tỉnh, nhức đầu, yếu nhẹ hoặc liệt nửa người; nói ngọng hoặc không nói được; không nhìn thấy ở một mắt hoặc cả hai mắt; mất thăng bằng, lảo đảo, đi không vững...
Tình trạng xảy ra đột ngột, nhưng chỉ kéo dài một hai phút đến 10 phút. Nếu triệu chứng kéo dài quá một giờ, thường đã có tổn thương nặng nề, có thể một vùng não đã bị hủy hoại gọi là tai biến mạch máu não.
Khi thăm khám trong những phút đầu tiên xuất hiện cơn thiếu máu não, có thể thấy bệnh nhân có tăng huyết áp, bị rối loạn tri giác như mất định hướng, lơ mơ hoặc bất tỉnh, có dấu liệt mặt và liệt nửa người, có thể nói ngọng hoặc không nói được, hoặc không nói không hiểu được...
Khám tim mạch có thể thấy rối loạn nhịp tim, dấu hiệu tắc hẹp động mạch, thường gặp là động mạch cổ. Chụp Xquang, chụp cắt lớp không phát hiện thấy dấu hiệu chảy máu hoặc hủy hoại của não bộ. Xét nghiệm máu có thể thấy đường huyết cao hay mỡ máu tăng cao.
Bệnh cần phân biệt với các loại bệnh khác như: ngất xỉu, động kinh, hạ đường huyết, chóng mặt, viêm hay rối loạn tiền đình, migraine với dấu hiệu báo trước...
Diễn biến của một cơn thiếu máu não thường gặp là bệnh nhân phục hồi hoàn toàn trong vài phút hoặc trong vòng một giờ.
Tuy nhiên, bệnh nhân có thể bị tái phát nhiều lần và có thể bị tai biến mạch máu não thật sự với các triệu chứng hôn mê và liệt kéo dài, không phục hồi, có thể tử vong.
Thái độ xử trí và phòng bệnh thiếu máu não
Cơn thoáng thiếu máu não được coi là tình trạng cấp cứu khẩn cấp. Nếu cơn thoáng thiếu máu mới xảy ra, cần gọi xe cấp cứu hay thầy thuốc đến tại nhà, bệnh nhân không được tự lái xe đến nơi cấp cứu vì có thể xảy ra tai biến nguy hiểm.
Cần thăm khám, làm xét nghiệm cho bệnh nhân để loại trừ khả năng bị tai biến mạch máu não, nếu đúng thì phải được điều trị khẩn cấp. Trường hợp cơn thoáng thiếu máu não đã xảy ra trong vòng 2 ngày, cần đưa bệnh nhân đến khám sớm tại bệnh viện.
Phòng bệnh chủ yếu là giảm các yếu tố gây bệnh như bỏ thuốc lá, điều trị tăng áp huyết, bệnh tiểu đường, tăng cholesterol, bệnh tim mạch, loạn nhịp tim, chống đông máu...
Giảm nguy cơ bị xơ vữa và hẹp động mạch bằng cách dùng thuốc aspirin liều thấp, plavix, aggrenox hoặc thuốc chống đông. Những bệnh nhân bị thiếu máu não do hẹp động mạch cổ có thể cần phẫu thuật hoặc nong động mạch.
Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/