Hotline: 024 7300 8866

Cấp Cứu Ngoài BV: 1900 636 555

  |  

Câu hỏi thường gặp

Câu hỏi:

Mình là thai IVF, đợt 12 tuần, mình di chuyển từ công ty về viện để siêu âm, nhưng do công ty xa, đi xe công ty rất xóc, dù mình đã cố gắng nhổm người dậy khi ngồi trên xe để hạn chế xóc mà cũng không giảm được nhiều. Khi đến siêu âm, thì em bé đang nhún nhảy rất mạnh trong tử cung (chân đạp vào tử cung để nhún người lên). Lúc đó cũng không nghĩ ngợi gì, nhưng giờ nghĩ lại thấy hơi lo lo có vẻ hành động của bé là hơi bất thường, không biết xóc như vậy có ảnh hưởng gì đến bé không? Hiện đến giờ siêu âm mọi thứ vẫn bình thường, nhưng cho mình hỏi có trường hợp nào bị ảnh hưởng nhưng siêu âm k thể phát hiện ra, đến lúc sinh bé ra mới phát hiện không? (Thùy Linh – Tuần thai: 32)

Trả lời:

Khoảng 20 tuần thì thai phụ mới bắt đầu cảm nhận được thai máy (tức là cử động của thai nhi trong bụng mẹ ….). Có thể sớm hơn từ 16 – 18 tuần nhưng những cảm nhận này không rõ ràng. Vậy nên cảm giác của bạn khi 12 tuần có thể do bản thân lo lắng nên cảm thấy vậy.

Xung quanh thai được bao bọc bởi nước ối có tác dụng bảo vệ thai khỏi các sang chấn, mặt khác thai lúc này rất nhỏ. Việc có sang chấn do xóc nảy trên xe là rất khó xảy ra. Thai kì của bạn theo dõi tới 32 tuần hiện tại không phát hiện ra sự bất thường nào, bạn hoàn toàn có thể yên tâm.

Câu hỏi:

Em được dự đoán sinh non nên chắc sẽ sớm sinh trong 1-2 tuần tới. Trong thời gian bầu em có bị viêm lộ tuyến, đặt thuốc nhiều lần không khỏi dứt điểm. Bây giờ e bị ra dịch vàng nhạt khá nhiều và ngứa. Bác sĩ tư vấn cho em có nên sinh thường không ạ? (Thùy Vân – Tuần thai: 36)

Trả lời:

Trong trường hợp bị viêm âm đạo, thai 36 tuần dọa đẻ non có thể điều trị viêm âm đạo, cải thiện các triệu chứng khó chịu cho thai phụ.

Viêm lộ tuyến và viêm âm đạo không có chỉ định sinh mổ. Nên em có thể yên tâm sinh thường.

Ngoài ra, em cần đến trực tiếp bệnh viện khám và điều trị sớm (nếu có).

 

Câu hỏi:

Em chào bác sĩ và các mom. Em có câu hỏi muốn nhờ bác sĩ và mọi ng tư vấn. Em mang bầu lần 2, nhưng lần này em cứ có cảm giác chướng bụng (nhưng ko phải là chướng bụng thật sự chỉ có cảm giác giống vậy, cứ căng, tức cứng bụng), khi nằm thì chỉ nằm nghiêng sang bên trái đc, cứ nằm thẳng hoặc nằm sang bên phải thì tức bụng với đau nên phải chuyển lại tư thế. Bác sĩ xem tư vấn giúp em với ạ. (Nguyễn Lan – Tuần thai: 9)

Trả lời:

Biểu hiện chướng bụng cũng có thể là dấu hiệu nghén (đầy bụng, kém ăn, buồn nôn, nôn). Nhưng bạn cần đến viện khám để kiểm tra tìm nguyên nhân vì sao mình tức cứng bụng dưới, cần loại trừ dọa sảy thai.

Dọa sảy thai có những biểu hiện sau: đau bụng hạ vị (hoặc tức bụng hạ vị), ra máu âm đạo, siêu âm có thể thấy dấu hiệu tụ dịch dưới màng nuôi.

Câu hỏi:

Từ khi mang bầu em có hiện tượng khí hư ra nhiều, kèm theo mùi hăng hăng khó chịu, lúc thì ra lỏng trong như màng trắng trứng. Lúc lại đục vàng và đặc như sữa chua và tình trạng khí hư ra rất nhiều, lúc khô đóng thành từng mảng ở quần, kèm theo ngứa ngáy khó chịu vào ban đêm, em đi khám thì bác sĩ bảo chỉ cần dùng dung dịch vệ sinh rửa là hết, nhưng em có rửa và không hết được. Liệu em có đang mắc dấu hiệu nào đó của viêm nhiễm âm đạo không, và nếu có thì có thể chữa trị trong thời kỳ mang thai này được không ạ? (Phạm Minh – Tuần thai: 12)

Trả lời:

Khi mang thai có thể ra nhiều khí hư hơn bình thường một chút, nhưng khí hư trong và không có biểu hiện ngứa, em có thể thay quần lót 2 lần/ngày để đỡ khó chịu.

Trong trường hợp ra khí hư quá nhiều, khí hư có màu vàng, xanh kèm theo biểu hiện ngứa thì em cần đến viện khám và làm xét nghiệm soi tươi, kiểm tra xem mình có viêm âm đạo hay không và viêm âm đạo do nguyên nhân gì, bác sĩ sẽ cho thuốc điều trị viêm âm đạo dùng được cho phụ nữ có thai.

Câu hỏi:

Em mới được ở tuần thai thứ 8 nhưng có triệu chứng ngạt mũi sổ mũi, ho nhẹ, hơi đau đầu không bị sốt. Liệu có ảnh hưởng gì đến em bé không ạ? Và cách khắc phục như thế nào ạ? (Việt Trinh – Tuần thai: 8)

Trả lời:

Ba tháng đầu là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ, sẽ rất nguy hiểm nếu như mẹ bầu bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Khi mắc phải bệnh cúm trong ba tháng đầu, cả mẹ và thai nhi đều có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe gây sảy thai, dị tật thai nhi… là rất cao.

Trường hợp của em đang mang thai ở tuần thứ 8 nhưng đang có triệu chứng như vậy nên thăm khám chuyên khoa nội để xác định nguyên nhân kèm theo việc theo dõi và thăm khám định kỳ theo các mốc khám thai để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Ngoài ra, em nên nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước, súc miệng bằng nước muối ấm để giảm cơn ho, ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin C (cam, bưởi, cà chua…) và thực phẩm chứa nhiều kẽm (thịt đỏ nạc, trứng, ngũ cốc…) để tăng cường miễn dịch.

 

Câu hỏi:

  1. Hôm qua em có đi siêu âm và xét nghiệm, bác sĩ nói em bé được 1,2kg và phát triển bình thường. Nhưng em thấy xét nghiệm nước tiểu có protein niệu 300mg thì có sao không ạ? Và em có cần thay đổi ăn uống, sinh hoạt sao cho hợp lý không ạ?
  2. Từ khi mang thai em tăng 13kg, e bé được 1,2kg. Bác sĩ cho e xin chế độ ăn phù hợp để vào con chứ không vào mẹ với ạ? 

(Diệu Thương – Tuần thai: 29)

Trả lời:

Câu hỏi 1:

Bình thường trong nước tiểu không có protein, khi có là dấu hiệu cho thấy có bệnh lý ở thận, có máu trong nước tiểu hay có nhiễm trùng đường tiểu hoặc đặc biệt khi mang thai liên quan đến bệnh tiền sản giật thai kỳ…

Do đó, ở trường hợp của em có protein niệu 300mg/l cần xác định rõ nguyên nhân xuất hiện protein niệu cũng như tình trạng lâm sàng toàn thân mà có thái độ xử trí phù hợp. Em nên sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, tinh thần vui vẻ, thoải mái, thực hiện chăm sóc tốt giai đoạn trước sinh cũng như khám thai định kỳ đúng hẹn để được bác sĩ thăm khám và tư vấn đầy đủ về thai kỳ.

Chế độ ăn hợp lý phụ thuộc vào nguyên nhân gây protein niệu, đặc biệt đề phòng bệnh lý tiền sản giật khi mang thai, em nên ăn uống dinh dưỡng vừa đủ các nhóm chất, không ăn quá nhiều các loại thức ăn nhiều tinh bột, nhiều đường, không sử dụng thuốc lá và các chất kích thích, hạn chế lượng muối trong bữa ăn, ưu tiên các món hấp, luộc, hạn chế chiên xào, các loại mắm, bổ sung nhiều trái cây, rau củ.

Câu hỏi 2: Xây dựng một chế độ ăn để vào con không vào mẹ:

– Cung cấp đầy đủ bữa sáng với các thực phẩm như: ngũ cốc, sữa, trứng và các thực phẩm giàu protein như thịt gà, thịt heo, thịt bò, cá, thực phẩm chế biến từ đậu nành. Do sau 1 đêm dài, cả mẹ và thai nhi đều cần cung cấp đủ năng lượng cho ngày mới.

– Chia nhỏ 3 bữa ăn chính thành nhiều bữa ăn nhỏ, các bữa ăn nhỏ này giúp mẹ không phải nạp vào cơ thể quá nhiều thức ăn đồng thời vẫn giúp mẹ duy trì lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mà không bị tăng cân nhanh chóng. Mẹ bầu cũng không nên ăn quá no và hạn chế đồ ăn vặt. Hoa quả, ngũ cốc, các loại rau củ, sinh tố, nước ép trái cây chính là thực phẩm rất tốt để mẹ bầu bổ sung vào các bữa phụ.

– Uống đủ nước mỗi ngày: cung cấp 2,5-3 lít nước mỗi ngày, nước giúp mẹ bầu giảm cảm giác đói, hạn chế thèm ăn, nhiễm trùng đường tiết niệu và hạn chế táo bón.

– Chế độ tập luyện hợp lý đóng vai trò quan trọng giúp rèn luyện thể lực của mẹ, giúp mẹ bầu khỏe hơn đồng thời duy trì cân nặng hợp lý.

– Phân chia tỷ lệ các chất cần thiết trong mỗi bữa ăn một cách cân đối, đảm bảo khẩu phần mỗi bữa cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh tình trạng thiếu chất này, thừa chất khác. Tỷ lệ mà các chuyên gia khuyến cáo là 25% tinh bột (cơm, bún, bánh mỳ…), 25% protein (trứng, thịt, cá…) và 50% các loại rau củ.

Câu hỏi:

Em đi siêu âm thai ở tuần 21w2d chiều dài xương đùi của bé là 3,4cm. Bác sĩ nói chân em bé ngắn hơn bình thường và chú ý bổ sung thêm canxi. Em uống Procare Diamond và Anken newcare. Liệu em cần bổ sung thêm thuốc hay thực phẩm gì để giúp bé phát triển tốt, cân đối, ko thấp so với tuổi thai ạ? (Phạm Hồng – Tuần thai: 22)

Trả lời:

Chiều dài xương đùi của em bé chịu ảnh hưởng của một số yếu tố sau:

– Di truyền: từ bố mẹ là người cao hay thấp

– Chế độ dinh dưỡng: một số dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển chung của con và sự phát triển hệ xương: canxi, chất đạm, acid folic, sắt, acid béo …

– Thói quen xấu: thức khuya, sử dụng chất kích thích: cà phê, nghiện rượu, ma túy, hút thuốc đều ảnh hưởng chung tới sự phát triển toàn diện của con.

Em bé của bạn đang ở 22 tuần, mức chiều dài xương đùi trung bình ở tuần thai này khoảng từ 34 – 41mm, em bé của mình ở ngưỡng dưới nhưng vẫn trong giới hạn bình thường. Hơn nữa trên siêu âm đo cũng có thể có sai số nên bạn không cần quá lo lắng.

Bạn chú ý bổ sung đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng nếu trên, hạn chế các thức ăn nhiều tinh bột, đồ ăn nhanh, các chất kích thích, tránh thức khuya, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý và theo dõi thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ bạn nhé.

Câu hỏi:

Em có bầu được 8 tuần. Em đi siêu âm thì bác sĩ có bảo có túi dịch 11,9×2,8mm, có kê đơn thuốc đặt progendo. Đặt thuốc em vẫn thấy bụng hơi đau lâm râm, đau vùng lưng xương chậu. Em không bị ra máu hay ra dịch nâu gì cả. Vậy tụ dịch này bao lâu hết và có ảnh hưởng gì đến em bé không ạ? (Minh Thu – Tuần thai: 8)

Trả lời:

Tụ dịch dưới màng nuôi là 1 trường hợp khá phổ biến trong thai kỳ, đặc biệt trong 3 tháng đầu. Tụ dịch có thể là sinh lý, nhưng cũng có thể là bệnh lý.

Trong trường hợp tụ dịch sinh lý, thường tình cờ phát hiện trên siêu âm, thai phụ không có biểu hiện đau bụng hay ra máu âm đạo. Với tụ dịch sinh lý qua 3 tháng đầu sẽ hết và không ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé.

Trong trường hợp tụ dịch bệnh lý là do bong rau, thai phụ thường có đau bụng và ra máu âm đạo. Trường hợp này thai có nguy cơ dọa sảy thai, sảy thai. Tụ dịch bệnh lý có thể xuất hiện ở cả 3 tháng giữa thai kỳ, cần được theo dõi sát và điều trị sát.

Trường hợp của bạn thai 8 tuần, bạn có bị đau bụng lâm râm, trên siêu âm có hình ảnh tụ dịch, các bác sĩ đã kê thuốc điều trị cho bạn. Bạn hãy dùng thuốc theo đơn và khám lại theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Bất cứ lúc nào có dấu hiệu bất thường đến cơ sở y tế khám lại ngay.

Nếu vẫn chưa thực sự an tâm, bạn có thể trực tiếp đến Bệnh viện khám, các bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể hơn cho bạn.

Câu hỏi:

Em có bầu được 8 tuần. Hiện tại siêu âm bình thường, nhưng ở tuần thứ 3 em có bị sốt và phải uống thuốc cúm. Em có đem thuốc đi hỏi bác sĩ thì bác sĩ bảo 2/6 thứ thuốc đó không tốt cho em bé. Cần phải theo dõi. Phải làm xét nghiệm Nipt. Vậy có nhiều mẹ vướng phải như thế không ạ? Hiện tại em cũng lo lắng chỉ chờ đến xét nghiệm. (Thùy Dương – Tuần thai: 8)

Trả lời:

Trong câu hỏi của bạn chưa ghi rõ tên loại thuốc bạn dùng, tình trạng bệnh và kết quả xét nghiệm cúm của bạn để Bác sĩ tư vấn cụ thể hơn cho bạn.

Thai của bạn được 8 tuần, siêu âm thai hiện tại bình thường, không có biểu hiện đau bụng hay ra máu âm đạo là dấu hiệu tốt, bạn không nên lo lắng quá! Bạn nên theo dõi thai và tái khám định kì theo lịch hẹn và làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Xét nghiệm NIPT bạn đang quan tâm sẽ làm ở thai tuần thứ 10.

Bạn có thể đến Bệnh viện Hồng Ngọc để làm bộ xét nghiệm này ạ.

Câu hỏi:

Vợ chồng em mới chuyển phôi ngày 15/1, nhưng đến ngày 9 beta của em có 26,3 như thế là em có thai hay không vậy bác sĩ. Nếu có như thế của em có thấp không ạ. Em có cần bổ sung thêm gì không ạ. Mong các bác sĩ tư vấn giúp em với ạ. (Lan Anh – 28 tuổi)

Trả lời:

Hiện tại kết quả Beta HCG của mẹ như vậy là đang có thai rồi mẹ nhé. Vì mới sau chuyển phôi 9 ngày nên kết quả Beta HCG còn thấp. Mẹ nên tái khám và kiểm tra lại sau chuyển phôi 14 ngày để theo dõi quá trình phát triển của thai. Sau khi làm IVF mẹ có thuốc nội tiết giữ thai của bác sĩ kê, mẹ vẫn tiếp tục dùng theo đơn đó!