Câu hỏi:
Tôi năm nay 20 tuổi, vừa qua mới mọc răng khôn bên hàm trái, khi mọc răng khôn tôi bị đau, sốt mấy ngày không ăn uống được. Nghe một số người nói cũng bị đau như vậy. Tại sao khi mọc răng khôn lại bị đau, sốt? Chữa thế nào? (Nguyễn Văn Vượng - Đà Nẵng)
Trả lời:
Răng khôn mọc lúc chúng ta đã trưởng thành, thường từ 17 tuổi trở lên. Khi đó hầu hết hàm răng đã mọc hoàn chỉnh, vì vậy thường thiếu chỗ cho răng khôn mọc ra. Tính từ giữa cung răng đếm vào hai bên hàm, răng khôn là răng thứ 8.
Thường khi mọc răng khôn hàm dưới hay gây đau, sốt: do mọc sau, phía trước có cả hàm răng chắn lối, phía sau có ngành lên xương hàm dưới nên răng khôn phải mọc ngầm, hoặc mọc lệch: thay vì mặt răng đội lợi lên thì mặt răng lại húc vào răng số 7 và ảnh hưởng đến cả hàm răng, làm các răng phía ngoài bị kênh ra khỏi cung răng, thành hai hàng răng, răng khểnh.
Khi răng khôn húc vào răng số 7 thì gây đau, gây sưng lợi và viêm nhiễm vùng lợi quanh răng, viêm còn gây sốt. Những người có xương hàm rộng, răng khôn đủ chỗ mọc nên không bị đau, sốt.
Chữa răng khôn mọc lệch: trường hợp răng khôn mọc lệch 90 độ, bắt buộc phải nhổ bỏ để bảo vệ hàm răng và tránh viêm nhiễm.
Nếu lệch ít, có thể mọc mặt nhai lên thì cần dùng thuốc kháng sinh chống viêm và thuốc giảm đau, rạch lợi cho răng mọc lên.
Bạn hay người thân của bạn mọc răng khôn mà bị đau, sốt nên đến chuyên khoa răng của bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc để khám và điều trị đúng.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/