Tổn thương thần kinh giữa là một trong những rối loạn thần kinh cánh tay gây tê bì, đau nhức, giảm khả năng vận động ở cánh tay. Nhận biết sớm các dấu hiệu tổn thương dây thần kinh giữa giúp người bệnh có phương pháp phục hồi sớm, lấy lại khả năng vận động của cánh tay.
Tổn thương thần kinh giữa là gì?
Thần kinh giữa là dây thần kinh ngoại biên được hình thành từ các nhánh của đám rối thần kinh cánh tay. Thần kinh giữa nằm dọc theo động mạch cánh tay, đi trong ống cổ tay và phân bổ đều khắp bàn tay, ngón tay.
Thần kinh giữa có vai trò chi phối động tác gấp cẳng tay, bàn tay, cổ tay và ngón tay. Chịu trách nhiệm chi phối cảm giác ở tay, đặc biệt ở ngón số 1, 2 và 3 cùng ½ ngoài của ngón 4, đồng thời dây thần kinh giữa còn chứa hỗn hợp nhiều sợi giao cảm, vì vậy khi dây thần kinh giữa bị tổn thương sẽ gây đau, buốt nhói ở bàn tay.
Tổn thương thần kinh giữa có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào dọc theo chiều dài của dây thần kinh do gặp chấn thương hoặc do bị chèn ép dây thần kinh ở vùng cổ tay (thường được gọi là hội chứng ống cổ tay (CTS). Đây là bệnh lý chèn ép ngoại biên thường gặp nhất ở những người làm công việc đòi hỏi sự vận động nhiều tại cổ tay, người cao tuổi, người loãng xương.
Vị trí tổn thương dây thần kinh giữa
Có thể bạn quan tâm:
Dấu hiệu nhận biết tổn thương thần kinh giữa
Tổn thương thần kinh giữa có thể làm giảm chức năng vận động và cảm giác từ khuỷu tay đến cánh tay. Khi bị tổn thương thần kinh cánh tay, người bệnh có cảm nhận rõ rệt như:
- Đau nhức và có cảm giác kim châm trong khuỷu tay, cẳng tay
- Mất sức mạnh tại các đầu ngón tay
- Giảm khả năng vận động
- Cảm thấy nóng rát vùng cổ tay
- Thường xuyên tê lòng bàn tay, ảnh hưởng đến ngón cái, ngón giữa và nửa bên của ngón đeo nhẫn
Ngay khi thấy có dấu hiệu tổn thương dây thần kinh giữa, người bệnh chủ động đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị tránh biến chứng: teo cơ, lồi cơ, mất khả năng vận động.
Đau nhức, tê buốt là dấu hiệu khi gặp tổn thương dây thần kinh giữa
Cách phục hồi tổn thương dây thần kinh giữa
Bác sĩ đưa ra phương pháp phục hồi tổn thương dây thần kinh giữa dựa trên các yếu tố: dấu hiệu, mức độ, vị trí tổn thương theo tình trạng của người bệnh trong đó có 2 hướng phục hồi chính:
Phục hồi tổn thương thần kinh giữa do hội chứng ống cổ tay
Đa số người bệnh mới mắc hội chứng ống cổ tay có thể đáp ứng khi điều trị bảo tồn bằng cách: sử dụng máng nâng đỡ cổ tay, giữ cho cổ tay trung tính, vận động cổ tay hợp lý và dùng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm,…trong 4 – 6 tuần sẽ đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần duy trì điều trị tối thiểu 2 tháng.
Với những người bệnh không đáp ứng với điều trị bảo tồn, bác sĩ chuyển sang phương pháp tiêm steroid vào ống cổ tay. Một mũi tiêm thường giảm các triệu chứng và trong một số trường hợp, có thể tiêm đến 3 lần, với khoảng thời gian nghỉ giữa mỗi lần là 3-6 tuần.
Trong suốt quá trình phục hồi chức năng do hội chứng ống cổ tay, người bệnh cần duy trì chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, đồng thời thực hiện các bài tập phục hồi chức năng.
Tổn thương dây thần kinh giữa do hội chứng ống cổ tay có thể điều trị bảo tồn
Phục hồi tổn thương dây thần kinh giữa do chấn thương
Với những người bệnh gặp chấn thương hoặc sau phẫu thuật tổn thương thần kinh giữa sẽ được hướng dẫn phục hồi chức năng theo từng giai đoạn
Giai đoạn cấp: Là giai đoạn mới gặp chấn thương, mới phẫu thuật, cơ thể đang trong quá trình điều trị và phục hồi ban đầu, người bệnh cần: bất động chi tổn thương, vận động với tần suất và cường độ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Giai đoạn phục hồi: Người bệnh bắt đầu giai đoạn hồi phục khi có dấu hiệu tái chi phối thần kinh, thường được nhận biết thông qua sự tái xuất hiện của cảm giác. Đồng thời, tiến hành tập mạnh cơ theo hướng dẫn của bác sĩ để khôi phục, cải thiện chức năng vận động và gia tăng cảm giác.
Giai đoạn mạn tính: Tùy theo tình trạng bệnh, có thể một số chức năng vận động và cảm giác sẽ không còn khả năng phục hồi thêm được nữa, sẽ được gọi là giai đoạn mạn tính. Trong giai đoạn này, người bệnh vẫn tiếp tục duy trì bài tập phục hồi giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh tiến triển xấu.
Hy vọng nội dung bài viết trên đây đã cung cấp thêm thông tin về dấu hiệu và cách phục hồi tổn thương thần kinh giữa giúp người bệnh cải thiện chức năng vận động do chấn thương hoặc do hội chứng ống cổ tay gây tổn thương dây thần kinh giữa. Nếu cần hỗ trợ thêm thông tin về tổn thương dây thần kinh giữa, quý khách vui lòng liên hệ hotline 0889621046 - Chuyên khoa Cơ xương khớp BVĐK Hồng Ngọc để được tư vấn miễn phí.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc