Từ vết loét nhỏ đến hoại tử bàn chân - hiểm họa do biến chứng tiểu đường
Tổn thương loét bàn chân dẫn tới hoại tử là một biến chứng phổ biến ở những bệnh nhân bị đái tháo đường nhưng không được kiểm soát chặt chẽ giống như trường hợp của ông H, 61 tuổi.
Chỉ 3 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân H phát hiện một vết loét nhỏ ở ngón chân. Sau đó vết thương có dấu hiệu chảy máu, bàn chân chuyển màu đen rồi lan dần lên mu bàn chân. Khi đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, bệnh nhân có biểu hiện da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, tê bì, châm chích, đi lại khó khăn.
ThS.BS Nguyễn Đình Công - Phó khoa Tim mạch - Tim mạch can thiệp BVĐK Hồng Ngọc cho biết bệnh nhân H được chẩn đoán hoại tử ngón số 4 và số 5 bàn chân phải. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy lượng bạch cầu tăng cao cùng chỉ số đường huyết vượt quá ngưỡng cho phép. Mặt khác, khi tiến hành siêu âm mạch máu chi dưới còn phát hiện nhiều mảng xơ vữa, vôi hóa gây hẹp 90% động mạch đùi phải và hẹp vừa ở động mạch khoeo khiến máu gần như không thể lưu thông đến chân.

Ảnh trước can thiệp của bệnh nhân H
Qua khai thác, bệnh nhân H có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2 nhiều năm nhưng không điều trị thường xuyên.
Bệnh nhân đái tháo đường có hệ miễn dịch suy giảm. Từ một vết loét nhỏ, vi khuẩn sẽ lan nhanh, thúc đẩy quá trình nhiễm trùng chân dẫn tới hoại tử. Bên cạnh đó, bệnh nhân H còn bị tổn thương thần kinh làm giảm cảm giác đau ở bàn chân - đây là lý do vết thương không được phát hiện sớm.
“Bệnh nhân có các mảng xơ vữa che lấp gần hết động mạch đùi gây thiếu máu nuôi chân nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân khiến vết loét lâu lành, dẫn tới hoại tử. Nếu không xử lý sớm, hoại tử sẽ sẽ ăn sâu vào các tế bào ở mô chân, bệnh nhân có nguy cơ phải cắt cụt chân.” - Bác sĩ Công cho biết.
Can thiệp động mạch đùi bằng loại stent đặc biệt
Sau khi hội chẩn kỹ lưỡng, các bác sĩ quyết định ưu tiên tái thông động mạch đùi trước nhằm cải thiện tưới máu tới chân, hỗ trợ vết thương nhanh lành hơn. Kết hợp chăm sóc vết thương viêm loét trong suốt quá trình điều trị.
Tuy nhiên, không giống như can thiệp động mạch vành, can thiệp ở vị trí đùi có nhiều đặc thù phức tạp do vị trí này thường chịu các tác động gập, duỗi, đi lại... của bệnh nhân. Do đó bác sĩ cần phải sử dụng loại stent đặc biệt với thiết kế đủ linh hoạt để tương thích với các khu vực mạch máu gấp khúc tại các khớp như: động mạch đùi, động mạch khoeo để đảm bảo stent không bị gãy hoặc biến dạng theo thời gian.
Trong ca can thiệp lần này, ê kíp đã sử dụng loại stent đặc biệt - Supera. Loại stent này có cấu trúc đan xoắn từ dây nitinol với độ đàn hồi cao, dễ dàng uốn cong theo sinh lý của mạch máu.
“Stent Supera có độ co giãn và nén rất tốt, chịu được các chuyển động gập - duỗi tại vùng khớp gối, giúp duy trì lưu thông máu ổn định mà không bị gãy hoặc biến dạng. Đồng thời, stent này cũng hạn chế được việc hình thành huyết khối sau can thiệp”. - Bác sĩ Công chia sẻ.
Sau khi loại bỏ các mảng xơ vữa gây bít tắc, ê kíp tiến hành nong bóng và đặt 01 stent Supera vào đoạn động mạch bị hẹp. Kết quả kiểm tra ngay sau can thiệp cho thấy dòng máu lưu thông tốt, chân bệnh nhân ấm lên, giảm đau rõ rệt, cảm giác ở chân phục hồi dần.

Ảnh sau can thiệp của bệnh nhân H
Sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc tích cực: kiểm soát đường huyết kết hợp kháng sinh điều trị nhiễm trùng, thay băng vết loét hàng ngày và theo dõi sát dấu hiệu hồi phục. Chỉ sau ít ngày, bệnh nhân bắt đầu co - duỗi chân trở lại, giảm hẳn cơn đau và bước đầu đi lại được.
ThS.BS Nguyễn Đình Công khuyến cáo người bệnh tiểu đường cần kiểm soát tốt đường huyết theo hướng điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện phù hợp, dùng thuốc theo chỉ dẫn, khám sức khỏe định kỳ và đặc biệt chú ý tới vùng bàn chân - nơi thường xuyên xuất hiện biến chứng nguy hiểm. Phát hiện sớm - can thiệp kịp thời là yếu tố then chốt để giữ lại đôi chân và bảo toàn chất lượng sống cho người bệnh.
KHOA TIM MẠCH - TIM MẠCH CAN THIỆP BVĐK HỒNG NGỌC
- Số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội
Hotline: 0911 858 626