Rách sụn chêm khớp gối là chấn thương thường gặp khiến khớp gối bị kẹt hoặc có tiếng lục cục, gây sưng đau và hạn chế vận động. Ngay khi có các dấu hiệu rách sụn chêm khớp gối người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Rách sụn chêm khớp gối là gì?
Sụn chêm khớp gối bao gồm 2 tấm sụn là sụn chêm trong – nằm phía trong khớp có hình chữ C và sụn chêm ngoài – nằm ngoài khớp có hình chữ O. Sụn chêm được ví như tấm đệm lót giữa phần đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày.
Sụn chêm khớp gối được chia làm 3 phần chính: sừng trước, thân giữa, sừng sau, bờ bao khớp bám vào bao khớp và bờ tự do. Từ cấu tạo đó, sụn chêm khớp gối có đặc tính dai và có độ đàn hồi tốt đảm bảo vai trò giúp đầu gối vững chắc, giảm xóc khi cơ thể di chuyển, phân phối đều lực ở khớp gối, phân bổ hoạt dịch bôi trơn cho sụn khớp, tránh tình trạng bao khớp, màng hoạt dịch không bị kẹt vào khe khớp.
Rách sụn chêm khớp gối là chấn thương đầu gối thường gặp gây ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Khi đầu gối bị tác động mạnh, sụn chêm sẽ bị rách/vỡ kẹt vào khớp gây thoái hóa đầu gối với nhiều hình thái khác nhau như hình dọc, hình ngang, hình vạt, hình nan hoa và thường gặp ở người chơi thể thao, người bị tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông.
Rách sụn chêm khớp gối là chấn thương thường gặp
Có thể bạn quan tâm:
Nguyên nhân gây rách sụn chêm khớp gối
Rách sụn chêm khớp gối có thể xảy ra ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi với tình trạng rách ở nhiều vị trí khác nhau như: rách sụn chêm trong, rách sụn chêm ngoài, rách sừng trước, rách sừng sau, rách vùng vô mạch, rách vùng có mạch nuôi,...cụ thể:
Đối với trẻ em: Rách sụn chêm khớp gối xảy ra khi gập gối đột ngột khiến chân bị vặn xoắn. Tình trạng này thường gặp trong khi trẻ chơi thể thao, vui đùa, chạy nhảy với tốc độ nhanh, cường độ mạnh hoặc có thể gặp khi trẻ bị tai nạn giao thông.
Đối với người lớn: Tình trạng rách sụn chêm đa phần do quá trình lao động, tập luyện thể thao hoặc tai nạn giao thông khiến đầu gối chịu tác động, thay đổi tư thế đột ngột dẫn đến rách sụn chêm khớp gối. Bên cạnh đó, quá trình thoái hóa khớp gối tự nhiên cũng là một trong những nguyên nhân khiến sụn chêm khớp gối bị rách ở người trưởng thành.
Đối với người cao tuổi: Nguyên nhân rách sụn chêm phần lớn là do quá trình thoái hóa, điển hình là thoái hóa khớp gối, viêm khớp,…điều này khiến cho cấu trúc sụn chêm không còn ổn định và dễ bị rách khi thực hiện các tư thế đứng lên, ngồi xuống, di chuyển đột ngột.
Dấu hiệu nhận biết rách sụn chêm khớp gối
Trong những ngày đầu bị rách sụn chêm khớp gối người bệnh chưa cảm nhận được sự thay đổi của khớp gối qua biểu hiện cụ thể, thậm chí người bệnh vẫn có thể đi lại và hoạt động thể thao, lao động bình thường. Sau 2-3 ngày những cơn đau bắt đầu xuất hiện, sưng tại đầu gối khiến hạn chế vận động. Bên cạnh đó người bệnh có thể nhận biết rách sụn chêm khớp gối thông qua dấu hiệu cụ thể:
- Sưng và đau nhức vùng đầu gối
- Có tiếng lục cục trong khớp gối khi vận động
- Khi ấn vào khe khớp thấy gối đau và buốt
- Đi lại, vận động khó khăn
Vị trí rách sụn chêm khớp gối
Rách sụn chêm khớp gối xảy ra với nhiều hình thái, kích thước, vị trí và cấp độ tổn thương khác nhau như:
Rách sụn chêm ngoài: Vết rách sụn chêm bờ bao khớp gối nằm ở vùng có nhiều mạch máu nên dễ phục hồi và có thể tự liền nếu vết rách nhỏ.
Rách sụn chêm giữa: là tình trạng tổn thương khá nặng, tuy nhiên vết rách cũng có khả năng lành lại nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách.
Rách sụn chêm trong: là tổn thương không có mạch máu nuôi và là tình trạng rách sụn chêm khớp gối trầm trọng nhất, bắt buộc phải cắt bỏ phần sụn chêm bị tổn thương và không có khả năng phục hồi.
Điều trị rách sụn chêm khớp gối
Bác sĩ điều trị rách sụn chêm khớp gối cho người bệnh dựa vào kết quả chẩn đoán, trình trạng và mức độ nghiêm trọng của vết rách để ngăn ngừa biến chứng: đau nhức khớp gối, teo cơ, thoái hóa khớp, mất khả năng vận động,... do rách sụn chêm khớp gối gây ra thông qua phác đồ điều trị cụ thể:
Điều trị bảo tồn rách sụn chêm khớp gối: Phương pháp này thường được dùng để điều trị cho những trường hợp rách sụn chêm ngoài và rách sụn chêm giữa. Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng các loại thuốc chống viêm, giảm đau, nẹp cố định đầu gối, kết hợp vật lý trị liệu nhằm tăng khả năng phục hồi.
Phẫu thuật rách sụn chêm khớp gối giúp khôi phục vận động cho người bệnh
Phẫu thuật rách sụn chêm khớp gối: Cắt bỏ sụn chêm, khâu sụn chêm và ghép sụn chêm là các phương pháp phẫu thuật rách sụn chêm khớp gối tùy vào tình trạng của người bệnh giúp giảm đau nhức, hỗ trợ vết rách nhanh phục hồi và khôi phục vận động khớp gối cho người bệnh.
Rách sụn chêm khớp gối cần được phát hiện và điều trị kịp thời giúp ngăn ngừa biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng vận động của người bệnh. Đơn nguyên chấn thương chỉnh hình BVĐK Hồng Ngọc luôn sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn mọi thông tin liên quan đến rách sụn chêm đầu gối thông qua Hotline 0912002131 hoặc 0949646556
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của BVĐK Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc