Hỏi:
Chào bác sĩ, gần đây tôi bị đau nhức vùng vai, đặc biệt khi giơ tay lên cao hoặc với lấy đồ vật, cảm giác vai bị yếu và đôi khi nghe tiếng "rắc" khi cử động. Tôi đọc thông tin thấy các triệu chứng này có thể liên quan đến hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai. Mong bác sĩ cho biết làm thế nào để xác định chính xác và điều trị hiệu quả, cũng như cần lưu ý gì để tránh tình trạng nặng hơn?
Trả lời:
Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi đến BVĐK Hồng Ngọc. Khoa Chấn thương chỉnh hình - BVĐK Hồng Ngọc xin được giải đáp thắc mắc của bạn như sau:
Hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai là tình trạng các mô mềm trong vai, như gân chóp xoay hoặc túi hoạt dịch bị chèn ép dưới mỏm cùng vai và đầu xương cánh tay. Tình trạng này thường dẫn đến đau nhức vai, đặc biệt khi giơ tay lên cao, với đồ vật hoặc thực hiện các hoạt động trên cao (trên tầm vai). Một số người còn cảm thấy vai yếu, có tiếng "rắc" hoặc cảm giác cọ sát khi cử động.
Đau vai do hẹp khoang dưới mỏm cùng vai
Để chẩn đoán chính xác hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai, bạn cần đến cơ sở y tế có Chuyên khoa Cơ xương khớp để được bác sĩ thăm khám. Quá trình này bao gồm kiểm tra cử động vai, đánh giá mức độ đau và xác định các dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như X-quang, siêu âm hoặc MRI có thể được chỉ định nhằm đánh giá chi tiết mức độ chèn ép và tổn thương mô mềm.
Sau khi có chẩn đoán cuối cùng, tùy thuộc vào tình trạng của bạn, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm:
• Điều trị bảo tồn: Nghỉ ngơi, sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm, vật lý trị liệu…
• Phẫu thuật: Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nội soi giải phóng chèn ép để cải thiện chức năng vai, ngăn ngừa biến chứng.
Trong quá trình điều trị, để tránh tình trạng nặng hơn, bạn cần lưu ý:
• Hạn chế vận động vai quá mức hoặc các hoạt động có nguy cơ gây tổn thương.
• Thực hiện các bài tập hỗ trợ sức mạnh vai, như:
- Bài tập con lắc: Giúp giảm căng thẳng và tăng khả năng lưu thông máu ở vùng vai.
+ Bước 1: Đứng thẳng người, mặt hướng phía trước, tay bị đau thả lỏng xuống.
+ Bước 2: Dùng tay còn lại đặt lên bàn hoặc ghế để giữ thăng bằng.
+ Bước 3: Nhẹ nhàng đưa tay bị đau vẽ thành vòng tròn nhỏ theo chiều kim đồng hồ, sau đó đổi chiều.
+ Lặp lại: 5 vòng mỗi chiều, thực hiện 2-3 lần/ngày.
- Bài tập kéo căng cơ: Giúp kéo căng cơ và tăng độ linh hoạt cho vai.
+ Bước 1: Ngồi hoặc đứng thẳng.
+ Bước 2: Dùng tay lành kéo tay bị đau ngang qua cơ thể, giữ tại vị trí căng nhưng không đau.
+ Bước 3: Giữ nguyên trong 15-30 giây, sau đó thả lỏng.
+ Lặp lại: 3-5 lần mỗi ngày.
- Bài tập xoay ngoài bằng dây kháng lực: Giúp tăng sức mạnh cơ xoay ngoài, hỗ trợ ổn định khớp vai.
+ Bước 1: Gắn dây kháng lực vào một vị trí cố định ở ngang hông.
+ Bước 2: Cầm dây bằng tay bị đau, giữ khuỷu tay sát thân người và gập 90 độ.
+ Bước 3: Kéo dây ra ngoài, giữ trong 2 giây rồi từ từ đưa tay về vị trí ban đầu.
+ Lặp lại: 10-15 lần, 2-3 lần/ngày.
- Bài tập ép vai: Giúp cải thiện tư thế và tăng cường sự ổn định của vai.
+ Bước 1: Ngồi thẳng lưng, hai tay để dọc theo thân người.
+ Bước 2: Kéo hai bả vai về phía nhau, giữ nguyên trong 5-10 giây rồi thả lỏng.
+ Lặp lại: 10-15 lần, 2-3 lần/ngày.
- Bài tập nâng gậy: Giúp tăng phạm vi vận động của khớp vai.
+ Bước 1: Cầm một cây gậy hoặc khăn dài bằng cả hai tay, đặt trước cơ thể.
+ Bước 2: Dùng tay lành hỗ trợ nâng tay bị đau lên cao nhất có thể mà không gây đau.
+ Bước 3: Giữ trong 5 giây, sau đó từ từ hạ xuống.
+ Lặp lại: 10-12 lần, 2-3 lần/ngày.
Những bài tập này giúp cải thiện sức mạnh và linh hoạt của vai, giảm triệu chứng, ngăn ngừa tiến triển của hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai. Tuy nhiên, trong quá trình tập cần lưu ý:
- Thực hiện bài tập dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa
- Luôn khởi động nhẹ nhàng trước khi tập để giảm nguy cơ chấn thương.
- Không nên thực hiện các bài tập gây đau hoặc vượt quá khả năng của mình.
Nếu hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai gây ra cơn đau kéo dài hoặc có dấu hiệu hạn chế vận động nghiêm trọng, bạn cần đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Điều trị hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai tại BVĐK Hồng Ngọc
Tại BVĐK Hồng Ngọc, với đội ngũ bác sĩ hơn 40 năm kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai. Nếu có nhu cầu thăm khám và điều trị hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai tại BVĐK Hồng Ngọc, bạn vui lòng liên hệ theo số Hotline 0889621046 để được tư vấn chi tiết. Chúc bạn sớm hồi phục!
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác:
https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc