Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, việc điều trị F0 tại nhà đang được đẩy mạnh để giảm tải gánh nặng cho các cơ sở y tế. Vậy điều trị F0 là trẻ em tại nhà cần lưu ý gì để con nhanh chóng khỏi bệnh cũng như không làm lây lan đến những người xung quanh? Mời các bậc phụ huynh tham khảo bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích.
Điều kiện để trẻ em F0 được điều trị tại nhà
Trẻ em F0 được điều trị tại nhà cần đảm bảo 2 tiêu chí lâm sàng dưới đây:
Trẻ không có triệu chứng hoặc triệu chứng lâm sàng mức độ nhẹ.
Trẻ từ 1 tuổi không có bệnh lý nền và gia đình không có người thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người béo phì…). Ngoài ra, trẻ cần có người chăm sóc từ việc vệ sinh cá nhân, ăn uống, kiểm tra sức khỏe hằng ngày và có khả năng liên lạc với nhân viên y tế trong những trường hợp khẩn cấp.
8 lưu ý khi điều trị F0 là trẻ em tại nhà dành cho cha mẹ
Trẻ em là đối tượng có thể chưa nhận thức được rõ ràng sự nguy hiểm của dịch bệnh cũng như khó tự giác trong việc tự cách ly tại nhà nên cha mẹ cần hỗ trợ, chăm sóc để con nhanh chóng khỏi bệnh cũng như tránh lây lan cho những thành viên khác trong gia đình.
Khi bé là F0, cha mẹ cần cho con cách ly tại phòng riêng, không ăn chung với gia đình, không dùng chung vật dụng hàng ngày với mọi người. Vì trẻ nhỏ rất ham chơi nên cha mẹ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để con có thể ngoan ngoãn tự cách ly trong phòng riêng.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần thực hiện nghiêm túc những việc dưới đây để đảm bảo việc điều trị COVID-19 tại nhà cho bé đạt hiệu quả:
Đo thân nhiệt cho con ít nhất 2 lần mỗi ngày hoặc đo khi bé có biểu hiện bị sốt.
Khai báo y tế cho con hằng ngày qua các ứng dụng được Bộ Y tế công bố.
Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ thì có thể sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol cho trẻ. Liều dùng được khuyến cáo là 10 - 15mg/kg/lần, mỗi 4 - 6 tiếng uống một lần, không quá 4 lần/ngày.
Nếu trẻ có triệu chứng ho, cha mẹ có thể cho con uống thuốc ho nhưng ưu tiên sản phẩm bằng thảo dược.
Cho con uống nhiều nước và bổ sung điện giải nếu bé bị sốt hoặc tiêu chảy, không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm mà không có chỉ định từ bác sĩ.
Cho bé mặc quần áo thoải mái, phòng cách ly đảm bảo khô thoáng, sát khuẩn vật dụng, bề mặt tiếp xúc thường xuyên. Vệ sinh cá nhân cho trẻ mỗi ngày, súc miệng bằng nước muối sinh lý, rửa tay, sát khuẩn thường xuyên.
Cha mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ qua các bữa ăn để cung cấp năng lượng và tăng sức đề kháng cho con. Trường hợp bé còn bú mẹ thì mẹ nên ăn uống đủ chất để con được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thông qua sữa mẹ.
Tạo không khí vui tươi, thoải mái để con cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi phải cách ly tại nhà. Đồng thời, hướng dẫn bé các bài tập vận động thường xuyên, nâng cao sức khỏe.
Khi nào cần đưa trẻ F0 đến bệnh viện
Đối với trẻ nhỏ bị nhiễm COVID-19, thời gian ủ bệnh từ 2 - 14 ngày, trung bình là 4 - 5 ngày. Trẻ có thể không có triệu chứng nhưng đa số sẽ gặp phải các triệu chứng khởi phát gồm: ho, sốt, mệt mỏi, đau họng, nghẹt mũi, nôn, tiêu chảy… Hầu hết các triệu chứng đều nhẹ và trẻ có thể tự hồi phục sau 1 - 2 tuần nếu được chăm sóc đúng cách.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh tình diễn biến nặng, cần được can thiệp y tế ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm. Nếu trẻ có những biểu hiện dưới đây, cha mẹ cần liên hệ với nhân viên y tế ngay:
Trẻ sốt cao, đỏ mắt, đỏ môi, chân tay sưng phù, phát ban, đau họng…
Trẻ nôn ói, co giật, khó thở
Trẻ nhỏ bỏ bú, quấy khóc, không tỉnh táo.
Ngoài những triệu chứng trên, cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra các chỉ số về mạch, nhịp thở, huyết áp, SpO2 cho con. Nếu trẻ có nhịp thở nhanh trên 40 lần/phút (trẻ từ 1 - 5 tuổi) và trên 30 lần/phút (trẻ 5 - 12 tuổi) hoặc SpO2 dưới 95% thì phải báo ngay với nhân viên y tế để được hỡ trợ kịp thời.
Lời khuyên của chuyên gia khi điều trị F0 là trẻ em tại nhà
Theo bác sĩ Chu Quang Liên, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc:“Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc COVID-19 khi tiếp xúc với các ca nhiễm do hệ miễn dịch của con còn non yếu. Trong trường hợp trẻ là F0 được điều trị tại nhà, cha mẹ cần chăm sóc và quản lý chặt chẽ bởi trẻ chưa biết cách tự chăm sóc bản thân, nhiều trẻ nhỏ thì chưa biết nói, chưa biết thể hiện những khó chịu của cơ thể. Do đó, cha mẹ cần quan sát kỹ lưỡng, nếu con có biểu hiện nặng, cần đưa trẻ đến ngay các bệnh viện được phép điều trị F0 để được cấp cứu kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng”.
Bác sĩ Liên cũng khuyến cáo thêm: “Trước tình hình dịch bệnh ngày càng nguy hiểm như hiện nay, cha mẹ nên hạn chế cho con ra ngoài, tới nơi đông người nếu không có việc cần thiết. Trong trường hợp phải ra ngoài, nên cho trẻ đeo khẩu trang đầy đủ, sát khuẩn tay cẩn thận và giữ khoảng tối thiểu 2m với mọi người xung quanh. Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống của con, bổ sung đầy đủ các nhóm chất để tăng sức đề kháng cho trẻ.”
**Lưu ý: Hiện tại Bệnh viện Hồng Ngọc
không điều trị F0 tại nhà. Để được tư vấn chi tiết về các dịch vụkhác của bệnh viện (xét nghiệm máu tổng quát, xét nghiệm vi chất cho trẻ, khám nhi, khám nội, khám cho người cao tuổi, điều dưỡng…) khách hàng vui lòng điền thông tin theo mẫu dưới đây:
Thông tin liên hệ:
KHÁM TẠI NHÀ – BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG NGỌC
Tel: 0949.416.006 – 0947.616.006 – 0911.858.616
Hotline cấp cứu 24/24: 1900 636 555
Email: khamtainha@hongngochospital.vn
Nguồn tham khảo thông tin trong bài viết:
https://vnexpress.net/luu-y-khi-dieu-tri-f0-tre-em-tai-nha-4408403.html https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/tre-em-la-f0-die-u-tri-ta-i-nha-phu-huynh-ca-n-chu-y-die-u-gi-804317.html http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/202111/2-tui-thuoc-dieu-tri-tai-nha-cho-f0-la-tre-em-3089203/ https://dangcongsan.vn/multimedia/infographic/nhung-luu-y-khi-dieu-tri-f0-la-tre-em-tai-nha-599768.html