Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm nếu không được điều trị sớm và đúng cách. Các biến chứng COPD có thể đe dọa tính mạng người bệnh nên cần hết sức cảnh giác.
Phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh gì?
Phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh xảy ra ở đường hô hấp, bao gồm khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính. Cơ chế sinh bệnh là sự gia tăng những tổn thương ở túi khí trong phổi cùng với hiện tượng viêm đường hô hấp ở phổi.
Khi bị bệnh, người bệnh thường gặp phải những triệu chứng như ho, khó thở, tăng tiết dịch đờm, thở khò khè…
Cảnh báo 14 biến chứng COPD cần hết sức cẩn trọng
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nguy hiểm không? COPD nếu không được kiểm soát có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bao gồm:
Tràn khí màng phổi
Đây là biến chứng thường gặp nhất và cũng là biến chứng khá nguy hiểm người bệnh cần cảnh giác bất cứ lúc nào.
Sự tắc nghẽn đường dẫn khí kéo dài khiến lượng khí hít vào không được thở hết ra mà tích tụ dần và làm căng phế nang, gây ra hiện tượng khí phế thũng. Những phế nang này bị căng giãn, mỏng hơn và dễ vỡ vào khoang màng phổi, dẫn đến hiện tượng tràn khí màng phổi.
Biến chứng này khiến người bệnh bị đau ngực đột ngột, khó thở, trường hợp nặng có thể gây suy hô hấp nặng dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Suy tim phải -
Biến chứng COPD
Áp lực động mạch phổi tăng cao kèm theo tình trạng thiếu oxy do tắc nghẽn đường dẫn khí có thể dẫn đến suy tim phải. Các dấu hiệu suy tim gồm: gan to, phù hai chi dưới, tĩnh mạch cổ nổi, tâm thất phải đập ở vùng mũi ức…
Tăng áp lực động mạch phổi
Phế nang phổi giãn nhiều sẽ gây chèn ép mao mạch phổi. Từ đó, gây tăng áp lực động mạch phổi. Ngoài ra, tình trạng thiếu oxy liên tục cũng gây co thắt tiểu động mạch và dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi. Đây là biến chứng COPD rất thường gặp.
Tăng áp lực động mạch phổi gây ra tình trạng khó thở nặng, làm tiên lượng bệnh nhân COPD trở nên xấu hơn.
Đa hồng cầu -
Biến chứng COPD
Tình trạng thiếu oxy liên tục xảy ra dẫn đến lượng hồng cầu gia tăng. Số lượng hồng cầu tăng quá mức làm tăng nguy tắc mạch và huyết khối rất nguy hiểm.
Biến chứng thần kinh
Biến chứng COPD về thần kinh thường gặp là đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, rối loạn ý thức. Nguyên nhân do tình trạng thiếu oxy máu và tăng CO2 mạn tính. Nhiều trường hợp lượng CO2 tăng quá cao khiến bệnh nhân bị hôn mê.
Nhiễm trùng phổi
Người mắc bệnh COPD có nguy cơ cao mắc bệnh về nhiễm trùng phổi hoặc viêm phổi. Nhiễm trùng phổi do biến chứng COPD có thể gây ra các vấn đề làm suy giảm chức năng phổi như: tràn dịch màng phổi, nhiễm trùng máu, áp xe phổi… gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người bệnh, thậm chí có thể gây tử vong trong thời gian ngắn.
Rung tâm nhĩ
Rung tâm nhĩ, loạn nhịp tim là tình trạng rất phổ biến ở bệnh nhân đợt cấp COPD. Nguyên nhân dẫn đến biến chứng này là do thiếu oxy cơ tim, suy tim hoặc do rối loạn điện giải.
Rung tâm nhĩ khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở, tăng nguy cơ tắc mạch não do huyết khối tâm nhĩ trái và các rối loạn nhịp tim khác.
Loãng xương - Biến chứng COPD
Một biến chứng COPD khác phải kể đến là tình trạng loãng xương. Các nghiên cứu đã chỉ ra, có đến 40% người bệnh COPD gặp các vấn đề về xương.
Khi mắc COPD, xương trở nên giòn, yếu và dễ gãy hơn. Tình trạng này ảnh hưởng đến vận động và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Tay và chân yếu
Tương tự như biến chứng loãng xương, COPD có thể gây ảnh hưởng đến cơ, khiến tay và chân trở nên yếu hơn, các hoạt động thường ngày khó khăn hơn.
Vấn đề về trọng lượng
Một trong những biến chứng COPD khác nữa đó là gặp phải các vấn đề về tọng lượng như sụt cân, giảm khối lượng cơ, giảm khả năng vận động và tốc độ đi bộ… Nguyên nhân có thể là vì gặp khó khăn khi ăn uống do khó thở và mệt mỏi kéo dài.
Vấn đề về giấc ngủ
Các triệu chứng của COPD như ho, khó thở, thở khò khè, đờm nhiều… ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ của người bệnh. Họ có thể thức giấc vào ban đêm, thậm chí có người gặp phải tình trạng ngưng thở khi ngủ. Nếu ngưng thở kéo dài, cùng mức oxy thấp có thể gây tử vong.
Biến chứng tiểu đường
Mặc dù COPD không trực tiếp gây biến chứng thành bệnh tiểu đường nhưng nó lại ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh. Một số thuốc điều trị COPD có thể tác động xấu đến việc kiểm soát lượng đường huyết.
Ngoài ra, bệnh tiểu đường cũng gây ảnh hưởng đến tim mạch, chức năng phổi nên sẽ khiến bệnh COPD nặng hơn.
Ung thư phổi -
Biến chứng COPD
Một biến chứng nguy hiểm của COPD là ung thư phổi. Nguyên nhân chính gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do hút thuốc lá, thuốc lào nên cũng dễ tiến triển thành ung thư phổi.
Ung thư phổi là bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong rất cao nên người bị bệnh COPD cần hết sức lưu ý, tránh xa các yếu tố có thể khiến bệnh trầm trọng hơn như thuốc lá, thuốc lào, môi trường khói bụi.
Trầm cảm và lo âu
Các triệu chứng và ảnh hưởng của COPD khiến người bệnh mệt mỏi, lo sợ. Cảm giác buồn bã, lo lắng kéo dài khiến họ có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cao.
Với người lớn tuổi, bệnh lý này có thể gây hại cho não do lượng oxy thấp và lượng carbon dioxide cao. Từ đó có thể tiến triển thành chứng sa sút trí tuệ.
Các biện pháp phòng ngừa biến chứng của COPD
COPD là bệnh mạn tính, hiện nay chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn. Các biện pháp điều trị chỉ giúp làm chậm quá trình tiến triển bệnh cũng như hạn chế tối đa biến chứng.
Để việc điều trị đạt hiệu quả cao và ngăn ngừa biến chứng COPD nguy hiểm, người bệnh cần thực hiện các yêu cầu sau:
Bỏ thuốc lá
Thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh và cũng là nguyên nhân khiến bệnh trầm trọng hơn. Do đó, người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần phải bỏ thuốc lá một cách tuyệt đối, hạn chế tiếp xúc với người hút thuốc và không nên đến những nơi ô nhiễm, nhiều khói bụi và chất độc hại.
Nếu phải làm việc ở môi trường khói bụi, người bệnh cần mặc đồ bảo hộ để bảo đảm an toàn cho đường hô hấp, giúp ngăn chặn các biến chứng COPD.
Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ
Mặc dù thuốc không trị dứt điểm bệnh nhưng nó sẽ giúp làm dịu các triệu chứng và cải thiện chức năng phổi về mức tốt hơn. Người bệnh cần tuân theo chỉ dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ, kể cả thuốc uống hay thuốc dạng xịt. Nếu không sử dụng đúng theo hướng dẫn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ đáng tiếc.
Tiêm phòng
Tiêm phòng là chìa khóa đơn giản nhưng lại cực hữu hiệu trong việc phòng ngừa các bệnh lý về đường hô hấp như cúm mùa, viêm phổi. Những bệnh lý này ảnh hưởng nhiều tới trẻ nhỏ và còn là nguyên nhân có thể gây tử vong ở người cao tuổi, nhất là những ai có bệnh lý mạn tính về phổi.
Vì vậy, cần tiêm phòng cúm mùa hằng năm, tiêm vắc xin ho gà, bạch cầu, uốn ván, vắc xin phế cầu… theo chỉ dẫn. Việc tiêm phòng đầy đủ cũng giúp người bệnh ngăn chặn các biến chứng COPD nguy hiểm.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học
Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hằng ngày có thể giúp ngăn ngừa COPD biến chứng và hỗ trợ hiệu quả trong việc điều trị bệnh.
Người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên kiểm soát cân nặng tốt, tránh để tăng cân nhanh và béo phì vì có thể gây khó thở hơn. Bên cạnh đó, hãy vận động thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, tập các bài tập thở tốt cho hệ hô hấp.
https://www.youtube.com/watch?v=vxcA-35Z3FACác biến chứng của COPD khá nguy hiểm, dễ chuyển biến nặng, thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Do đó, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, tái khám đúng hẹn để kiểm soát tốt sự tiến triển của bệnh.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính được điều trị bằng phác đồ GOLD 2023 tân tiến nhất hiện nay. Đây là phác đồ cá thể hóa với từng bệnh nhân, có hướng dẫn, theo dõi và đánh giá hiệu quả thường xuyên. Phối hợp chặt chẽ giữa điều trị nội khoa và phục hồi chức năng phổi, giúp bệnh nhân:
Giảm nhẹ triệu chứng, giảm tần suất tái phát
Giảm số đợt cấp nặng cần nhập viện
Cải thiện khả năng vận động
Liên hệ đặt lịch khám chuyên khoa Hô hấp – Bệnh viện Hồng Ngọc: nơi quy tụ đội ngũ bác sĩ hơn 30 năm kinh nghiệm từ các bệnh viện đầu ngành về hô hấp như BV Bạch Mai và BV Phổi Trung ương.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc