Những hành động nháy mắt, chun mũi, tặc lưỡi,… vô thức lặp đi lặp lại của trẻ nhỏ là biểu hiện của bệnh tic. Bệnh đang có xu hướng gia tăng nhanh do trẻ được tiếp cận với điện thoại thông minh quá nhiều.
Bệnh tic là bệnh gì?
Bệnh tic là tên gọi của một dạng bệnh rối loạn vận động khi người bệnh lặp đi lặp lại một hành động nhiều lần không kiểm soát được. Bệnh nhân còn phát ra những âm thanh đơn giản như: lẩm bẩm, tặc lưỡi, la hét, hắng giọng,…
Rối loạn tic có xu hướng trầm trọng vào độ tuổi 11 – 12 tuổi. Sau đó, bệnh giảm dần khi bước tới giai đoạn dậy thì. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh tic ở trẻ có thể không thuyên giảm, dù đã bước vào tuổi trưởng thành.
Phân loại bệnh tic
Thông qua các biểu hiện, hành động, cùng với tần xuất xuất hiện, bệnh được phân loại thành: bệnh tic đơn giản và bệnh tic phức tạp:
Bệnh tic đơn giản
Bệnh nhân có các biểu hiện vận động: nháy mắt, nhún vai, nhăn mặt, gật mạnh đầu liên tục,… Người bệnh có thể phát ra các âm thanh như em hèm, khịt mũi, sủa hoặc lầm bầm không rõ âm,…
Bệnh tic phức tạp
Biểu hiện vận động:
- Kết hợp các biểu hiện vận động ở tic đơn giản ví dụ như: quay đầu cùng với nhún vai,…
- Có các hành động tục tĩu: sử dụng các cử chỉ mang tính khiêu dâm.
- Nhại lại động tác: bắt chước lại các hành động của người khác.
- Các hành động kết hợp nhiều nhóm cơ: tự cắn, nhảy nhót, giậm chân, xoay tròn,…
Biểu hiện âm thanh:
- Nói tục nhiều: liên tục nói những từ không phù hợp để nhục mạ, những từ tục tĩu.
- Nói những câu dài lặp đi lặp lại, có xu hướng không phù hợp với bối cảnh.
- Nhại lại lời nói và lặp lại âm thanh của người khác.
Với các tần suất và biểu hiện khác nhau, bệnh nhân cần được chẩn đoán với bác sĩ để tìm ra triệu chứng bệnh tic.
Có thể bạn quan tâm:
Nguyên nhân gây ra bệnh tic
Thực tế hiện nay, các nguyên nhân bệnh tic chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nguyên nhân gây khởi phát bệnh được cho là do yếu tố môi trường và sinh học. Ví dụ như là: bệnh nhân tiếp xúc với hóa chất, các chất gây dị ứng, phim ảnh hoặc các trò chơi điện tử quá nhiều,…
Các nhà khoa học cho rằng bệnh tic bắt nguồn từ yếu tố di truyền. Hoặc một số khác lại cho rằng bệnh khởi phát do những bất thường từ các chất dẫn truyền thần kinh trong não.
Rối loạn tic cũng có thể phát triển do những vấn đề khi mang thai: sử dụng chất kích thích trong thai kì, gặp biến chứng khi sinh, bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A. Đặc biệt hơn, những người (đặc biệt là trẻ con) tiếp xúc với điện thoại thông minh, xem ti vi quá nhiều trong một ngày cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Người mắc bệnh tic có gặp nguy hiểm gì không?
Đa số những bệnh nhân mắc rối loạn tic đều ở trạng thái nhẹ với thời gian phát bệnh dưới 1 năm. Bệnh lại có các biểu hiện rõ ràng, lặp đi lặp lại nên thường được chữa trị từ sớm. Do vậy, bệnh lý dưới 1 năm được đánh giá là ít gây nguy hiểm với người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh sẽ gặp nhiều vấn đề phiền toái như:
- Ảnh hưởng đến cuộc sống: gặp khó khăn khi phát âm, giảm khả năng chú ý, khả năng phân tích tình huống và dữ liệu khi nhìn và nghe.
- Bị xa lánh, trêu chọc: những hành động, âm thanh kì lạ mà người bệnh phát ra không được hoan nghênh.
- Nguồn cơn khởi phát thêm các rối loạn phát triển khác: bệnh nhân có thể mắc thêm tăng động giảm chú ý, trầm cảm, tự kỉ, rối loạn lo âu,… nếu bị mắc bệnh tic.
- Có thể bị đau khi các biểu biện xảy ra: các hành động vô thức khiến các cơ hoạt động nhiều, dẫn đến tình trạng đau mỏi.
Đối với những người mắc rối loạn tic trên 1 năm, bệnh đã được chẩn đoán thành hội chứng Tourette
. Tình trạng này phức tạp, khiến cho quá trình điều trị khó khăn hơn.
Phương pháp điều trị dành cho bệnh tic
Đối với các bệnh nhân mắc rối loạn tic, các bác sĩ sẽ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị thích hợp. Nhưng phổ biến nhất, các bệnh nhân sẽ được điều trị với các phương pháp như sau:
- Can thiệp hành vi toàn diện
- Điều trị nội khoa với thuốc
- Điều trị thêm các bệnh phối hợp cùng
Can thiệp hành vi toàn diện
Khi thực hiện can thiệp hành vi, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cách kiểm soát hoặc giảm mức độ nặng/ số lượng của biểu hiện tic. Một trong nhiều liệu pháp hiệu quả nhất là Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT).
Khi áp dụng liệu pháp này, các bệnh nhân khi xuất hiện biểu hiện tic cần thay thế bằng những hành động khác trái ngược ngay lập tức. Điều này khiến các cơ trên khuôn mặt dần quên đi các biểu hiện tic, làm giảm tần số phát bệnh tic.
Các phương pháp thư giãn, đào tạo nhận thức về tic sẽ được giới thiệu và áp dụng ở một số trường hợp. Nếu như bệnh nhân áp dụng thường xuyên, các biểu hiện bệnh tic có thể giảm tới 64% - 100%.
Điều trị nội khoa với thuốc
Bệnh nhân cần duy trì sử dụng thuốc điều trị theo đơn để tác động tới các chất dẫn truyền thần kinh. Từ đó các triệu chứng của bệnh tic sẽ được kiểm soát. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định đơn thuốc phù hợp. Bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh phác đồ điều trị khi triệu chứng bệnh tic giảm dần.
Điều trị bổ sung
Bệnh nhân mắc rối loạn tic có thể mắc thêm các rối loạn khác. Nếu như nhận thấy bản thân có những triệu chứng bệnh khác, người bệnh vui lòng thông báo tới bác sĩ điều trị để nhận được phác đồ điều trị phù hợp.
Khi có sự phối hợp giữa bệnh nhân và bác sĩ, bệnh tic có thể giảm hẳn các triệu chứng và khỏi hoàn toàn. Do vậy, bệnh nhân không nên quá lo lắng mà nên tuân thủ đúng phương án điều trị đã được chỉ định.
Đăng ký khám và nhận tư vấn qua hotline: 0947 616 006
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị.
Để biết chính xác tình trạng bệnh lý người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.