Bà bầu bị sốt virus có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi, mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau từ nhẹ đến nghiêm trọng tùy theo tuổi thai và loại bệnh, nghiêm trọng nhất là nguy cơ gây ra dị tật nặng nề cho trẻ sơ sinh.
Biểu hiện bà bầu bị sốt virus
Phụ nữ mang thai là đối tượng có khả năng cao bị mắc phải một số bệnh nội – ngoại khoa, bệnh truyền nhiễm do tác nhân vi trùng, siêu vi, ký sinh trùng, bên cạnh đó cơ thể của phụ nữ lúc mang thai có một số biến đổi nhất định và sức khỏe yếu hơn nên khi nhiễm bệnh sẽ diễn biến nặng nề hơn. Khả năng bệnh gây ra nhiều biến chứng cho cả mẹ và bé cũng cao hơn so với lúc chưa mang thai, nhất là khi bà bầu bị sốt virus.
Khác với những cơn cảm/ sốt thông thường, bà bầu bị sốt virus thường có thời gian sốt trên 7 ngày, cơn sốt kéo dài từng cơn và sốt cao từ 38 – 39 độ C. Điểm đặc biệt là khi bị sốt virus, trong khoảng 3 ngày đầu, mẹ bầu có thể sẽ thấy xuất hiện phát ban khắp cơ thể. Vết ban sẽ giảm dần khi mẹ hạ sốt và tăng lên khi sốt cao.
Bà bầu bị sốt virus có nguy hiểm nhiều không còn tùy theo tuổi thai và loại virus mà mẹ mắc phải, nhưng đều sẽ gây hại cho cả mẹ và bé.
Bà bầu bị sốt virus do đâu?
Trong 9 tháng thai kỳ, sức đề kháng của mẹ bị suy giảm, tạo điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn, virus tấn công gây bệnh. Bà bầu bị sốt virus có thể liên quan đến các tác nhân như virus sởi, nhiễm virus sốt xuất huyết, nhiễm parvovirus, bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng, Rubella. Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể làm mẹ bầu bị sốt bao gồm:
Cúm mùa (đặc biệt nhiều vào khoảng mùa đông xuân)
Viêm phổi và viêm a - mi - đan
Virus dạ dày tấn công làm viêm dạ dày ruột dẫn đến sốt
Viêm bể thận
Những tác nhân kể trên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, thậm chí có thể gây dị tật thai hoặc tăng nguy cơ sinh non. Vì vậy, bà bầu bị sốt virus (hoặc sốt thông thường) cần đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hạ sốt tại nhà.
Đăng ký dịch vụ thai sản trọn gói qua hotline: 0919 645 271 hoặc điền vào form dưới đây
Bà bầu bị sốt virus ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
Trong giai đoạn khi chưa đến 12 tuần thai (trong 3 tháng đầu thai kỳ - tam cá nguyệt đầu tiên) nếu bà bầu bị sốt virus thì thai nhi trong bụng sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề, điển hình là các biến chứng nặng dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, thai nhi chậm phát triển, dị tật bẩm sinh…
Đặc biệt, bà bầu bị sốt virus do một số tác nhân chính bao gồm virus cúm, sốt xuất huyết, zika, thủy đậu, rubella có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Nguy hiểm nhất là sốt do nhiễm Rubella cấp tính vì có thể dẫn đến tỷ lệ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (kèm theo dị tật bào thai) lên tới 90%. Các loại sốt virus khác có thể không để lại di chứng dị tật bẩm sinh ở thai nhi nhưng không loại trừ khả năng dẫn đến sảy thai.
Đến tam cá nguyệt thứ hai, tỷ lệ các biến chứng do mẹ bị sốt virus ở thai nhi nói chung sẽ giảm đi. Thực tế, thai nhi càng lớn sẽ càng an toàn do thời điểm đó thai nhi và bánh nhau đã phát triển đến mức độ nhất định có khả năng chống chọi được một số bệnh truyền từ mẹ sang con.
Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ nhỏ các em bé bị ảnh hưởng. Trường hợp đặc biệt khi phụ nữ mang thai bị nhiễm sốt xuất huyết vào đúng kỳ sinh nở sẽ rất nguy hiểm vì dễ dẫn đến các nguy cơ chảy máu sau sinh và thai nhi sẽ bị ảnh hưởng.
Bà bầu bị sốt virus khi thai nhi đã được hơn 3 tháng tuổi vẫn cần được đưa đi khám ngay để lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán chính xác, các bác sĩ sẽ hướng dẫn cách điều tị bệnh an toàn cho thai phụ, đồng thời tiến hành theo dõi chặt chẽ hơn đối với sự phát triển của em bé.
Có thể bạn quan tâm:
- Bà bầu bị sốt ảnh hưởng như thế nào đối với thai nhi?
- Kinh nghiệm chăm sóc bà bầu khi bị sốt an toàn và khoa học
- Bị sốt khi mang thai có đáng lo? Mẹ bầu cần lưu ý điều gì?
Phương pháp điều trị sốt virus cho bà bầu
Cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị sốt virus ở bà bầu. Trường hợp bà bầu bị sốt virus chủ yếu được điều trị để giảm sốt và cải thiện thể trạng chống lại virus gây bệnh. Một số loại thuốc như aspirin và ibuprofen không được khuyến cáo dùng cho phụ nữ có thai vì có thể gây dị tật thai nhi. Mẹ bầu có thể sử dụng paracetamol để giảm sốt, nhưng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, không uống quá 3 lần/ ngày.
Ngoài dùng thuốc, bà bầu bị sốt virus có thể sử dụng khăn ấm chườm khắp người để có thể cân bằng nhiệt độ giúp giảm sốt nhanh chóng. Mẹ cũng nên uống đủ nước, bổ sung điện giải để cơ thể không bị mất nước quá đà.
Có nhiều bà bầu đề nghị dùng biện pháp chấm dứt thai kỳ vì lo sợ bệnh sẽ khiến cho thai nhi bị dị tật. Nhưng thực tế không phải trường hợp nào bà bầu bị sốt virus trong khi mang thai cũng có thể gây dị tật thai nhi. Đình chỉ thai kỳ sẽ được các bác sĩ sản khoa tư vấn áp dụng đối với trường hợp thai nhi chưa đủ 18 tuần tuổi và có kèm các bằng chứng rõ ràng đủ để kết luận nguy cơ thai bị dị tật hoặc thực hiện nghiên cứu dịch tễ học cho thấy em bé có khả năng bị dị tật (khi nhiễm virus Rubella).
Quyết định giữ thay hay không vẫn nằm ở thai phụ. Bà bầu bị sốt virus xác định giữ hay bỏ thai cũng nên cân nhắc kỹ lời khuyên từ bác sĩ điều trị.
Phòng tránh nhiễm sốt virus ở bà bầu
Để tránh việc bà bầu vị sốt virus, tốt nhất vẫn phòng bệnh hơn chữa bệnh bằng các biện pháp sau:
Đeo khẩu trang thường xuyên khi ở nơi công cộng
Hạn chế tiếp xúc với người nhiễm bệnh
Hạn chế xuất hiện ở đám đông, nơi tập trung đông người
Ngăn ngừa muỗi chích, giữ ấm cơ thể
Luôn duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng sức đề kháng
Giữ vệ sinh môi trường xung quanh nơi sinh sống và vệ sinh sạch sẽ thân thể
Chủ động tiêm phòng các loại vắc-xin cần thiết trước khi mang thai từ 3 – 6 tháng như vắc-xin cúm, thủy đậu, rubella, viêm gan siêu vi B…
Theo các bằng chứng dịch tễ học cho thấy phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và tử vong do nhiễm virus cúm, sốt. Bà bầu bị sốt virus có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc như sảy thai tự nhiên, sinh non, nhiễm trùng thai nhi với các hội chứng virus bẩm sinh. Vậy nên bà bầu cần phóng tránh nguy cơ nhiễm sốt virus là rất quan trọng.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Hồng Ngọc để có thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe và các chương trình ưu đãi hấp dẫn từ bệnh viện.