Hotline: 024 7300 8866

Cấp Cứu Ngoài BV: 1900 636 555

  |  

Bệnh sỏi tiết niệu có nguy hiểm?

Theo ước tính Việt Nam có 3% dân số (2,5 triệu người) mắc sỏi tiết niệu trong năm 2010 và có xu hướng ngày càng gia tăng. Hầu hết những người bị sỏi tiết niệu ở vào khoảng 40 -50 tuổi. Có nhiều yếu tố gây bệnh sỏi tiết niệu như: di truyền, các dị dạng bẩm sinh đường tiết niệu, nhiễm khuẩn, chế độ ăn uống sinh hoạt không hợp lý…

Bộ phận thuộc hệ tiết niệu

Hệ tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.

Chức năng của mỗi bộ phận:

– Thận tạo thành nước tiểu 

– Niệu quản dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang

– Bàng quang tiết niệu là một cấu trúc giống như một túi có chức năng lưu trữ tạm thời nước tiểu

– Niệu đạo là một cấu trúc hình ống có chức năng dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài

Sỏi tiết niệu là gì?

Sỏi tiết niệu là những viên sỏi xuất hiện ở đường tiết niệu. Sỏi có thể xảy ra khi nước tiểu cô đặc nhiều với các chất như canxi, oxalat và phốt pho. Sỏi có thể nằm trong thận hoặc di chuyển xuống đường tiết niệu. Sỏi thận có kích thước khác nhau. Một viên sỏi nhỏ có thể tự trôi qua, gây ít hoặc không đau. Trong khi đó, một viên sỏi lớn hơn có thể mắc kẹt dọc theo đường tiết niệu và có thể chặn dòng chảy của nước tiểu, gây đau dữ dội hoặc chảy máu.

Tỷ lệ người mắc bệnh sỏi thận suốt đời ước tính từ 1% đến 15%, thay đổi theo tuổi, giới tính, chủng tộc và vị trí địa lý. Người ta ước tính rằng, nam giới có nguy cơ bị ảnh hưởng cao gấp ba lần so với phụ nữ.

Sỏi có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào dọc theo đường tiết niệu, bắt đầu từ thận đến bàng quang và niệu đạo, nhưng chúng thường nằm ở thận và niệu quản.

Sỏi đường niệu hay xảy ra ở người lớn tuổi và rất hay tái phát. Bệnh dễ gây ra tắc nghẽn đường tiểu và từ đó gây nên hiện tượng nhiễm khuẩn tiểu, nặng hơn có thể gây thận ứ nước và suy thận mạn, một biến chứng gây tàn phế suốt đời cho bệnh nhân. Ngoài ra, sỏi niệu nhất là sỏi niệu quản thường gây ra cơn đau quặn thận…Chính vì vậy, bệnh sỏi đường niệu đã và đang là vấn đề được mọi người quan tâm.

sỏi tiết niệu có nguy hiểm

Hình ảnh minh họa sỏi tiết niệu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển sỏi tiết niệu:

– Tuổi tác: Tỷ lệ cao nhất của bệnh sỏi là người ở độ tuổi trung niên. 

– Giới tính: Phổ biến ở nam giới trưởng thành hơn nữ giới.

– Địa lý: Tỷ lệ mắc bệnh sỏi cao hơn ở các vùng khí hậu khô nóng như vùng núi, sa mạc hoặc các khu vực nhiệt đới.

– Điều kiện khí hậu: Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất được quan sát thấy trong những tháng mùa hè.

– Nước: Lượng nước thấp có liên quan trực tiếp đến việc hình thành sỏi thận.

– Chỉ số khối cơ thể (BMI) và cân nặng: Nguy cơ mắc bệnh sỏi liên quan trực tiếp đến cân nặng và chỉ số BMI.

Những loại sỏi tiết niệu thường gặp?

Các loại sỏi tiết niệu khác nhau như sau:

– Sỏi canxi là loại sỏi thận phổ biến nhất. Trong đó, sỏi canxi oxalat phổ biến hơn và chúng được hình thành do sự bài tiết nhiều canxi và oxalat trong nước tiểu.

– Loại sỏi thường gặp khác là sỏi axit uric. Chế độ ăn giàu chất purin có trong đạm động vật như thịt, cá, sò có thể làm tăng axit uric trong nước tiểu, chất này lắng xuống và tạo thành sỏi hoặc cùng với canxi.

– Một loại sỏi khác chỉ được quan sát thấy trong quá trình nhiễm trùng đường tiết niệu được gọi là sỏi struvite và nó thường thấy ở phụ nữ hơn. Loại sỏi này là do vi khuẩn phân tách urê như Proteus mirabilis tạo nên. Vi khuẩn này tạo ra enzyme urease sẽ phân hủy urê thành amoniac và thúc đẩy sự phát triển của đá struvite. Không bị nhiễm trùng có thể ngăn ngừa sự hình thành sỏi struvite.

Biểu hiện của sỏi tiết niệu

– Người bệnh rất đau đớn mỗi khi đi tiểu. Tiểu buốt, gắt, tiểu són, nước tiểu màu hồng do có sự hiện diện của máu.

– Bệnh nhân sẽ sốt cao nếu sỏi đường tiết niệu bị nhiễm trùng.

– Ngoài những triệu chứng trên, người bệnh có thể có cảm giác ớn lạnh, lạnh run, buồn nôn và khi sốt.

Do hình thành một cách âm thầm và đến khi sỏi to bệnh nhân lên cơn đau đột ngột, dữ dội ở vùng thắt lưng, lan xuống vùng hạ vị, đến vùng bẹn và cơ quan sinh dục.

Cơn đau thường xuất hiện sau khi vận động mạnh, khiến sỏi di chuyển tới chỗ chít hẹp, gây tắc đường niệu.

Sỏi tiết niệu có nguy hiểm

Đau vùng thắt lưng là triệu chứng của sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu có nguy hiểm không?

Sỏi tiết niệu có nguy hiểm không là thắc mắc của nhiều người đang có dấu hiệu của sỏi. Về bản chất, sỏi tiết niệu gây tắc đường niệu nên có thể dẫn tới nhiều biến chứng điển hình dưới đây:

– Trong quá trình di chuyển, sỏi có kích thước lớn và góc cạnh có thể cọ xát vào niêm mạc đường tiết niệu gây chảy máu (tiểu ra máu), phù nề, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm đường tiết niệu.

– Sỏi đường tiết niệu nhiều hoặc kích thước lớn sẽ làm tắc đường niệu đạo dẫn tới bí tiểu cấp tính hay mãn tính.

– Sỏi tiết niệu làm suy giảm chức năng thận, tăng huyết áp, nguy hiểm nhất là tử vong nếu không được điều trị kịp thời. 

– Tốc độ lọc cầu thận giảm do sỏi làm tắc nghẽn nước tiểu từ thận. Tình trạng này kéo dài tới 48 giờ sẽ khiến thận bị tổn thương không phục hồi được.

– Đối với người bị sỏi niệu quản có xuất hiện triệu chứng tới tuần thứ 4, bệnh nhân sẽ phải đối diện với 20% nguy cơ biến chứng như: nhiễm trùng máu, suy giảm chức năng thận, thắt niệu quản.

– Viêm bể thận hay nhiễm trùng khi hệ tiết niệu tắc nghẽn kéo dài, đe dọa tới tính mạng người bệnh.

Phòng ngừa sỏi tiết niệu hiệu quả 

Do bệnh rất hay tái phát nên việc phòng bệnh là rất cần thiết. Theo các chuyên gia khoa tiết niệu cho biết: “Chế độ thực phẩm trong ăn uống và vận động khiến cấu tạo của sỏi tiết niệu ở nhiều người rắn chắc nên thường gây khó khăn cho việc điều trị”.

Với những bệnh nhân đã phẫu thuật cần lưu ý đến chế độ ăn hàng ngày hợp lý, không quá nhiều các sản phẩm có canxi và các chất có thể gây sỏi… Không nén nhịn khi buồn đi tiểu.

Nên uống nhiều nước khoảng 2 lít nước để mỗi ngày bài tiết được hơn 1,5 lít nước tiểu. Nếu có dấu hiệu tiểu buốt, dắt thì nên dùng sớm các loại lợi tiểu sẵn có như râu ngô, mã đề…

Cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu đã bị sỏi, tránh các biến chứng.

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện Hồng Ngọc TẠI ĐÂY để có thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe và các chương trình ưu đãi hấp dẫn từ bệnh viện.

Bài viết liên quan