Xơ hóa cơ ức đòn chũm là bệnh lý thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, làm ảnh hưởng đến khả năng vận động của cổ và đầu. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị xơ hóa cơ ức đòn chũm để cha mẹ hiểu rõ và có biện pháp xử lý phù hợp.
Khái niệm, nguyên nhân gây xơ hóa cơ ức đòn chũm
Xơ hóa cơ ức đòn chũm là tình trạng bệnh lý xảy ra khi cơ ức đòn chũm ở cổ bị xơ hóa, dẫn đến co rút, mất tính đàn hồi và hạn chế chức năng vận động ở đầu, cổ. Tình trạng này thường gây:
- Biến dạng cổ: Cổ bị nghiêng về một bên (vẹo cổ) và cằm xoay về phía đối diện.
- Hạn chế vận động: Khó quay đầu hoặc cúi ngửa cổ.
- Căng cứng và đau nhức: Cha mẹ có thể nhìn thấy khối u hoặc vùng cơ bị căng cứng.
Xơ hóa cơ ức đòn chũm xảy ra khi cơ ức đòn chũm ở cổ bị xơ hóa, dẫn đến co rút, mất tính đàn hồi
Xơ hóa cơ ức đòn chũm ở trẻ em thường xuất phát từ các vấn đề trong thai kỳ hoặc quá trình sinh nở. Nguyên nhân là do tư thế bất lợi của thai nhi trong tử cung, như sinh ngôi mông hoặc dây rốn quấn cổ, dẫn đến chèn ép mạch máu nuôi dưỡng cơ ức đòn chũm, gây tổn thương và xơ hóa. Ngoài ra, trong trường hợp sinh khó, mạch máu trong cơ bị tổn thương hoặc đứt, dẫn đến hình thành cục máu đông. Cục máu đông này sau đó xơ hóa, khiến cơ co rút và gây ra tình trạng vẹo cổ.
Dấu hiệu của xơ hóa cơ ức đòn chũm
Để nhận biết xơ hóa cơ ức đòn chũm, cha mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường ở trẻ, bao gồm các triệu chứng sớm và muộn sau đây:
Dấu hiệu sớm: Tình trạng xơ hóa cơ ức đòn chũm ở trẻ sơ sinh thường được phát hiện trong khoảng 3 tháng đầu sau sinh với các dấu hiệu đặc trưng. Cha mẹ có thể nhận thấy một khối u ở cơ ức đòn chũm, xuất hiện ngay sau khi sinh. Khối u này thường to lên nhanh trong tháng đầu, có mật độ từ hơi chắc đến rất chắc, di động nhẹ theo cơ ức đòn chũm, nhưng không gây nóng, đỏ hay đau. Khoảng 2-3 tháng sau, trẻ bắt đầu có dấu hiệu hạn chế vận động ở cổ. Cụ thể, đầu bé nghiêng về phía có khối xơ hóa, khó nghiêng sang bên lành và gặp khó khăn khi xoay cổ sang hai bên.
Dấu hiệu muộn: Nếu xơ hóa cơ ức đòn chũm không được điều trị hoặc điều trị sai cách, khi trẻ được 3 tháng tuổi, các dấu hiệu bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Khối u ở cơ ức đòn chũm vẫn tồn tại nhưng trở nên cứng chắc hơn. Trẻ bị vẹo cổ, đầu nghiêng hẳn về phía có khối u, vận động cổ bị hạn chế, khó nghiêng đầu sang bên lành hoặc xoay cổ. Tình trạng kéo dài có thể dẫn đến vẹo cột sống cổ, biến dạng các đốt sống. Thậm chí trong trường hợp nặng, trẻ sẽ bị lác mắt hoặc teo nửa mặt ở bên bị xơ hóa, ảnh hưởng đến sự phát triển và thẩm mỹ của trẻ.
Dấu hiệu đặc trưng là xuất hiện khối u ở ức đòn chũm, hạn chế vận động ở cổ
Biện pháp điều trị xơ hóa cơ ức đòn chũm
Thời điểm vàng để điều trị xơ hóa cơ ức đòn chũm là trong 3 tháng đầu sau sinh. Ngay khi phát hiện khối xơ ở trẻ, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa vật lý trị liệu - phục hồi chức năng để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Mục tiêu của vật lý trị liệu là làm mềm khối xơ, duy trì khả năng vận động bình thường của cột sống cổ và ngăn ngừa các biến dạng thứ phát ở sọ mặt hoặc cột sống cổ. Các kỹ thuật vật lý trị liệu bao gồm:
- Nhiệt trị liệu: Sử dụng tia hồng ngoại chiếu lên vùng cổ bị tổn thương trong 15 phút mỗi lần, từ 1 đến 2 lần mỗi ngày. Liệu trình nên được duy trì liên tục trong 10 - 15 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Điện trị liệu: Áp dụng siêu âm điều trị tại vùng cơ ức đòn chũm bị tổn thương, mỗi lần 10 phút, thực hiện hàng ngày. Thời gian điều trị kéo dài từ 10 - 15 ngày để hỗ trợ phục hồi cơ.
- Vận động trị liệu: Là phương pháp điều trị không dùng thuốc, mà thực hiện các bài tập vận động giúp làm mềm các mô cơ, giảm thiểu sự co rút cơ và ngăn ngừa các biến chứng lâu dài như vẹo cổ hay biến dạng cột sống cổ.
Ngoài ra, cha mẹ có thể tập vận động cho trẻ tại nhà, bao gồm các bài tập:
Bài tập 1: Xoa bóp và day ấn khối xơ cơ ức đòn chũm: Giúp làm mềm mô xơ, giảm đau, cải thiện tuần hoàn máu và hỗ trợ phục hồi chức năng vận động cổ cho trẻ.
- Cách thực hiện:
+ Đặt trẻ nằm trên đùi người nhà, sao cho vai của trẻ chạm mép đùi và đầu trẻ được nâng đỡ bằng tay của người trị liệu.
+ Đảm bảo cổ của trẻ duỗi thẳng, nghiêng về phía bên lành, mặt quay về phía có khối xơ hóa.
+ Một tay của người trị liệu cố định khớp vai và hông của trẻ.
+ Dùng ngón trỏ và ngón giữa của tay còn lại để ấn, đồng thời day nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ trên khối xơ cơ ức đòn chũm. (Lưu ý: Không day quá mạnh để tránh làm da bị đỏ hoặc phồng gây đau).
+ Thời gian: 5 - 10 phút, từ 6 - 8 lần/ngày.
Các bài tập giúp làm mềm các mô xơ, giảm thiểu sự co rút cơ và ngăn ngừa các biến chứng
Bài tập 2: Kéo giãn cơ ức đòn chũm: Giúp tăng tầm vận động cổ, giảm căng cứng cơ và hỗ trợ điều chỉnh tư thế.
- Cách thực hiện:
+ Đặt trẻ ở tư thế giống như trong bài tập 1.
+ Một tay của người trị liệu cố định khớp vai và hông của trẻ từ phía sau, kéo nhẹ nhàng khớp vai về phía hông.
+ Tay còn lại đặt trước mặt trẻ, dùng ngón cái ấn vào góc hàm và các ngón còn lại đặt vào phần xương chũm.
+ Nhẹ nhàng kéo đầu trẻ xuống, giữ trong khoảng 30 giây, sau đó thả lỏng và lặp lại động tác.
+ Thời gian: 5 - 10 phút, từ 6 - 8 lần/ngày.
Lưu ý: Kết hợp xoa bóp, day ấn và kéo giãn xen kẽ trong suốt quá trình điều trị.
Bài tập 3: Kéo giãn thông qua tư thế: Giúp trẻ xoay đầu về bên bị tổn thương, hỗ trợ kéo giãn cơ và tăng tầm vận động của cổ.
- Cách thực hiện:
+ Cho trẻ bú ngược bên với bên bị tổn thương. (Ví dụ: Nếu bên phải bị xơ hóa cơ, cho trẻ bú vú bên trái của mẹ).
+ Khi trẻ nằm nghiêng, đầu nghiêng về phía bên lành và bên bệnh nằm phía dưới.
+ Đảm bảo khi ngủ, đầu trẻ được đặt ở tư thế trung tính để giúp duy trì độ giãn cơ.
Lưu ý quan trọng khi thực hiện 3 bài tập trên:
- Chuyên môn y tế: Các bài tập vận động trị liệu cần được thực hiện dưới sự giám sát và hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia phục hồi chức năng. Không nên tự ý thực hiện các bài tập nếu không có sự hướng dẫn chuyên môn.
- Đảm bảo an toàn: Các bài tập chỉ nên thực hiện khi khối u không có dấu hiệu nóng, đỏ hoặc đau. Kéo giãn cơ cần được thực hiện nhẹ nhàng và từ từ, tránh các động tác đột ngột hoặc quá mạnh.
- Thực hiện đúng cách: Tiến hành các bài tập đều đặn cho đến khi trẻ phục hồi hoàn toàn. Trẻ nên được theo dõi thường xuyên trong suốt quá trình điều trị để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
- Tránh gây khó chịu cho trẻ: Không thực hiện bài tập khi trẻ đang khóc hoặc chống đối. Để tránh tình trạng nôn trớ, nên tập trước khi cho trẻ ăn. Nếu trong quá trình tập, trẻ có dấu hiệu khó thở hoặc tím tái, ngay lập tức ngừng tập và đưa bé đến bác sĩ.
Bên cạnh đó, phẫu thuật sẽ được chỉ định cho bệnh nhi trong những trường hợp sau:
- Trẻ trên 2 tuổi, bị vẹo cổ nặng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn khác.
- Cơ ức đòn chũm bị co rút, xơ hóa cứng, không thể kéo giãn.
- Trẻ không thể quay cổ về phía bên có khối cơ bị xơ hóa.
Sau khi phẫu thuật, trẻ sẽ được đeo đai cổ mềm để hỗ trợ chỉnh hình, kết hợp với các bài tập vận động trị liệu để duy trì đầu ở vị trí trung tính và giúp phục hồi tầm vận động cổ.
Vẹo cổ do xơ hóa cơ ức đòn chũm là một vấn đề khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Cha mẹ cần quan tâm theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo quá trình điều trị diễn ra an toàn, hiệu quả, giúp trẻ nhanh chóng phục hồi khả năng vận động.
Có thể bạn quan tâm:
Điều trị tổn xơ hóa cơ ức đòn chũm tại BVĐK Hồng Ngọc
- Đội ngũ bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ trị liệu từng công tác tại nhiều bệnh viện lớn trong và ngoài nước, tu nghiệp tại Pháp, Nhật…, có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chẩn đoán và điều trị xơ hóa cơ ức đòn chũm.
- Hệ thống thiết bị chẩn đoán và điều trị hiện đại, nhập khẩu đồng bộ từ Anh, Đức, Mỹ… giúp quá trình điều trị hiệu quả, hồi phục nhanh chóng.
- Đến với BVĐK Hồng Ngọc, quý khách hàng sẽ được trải nghiệm nhiều tiện ích như không gian bệnh viện khách sạn 5 sao; chủ động hẹn tái khám; lịch trình theo dõi cụ thể mà vẫn tiết kiệm tối đa chi phí.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám và điều trị xơ hóa cơ ức đòn chũm tại BVĐK Hồng Ngọc, vui lòng liên hệ Hotline 0911858622 để được hỗ trợ kịp thời.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác:
https://www.facebook.com/Coxuongkhophongngoc