Biểu hiện của bệnh nhi bị lây nhiễm Covid-19, cha mẹ cần làm gì trong trường hợp con bị nhiễm, nghi nhiễm hoặc nghi ngờ tiếp xúc với Covid-19 và biện pháp nào phòng ngừa cho trẻ trước nguy cơ lây nhiễm…Tất cả câu hỏi của cha mẹ sẽ được giải đáp bởi dưới đây.
Số liệu do Viện Hàn lâm Khoa học Y học Trung Quốc phát hành vào ngày 29 tháng 1 vừa qua trong "Khuyến cáo về chẩn đoán và phòng ngừa nhiễm trùng / viêm phổi cho trẻ em năm 2019 " đã có 15 trường hợp là trẻ em bị nhiễm trùng do Covid-19. Độ tuổi từ 8 tháng đến 12 tuổi, bao gồm 5 trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, 3 trẻ mẫu giáo và 6 trẻ ở độ tuổi đi học.
Hiện chưa có trường hợp trẻ sơ sinh và trẻ em tử vong nào được báo cáo. Trong số 15 trường hợp trẻ em, 13 trường hợp có tiền sử gia đình ở Vũ Hán bị nhiễm bệnh. Theo xu hướng phát triển của dịch này, số trường hợp trẻ em được xác nhận sẽ dần dần tăng lên.
Cha mẹ và gia đình cần nắm được những kiến thức dưới đây để phòng và có biện pháp xử lý đúng, kịp thời trong trường hợp dịch bệnh bùng phát:
Đặc điểm lâm sàng của các bệnh nhi nhiễm trùng/viêm phổi do Covid-19
Thời gian ủ bệnh tối thiểu là 1 ngày và tối đa là 14 ngày. Các biểu hiện lâm sàng thường thấy gồm có:
Sốt: Hầu hết trong số các trẻ được chẩn đoán có biểu hiện bị sốt từ thấp đến trung bình. Nhiệt độ cao nhất trong các trường hợp đạt đến 40° C và nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường trong vòng 1 đến 4 ngày (cậu bé 6 tuổi Quảng Châu bị sốt cao và hạ nhiệt sau 23 giờ điều trị). Chỉ có 1 trường hợp kéo dài trong 1 tuần.
Ho và (hoặc) các triệu chứng bệnh đường hô hấp khác như mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, khó thở, tiêu chảy.
Ảnh chụp CT phổi có dấu hiệu tổn thương, CRP trong máu bình thường hoặc có một thoáng tăng nhẹ, kết quả xét nghiệm dương tính với SAR-CoV-2, các trường hợp được chữa khỏi cho kết quả âm tính từ 1 đến 2 tuần sau khi phát bệnh.
Mức độ nhiễm trùng/viêm phổi do Covid-19 ở trẻ em và biểu hiện cụ thể
Dựa theo biểu hiện lâm sàng một số ít trường hợp nhiễm trùng ở trẻ em có thể phân theo các cấp độ:
Nhiễm trùng không triệu chứng hoặc cận lâm sàng: Bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào mặc dù có tiền sử dịch tễ học khi tiếp xúc gần với bệnh nhân nghi ngờ hoặc được xác nhận nhiễm bệnh.
Nhiễm trùng nhẹ: có các biểu hiện giống nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm sốt, mệt mỏi, ho, sổ mũi, hắt hơi, tiêu chảy. Tuy nhiên, cũng có một số trẻ có thể không có một hoặc một vài triệu chứng trên.
Viêm phổi thông thường: thường sốt và ho, chủ yếu là ho khan, ho khạc đờm, khò khè trong một số trường hợp nhưng không có tình trạng thiếu oxy rõ ràng như khó thở.
Viêm phổi nặng: sốt sớm và có các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp như ho, có thể bị tiêu chảy hay các triệu chứng đường tiêu hóa khác và thường tiến triển sau 1 tuần. Bệnh nhi khó thở, tím tái. Bệnh nhi có thể nhanh chóng tiến đến chứng suy hô hấp cấp hoặc suy hô hấp. Xuất hiện biến chứng sốc, bệnh não, suy tim, rối loạn chức năng đông máu, tổn thương thận và rối loạn chức năng đa cơ quan, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cha mẹ cần làm gì khi con bị nhiễm, nghi nhiễm hoặc nghi ngờ tiếp xúc với Covid-19
Cha mẹ phối hợp với đơn vị y tế tuân thủ nguyên tắc "4 sớm" bao gồm xác định sớm, cách ly sớm, chẩn đoán sớm và điều trị sớm.
Cách ly ngoại trú và các biện pháp khử trùng tại nhà
Phòng khách: Thời gian sử dụng lên đến 75% nên cần khử trùng thường xuyên bằng clo y tế, cồn khử trùng bằng cách phun trên mặt sàn, các bề mặt và đồ chơi của trẻ em.
Phòng ngủ: Chú ý thông gió thường xuyên trong phòng , mỗi lần 30 phút, hai lần một ngày.
Trẻ cần được đeo khẩu trang đúng kích cỡ; rửa tay thường xuyên; nghỉ ngơi đầy đủ; uống nhiều nước và chế độ ăn uống phải dễ tiêu hóa và bổ dưỡng.
Dụng cụ dùng trong ăn uống của trẻ và gia đình nên được đun sôi trong 10 phút hoặc khử trùng trong máy chuyên dụng.
Quần áo của bệnh nhi nên được thêm dung dịch khử trùng khi giặt hoặc có thể được đung sôi trong 10 phút để khử trùng trước khi sử dụng các biện pháp làm sạch thông thường…
Cha mẹ hay người thân cũng nên đeo khẩu trang ở nhà để cách ly. Cha mẹ cần quan sát chặt chẽ trẻ, liên hệ với bác sĩ giám sát bất cứ lúc nào và nhận hướng dẫn điều trị, bao gồm cả thuốc (nếu có).
Cách ly nội trú (trẻ nhập viện)
Trẻ nhập viện và cách ly nội trú nhằm điều trị giảm triệu chứng cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính với SAR-CoV-2.
Biện pháp phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 cho trẻ nhỏ
Cha mẹ rửa tay cho mình và con thường xuyên và hướng dẫn con (nếu con có thể tự làm): Sử dụng xà phòng rửa dưới vòi nước chảy, chà xát tay không dưới 20 giây có thể duy trì hiệu quả vệ sinh tay. Trường hợp không có nước, có thể sử dụng nước rửa tay khô có chứa 70% đến 80% cồn.
Trẻ em nên được đeo khẩu trang. Khẩu trang cần được thay thế trong tối đa 4 giờ hoặc khi chúng bị ướt bởi ho hay hắt hơi, nghi tiếp xúc với Covid-19. Cố gắng không chạm vào mặt bằng tay, dụi mắt hoặc lấy thức ăn trực tiếp.
Khi cha mẹ ho hoặc hắt hơi, hãy che mũi và miệng bằng khăn giấy hoặc khẩu trang dùng một lần và rửa tay sạch. Vứt bỏ khăn giấy, khẩu trang đã sử dụng vào thùng riêng đựng rác thải nguy hại.
Người lớn tiếp xúc với trẻ cần đeo khẩu trang. Trước khi ôm và chạm vào trẻ, tốt nhất nên rửa tay và thay quần áo sạch. Tuyệt đối không hôn, thơm lên má và miệng trẻ.
Thực phẩm phải được nấu chín kỹ trước khi ăn.
Giữ trẻ em tránh xa động vật hoang dã hoặc gia súc sống và gia cầm. Trong thời điểm dịch bệnh đang lan rộng, cha mẹ cũng không nên để con tiếp xúc quá gần gũi với thú cưng và cần phải đeo khẩu trang nếu tiếp xúc.
Không nên đưa trẻ đến những nơi đông người và thông gió kém như trung tâm mua sắm, phòng hội nghị, nhà hàng, bến xe…Hạn chế đi du lịch trong thời gian dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn, WHO, Viện Hàn lâm Khoa học Y học Trung Quốc