Theo kinh nghiệm của nhiều người, khi trẻ bị rôm sảy, ba mẹ có thể tắm nước lá cho con, sẽ giúp làm dịu da bé và cải thiện nhanh chóng tình trạng rôm sảy. Vậy, trẻ em bị rôm sảy tắm gì? Bài viết này sẽ gợi ý cho mẹ 15 công thức nước tắm cho bé.
Tắm nước lá có chữa được rôm sảy ở trẻ?
Thực chất, bệnh rôm sảy là do nóng bức quá gây nên. Thời tiết nóng bức khiến bé ra nhiều mồ hôi. Trong khi ống mồ hôi của con chưa hoàn thiện, không đẩy hết mồ hôi ra ngoài được, gây bít tắc và dẫn đến nổi rôm. Do đó, nếu được làm mát da, làm mát cơ thể từ bên trong thì tình trạng rôm sảy của bé sẽ được cải thiện đáng kể.
Tắm nước lá là cách được nhiều mẹ lựa chọn để chữa rôm cho bé. Cách này có hiệu quả nó giúp làm dịu da, làm mát và loại bỏ bụi bẩn để rôm sảy không có cơ hội phát triển và biến mất dần. Vì thế, khi bé bị rôm, ba mẹ hoàn toàn có thể lựa chọn cách tắm lá cho trẻ nếu đảm bảo đúng cách, an toàn.
Trẻ em bị rôm sảy tắm gì? - 15 gợi ý cho mẹ
Có rất nhiều loại lá được các bà mẹ sử dụng để nấu nước tắm cho bé khi bị rôm. Dưới đây là 15 gợi ý cho mẹ.
Tắm nước là chè xanh
Theo Đông y, chè xanh có tính hàn, không độc, vị chát ngọt, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn và làm lành vết thương. Ngoài ra, trong lá chè xanh còn có EGCG có tác dụng diệt khuẩn, tiêu viêm, tăng cường miễn dịch cho da và tái tạo cấu trúc làn da. Vì thế, sử dụng lá chè xanh để nấu nước tắm cho bé giúp cải thiện tình trạng rôm sảy một cách rõ rệt.
Khi đun nước chè xanh, bạn nên đun sôi một lúc để là chè ngấm, nước màu nâu vàng là đạt, màu nhạt quá sẽ không đem lại tác dụng.
Tắm nước lá sài đất
Theo Đông y, lá sài đất có tính mát, có tác dụng làm mát da, giải độc, trị rôm sảy, mụn nhọt hiệu quả. Trong cây sài đất có chứa một số thành phần như tanin, flavonoid, saponin và tinh dầu hòa tan có tác dụng giảm nhiễm trùng và cải thiện nhanh tình trạng viêm ngoài da. Vì thế mà nhiều mẹ sử dụng lá sài đất để nấu nước tắm cho con khi bị rôm sảy.
Ngoài việc nấu nước tắm, mẹ có thể lấy lá sài đất, rửa sạch rồi giã nát và đắp lên vùng da bị rôm sảy. Ngày đắp 1 lần sẽ giúp bé dễ chịu hơn.
Tắm nước lá bôm bốp
Cây bôm bốp thường mọc dại trong khu vườn của nhiều gia đình ở nông thôn. Theo các bà, các mẹ thì nấu nước cây bôm bốp giúp làm mát và làm sạch da nên có tác dụng trong việc điều trị rôm sảy, hăm tã ở trẻ nhỏ.
Các mẹ tìm cây bôm bốp rồi cắt cả thân cả lá, rửa sạch nấu nước tắm cho con liên tục vài ngày thì tình trạng rôm sảy của bé sẽ được cải thiện đáng kể.
Tắm nước lá khế chua
Theo Đông y, lá khế có vị chát, tính lạnh, có tác dụng trong việc điều trị mụn nhọt, viêm da, rôm sảy, mề đay do tích tụ nhiệt trong người. Còn theo Tây y, thành phần của lá khế chua chứa nhiều vitamin A, C và các thành phần khác có tác dụng kháng và diệt vi khuẩn nên được sử dụng để điều trị rôm sảy.
Tắm nước lá diếp cá
Rau diếp cá được xem là một vị thuốc quý. Với tính mát, vị cay, khả năng giải độc, thanh nhiệt và tiêu sưng nên rau diếp cá được sử dụng trong các bài thuốc trị rôm sảy, mụn nhọt.
Mẹ có thể hái rau diếp cá rồi nấu nước tắm cho bé hoặc lấy rau diếp cá giã nát và đắp lên vùng da bị nổi rôm khoảng 15 phút, sau đó rửa sạch và lau khô cho bé trước khi mặc quần áo.
Tắm nước lá trầu không
Lá trầu không chứa nhiều vitamin có tác dụng cân bằng độ ẩm, làm dịu da và giảm cảm giác ngứa ngáy khó chịu khi bị rôm. Ngoài ra, thành phần lá trầu không còn có tác dụng kháng khuẩn, giúp ngăn chặn nhiễm trùng do rôm sảy gây ra.
Để trị rôm cho bé, mẹ lấy khoảng 10 lá trầu bánh tẻ, đun với 2 lít nước. Khi nước sôi đun thêm khoảng 10 phút rồi chắt nước ra chậu và pha thêm nước lạnh là có thể tắm cho bé. Một ngày, tắm nước lá trầu không một lần sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng rôm sảy ở trẻ.
Tắm nước lá dâu tằm
Nếu đang không biết trẻ em bị rôm sảy tắm gì thì ba mẹ có thể hái lá dâu tằm rồi nấu nước tắm cho con, vừa lành tính vừa có tác dụng trị rôm.
Để việc điều trị rôm sảy được hiệu quả hơn, mẹ có thể lấy đậu xanh còn nguyên hạt đem tán mịn rồi thoa lên vùng da bị nổi rôm của bé sau khi con tắm nước lá dâu tằm. Cách làm này rất hiệu quả. Chỉ vài ngày sau khi thực hiện, các nốt rôm đã biến mất.
Tắm nước lá ngải cứu
Theo Đông y, ngải cứu có vị đắng, mùi hăng, được sử dụng trong các bài thuốc trị rôm sảy cho trẻ và thuốc điều hòa kinh nguyệt cho nữ giới. Mẹ chỉ cần lấy một nắm lá ngải cứu, rửa sạch, đun sôi với nước. Sau đó dùng nước này pha thêm với nước lạnh đến nhiệt độ phù hợp thì tắm cho con, đảm bảo các nốt rôm sẽ dần biến mất sau vài lần tắm.
Tắm nước lá rau sam
Rau sam có vị chua, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và sát khuẩn. Vì thế, mẹ có thể hái một nắm rau sam, giã nhỏ rồi vắt lấy nước. Sau đó, pha thêm nước lã rồi tắm cho bé sẽ giúp trị rôm hiệu quả.
Tắm nước lá kinh giới
Rau kinh giới có vị cay, tính ấm, chứa 1% tinh dầu. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều thành phần kháng sinh tự nhiên, có công dụng trị một số bệnh về da như mụn nhọt, rôm sảy, mẩn ngứa.
Tắm nước lá kinh giới là cách trị rôm sảy cho bé được nhiều mẹ áp dụng. Mẹ có thể lấy lá kinh giới tươi, vắt lấy nước rồi pha thêm nước lã và tắm cho bé. Hoặc mẹ có thể phơi khô lá kinh giới rồi cho vào túi bóng buộc kín lại để dùng dần.
Khi sử dụng, mẹ lấy một nắm lá kinh giới khô nấu sôi lên rồi pha nước tắm cho con. Chỉ sau vài lần tắm, mẹ sẽ bất ngờ với tác dụng trị rôm của loại lá này.
Tắm nước cỏ mần trầu
Theo Đông y, có mần trầu có tính mát, vị ngọt, có khả năng giải độc, sát khuẩn và làm mát. Cỏ mần trầu được tìm thấy trong nhiều bài thuốc trị sốt, tăng huyết áp, rôm sảy, hăm tã ở trẻ.
Mẹ có thể sử dụng cỏ mần trầu để nấu nước tắm cho bé. Chỉ cần tắm liên tục vài ngày tình trạng rôm sảy ở bé sẽ được cải thiện đáng kể.
Tắm nước lá rau má
Rau má luôn được biết đến là một loại rau thanh mát, giúp giải nhiệt, tăng cường dưỡng ẩm và hỗ trợ làm liền vết thương lên da non hiệu quả. Vì thế, nó được nhiều mẹ lựa chọn để trị rôm sảy cho trẻ.
Mẹ có thể nấu nước rau má hoặc giã nát rau má rồi chắt lấy nước và pha thêm nước lã tắm cho bé. Hai cách làm này đều rất hiệu quả để trị rôm và dưỡng ẩm da cho bé.
Tắm nước lá tía tô
Lá tía tô có tác dụng thanh nhiệt và làm mát rất tốt. Mẹ có thể trị rôm cho bé bằng cách nấu nước lá tía tô tắm cho con hoặc lấy lá tía tô, rửa sạch, giã nát rồi lấy nước cốt thấm lên vùng da bị nổi rôm của bé. Sau 10 - 15 phút thì rửa sạch rồi thấm khô bề mặt da cho con trước khi mặc quần áo. Thực hiện theo cách này vài ngày, tình trạng rôm sảy ở trẻ sẽ được cải thiện đáng kể.
Tắm nước khổ qua
Theo Đông y, khổ qua có vị đắng, tính hàn, có lợi cho làn da của con người. Ngoài ra, thành phần trong khổ qua chứa nhiều vitamin giúp tái tạo da và dưỡng ẩm tốt. Đặc biệt, vitamin C trong khổ qua giúp tăng cường đề kháng cho cơ thể và ngăn ngừa viêm nhiễm.
Ba mẹ có thể sử dụng khổ qua để nấu nước tắm cho bé. Thực hiện liên tục 3 - 5 ngày, các nốt rôm sẽ lặn dần và da bé sẽ dần trở về trạng thái bình thường.
Tắm nước lá nhọ nồi
Nhọ nồi hay còn được gọi là cỏ mực, là loại cây mọc dại lành tính và có tác dụng trong việc điều trị ho, chảy máu cam, rôm sảy, mụn nhọt. Trẻ bị rôm sảy tắm nước lá nhọ nồi vài ngày sẽ cải thiện bệnh đáng kể.
Lưu ý khi tắm nước lá chữa rôm sảy cho trẻ
Có rất nhiều công thức nước tắm cho bé khi bị rôm sảy. Chúng hầu hết đều lành tính và hiệu quả với việc trị bệnh. Tuy nhiên, da trẻ con mỏng manh và nhạy cảm hơn nên ba mẹ cần lưu ý trong việc sử dụng các loại lá để tắm cho con.
Có một vài lưu ý dưới đây ba mẹ cần lưu tâm:
Nếu vết rôm có mủ, chảy nước, sưng đau thì không được tắm nước lá mà nên đưa bé đi khám để được hướng dẫn cách điều trị hiệu quả.
Sơ chế lá sạch sẽ trước khi nấu nước tắm cho bé, tốt nhất nên rửa lá với nước muối loãng.
Tắm cho trẻ bằng nước lá ấm, khoảng 35 - 38 độ là thích hợp nhất.
Khi tắm, hãy massage nhẹ nhàng, nhất là vùng nổi rôm để không làm vỡ nốt rôm hoặc trầy xước da bé.
Tắm cho trẻ trong khoảng 5 - 7 phút, không tắm quá lâu khiến bé có thể bị cảm lạnh.
Phòng ngừa rôm sảy ở trẻ
Bệnh rôm sảy tuy dễ điều trị và không quá nguy hiểm đối với sức khỏe nhưng nó lại khiến con ngứa ngáy, khó chịu, có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt thường ngày của bé nên cách tốt nhất là hãy phòng ngừa từ sớm để con không mắc bệnh.
Ba mẹ hãy áp dụng các biện pháp phòng ngừa rôm sảy cho bé dưới đây:
Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, không bó sát, không mặc quần áo quá dày.
Cho trẻ ở phòng thoáng mát, sạch sẽ, mùa hè nên cho bé nằm điều hòa.
Cho bé ăn đồ ăn thanh mát, uống nhiều nước.
Không nên cho con tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời khi trời nắng gắt.
Nếu trẻ ra nhiều mồ hôi, hay lau khô cho bé, không nên để mồ hôi con nhễ nhại dễ bị nhiễm khuẩn, gây rôm sảy, viêm da.
Tắm rửa hằng ngày cho bé.
Như vậy, nếu em bé nhà bạn đang bị rôm sảy, hãy thử áp dụng 15 cách tắm nước lá được nêu ra trong bài viết này. Trường hợp bé bị rôm sảy nặng, lâu ngày không khỏi hoặc có biểu hiện sốt cao, đau nhức thì nên cho con đi khám để được điều trị bằng các biện pháp y tế hiệu quả.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Khoa Nhi – Bệnh viện Hồng Ngọc TẠI ĐÂY để có thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe và các chương trình ưu đãi hấp dẫn từ bệnh viện.