Thoát vị nội xốp đĩa đệm là một trong các thể đặc biệt của thoát vị đĩa đệm và thường xảy ra ở người cao tuổi. Bệnh lý này nếu không được điều trị đúng cách có thể làm bệnh tiến triển nặng lên. Bài viết sau đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh thoát vị nội xốp đĩa đệm đến bạn đọc.
Thoát vị nội xốp đĩa đệm là gì?
Thoát vị nội xốp đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy trong đĩa đệm thoát ra khỏi bao xơ nhưng không chèn lên hệ thống dây thần kinh mà chảy vào trong ống sống và tạo áp lực trực tiếp lên phần xốp của đốt sống, gây đau nhức.
Theo đó, thoát vị nội xốp đĩa đệm được chia ra thành 4 cấp độ:
- Cấp độ 1: Vết rách mới hình thành, có hình khuyên, kéo dài 1/3 bên trong của đĩa đệm. Lúc này, bệnh nhân chưa cảm thấy đau.
- Cấp độ 2: Vết rách lớn hơn, kéo dài đến 1/3 giữa của đĩa đệm. Ở cấp độ này, các cơn đau cũng chưa rõ rệt, có thể hơi đau nhẹ hoặc mỏi ở vị trí thoát vị.
- Cấp độ 3: Vết rách lan rộng và kéo dài đến 1/3 bên ngoài của đĩa đệm. Bệnh nhân đã cảm nhận được những cơn đau do tình trạng chèn ép rễ thần kinh.
- Cấp độ 4: Tương tự như cấp độ 3, nhưng cơn đau trở nên dữ dội hơn và lan rộng ra ngoài đĩa đệm.
Thoát vị nội xốp đĩa đệm cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách
Nguyên nhân gây thoát vị nội xốp đĩa đệm
Thoát vị nội xốp đĩa đệm vốn là một dạng của thoát vị đĩa đệm nên nguyên nhân gây bệnh cũng gần như tương tự nhau. Nhìn chung, bệnh thường là kết quả của sự lão hóa ở người cao tuổi. Khi cơ thể già đi, chức năng của đĩa đệm bị suy yếu và rất dễ bị rách nếu cột sống phải chịu áp lực.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng thoát vị nội xốp đĩa đệm dễ dàng xảy ra hơn ở các bệnh nhân có vấn đề cột sống thoái hóa gây ra các nốt schmorl. Nốt schmorl là phần lồi ra của mô mềm đĩa đệm, thường được tìm thấy ở vị trí của các đốt sống vùng ngực hoặc vùng thắt lưng.
Bên cạnh đó, thoát vị nội xốp đĩa đệm cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân như:
- Thừa cân, béo phì: Trọng lượng cơ thể quá lớn, mất cân đối gây nhiều áp lực lên cột sống khiến cho các đĩa đệm luôn trong tình trạng căng thẳng.
- Vận động quá sức: Những người thường xuyên phải làm việc đòi hỏi về thể lực có nguy cơ mắc bệnh về xương khớp vùng lưng cao hơn bình thường. Ví dụ: công nhân xây dựng, bốc vác hàng hóa, vận động viên, nhân viên văn phòng do phải ngồi làm viêc trong thời gian dài,…
- Chấn thương: Các chấn thương đột ngột có thể khiến cột sống bị tổn thương, ảnh hưởng đến chức năng của đĩa đệm. Ví dụ như tai nạn giao thông, vận động sai tư thế,...
- Nghiện thuốc lá: Các chuyên gia đã chỉ ra rằng những người nghiện thuốc lá thường có hàm lượng oxy trong máu thấp hơn người bình thường. Khi đó, lượng máu trong cơ thể không đủ chất lượng để nuôi dưỡng đĩa đệm, khiến đĩa đệm nhanh bị xơ rách và hao mòn.
- Một số nguyên nhân khác như chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, nằm hoặc ngồi sai tư thế, yếu tố di truyền, mang thai…
Có thể bạn quan tâm:
Dấu hiệu của thoát vị nội xốp đĩa đệm
Khi bị thoát vị nội xốp, người bệnh sẽ có những dấu hiệu sau:
- Đau âm ỉ hoặc đau nhói vùng lưng và tăng dần tần suất theo thời gian
- Mỗi khi ấn vào vị trí tổn thương có thể xuất hiện cơn đau nhức
- Một vài trường hợp, các cơn đau xuất hiện kèm theo vết bỏng
- Mỗi khi thực hiện những động tác nằm thẳng hoặc duỗi lưng cơn đau sẽ thuyên giảm.
- Các cơn đau sẽ tăng mạnh hơn khi ngồi lâu, cúi xuống, cong lưng, vặn người, hắt hơi hoặc ho,...
- Cơn đau có thể lan xuống đùi và cẳng chân nếu bị thoát vị đĩa đệm đoạn thắt lưng
- Người bệnh gặp khó khăn trong các hoạt động thường ngày, cảm giác lưng yếu và cứng.
- Các nốt Schmorl xuất hiện trên ảnh MRI hoặc ảnh X-quang.
Đau nhói ở vùng thắt lưng là dấu hiệu của bệnh thoát vị nội xốp đĩa đệm.
Điều trị thoát vị nội xốp đĩa đệm
Hiện nay, với sự tiến bộ và phát triển của nền y tế thì việc điều trị thoát vị nội xốp đĩa đệm trở nên dễ dàng hơn. Dưới đây là những phương pháp điều trị thoát vị nội xốp đĩa đệm được áp dụng phổ biến nhất:
Điều trị bằng thuốc
Thuốc là phương pháp điều trị nhằm bảo tồn và giúp người bệnh giảm đau. Các loại thuốc thường được bác sĩ khuyên dùng là: thuốc chống viêm không steroid, Acetaminophen (Paracetamol), thuốc giãn cơ hoặc opioid.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp được ưu tiên sử dụng cho các bệnh nhân có bệnh lý về xương khớp nói chung. Phương pháp này sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh đáng kể, phục hồi chức năng của vùng xương khớp bị tổn thương. Đồng thời, các bài tập trị liệu còn giúp người bệnh hạn chế cơn đau về lâu dài, cải thiện chức năng xương khớp, tăng cường sự dẻo dai, ngăn ngừa chấn thương và các biến chứng tàn tật.
Tại Hồng Ngọc, phương pháp vật lý trị liệu được ưu tiên điều trị cho bệnh nhân thoát vị nội xốp đĩa đệm do ưu điểm hạn chế lạm dụng thuốc và hiệu quả từ sâu bên trong. Mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ điều trị riêng biệt, phù hợp với tình trạng bệnh lý của mình. Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các thiết bị hiện đại nhập khẩu đồng bộ từ Đức như máy điện xung, xung kích, vi sóng,... cùng kỹ thuật nắn chỉnh chuyên sâu của Áo giúp giảm đau hiệu quả, khôi phục vận động nhanh chóng.
Thủ thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu
Các bác sĩ có thể chỉ định tiêm steroid nội khoa, sử dụng liệu pháp điện nhiệt hoặc giảm tần số vô tuyến bên trong (IDET) để đảm bảo tính xâm lấn tối thiểu cho bệnh nhân.
Phẫu thuật
Mục đích của việc phẫu thuật là hợp nhất các đốt sống ở mức độ vỡ đĩa đệm. Tuy nhiên, phương pháp này cần phải cân nhắc kỹ lưỡng vì có một số nhược điểm như:
- Chuyển động từng đoạn sẽ ít hơn ở các mức hợp nhất và có thể làm hẹp các ổ thần kinh đệm cũng như quá tải các mức đĩa lân cận.
- Chiều cao của đĩa đệm có thể không được duy trì.
- Trong trường hợp bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể mắc Hội chứng chùm đuôi ngựa (Cauda Equina). Hội chứng này sẽ làm các dây thần kinh tại tủy sống bị viêm nhiễm, gia tăng nguy cơ bị bại liệt.
Chăm sóc và phòng ngừa bệnh thoát vị nội xốp đĩa đệm
Để chăm sóc và phòng ngừa bệnh thoát vị nội xốp đĩa đệm, người bệnh cần chú ý những vấn đề sau:
- Sử dụng các loại dụng cụ hỗ trợ như ghế massage, đai chống đau lưng, máy chống thoát vị đĩa đệm,... giúp giảm đau, tăng cường khả năng vận động cho bệnh nhân.
- Dành thời gian nghỉ ngơi: để làm giảm áp lực cho xương khớp và đĩa đệm, giúp cơ thể được thư giãn.
- Hạn chế ngồi sai tư thế và ngồi lâu 1 chỗ: Hãy đứng lên đi lại, vận động nhẹ nhàng sau khoảng 1 giờ ngồi giúp các cơ xương được co giãn nhịp nhàng. Khi ngồi làm việc cần chú ý để lưng thẳng, tránh cong vẹo ảnh hưởng đến cột sống.
- Chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý: Đối với các bệnh nhân cao tuổi, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện các cơn đau nhức và ngăn ngừa bệnh diễn biến xấu đi. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người bệnh nên tiêu thụ các thực phẩm giàu canxi và chất chống oxy hóa, ví dụ như tôm, cua, các rau xanh và sữa bò…
- Luyện tập thể dục thể thao vừa sức: Việc làm này không những làm giảm nguy cơ khô cứng khớp mà còn hạn chế khả năng mắc các bệnh khác. Bệnh nhân có thể lựa chọn các loại hình vận động nhẹ nhàng và phù hợp với tình trạng của bản thân như yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội,…
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần hoặc thăm khám theo lịch của bác sĩ kê đơn để kiểm tra tình trạng bệnh và ngăn ngừa những diễn biến xấu có thể xảy ra.
- Lựa chọn địa chỉ khám chữa bệnh thoát vị nội xốp đĩa đệm uy tín, chất lượng để có thể phát hiện và điều trị bệnh đúng cách, hiệu quả cao.
Khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Hồng Ngọc
Trên đây là toàn bộ thông tin về bệnh thoát vị nội xốp đĩa đệm mà Hồng Ngọc chia sẻ. Hy vọng rằng sẽ hữu ích với bạn!
Nếu có nhu cầu nhận tư vấn chuyên sâu hơn về bệnh, quý khách vui lòng liên hệ theo số Hotline 0243 927 5568 (máy lẻ 2225, 2265).
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: