Táo bón là tình trạng bất kỳ ai cũng có thể mắc phải, và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thậm chí gây nguy hiểm cho người bệnh nếu không được điều trị phù hợp. Vậy táo bón là gì, nguyên nhân và cách điều trị như thế nào, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây
Táo bón là gì?
Táo bón là tình trạng phân khô cứng, khiến người bệnh khó và thậm chí bị đau khi đi đại tiện, phải rặn mạnh phân mới có thể thoát ra, thời gian đi lâu hoặc nhiều ngày mới đi một lần.
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng táo bón được định nghĩa là việc 3 ngày không đi đại tiện ở người lớn và một tuần không thể đi đại tiện 3 lần ở trẻ em. Trong chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ thường chia táo bón thành 2 nhóm bao gồm: táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát.
Tình trạng táo bón thường không nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau một thời gian ngắn khi thay đổi chế độ ăn uống cũng như thói quen đi vệ sinh. Tuy nhiên, nếu người bệnh thường xuyên bị táo bón hoặc bị táo bón kéo dài thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý như: bệnh đại tràng, suy giáp trạng, tăng canxi máu, nhiễm độc chì, suy nhược cơ thể…và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh bị táo bón không nên chủ quan, cần để ý các dấu hiệu táo bón và đến bệnh viện thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và có phương án điều trị phù hợp.
Táo bón là tình trạng rối loạn tiêu hóa phổ biến
Các dấu hiệu nhận biết tình trạng táo bón
Táo bón có thể dễ dàng được nhận biết thông qua những triệu chứng điển hình bao gồm:
- Tần suất đi ngoài ít: Đối với người lớn, số lần đi đại tiện ít hơn 3 lần/tuần. Đối với trẻ nhỏ dưới 2-3 lần/tuần.
- Phân rắn, nhiều trường hợp lổn nhổn thành từng cục như phân dê
- Thường xuyên có cảm giác phân khó ra khi đi đại tiện hoặc không ra hết, phải rặn mạnh để đại tiện, thậm chí có những trường hợp phải dùng tay để hỗ trợ.
- Các lần đi đại tiện có khoảng cách xa, 2-3 ngày thậm chí lên tới 5-6 ngày mới đi ngoài một lần.
- Căng chướng bụng dưới, đau bụng, âm ỉ, căng tức hậu môn
- Chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn và ngủ không ngon giấc, thậm chí cả sốt
Những biến chứng nguy hiểm của tình trạng táo bón
Táo bón là tình trạng mà mỗi người đều có thể mắc phải ít nhất một lần trong đời, tuy nhiên, nếu không được điều trị phù hợp, táo bón mãn tính có thể dẫn đến các biến chứng:
- Hình thành búi trĩ, sa búi trĩ do phải rặn nhiều, làm tăng kích thước búi trĩ, thậm chí có xuất hiện máu khi đi ngoài.
- Nứt hậu môn: Do phân cứng và người bệnh cần phải rặn mạnh mới có thể đẩy phân ra ngoài
- Tắc ruột, viêm ruột: do những khối phân rắn bị ứ đọng lâu ngày trong đại tràng không được đào thải
- Ung thư hậu môn – trực tràng: Táo bón khiến phân trở nên khô cứng, chứa nhiều độc tố và các chất có khả năng gây ung thư như deoxycholic acid, lithocholic acid và các phức hợp nitroso (NOCs). Nếu bị táo bón kéo dài khiến thời gian tiếp xúc của phân trong niêm mạc trực tràng tăng lên dẫn đến viêm, tổn thương thực thể. Lâu dần hình thành bệnh ung thư.
- Giảm sức đề kháng: Do ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa, người dễ mệt mỏi, chán ăn, dẫn đến suy giảm sức đề kháng.
Nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón
Thông thường, các bác sĩ sẽ chia nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón thành 2 nhóm chính, cụ thể:
Nhóm nguyên nhân táo bón nguyên phát:
- Táo bón do nhu động ruột bình thường xuất phát từ cơ thắt, cơ vòng hậu môn có vấn đề bất thường dẫn đến rối loạn cơ chế tống phân.
- Táo bón vận động ruột chậm thường xảy ra ở bệnh nhân nữ, với các triệu chứng như chướng bụng, ít có nhu cầu đại tiện, nguyên nhân là do nhu động ruột hoạt động kém.
- Rối loạn chức năng sàn chậu: là do các khối cơ, dây chằng bị thoái hóa, dẫn đến không thể giữ cho các cơ quan ở vùng sàn chậu, bao gồm cả hậu môn và trực tràng nằm đúng vị trí của chúng. Đặc điểm của loại táo bón do nguyên nhân này là rặn nhiều, đại tiện không hết phân, phải cần hỗ trợ mới có thể tống phân ra ngoài hết được.
Nhóm nguyên nhân táo bón thứ phát:
- Do chế độ sinh hoạt và ăn uống không hợp lý, cụ thể:
+ Uống không đủ nước (làm phân khô cứng)
+ Ăn ít chất xơ, trái cây và rau quả
+ Ăn nhiều thực phẩm nhiều chất béo động vật (bao gồm cả các sản phẩm từ sữa, thịt và trứng), đường tinh luyện…
Ăn nhiều thực phẩm chiên rán cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón
+ Uống nhiều cà phê, trà hoặc rượu bia, đồ uống có cồn (những đồ uống này có tác dụng lợi tiểu, khiến người bệnh đi tiểu nhiều dẫn đến mất nước tương đối, gây ra sự tăng hấp thụ nước từ ruột và làm phân cứng hơn và gây ra táo bón)
+ Thường xuyên nhịn đại tiện (có thể là do ngại sử dụng nhà vệ sinh công cộng hay do bận rộn)…Nếu điều này xảy ra kéo dài, sau một thời gian, người bệnh có thể mất cảm giác muốn đi đại tiện và gây ra táo bón;
+ Ngồi nhiều, ít vận động cũng có thể gây ra tình trạng táo bón
- Nguyên nhân cấu trúc ống tiêu hóa bao gồm: nứt hậu môn, trĩ huyết khối, khối u gây tắc nghẽn ống tiêu hóa, to trực tràng vô căn.
- Các nguyên nhân toàn thân như: tăng calci máu, cường cận giáp, hạ kali máu, suy giáp, mang thai.
- Mang thai: Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ cùng với áp lực từ tử cung chèn ép lên ruột, hoặc do chế độ ăn thay đổi quá nhiều trong thai kỳ (uống viên bổ sung nhiều sắt, canxi, ăn nhiều thực phẩm giàu đạm)… đều có thể ảnh hưởng đến nhu động ruột dẫn đến táo bón
- Rối loạn thần kinh: đột quỵ, bệnh Hirschsprung, bệnh Parkinson, tổn thương tủy sống, chấn thương đầu.
- Các bệnh mô liên kết: xơ cứng bì, lupus.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc bao gồm: Thuốc chống trầm cảm, kim loại, thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng axit, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống viêm không steroid, thuốc có chứa chất gây nghiện, nhiều loại thuốc hướng tâm thần, thuốc chống co giật…
- Các vấn đề tâm lý (ví dụ trầm cảm, lo lắng) cũng có thể góp phần vào sự phát triển của táo bón.
Có thể thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón từ những nguyên nhân như chế độ ăn uống sinh hoạt đến các nguyên nhân do bệnh lý đường tiêu hóa, bệnh lý toàn thân….
Vì vậy, khi bị táo bón, người bệnh nên chú ý quan sát các triệu chứng, kịp thời thăm khám với bác sĩ chuyên khoa, để có thể được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phương án điều trị phù hợp, giúp người bệnh có thể thoát khỏi tình trạng táo bón một cách triệt để.
Khi nào người bị táo bón cần thăm khám với bác sĩ
Bệnh nhân bị táo bón nên thăm khám kịp thời nếu gặp phải các triệu chứng sau:
- Các triệu chứng táo bón nặng hơn và kéo dài hơn 3 tuần
- Đau dữ dội ở vùng hậu môn, đau bụng khi đi vệ sinh
- Chảy máu trực tràng
- Người bệnh có tiền sử mắc bệnh trĩ, xuất hiện các vết nứt hậu môn, rò trực tràng, sa trực tràng
- Nôn và đau bụng, sốt hoặc sụt cân
- Xuất hiện những đợt tiêu chảy xen kẽ táo bón
- Mệt mỏi, khả năng chịu lạnh kém
Chẩn đoán táo bón như thế nào?
Để chẩn đoán chính xác tình trạng táo bón, bên cạnh việc thăm khám lâm sàng, hỏi tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm các phương pháp cận lâm sàng, xét nghiệm khác bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu để tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh suy giáp, thiếu máu và tiểu đường…
- Xét nghiệm phân để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, viêm và ung thư.
- Chẩn đoán hình ảnh chụp cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp bác sĩ xác định các vấn đề gây ra táo bón.
- Nội soi đại tràng: Nội soi đại tràng giúp phát hiện các vấn đề ở ruột kết, ví dụ như khối u ruột kết.
- Đo áp lực hậu môn trực tràng: Người bệnh được uống một lượng nhỏ chất phóng xạ, ở dạng thuốc viên để theo dõi thời gian và cách chất này di chuyển qua ruột.
- Các xét nghiệm chức năng ruột khác: để đánh giá việc giữ và thải phân tốt như thế nào.
Thăm khám với bác sĩ là biện pháp hữu hiệu giúp xác định rõ nguyên nhân và điều trị táo bón một cách triệt để
Điều trị táo bón như thế nào?
Để điều trị táo bón, bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh để lựa chọn phương pháp phù hợp. Nhưng về cơ bản, việc điều trị táo bón sẽ thường bao gồm:
- Thay đổi chế độ ăn uống: Người bệnh nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, bao gồm cả việc uống các loại nước ép trái cây; tăng cường ăn nhiều rau xanh và trái cây, ngũ cốc nguyên cám, ăn thức ăn lỏng như cháo, súp; không ăn các loại quả xanh chát; không uống nước ngọt đóng chai, không ăn/uống thực phẩm nhiều đường, không uống rượu, bia…
- Tập thể dục: Người bệnh nên tập thể dục ít nhất 30 phút thể dục mỗi ngày. Việc này sẽ giúp các cơ trong ruột cũng được hoạt động nhiều hơn, góp phần thúc đẩy tiêu hóa.
- Không nhịn đi đại tiện: Việc trì hoãn đại tiện sẽ gây áp lực lên hậu môn trực tràng, càng làm cho tình trạng táo bón nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ mỗi ngày để hình thành giờ sinh học cho cơ thể.
- Điều trị nội khoa: Một số loại thuốc nhuận tràng có thể giúp chữa trị táo bón. Tuy nhiên, người bệnh cần đặc biệt chú ý chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú. Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh các tác dụng không mong muốn.
- Thụt hậu môn: Thụt hậu môn có thể được áp dụng khi người bệnh không thể đại tiện. Người bệnh chỉ nên thực hiện thụt hậu môn khi đã có sự chỉ dẫn từ bác sĩ hoặc nhân viên y tế
- Phẫu thuật: Nếu tình trạng táo bón là do ung thư đại trực tràng hoặc bệnh trĩ mãn tính thì người bệnh cần được phẫu thuật để điều trị.
Khi bị táo bón thì nên thăm khám ở đâu?
Hiện tại, Trung tâm Tiêu hóa - Gan Mật - BVĐK Hồng Ngọc với nhiều ưu điểm vượt trội về chất lượng dịch vụ, được đông đảo bệnh nhân tin tưởng lựa chọn để điều trị các bệnh lý về tiêu hóa và tầm soát ung thư hệ tiêu hóa với:
- Trung tâm quy tụ đội ngũ bác sĩ tiêu hóa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm: Tiến sĩ Đặng Thị Kim Oanh – Hội viên Hội Tiêu hóa Gan mật Thái Bình Dương, Ths. BS Lê Thị Vân Anh - hơn 30 năm kinh nghiệm từ BV Bạch Mai cùng đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về tiêu hóa tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
- Áp dụng công nghệ nội soi NBI sử dụng dàn máy Olympus CV-190 tiên tiến nhất hiện nay giúp phát hiện sớm và chính xác các dấu hiệu bất thường tại các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa
- Quy trình trước – trong – sau nội soi tiêu chuẩn an toàn
- Khám tiền mê với bác sĩ giàu kinh nghiệm, xét nghiệm đầy đủ đảm bảo chống chỉ định
- Dịch vụ chất lượng cao trong thăm khám tiêu hóa và thực hiện các ca tiểu phẫu như nội soi cắt trĩ; cắt polyp dạ dày, đại tràng, trực tràng; lấy dị vật đường tiêu hóa hay những ca đại phẫu như khâu lỗ thủng dạ dày, ruột non; cắt ruột thừa, túi mật; mở ống mật chủ lấy sỏi; cắt nang ống mật chủ; phẫu thuật nối mật ruột…
- Không gian sạch, thoáng, trải nghiệm tiện ích bệnh viện khách sạn 5*
- Nhân viên y tế chuyên nghiệp, chu đáo.
Trung tâm Tiêu hóa - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc:
BV Hồng Ngọc Phúc Trường Minh, Số 8, Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội
BVĐK Hồng Ngọc - 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội
Đặt lịch trước để chọn Bác sĩ miễn phí và nhận ưu đãi riêng
Nếu quý khách có nhu cầu nhận tư vấn, đặt lịch khám tại Trung tâm Tiêu hóa – Bệnh viện Hồng Ngọc, vui lòng liên hệ hotline 0911 908 856 hoặc đăng ký TẠI ĐÂY:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trang bệnh, người bệnh cần tới các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ trực tiếp thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị hiệu quả.
Theo dõi fanpage Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.