Nuốt đau là một triệu chứng, biểu hiện cơn đau khi nuốt. Cơn đau có thể xuất phát từ miệng, cổ họng hoặc thực quản. Đôi khi, nuốt đau cũng có thể liên quan đến bệnh lý thanh quản...
Các dấu hiệu đi kèm nuốt đau
Đau khi nuốt có thể đi kèm với chứng khó nuốt mặc dù một phản xạ nuốt bình thường và không có trào ngược. Nuốt đau cũng có thể là bệnh cảnh của chứng đau miệng, trong trường hợp này, cơn đau càng trầm trọng hơn khi nuốt. Trong số các nguyên nhân gây viêm đau miệng, có khi cơn đau lan xuống vùng cổ họng, thường đi kèm đau tăng lên khi nhai, uống và nuốt.
Đau khi nuốt cũng có thể được nhận thấy khi bạn dùng một số loại thực phẩm, như thức ăn hoặc thức uống nóng; cũng có thể đi kèm với một số khó chịu và đau nhẹ được biểu lộ vào buổi sáng sau khi thức dậy và giảm bớt trong ngày. Nếu như đồ uống và thức ăn nóng gây đau đớn khi nuốt là dấu hiệu của tổn thương ở cổ họng, như bị viêm hoặc loét. Nuốt đau vào buổi sáng có thể liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) gây ra viêm họng.
Nuốt đau có đi kèm biểu hiện khó thở hoặc khàn giọng có thể là dấu hiệu của bệnh lý trong thanh quản hoặc khí quản hoặc tắc nghẽn một phần vùng họng. Ngoài ra, còn một số dấu hiệu khác như: đau bụng, ớn lạnh, ho, sốt, ợ nóng, buồn nôn hoặc ói mửa, ợ chua, giảm cân, thở khò khè... Nhưng nếu như bạn có dấu hiệu đau đớn khi nuốt và có máu trong phân hoặc phân của bạn xuất hiện màu đen hoặc như bã cà phê; khó thở hoặc hoa mắt; giảm cân, nên gọi cấp cứu hoặc khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân gây nuốt đau
Nhiễm trùng
Các bệnh truyền nhiễm cấp tính hoặc mãn tính như viêm miệng, viêm amidan, viêm họng, viêm nắp thanh quản và viêm thực quản có thể dẫn đến nuốt đau. Điều này rõ rệt hơn trong các nhiễm trùng nặng và trong một số trường hợp, triệu chứng nuốt khó cũng có thể có mặt. Nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng vùng họng, miệng hoặc thực quản chỉ đề cập nuốt đau là triệu chứng chính của họ trong bệnh nhiễm trùng mãn tính. Các nhiễm trùng này có thể gây ra các vết loét, áp-xe hoặc viêm lan tỏa. Những nguyên nhân, bao gồm:
- Nhiễm nấm candida vùng miệng.
- Nhiễm HIV cũng như các bệnh nhiễm trùng cơ hội ở đường tiêu hóa.
- Cytomegalovirus (CMV): gây ra hội chứng tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng, với các biểu hiện đau cơ, lách to, viêm họng xuất tiết và viêm hạch ở cổ, tăng men gan...
- Epstein-Barr (EBV): loại virút gây nhiễm trùng cấp vùng họng, miệng và có thể dẫn đến ung thư vòm họng.
- Viêm họng cấp tính hoặc mãn tính.
- Herpes simplex virút (HSV): loại HSV1 gây bệnh ở da, niêm mạc phần trên của cơ thể như mắt, mũi, miệng.
Dị vật: gây tổn thương lớp niêm mạc họng, amidan, thực quản, cũng như gây cản trở một phần hoặc hoàn toàn các khu vực này, có thể dẫn đến nuốt đau, nguyên nhân phổ biến là mắc xương cá.
Viêm, loét không do nhiễm trùng
Có một số nguyên nhân không do nhiễm trùng nhưng lại gây viêm và loét ở vùng hậu họng, thực quản. Nguyên nhân:
- Bỏng acid, bazơ, hoặc do uống phải nước quá nóng.
- Do uống thuốc gây viêm thực quản: kháng sinh (đặc biệt là doxycycline), potassium chloride, quinidine, sulfate sắt, zidovudine, kháng viêm non steroid (NSAIDs).
- Hít phải khí độc.
- Điều trị ung thư bằng tia xạ.
- Bệnh lý tự miễn: xơ cứng bì.
- Sau các thủ thuật chẩn đoán như nội soi phế quản, nội soi thực quản - dạ dày.
Khối u
Ung thư miệng, hầu họng, thanh quản, tuyến giáp, cổ, và thực quản đều có thể dẫn đến chứng nuốt đau. Điều này cần được xem xét như là một nguyên nhân có thể có ở những bệnh nhân nguy cơ cao như hút thuốc lá, đặc biệt là nếu nuốt đau đi kèm với chứng khó nuốt và giảm cân không chủ ý. Di căn cũng được các bác sĩ xem xét khi có biểu hiện nuốt đau và/ hoặc đi kèm khó nuốt trên một bệnh nhân bị ung thư.
Bệnh lý thực quản
Các yếu tố tác động đến thực quản có thể gây ra chứng nuốt đau. Đau ngực thường biểu hiện như là một kết quả tổn thương thực quản. Bệnh nhân thường mô tả xuất hiện dấu hiệu đau, đặc biệt sau khi nuốt, một số nguyên nhân:
- Co thắt tâm vị là một rối loạn vận động thực quản nguyên phát không rõ nguyên nhân. Bệnh lý này đặc trưng bởi quá trình giãn cơ không đầy đủ của cơ thắt thực quản dưới và mất nhu động thực quản.
- Co thắt thực quản lan tỏa: với đặc điểm là co thắt không đồng đều, có nhiều cơn co tự phát và do nuốt gây ra. Đây là bệnh lý thực quản hiếm gặp, có thể gây ra chứng khó nuốt, nôn và đau ngực không do tim.
- Vách ngăn hoặc vòng thực quản: những bất thường về cấu trúc thực quản.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
- Viêm, loét hoặc nặng hơn là thủng thực quản.
- Túi thừa zenker.
Như vậy, nuốt đau có thể là biểu hiện của một chứng bệnh nhẹ, trong một thời gian ngắn như vài ngày sẽ lành như viêm niêm mạc miệng, viêm họng… nhưng cũng là dấu hiệu của một những bệnh nặng như ung thư, vỡ thực quản… hoặc có thể kéo dài dai dẳng như do các nguyên nhân gây hẹp, biến dạng thực quản. Nên tiên lượng và điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân.
Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.