Chăm sóc nha khoa không nên dừng lại chỉ vì bạn đang mang thai. Trên thực tế, việc kiểm tra sức khỏe răng miệng còn quan trọng hơn vì khi mang bầu, bạn có nguy cơ bị sâu răng, bệnh về nướu và các vấn đề khác cao hơn. Nhưng còn việc nhổ răng khi mang thai thì sao? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc đó cho các mẹ bầu.
Nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng khi mang thai
Mang thai không chỉ thay đổi cơ thể của bạn, mà còn có thể gây ra những thay đổi trong khoang miệng. Sự gia tăng nồng độ hormone trong thai kỳ khiến phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh nướu và các vấn đề nha khoa khác.
Bên cạnh đó, lượng canxi trong cơ thể của phụ nữ có thai luôn thay đổi liên tục và có xu hướng bị giảm đi so với bình thường. Thời điểm tuần thứ 8-9 là giai đoạn thai nhi đang trong quá trình hình thành và phát triển cấu trúc xương nên cần một lượng canxi lớn từ phía cơ thể mẹ. Chính điều đó, do thiếu canxi nên khiến phần răng của mẹ bị ảnh hưởng, cụ thể là ở các mô xương ở hàm trên và hàm dưới.
Ngoài hormone và canxi thì tuyến nước bọt cũng có sự thay đổi khi phụ nữ mang thai. Nước bọt được biết đến là chất giúp làm chắc men răng và ngăn chặn sự xuất hiện hay phát triển của răng sâu. Vì thế, khi mang thai lượng nước bọt tiết ra không đủ nên dễ dẫn đến sâu răng.
Có nên nhổ răng khi mang thai?
Vậy liệu có nên nhổ răng khi mang thai hay không? Câu trả lời cho vấn đề này là bà bầu hoàn toàn có thể nhổ răng khi mang thai. Nhổ răng được xem như là biện pháp cuối cùng của các nha sĩ, trong trường hợp răng của bạn bị hư hỏng quá nặng do sâu răng và sẽ khiến sức khỏe răng miệng gặp nguy hiểm nếu không được loại bỏ sớm.
Có thể bạn quan tâm:
Thời điểm nhổ răng khi mang thai lý tưởng nhất
Nhổ răng khi mang thai quan trọng nhất là thời gian. Hiệp hội mang thai Hoa Kỳ khuyến cáo nên thực hiện các công việc nha khoa cần thiết trong tam cá nguyệt thứ hai và hoãn mọi phương pháp điều trị không cần thiết cho đến sau khi sinh.
Sở dĩ lựa chọn thời điểm tam cá nguyệt thứ hai vì điều này giúp bạn tránh được việc chụp X- quang trong ba tháng đầu tiên khi em bé đang bước vào giai đoạn phát triển. Ngoài ra, vào thời điểm tam cá nguyệt thứ ba, bạn có thể thấy rất khó chịu khi nằm ngửa hoặc ngả trong khoảng thời gian kéo dài lúc nhổ răng khi mang thai.
Tất nhiên, trong trường hợp khẩn cấp và thực sự phải loại bỏ răng sâu càng sớm càng tốt thì bạn vẫn có thể tiến hành trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Bởi vì việc nhanh chóng loại bỏ một chiếc răng bị nhiễm trùng hoặc bị hư hại nghiêm trọng, càng sớm thì sẽ tốt hơn cho bạn và em bé hơn là để nó ngậm trong miệng.
Những thủ thuật trong nhổ răng khi mang thai có an toàn không?
Tia X-quang
Một trong những mối quan tâm phổ biến nhất của mọi người về việc nhổ răng khi mang thai là tiếp xúc với bức xạ từ tia X. Tuy nhiên, tia X trong điều trị nha khoa thường sử dụng liều phóng xạ rất thấp và một liều duy nhất thường không đủ cao để gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào trong sự phát triển của thai nhi.
Mặc dù chụp X-quang là an toàn, nha sĩ vẫn có thể khuyên bạn nên tránh chúng trong ba tháng đầu tiên nếu bạn chỉ định kiểm tra định kỳ. Nhưng nếu bạn có một trường hợp khẩn cấp nha khoa hoặc đau dữ dội, hay bắt buộc phải nhổ răng khi mang thai ngay thì vẫn có thể tiến hành chụp x-quang để giúp nha sĩ điều trị hiệu quả hơn.
Các loại thuốc uống
Các thủ thuật nha khoa thường được chỉ định dùng kháng sinh để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng. Thuốc kháng sinh như penicillin, amoxicillin và clindamycin, được dán nhãn loại B để đảm bảo an toàn trong thai kỳ và có thể được kê đơn sau khi làm thủ thuật.
Gây mê
Thuốc gây mê vẫn có thể được sử dụng một cách an toàn để giúp bạn thư giãn và làm tê liệt cơn đau khi phải tiến hành các thủ thuật nha khoa. Điều cần thiết là hãy thông báo cho nha sĩ về việc mang thai của bạn để họ có thể lựa chọn thuốc gây mê phù hợp và đặt mức độ phù hợp.
Nên tránh dùng thuốc gây mê có chứa felypressin khi mang thai vì hóa chất này làm co mạch máu và hãy hỏi bác sĩ nha khoa nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào về loại thuốc gây mê đang sử dụng.
Đối với các trường hợp mang thai, nha sĩ sẽ sử dụng nồng độ gây mê thấp nhất có thể cho các thủ thuật nhưng vẫn đủ để giúp bạn cảm thấy thư giãn.
Bảo vệ sức khỏe răng miệng khi mang thai
Hãy thực hiện thói quen vệ sinh răng miệng theo đúng tiêu chuẩn để giảm thiểu nguy cơ mắc phải các bệnh về răng miệng. Cũng như đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, bạn nên cố gắng tránh những thực phẩm có hại cho răng và đảm bảo tiến hành kiểm tra răng miệng thường xuyên kể cả khi mang thai hay sau khi sinh.
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh đánh răng ngay sau khi nôn nghén, vì điều này có thể làm hỏng bề mặt men răng. Thay vào đó, hãy súc miệng bằng nước và chải răng sau 30 phút.
Sức khỏe răng miệng cũng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể của người mẹ và điều đó có nghĩa nó cũng có ảnh hưởng đến em bé. Vậy nên hãy tiến hành kiểm tra và chăm sóc răng miệng thường xuyên. Hãy đảm bảo vệ sinh răng miệng thật sạch sẽ để hạn chế tối đa những nguy cơ bệnh có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai.
Đăng ký khám răng TẠI ĐÂY
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, bệnh nhân cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác:https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc