Bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể bị viêm họng. Tình trạng bệnh không nguy hiểm đến tình mạng nhưng lại đem đến cảm giác khó chịu cho người bệnh. Bệnh khó điều trị dứt điểm và có thể gây biến chứng.
Viêm họng là gì?
Viêm họng là tình trạng viêm cấp niêm mạc hầu và gây nên cảm giác đau rát họng, gặp khó khăn khi nuốt, sốt và thường xuyên nhức đầu.
Bên cạnh đó viêm họng còn đi kèm với một vài triệu chứng như cảm lạnh, buồn nôn, đau mình mẩy, sưng amidan và nổi hạch ở cổ…
Viêm họng do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng phần lớn là do các loại virus (80%), còn lại là do các vi khuẩn (liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A Streptococcus - thủ phạm gây nên những biến chứng nghiêm trọng về tim, khớp và thận...) và các yếu tố nguy cơ như thay đổi thời tiết, khói bụi, rượu, hoá chất…
Phân loại các dạng viêm họng phổ biến
Viêm họng được phân chia thành nhiều dạng với những triệu chứng đặc trưng riêng. Có thể chia thành các dạng viêm họng khác nhau dựa vào đặc điểm, tình trạng viêm nhiễm, nguyên nhân và triệu chứng bệnh:
Viêm họng cấp tính
Được định nghĩa là tình trạng viêm nhiễm ở vùng niêm mạc cổ họng trong thời gian ngắn. Virus, vi khuẩn hoặc thời tiết, môi trường là các tác nhân dẫn đến viêm họng cấp tính. Các triệu chứng bệnh thường đột ngột và biểu hiện dữ dội như:
- Sốt cao 39 - 40 độ C
- Họng đau rát, khó chịu khi nói chuyện hoặc nuốt.
- Có cảm giác nóng rát ở cổ họng
- Chảy nước mũi, khàn giọng, ho khan. Nếu có virus cúm, bệnh lý sẽ nặng nề hơn với cảm giác đau đầu, xuất tiết ở thành sau họng nhiều…
Viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính chỉ tình trạng viêm nhiễm vùng họng liên tục, kéo dài trên 1 tuần. Nguyên nhân viêm họng mãn tính là do viêm họng cấp tái phát nhiều lần hoặc do các bệnh mãn tính như: viêm amidan mãn tính, trào ngược dạ dày thực quản, viêm xoang mãn tính…
Triệu chứng đặc trưng của viêm họng mãn tính sẽ bao gồm:
- Cổ họng đau rát, khô, ngứa, vướng nơi vòm họng.
- Đau đớn, khó nuốt thức ăn.
- Tiết nhiều dịch nhầy ở họng
- Giọng khàn, ngực nóng rát, có thể kèm ợ chua ợ hơi nếu bị trào ngược.
Viêm họng trắng
Dấu hiệu đặc trưng của viêm họng trắng là niêm mạc họng có phủ một lớp mủ trắng, có thể bóc ra. Người bệnh thường có dấu hiệu sốt cao, cảm cúm, sổ mũi.
Viêm họng giả mạc
Viêm họng giả mạc ít phổ biến hơn các dạng viêm họng khác nhưng các triệu chứng của tình trạng này rất nặng nề: Bệnh nhân bị sốt cao, thường trên 38 độ, cổ họng đau rát, niêm mạc họng có một lớp giả mạc trắng xám, dính đặc và dày.
Viêm họng đỏ
Đây là tình trạng niêm mac họng bị viêm đỏ, nhìn vào hầu sẽ thấy đỏ máu, amidan sưng to. Bên cạnh các dấu hiệu như người mỏi mệt, sốt cao, họng đau khi nuốt thì viêm họng đỏ nhiều đờm nhầy màu trắng hoặc vàng.
Viêm họng hạt
Là tình trạng niêm mạc họng tổn thương nhiều lần, các tế bào lympho hoạt động quá sức, sưng to lên thành các hạt đỏ, có thể có mủ trắng.
Người bệnh viêm họng hạt sẽ cảm thấy cổ họng châm chích, ngứa, vướng víu khó chịu, hay ho khan và có thể bị sốt.
Viêm họng do virus
Viêm họng do virus rất phổ biến ở trẻ em. Dạng viêm họng này có các triệu chứng giống như viêm họng cấp. Đa phần các trường hợp viêm họng do virus thường có thể tự khỏi sau 3 - 5 ngày, không gây biến chứng hoặc bội nhiễm.
Viêm họng do liên cầu
Tình trạng bệnh khởi phát do vi khuẩn Streptococcus được gọi là viêm họng do liên cầu. Các triệu chứng của bệnh khá nghiêm trọng và dữ dội:
- Đau họng nhiều, rất khó nuốt
- Cổ xuất hiện hạch bạch huyết
- Bệnh nhân sốt cao, có thể kèm phát ban
- Amidan sưng, màu đỏ, có thể kèm theo mủ trắng
- Cơ thể bệnh nhân uể oải, có thể bị nôn.
Để xác định chính xác các tình trạng viêm họng đang mắc phải, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám kịp thời.
Điều trị viêm họng như thế nào?
Đa phần các loại viêm họng được được điều trị bằng các loại kháng sinh, hạ sốt và giảm đau kết hợp với thuốc khử trùng họng. Người bệnh cần đặc biệt tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ về việc dùng thuốc kháng sinh để điều trị viêm họng. Ngay cả khi những triệu chứng của bệnh đã dứt thì người bệnh cũng không nên dừng thuốc mà cần tiếp tục uống một thời gian nữa nhằm tạo ra kháng khuẩn chống tái phát bệnh.
Có biện pháp phòng và điều trị riêng viêm họng cho trẻ em không?
Viêm họng rất dễ xảy ra khi thời tiết chuyển mùa. Vậy nên cần phải có giải pháp phòng tránh bệnh, đặc biệt là đối với trẻ em:
- Hằng ngày cho trẻ vệ sinh họng, răng, miệng cho trẻ bằng cách đánh răng, súc họng bằng nước muối loãng.
- Khi cho trẻ ra đường cần đeo khẩu trang để tránh khói bụi, tránh cho trẻ đến những nơi môi trường bị ô nhiễm.
- Tránh cho trẻ uống nước quá lạnh hoặc quá nóng hay có thói quen ngậm kẹo hay ăn kem. Với phòng ngủ, cần thoáng mát nhưng không được có gió lùa, nếu có điều hòa nhiệt độ thì nên giữ ở mức nhiệt độ mát mẻ dễ chịu, khoảng 28 độ C.
- Rèn cho trẻ thói quen uống nhiều nước, hoạt động thể chất, đánh răng sau mỗi bữa ăn, rửa tay trước khi ăn và rửa tay sau khi đi vệ sinh.
- Cần điều trị dứt điểm khi trẻ mắc bệnh về răng, miệng, xoang, mũi..., tránh để mầm bệnh tồn tại và lây lan gây viêm họng
- Khi viêm họng có chỉ định điều trị, cần thực hiện nghiêm túc, uống thuốc theo toa, đúng phác đồ kháng sinh được kê toa.
- Cần cho trẻ uống đúng thuốc, đủ liều, đúng thời gian, không được tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị vì điều trị không đúng sẽ để lại tình trạng kháng thuốc, làm cho điều trị sau này gặp nhiều khó khăn.
Phòng tránh lây nhiễm viêm họng như thế nào?
Rất nhiều người nhầm lẫn rằng viêm họng là bệnh không lây. Nhưng trên thực tế viêm họng là bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Nếu xung quanh bạn có ai đó đang bị viêm họng thì cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với họ và rửa tay thường xuyên.
Khi bị viêm họng cũng cần rửa tay thường xuyên nhằm hạn chế sự lây lan của vi khuẩn khi bạn dùng tay che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/