Hạ huyết áp khi đứng ở người cao tuổi là tình trạng thường xuyên xảy ra, kèm theo triệu chứng ngất xỉu gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Tình trạng này ở người cao tuổi thường liên quan đến cơ chế điều hòa huyết áp và rối loạn thần kinh vận động nên cần thăm khám toàn diện và chú trọng tới các rối loạn phản xạ thần kinh tự động nhằm chẩn đoán tốt và điều trị hiệu quả cho bệnh lý này.
Hạ huyết áp khi đứng ở người cao tuổi là gì?
Sự suy giảm quá mức huyết áp của người cao tuổi khi thay đổi tư thế, nhất là lúc đứng dậy, cụ thể là huyết áp giảm tâm thu trên 20mmHg hoặc giảm tâm trương trên 10mmHG được gọi là tình trạng hạ huyết áp khi đứng ở người cao tuổi.
Đồng thời người cao tuổi khi đứng dậy đột ngột còn gặp phải các triệu chứng như ngất, hoa mắt, chóng mặt, lẫn lộn hoặc nhìn mờ kéo dài trong vài giây thậm chí vài phút và biến mất nhanh chóng khi nằm xuống.
Các triệu chứng như choáng, ngất hay co giật toàn thân hoàn toàn có thể xảy ra và đều liên quan tới nguyên nhân dẫn tới hạ huyết áp khi đứng.
Người bệnh cần biết hạ huyết áp khi đứng không phải bệnh lý riêng biệt mà đây là sự bất thường trong quá trình điều hòa huyết áp do nhiều bệnh lý gây ra.
Chẩn đoán hạ huyết áp khi đứng như thế nào?
Cần xác định thời gian và mức độ triệu chứng, các yếu tố gây khởi phát bệnh như thuốc, mất nước kéo dài, tương quan giữa triệu chứng với bữa ăn để chấn đoán chính xác hạ huyết áp khi đứng.
Lưu ý sẽ có một số vấn đề tiền sử bệnh liên quan như:
Đái tháo đường, parkinson, ung thư (hội chứng cận u)
Tiền sử sử dụng thuốc để phát hiện các trường hợp sử dụng thuốc sai đơn như các thuốc hạ huyết áp, nitrate.
Khai thác kỹ tiền sử gia đình có hạ huyết áp khi đứng có thể gợi ý chẩn đoán hội chứng suy giảm chức năng thần kinh thực vật.
Triệu chứng lâm sàng
Bệnh nhân sẽ được đo huyết áp và nhịp tim sau khi nằm 5 phút và sau khi đứng 1 – 3 phút.
Hạ huyết áp khi đứng không có tăng nhịp tim bù trừ (tăng dưới 10 nhịp/phút) sẽ nhắc nhở một tình trạng suy giảm chức năng hệ thần kinh thực vật. Còn nhịp tim tăng cao (trên 100 lần/phút) nhắc nhở tình trạng giảm lưu lượng tuần hoàn hoặc hội chứng nhịp nhanh tư thế trong trường hợp xuất hiện sự thay đổi về nhịp tim nhưng không có hạ huyết áp.
Các triệu chứng có thể chỉ điểm căn nguyên của bệnh hạ huyết áp khi đứng gồm có:
Các triệu chứng mất nước trên da, niêm mạc: gợi ý bệnh Addison
Suy giảm chức năng hệ thần kinh thực vật gây nên các triệu chứng: suy giảm thị lực, tiểu khó, đái dầm, táo bón, kèm dung nạp nhiệt và rối loạn cương dương
Xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện đi ngoài phân đen, có mùi
Các biểu hiện thần kinh ngoại vi có thể nghĩ đến nguyên nhân đái tháo đường, nghiện rượu hay hội chứng cận u.
Triệu chứng cận lâm sàng
Khi nghi ngờ người bệnh có rối loạn chức năng thần kinh thực vật, bác sĩ sẽ thực hiện “nghiệm pháp bàn nghiêng” để đưa ra kết quả đáng tin cậy hơn đo huyết áp ở 2 tư thế nằm và đứng, đồng thời loại bỏ sự gia tăng dòng hồi lưu tĩnh mạch do sự co bóp các cơ ở hai chân.
Bên cạnh đó người bệnh sẽ phải xét nghiệm norepinephrine hoặc vasopressin (ADH) ở hai tư thế nằm và đứng nhằm chẩn đoán hội chứng suy giảm chức năng hệ thần kinh thực vật thuần túy.
Các phương pháp điều trị hạ huyết áp khi đứng
Hạ huyết áp khi đứng ở người cao tuổi sẽ được điều trị bằng các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc với mục tiêu hướng tới cải thiện triệu chứng và cơ năng hơn là nâng cao số đo huyết áp.
Điều trị không dùng thuốc
Người bệnh cần dừng các thuốc thúc đẩy tình trạng hạ huyết áp khi đứng như thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẹn beta giao cảm hay thuốc lợi tiểu
Giảm ứ trệ máu tĩnh mạch: người bệnh tránh đứng lên quá nhanh hoặc bất động lâu, đứng bắt chéo chân, ngồi xổm và căng cơ chi dưới chủ động
Để làm giảm ứ trệ máu tĩnh mạch có thể sử dụng các thiết bị: tất ép vùng eo hoặc ép bụng
Tăng thể tích tuần hoàn trung tâm thông qua chế độ ăn thêm muối, uống thêm nước, nâng đầu cao 15-20 cm trong khi ngủ để tránh tăng quá huyết áp và tác dụng lợi niệu trong đêm.
Điều trị dùng thuốc
Fudrocortisone: khi người bệnh sử dụng đủ muối sẽ giúp tăng tái hấp thu natri dẫn tới làm tăng khối lượng tuần hoàn giúp giảm triệu chứng.
Midorine: có tác dụng co động mạch và tĩnh mạch nhưng không được khuyến cáo cho bệnh nhân mắc bệnh mạch vành hoặc bệnh động mạch ngoại vi.
NSAIDs: ức chế giãn mạch do prostaglandin, từ đó tăng sức cản ngoại vi.
L-Dihydroxyphenylserine: thích hợp cho bệnh nhân suy giảm chức năng thần kinh thực vật
Propanolol và các thuốc chẹn beta khác có thể làm tăng tác dụng có lợi của phác đồ kết hợp natri với mineralocorticoid.
Hạ huyết áp khi đứng ở người cao tuổi có tỉ lệ biến chứng và nguy cơ tử vong cao vậy nên cần chẩn đoán và điều trị kịp thời để giúp người bệnh có được sức khỏe ổn định và tránh nhiều biến chứng về sau này.
Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/