Nghe là một kĩ năng rất quan trọng trong cuộc sống. Trẻ nghe được thì mới nói được. Nghe tốt không chỉ giúp trẻ nói tốt mà còn giúp chúng có khả năng tập trung và nắm bắt vấn đề tốt khi lớn lên.
Phát triển thính giác bằng cách thường xuyên nói chuyện với trẻ
Nói chuyện với trẻ là hoạt động được khuyến khích đầu tiên và quan trọng trong suốt quá trình nuôi dạy bé. Việc nói chuyện với trẻ nên được bắt đầu ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ.
Các chuyên gia khuyên bạn nên cho bé nghe nhạc bằng cách áp tai nghe nhạc vào bụng mẹ. Âm thanh nói chung và âm nhạc nói riêng sẽ có tác động đến sự phát triển của trẻ. Bởi lúc này, bé có thể cảm nhận được tình cảm của mẹ dành cho mình thông qua ngữ điệu nói, âm thanh ngôn ngữ và trạng thái tinh thần của người mẹ để tích luỹ vốn từ cho mình.
Khi mới chào đời, bé của bạn sẽ bị bao quanh bởi một thế giới hình ảnh và âm thanh khó hiểu. Do vậy, quá trình nhận biết của bé cũng bắt đầu ngay tại thời điểm này. Và hơn ai hết, bà mẹ chính là người hướng dẫn bé tìm hiểu và khám phá thế giới. Khi được 3 tháng tuổi, bé sẽ có những phản ứng với âm thanh bên ngoài như quay đầu về phía có âm thanh, hướng về phía tiếng nói của mẹ, vv…
Bạn hãy tích cực trò chuyện với con, hát ru hoặc cho con nghe những bản nhạc nhẹ nhàng. Dần dần, bé của bạn sẽ quen và thích thú khi được nghe bạn nói.Việc bạn thường xuyên nói chuyện với con mình còn giúp bé hình thành những yếu tố cơ bản cho nhân cách và kĩ năng giao tiếp xã hội sau này.
Bạn có thể cho con chơi những đồ chơi có âm thanh vui vẻ, nhẹ nhàng, tránh những âm thanh thô lỗ, chói tai. Bằng cách này bạn cũng có thể kiểm tra được thính giác cho bé. Nếu bé phản ứng chậm hoặc không có phản ứng nào với phía phát ra âm thanh hay giọng nói của bạn, hãy đưa bé đến bác sĩ.Hãy nói chuyện với bé ở mọi nơi như: khi tắm cho bé, lúc thay quần áo cho bé hay khi đi mua sắm, vv… Dần dần, khi bé đã hiểu ngôn ngữ, hãy kể cho bé nghe những câu chuyện đơn giản về các loài vật, các loài hoa, về các đồ dùng, vật dụng hàng ngày, vv…
Đối với những trẻ lớn hơn – lứa tuổi thích khám phá, bạn có thể kể cho chúng những câu chuyện về hồi nhỏ của cha mẹ mình. Trẻ sẽ rất hứng thú nghe. Khi làm bếp, bạn hãy nói chuyện với trẻ về những thức ăn (rau quả, thịt, cá, vv…). Điều này không những làm cho trẻ thấy thích thú với câu chuyện bạn kể mà còn giúp trẻ hứng thú với bữa ăn.Đọc sách cho con ngheVới trẻ dưới 2 tuổi, việc đọc sách cho trẻ sẽ khó thu hút sự chú ý của chúng bởi bé gần như không thể ngồi yên để nghe bạn đọc. Vì thế, bạn vừa phải đọc bằng những giọng truyền cảm, trầm bổng khác nhau, vừa phải thu hút bé bằng cách chỉ cho bé thấy những hình ảnh trong sách.
Nên chọn sách hoặc truyện có hình ảnh to, màu sắc rõ ràng như những truyện ngắn về các đồ vật, con vật thông thường để bé dễ nắm bắt. Đây cũng là cách bạn giúp bé có thêm nhiều kiến thức về thế giới xung quanh.Với những bé lớn, đã có thể hiểu và nhớ nội dung câu chuyện, bạn nên đọc chậm rãi, rõ ràng.
Chú ý ngừng đọc trước khi hết một trang hay một đoạn và hỏi xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Điều đó sẽ giúp bé tập trung khi nghe bạn đọc hơn. Nếu trẻ chưa nắm bắt được nội dung và chưa hiểu, hãy cố đọc lại một lần nữa.
Đừng đọc ngay phần kết của câu chuyện mà nên hỏi xem trẻ tiên đoán câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào. Rồi bạn kết thúc câu chuyện và thảo luận với con xem kết thúc đó có gây ngạc nhiên không? Hoặc bạn có thể gợi ý cho con các phương án kết thúc câu chuyện mà bé mong muốn. Điều đó có tác dụng khơi dậy cho bé trí tưởng tượng và óc sáng tạo.
Cho trẻ nghe nhạc giúp bé phát triển thính giác
Âm nhạc mang lại nhiều tích cực cho trẻ ở mọi lứa tuổi. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, bạn nên cho bé làm quen với âm nhạc. Âm nhạc sẽ giúp cho tâm hồn của bé trở nên phong phú hơn, đồng thời, tình cảm và trí tuệ của trẻ cũng phát triển tốt hơn.Khi cho trẻ nghe nhạc, bạn cần biết loại nhạc nào phù hợp với lứa tuổi của trẻ, loại nào không nên nghe và loại nào sẽ rất tốt cho trẻ theo từng thời kỳ.
Khi còn trong giai đoạn thai kỳ, bé cũng có thể cảm nhận được những giai điệu hay những lời hát ru của mẹ. Tiếng hát ru mà bé nghe được dù có hoặc không hay cũng không quan trọng. Điều đáng quan tâm ở đây là những âm thanh được truyền đạt từ đáy lòng người mẹ, thể hiện được tình yêu thương mẫu tử với bé. Mỗi lần hát ru con, người mẹ nên vừa hát, vừa lắc lư theo tiết tấu bài hát, kết hợp với các động tác vuốt ve, vỗ về trẻ.
Mỗi lần như thế, bạn có thể giúp cho bé phát triển năng lực điều hoà vận động, từ đó tạo ra cơ hội học tập. Loại nhạc bé nên được nghe là nhạc không lời, tiếng nước chảy, tiếng chim hót.
- Trẻ từ 1 đến 2 tuổi: Bạn nên cho con nghe những bản nhạc giao hưởng kích thích sự phát triển của trí não.
- Trẻ từ 2 đến 6 tuổi: Ngôn ngữ của trẻ trong giai đoạn này phát triển mạnh mẽ.
Cha mẹ nên cho bé nghe nhạc thiếu nhi, phù hợp lứa tuổi này để bé có thể học hát theo. Điều này không những phát triển kỹ năng nói mà còn cho trẻ được tiếp xúc với nghệ thuật.
- Trẻ từ 7 đến 15 tuổi: Bạn có thể để trẻ lựa chọn những loại nhạc chúng thích. Tuy nhiên nên lựa chọn nhạc phù hợp, không nên cho con nghe những bản nhạc có tính kích động hoặc những bản nhạc quá buồn. Bạn hãy cố gắng hướng cho con mình nghe những dòng nhạc trữ tình, các bản nhạc đồng quê mang âm hưởng nhẹ nhàng. Điều này có lợi cho sự phát triển trí não của trẻ, tạo cho bé cảm giác yên bình, giúp xây dựng tính cách ôn hòa, tình cảm, nhân ái.
Qua mỗi bài hát, bố mẹ có thể giúp trẻ hiểu được ý nghĩa bài hát được nghe, giáo dục trẻ biết yêu thương đồng loại, yêu thiên nhiên, động vật; biết lễ phép với người lớn để góp phần giáo dục trẻ trở thành con ngoan, trò giỏi.
Kể chuyện nối tiếp giúp bé phát triển thính giác
Giống như một trò chơi, đầu tiên yêu cầu một người bắt đầu kể chuyện (Ví dụ: “Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé sống trong một lâu đài…”) rồi người khác kể tiếp câu chuyện này, mỗi người chỉ nói một câu hay một ý ngắn và luân phiên hết người này đến người khác.
Cách này rất hay để phát triển kĩ năng nghe, vì người nào cũng phải lắng nghe xem người trước kể cái gì. Tuy nhiên, trò này chỉ phù hợp nếu gia đình có đông người, hay khi tổ chức cho trẻ chơi cùng các bạn. Ngoài ra, bạn có thể hát cho bé nghe nhiều lần lời của một bài hát, từ đó bé sẽ ghi nhớ lời bài hát và có thể hát lại.
Hãy áp dụng 3 phương pháp trên để giúp con phát triển thính giác ba mẹ nhé.
Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/