Rất nhiều trẻ nhỏ mắc phải bệnh thủy đậu. Các giai đoạn của thủy đậu là gì và ần làm gì để cải thiện tình trạng bệnh cho trẻ là vấn đề nhiều bậc phụ huynh.
Thủy đậu là bệnh gì?
Thủy đậu còn được gọi là bệnh trái rạ. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella gây ra. Loại virus này không chỉ là tác nhân gây bệnh thủy đậu ở trẻ mà còn gây bệnh zona thường gặp ở người lớn.
Bệnh thủy đậu có khả năng lây lan nhanh chóng, có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, trong đó phổ biến hơn cả là trẻ em. Đặc biệt, vào mùa xuân, thời tiết nồm ẩm là thời kỳ bệnh thủy đậu bùng phát mạnh nhất. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là xuất hiện nhiều nốt phồng rộp, có nước, mọc khắp cơ thể, mọc cả trong niêm mạc miệng và lưỡi.
Khi trẻ bị bệnh thủy đậu cần điều trị ngay để giúp cải thiện bệnh. Nếu để lâu bệnh có thể biến chứng nguy hiểm.
Các giai đoạn của thủy đậu
Bệnh thủy đậu thường tiến triển qua 4 giai đoạn:
Giai đoạn ủ bệnh
Đây là giai đoạn đầu của bệnh, được tính từ thời điểm trẻ tiếp xúc với virus gây bệnh. Giai đoạn này thường kéo dài 10 - 21 ngày và hầu như chưa xuất hiện bất cứ triệu chứng nào của bệnh.
Ở giai đoạn này, virus tiếp xúc và xâm nhập vào cơ thể người bệnh nhưng chưa biểu hiện ra nên rất khó để phát hiện. Có nhiều trường hợp, virus đã gây nhiễm trùng tại phổi và mắt nhưng chưa biểu hiện ra bên ngoài.
Giai đoạn khởi phát
Giai đoạn này xuất hiện sau khi ủ bệnh 10 -21 ngày và thường kéo dài 3 - 5 ngày. Đây là khoảng thời gian virus gây nhiễm trùng và cơ thể bắt đầu có những biểu hiện chung của nhiễm trùng như: chán ăn, sốt nhẹ, mệt mỏi, khó chịu, buồn ngủ. Cuối giai đoạn khởi phát, cơ thể bé bắt đầu xuất hiện phát ban nhẹ và có những vết loét nhẹ ở miệng.
Hầu hết những triệu chứng của giai đoạn khởi phát không phải là điển hình của bệnh thủy đậu nên nhiều người chưa thể phát hiện ra, dễ nhầm lẫn với bệnh cúm, sốt thông thường.
Giai đoạn toàn phát
Sau khi khởi phát, virus gây bệnh thủy đậu bắt đầu xâm nhập vào hệ bạch huyết. Lúc này, cơ thể bé bắt đầu xuất hiện những triệu chứng nặng hơn của nhiễm trùng như: sốt cao, mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu, đau cơ… Ngoài ra, cơ thể bé cũng đã bắt đầu có những biểu hiện điển hình của bệnh thủy đậu như: xuất hiện ngày càng nhiều nốt phát ban ở mặt, thân mình, cánh tay, da đầu…
Những nốt ban này dần dần hình thành mụn nước, to hơn và gây ngứa. Nhiều mụn nước bị vỡ do kích thước to hơn hoặc do cọ xát vào quần áo. Vỡ mụn tăng nguy cơ gây nhiễm trùng, viêm da nên ba mẹ cố gắng không để bé làm trầy xước các nốt thủy đậu.
Theo thời gian, các nốt mụn nước ngày càng lây lan khắp cơ thể, có thể mọc ở những vị trí khó chịu như mí mắt, niêm mạc miệng, bàn tay, mông hay cơ quan sinh dục. Nhiều trường hợp gây ngứa không chịu được phải sử dụng thuốc giảm ngứa.
Giai đoạn hồi phục
Đây là giai đoạn cuối cùng của bệnh, xuất hiện sau giai đoạn khởi phát khoảng 7 - 10 ngày. Các mụn nước bắt đầu đóng vảy và cứng lại, tạo thành vết lõm nhỏ trên da. Giai đoạn này, khả năng lây nhiễm của bệnh giảm sút.
Tuy đây là giai đoạn hồi phục nhưng ba mẹ cũng nên quan sát trẻ, tránh để con cào, gãi gây bội nhiễm. Nếu không vệ sinh cẩn thận có thể gây viêm do tụ cầu, liên cầu.
Bị thủy đậu lây lan mạnh nhất vào giai đoạn nào?
Thủy đậu có thể lay lan dễ dàng từ 1 - 2 ngày trước lúc xuất hiện các phát ban cho đến khi da đã đóng vảy. Tuy nhiên, thời điểm lây lan mạnh nhất của bệnh là giai đoạn toàn phát. Lúc này, virus phát triển mạnh mẽ, xâm nhập vào hệ bạch huyết và được máu đưa đi khắp cơ thể.
Bệnh thủy đậu có thể lây lan qua 2 con đường chính là:
Tiếp xúc trực tiếp: Lây lan qua đường hô hấp từ các giọt dịch tiết khi ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất dịch trong cái nốt phỏng mụn.
Tiếp xúc gián tiếp: Trẻ tiếp xúc với dịch tiết của nốt phỏng hoặc niêm mạc khi những chất này bám vào đồ chơi, vật dụng bé cầm rồi đưa tay lên miệng.
Bị thủy đậu bao lâu thì khỏi?
Bệnh thủy đậu khiến bé ngứa ngáy, khó chịu nên nhiều ba mẹ lo lắng không biết bị thủy đậu bao lâu thì khỏi. Hầu hết các trường hợp bị thủy đậu sẽ khỏi bệnh sau khoảng 2 tuần từ thời điểm khởi phát. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
Viêm da do bội nhiễm. Với những trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng có thể biến chứng hoại tử.
Viêm màng não là biến chứng nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Viêm tai giữa, viêm tai trong.
Bệnh lý về đường hô hấp như viêm phổi, viêm thanh quản.
Cách chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà
Khi bị thủy đậu, ba mẹ cần biết cách chăm sóc bé để giúp bệnh mau chóng thuyên giảm và tránh gây nhiều tác hại đến con. Hãy áp dụng những cách làm sau:
Cho trẻ uống nhiều nước, có thể uống nước lọc hoặc uống trái cây để tăng sức đề kháng.
Không cho con ra ngoài gió hoặc bật quạt quá mạnh vào thẳng người con.
Không cho trẻ ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, hạn chế cho bé ăn kem, phô mai, bơ…
Không bổ sung nhiều vitamin C để tăng đề kháng vì chúng có thể khiến vết loét bị đau và lở ra.
Nhiều ba mẹ kiêng không cho bé đụng nước nhưng điều này là không nên. Hay tắm rửa sạch sẽ cho bé bằng nước ấm để tránh nhiễm khuẩn. Khi tắm nên thao tác nhẹ nhàng để không làm vỡ mụn.
Cách ly bé với những người khác để tránh lây lan bệnh.
Bệnh thủy đậu lành tính và có thể tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách. Vì vậy, ba mẹ cần lưu ý những vấn đề trên khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà.
Phòng ngừa thủy đậu ở trẻ như thế nào?
Bệnh thủy đậu rất thường gặp nhưng có thể được phòng tránh nên ba mẹ biết cách. Hãy áp dụng những biện pháp dưới đây để phòng ngừa thủy đậu cho con:
- là cách phòng tránh an toàn và hiệu quả nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Không cho bé tiếp xúc với người bị thủy đậu, hạn chế đến nơi đông người trong thời gian có dịch thủy đậu.
Vệ sinh sạch sẽ cho bé hằng ngày.
Vệ sinh, cọ rửa đồ chơi, đồ dùng của bé thường xuyên.
Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác như khăn mặt, bàn chải đánh răng…
Trên đây là những thông tin về các giai đoạn bệnh thủy đậu cũng như cách chăm sóc và phòng ngừa thủy đậu ở bé, ba mẹ có thể tham khảo để chăm sóc con thật tốt.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/