Bạch cầu có nhiệm vụ tăng cường sức đề kháng còn tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể.
Hỏi: Mới đây, em gái tôi kiểm tra sức khỏe định kỳ thì phát hiện bạch cầu tăng, tiểu cầu giảm. Bình thường em gái tôi có một số biểu hiện như có vết thâm tím trên người, hay kêu nhức đầu… Xin hỏi bệnh của em tôi là gì? Có nguy hiểm không? (Nguyễn Hoài Nhạ – Thái Nguyên)
Trả lời: Bạch cầu tăng có nguy hiểm không?
Máu là chất lỏng màu đỏ lưu thông trong động mạch, tĩnh mạch, mao mạch. Máu có chức năng chuyên chở các chất đến các cơ quan và chức năng chống nhiễm khuẩn. Cấu tạo của máu gồm có các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương.
Bạch cầu là một loại tế bào có màu trắng để phân biệt với hồng cầu có màu đỏ. Bạch cầu có nhiệm vụ tăng cường sức đề kháng của cơ thể với các tác nhân gây bệnh, nhất là các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm độc. Bình thường, bạch cầu dao động trong khoảng 4.000-10.000/mm3 máu. Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể, số lượng tiểu cầu bình thường có khoảng 150.000 – 400.000/mm3 máu.
Nguyên nhân gây tăng bạch cầu do các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc gặp trong các trường hợp nhiễm khuẩn các cơ quan trong cơ thể như viêm phổi, áp-xe gan… hoặc trong các bệnh ung thư của hệ tạo máu như bệnh bạch cầu cấp tính, mạn tính.
Còn giảm tiểu cầu thường gây hiện tượng chảy máu, nhất là ở các mạch máu nhỏ gây xuất huyết dưới da và các cơ quan khác trong cơ thể (như tiêu hóa, hô hấp, niêm mạc, não…). Có nhiều nguyên nhân gây giảm tiểu cầu như: cường lách, thiếu máu hồng cầu to, do tia phóng xạ… hoặc tiểu cầu vô căn.
Trong thư bạn không nói rõ số lượng bạch cầu và tiểu cầu em gái bạn được xét nghiệm là bao nhiêu nên chúng tôi khó đưa ra được lời khuyên chính xác đó là bệnh gì. Tốt nhất bạn nên đưa em gái đến chuyên khoa huyết học bệnh viện Hồng Ngọc hoặc Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để có những thăm khám cụ thể và có biện pháp điều trị thích hợp.
Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/