Suy dinh dưỡng bào thai không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi mà còn có thể đe dọa đến sức khỏe của bé ở những giai đoạn sau sinh.
Trong suốt thời kỳ mang thai, nếu bà mẹ ăn uống không đầy đủ, làm việc và nghỉ ngơi không hợp lý hoặc bị đau ốm bệnh tật sẽ gây ra tình trạng suy dinh dưỡng bào thai dẫn đến việc những đứa trẻ sinh ra nhẹ cân, chiều dài cơ thể kém hơn bình thường, gây ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ.
Suy dinh dưỡng bào thai là gì?
Suy dinh dưỡng bào thai (SDDBT) là thể suy dinh dưỡng biểu hiện sớm nhất. Trẻ sinh ra bị nhẹ cân dù đủ tháng (2,5kg). Suy dinh dưỡng xảy ra ở 3 tháng cuối của thai kỳ ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tìm thấy mối quan hệ giữa suy dinh dưỡng bào thai với các bệnh mạn tính như: tim mạch, bệnh chuyển hoá, bệnh máu, các dị tật bẩm sinh.
Suy dinh dưỡng bào thai được chia thành 3 mức độ:
- Mức độ nhẹ: Trẻ có chiều dài bình thường, chỉ có cân nặng ít hơn những thai nhi có tuổi thai tương ứng.
- Mức độ trung bình: Cân nặng và chiều dài của trẻ thấp hơn chỉ số bình thường, tuy nhiên vòng đầu vẫn bình thường.
- Mức độ nặng: Vòng đầu, cân nặng và chiều dài của trẻ đều thấp hơn mức bình thường.
Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng bào thai
Có 4 yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc phát triển của thai nhi và tác động đến sức khỏe sau này của đứa trẻ. Đó là:
Tuổi tác của người mẹ
Cơ thể của người phụ nữ từ 30 tuổi trở đi bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu lão hóa. Người mẹ sẽ khó cung cấp cho thai nhi đầy đủ dinh dưỡng. Vì vậy, các chuyên gia khuyến khích phụ nữ nên sinh con trong giai đoạn từ 25 tuổi đến 30 tuổi.
Tuổi của người mẹ không những ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ mà còn có có nguy cơ cao sinh ra những đứa trẻ không bình thường, bị dị tật bẩm sinh, điển hình là hội chứng down, tim bẩm sinh, hở hàm ếch, sứt môi... Vì vậy, sinh con muộn sẽ không an toàn và phụ nữ cần hạn chế điều này.
Sức khỏe của người mẹ
Sức khỏe của mẹ có vai trò quan trọng, quyết định đến sức khỏe của con. Một người mẹ khỏe mạnh thường sẽ sinh ra những đứa con khỏe mạnh và ngược lại. Vì vậy, trường hợp mẹ đang có bệnh mãn tính như viêm gan, thấp tim, phù thận thì hãy chữa khỏi bệnh rồi mới mang thai để có thể sinh ra đứa con khỏe mạnh nhất.
Dinh dưỡng của người mẹ
Dinh dưỡng trong cơ thể của mẹ theo máu qua nhau thai đến nuôi dưỡng thai nhi. Vì vậy chế độ dinh dưỡng khi mang thai rất quan trọng. Người mẹ cân được bổ sung đầy đủ, phong phú các dưỡng chất cần thiết để đảm bảo cho em bé phát triển tốt nhất.
Nếu người mẹ ăn uống kém, không bổ sung đủ dinh dưỡng sẽ khiến thai nhi thiếu hụt các chất quan trọng để hoàn thiện, phát triển các cơ quan trong cơ thể và não bộ, dẫn tới suy dinh dưỡng bào thai.
Do đó, trong thai kỳ mẹ nên bổ sung đủ chất đạm từ thịt, trứng, đậu, tôm, cá... giúp xây dựng các tổ chức cơ quan cho trẻ như hệ thống não thần kinh trung ương, tim, gan, phổi, bộ máy tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn và tiết niệu…
Ngoài ra, mẹ bầu nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung nhóm chất khoáng như sắt, đồng, kẽm, canxi, photpho cũng như các loại vitamin. Nếu thiếu những dưỡng chất này bé dễ bị thiếu máu, còi xương, mù lòa do thiếu vitamin A…
Nhau thai phát triển kém
Nhau thai là vật trung gian giúp truyền tải dinh dưỡng, oxy và máu từ cơ thể mẹ đi nuôi thai nhi. Bên cạnh đó, nhau thai còn có chức năng kiểm soát vận chuyển hormone đến bào thai. Nếu bánh nhau bị nhỏ sẽ khiến cho các sản phẩm chuyển hóa ít đi, thai nhi không được cung cấp đủ nguồn sống cần thiết, dẫn đến tình trạng còi cọc, kém phát triển.
Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến nhiều mẹ bầu dù ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cân nhiều trong thai kỳ nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng bào thai.
Bổ sung canxi sớm
Nhiều mẹ bầu cho rằng cần bổ sung canxi sớm để giúp hình thành bộ xương chắc khỏe cho thai nhi. Tuy nhiên điều này lại không hề tốt. Việc bổ sung canxi quá sớm sẽ gây dư thừa do em bé chưa hấp thu được hết.
Canxi lắng đọng ở bánh rau, khiến chất lượng rau thai giảm, sự trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi kém. Bào thai không tiếp nhận được đủ dưỡng chất để phát triển, dẫn đến còi cọc, suy dinh dưỡng.
Điều kiện lao động của mẹ khi mang thai
Khi mang bầu, ngoài năng lượng tiêu hao do lao động, người mẹ còn phải dành một phần đáng kể năng lượng cho phát triển thai nhi và dự trữ để sinh sữa cho con bú. Nếu người mẹ phải làm việc vất vả trong thời gian mang thai, sẽ không có đủ năng lượng giúp thai nhi phát triển tốt.
Vì vậy các chuyên gia khuyên rằng, mẹ nên giảm bớt những việc làm nặng nhọc, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.
Nhận biết trẻ suy dinh dưỡng bào thai
Mẹ có thể phát hiện sớm thai nhi bị suy dinh dưỡng qua các kỳ khám thai. Dựa vào các thông số như chiều cao tử cung, vòng bụng, các bác sĩ có thể chẩn đoán kích thước vòng bụng có tương xứng với tuổi thai hay không để xác định kích thước thai nhi.
Bên cạnh đó, qua mức độ tăng cân của mẹ trong thời gian mang thai, mẹ cũng có thể nhận biết thai nhi có bị suy dinh dưỡng hay không. Thông thường, thai phụ tăng từ 10 – 12kg. Nếu trong suốt quá trình mang thai, người mẹ chỉ tăng dưới 6 kg thì rất có thể thai nhi sẽ bị suy dinh dưỡng.
Và dấu hiệu muộn nhất là khi trẻ ra đời, dù đủ tháng nhưng cân nặng của trẻ dưới 2500g, điều này có nghĩa là trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai.
Suy dinh dưỡng bào thai có nguy hiểm không?
Suy dinh dưỡng bào thai không chỉ khiến bé còi cọc khi ở trong bụng mẹ mà nó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển sau này của trẻ.
Chậm phát triển
Khi bị suy dinh dưỡng bào thai, em bé sinh ra sẽ thấp còi, chiều cao, cân nặng phát triển kém, ảnh hưởng đến não bộ, gan, thận… và hầu hết tất cả các bộ phận của cơ thể. Trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai có nguy cơ cao chậm phát triển não bộ và trẻ không được nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác.
Trẻ dễ bị nhiễm khuẩn
Thông thường, những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ thiếu hụt các vitamin như vitamin A, C… Những vitamin này đặc biệt quan trọng với hệ miễn dịch. Nếu thiếu, hệ miễn dịch của bé sẽ suy giảm và dễ bị tấn công bởi virus, vi khuẩn gây bệnh. Trẻ bị suy dinh dưỡng khi còn là bào thai dễ bị các bệnh như tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp…
Dễ bị hạ đường huyết
Trẻ suy dinh dưỡng dễ bị hạ đường huyết hơn những đứa trẻ bình thường khác. Biểu hiện của hạ đường huyết ở trẻ là trẻ rên nhẹ. run rẩy, khóc thét lên, co giật, ngưng thở, tím tái… Hãy cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ này.
Trẻ dễ bị hạ thân nhiệt
Trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai khi sinh ra rất nhạy cảm với nhiệt độ bên ngoài. Nếu không ủ ấm cho bé, thân nhiệt của bé có thể giảm mạnh, dẫn đến những hậu quả khó lường. Mẹ nên mặc đủ ấm cho con, đeo tất chân, găng tay và đảm bảo phòng đủ ấm, không quá lạnh.
Lưu ý chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai
Với những trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, việc nuôi dưỡng, chăm sóc cần có những lưu ý đặc biệt:
– Ủ ấm cho trẻ thường xuyên, tốt nhất hãy để bé nằm cạnh mẹ ngay sau khi sinh
– Tắm rửa bằng nước ấm sạch, thay băng rốn hàng ngày
– Cho trẻ bú mẹ sớm, trong nửa giờ đầu sau khi sinh. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và hãy cho trẻ bú nhiều lần (kể cả ban đêm) hơn những trẻ có cân nặng bình thường khác
– Theo dõi sát sao để phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dấu hiệu trẻ bị hạ thân nhiệt hay hạ đường máu, hạ canxi máu
– Chỉ cho ăn bổ sung khi trẻ được 6 tháng tuổi , phải đảm bảo khẩu phần của trẻ có đủ dinh dưỡng cả về lượng và chất. Nên chọn các thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm, vitamin A, D… để giúp trẻ phát triển chiều cao, phòng ngừa suy dinh dưỡng thấp còi sau này.
– Cho trẻ uống vitamin A, vitamin D và tiêm vắc-xin đầy đủ theo quy định của y tế
– Ngoài chế độ ăn nên bổ sung các vi chất dinh dưỡng như: kẽm, canxi, vitamin D, A… dưới dạng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để giúp trẻ phát triển chiều cao, cân nặng và cả trí tuệ.
Chọn thai sản trọn gói - chọn an tâm tại bệnh viện Hồng Ngọc
Để phát hiện sớm suy dinh dưỡng bào thai, mẹ nên thăm khám định kỳ với bác sĩ sản khoa, đặc biệt là giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu nhận biết sớm và can thiệp ngay từ khi em bé còn trong bụng mẹ sẽ giúp giảm thiếu nhiều nguy cơ biến chứng.
Tại bệnh viện Hồng Ngọc, khi tới khám và siêu âm thai định kỳ, các mẹ luôn được bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng, kiểm tra chi tiết các chỉ số phát triển của thai nhi để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường.
Với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện phụ sản tuyến đầu, cùng hệ thống thiết bị siêu âm, xét nghiệm tiên tiến, sẽ giúp việc chẩn đoán sức khỏe thai kỳ chính xác và nhanh chóng.
Được xây dựng theo mô hình "bệnh viện - khách sạn" những năm qua Hồng Ngọc đã trở thành địa chỉ được đông đảo mẹ bầu chọn lựa để chăm sóc thai kỳ.
Để đặt lịch khám thai tại bệnh viện Hồng Ngọc, mẹ vui lòng đăng ký tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác