Viêm phần phụ là gì? Bị viêm phần phụ có mang thai được không?

Viêm phần phụ là gì? Bị viêm phần phụ có mang thai được không?

07-12-2023
Sống khỏe

Viêm phần phụ là bệnh viêm phụ khoa tương đối phổ biến ở nữ giới. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thai ngoài tử cung và vô sinh ở nữ giới.

Viêm phần phụ là gì?

Viêm phần phụ là tình trạng nhiễm trùng tại các bộ phận thuộc phần phụ của nữ giới (gồm vòi tử cung, buồng trứng, hệ thống dây chằng rộng). Viêm phần phụ thường khởi phát tại vòi tử cung và lan dần ra các bộ phận xung quanh. 

Viêm phần phụ là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng thai ngoài tử cung và vô sinh ở phụ nữ. Bệnh thường tiến triển âm thầm nên nhiều chị em chỉ vô tình phát hiện khi đi khám vô sinh.
 

Dấu hiệu nhận biết viêm phần phụ

Viêm phần phụ

Đau bụng dưới là biểu hiện thường thấy của bệnh lý viêm phần phụ

Tùy vào vi khuẩn gây bệnh mà viêm phần phụ có thể biểu hiện dưới dạng cấp tính, bán cấp tính hoặc mãn tính. 

Viêm phần phụ cấp tính

Viêm phần phụ cấp tính thường xảy ra sau sinh với những phụ nữ bị sót rau hoặc trong quá trình sinh nở sử dụng dụng cụ y tế không đảm bảo vô trùng. Bệnh cũng xảy ra sau sảy thai hoặc sau các can thiệp thủ thuật như nạo hút, đặt vòng, tháo vòng... và sau viêm âm đạo cấp do lậu cầu. 

Các triệu chứng khi mắc viêm phần phụ cấp tính gồm:

  • Đau vùng bụng dưới đột ngột, đau tăng khi đi lại và thường đau cả 2 bên (chiếm khoảng 90%)
  • Rối loạn kinh nguyệt (xảy ra ở 50% trường hợp mắc bệnh)
  • Mót rặn, đi lỏng, tiểu khó, tiểu không hết (xảy ra ở khoảng 15 - 25% bệnh nhân)
  • Sốt trên 39 độ
  • Có thể nôn hoặc buồn nôn.
  • Dịch âm đạo có nhiều khí hư, có khi là mủ (chiếm 39-65% trường hợp).

Viêm phần phụ bán cấp tính

Viêm phần phụ bán cấp tính chiếm khoảng 30% trường hợp mắc bệnh với các triệu chứng:

  • Đau âm ỉ vùng hạ vị và thắt lưng, có khi đau nhói
  • Rong kinh
  • Sốt nhẹ 37,5 - 38 độ

Viêm phần phụ mãn tính

Viêm phần phụ cấp tính không được điều trị đầy đủ, kịp thời có thể tiến triển thành viêm phần phụ mãn tính với các triệu chứng:

  • Đau từng cơn hay liên tục vùng hạ vị và 2 bên hố chậu; khi đi lại nhiều làm việc nặng đau tăng, khi nghỉ ngơi đau ít hơn.
  • Ra máu bất thường trước và sau hành kinh hoặc rong kinh.

Nguyên nhân gây viêm phần phụ?

Viêm phần phụ thực chất là kết quả của thói quen sinh hoạt không lành mạnh như: quan hệ tình dục không an toàn, vệ sinh vùng kín sai cách, không điều trị viêm phụ khoa, nạo phá thai,... Ngoài ra, nhiễm trùng phần phụ có thể là biến chứng của viêm nhiễm phụ khoa hoặc nhiễm trùng sau sinh do sót rau hoặc sử dụng dụng cụ y tế không đảm bảo.

Đăng ký khám phụ khoa cùng các chuyên gia đầu ngành qua hotline 0916.690.018 hoặc điền vào form dưới đây

Vi khuẩn

Viêm phần phụ chủ yếu do sự xâm nhập của vi khuẩn gây viêm nhiễm từ âm đạo và cổ tử cung lên tử cung và ống dẫn trứng, bao gồm:

  • Các vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục: Lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae), Chlamydia (Chlamydia trachomatis), Mycoplasma genitalium
  • Các vi khuẩn hiếu khí và kị khí như: Coli, Staphylocoque, Bacteroides, Fragilis, Clostridium. 
  • Một số sinh vật ở âm đạo như Streptococcus agalactiae, Haemophilus influenzae, trực khuẩn gram âm đường ruột và các loài Ureaplasma có thể liên quan đến viêm phần phụ. 

Quan hệ tình dục không an toàn

Quan hệ với nhiều người, không sử dụng bao cao su khi quan hệ (chồng mắc bệnh) và quan hệ mạnh bạo có thể làm tổn thương sâu trong vùng kín, tăng nguy cơ mắc viêm phần phụ. 

Vệ sinh vùng kín sai cách

Vệ sinh vùng kín quá qua loa hoặc quá kỹ làm môi trường pH âm đạo thay đổi cũng có thể tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi. Trường hợp chị em thụt rửa âm đạo quá mức, đặc biệt trong khi đang mắc bệnh cũng khiến mầm bệnh dễ dàng xâm nhập vào sâu bên trong và làm lan vùng viêm.

Thêm vào đó, nếu vùng kín không được làm sạch đúng cách trong những ngày hành kinh có thể làm tăng triệu chứng bệnh và làm trầm trọng tình trạng viêm nhiễm. 

Thực hiện các thủ thuật y tế không an toàn

Nạo phá thai nhiều lần, thực hiện phá thai tại các những phòng khám không được cấp phép với những dụng cụ không đảm bảo tiêu chuẩn vô khuẩn dễ làm chị em bị viêm phụ khoa hoặc các bệnh lý liên quan đến tử cung và cổ tử cung. Theo thời gian, vùng viêm lan rộng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mang thai hoặc là tác nhân dẫn đến sự xuất hiện của các tế bào tiền ung thư.

Ngoài ra, nhiều chị em cũng bị viêm phần phụ do sử dụng những thủ thuật như đặt vòng tránh thai, đốt lộ tuyến tử cung, se khít âm đạo,... tại những cơ sở y tế kém chất lượng với dụng cụ y tế không được vô trùng và kỹ thuật viên tay nghề non yếu.

Viêm phần phụ 
Sử dụng phương pháp phá thai không phù hợp làm tăng nguy cơ mắc viêm phần phụ

Viêm phụ khoa kéo dài

Tình trạng viêm phần phụ thường là kết quả của viêm âm đạo hoặc viêm lộ tuyến cổ tử cung kéo dài. Theo thời gian, tình trạng viêm nhiễm tại các cơ quan này lan rộng có thể làm chị em bị dính tử cung hoặc tắc vòi tử cung, ảnh hưởng đến khả năng mang thai tự nhiên.

Viêm phần phụ là một trong nhiều biến chứng sau sinh

Quá trình sinh nở làm các bộ phận tại cơ quan sinh sản của chị em bị tổn thương, đặc biệt là tử cung và âm đạo. Vì vậy, sau sinh, chị em có thể dễ bị viêm nhiễm phụ khoa hoặc các tổn thương tử cung mà không có dấu hiệu điển hình.  Đặc biệt, nhiều chị em bị suy giảm miễn dịch sau sinh do rối loạn hormone nội tiết làm các mẹ dễ bị viêm phần phụ hơn. 

Ngoài ra, sản phụ có thể bị viêm nhiễm nếu bị sót nhau hoặc quá trình lấy rau không đúng quy trình.

Viêm tiết niệu

Viêm đường tiết niệu do vi khuẩn gây ra có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm âm đạo hoặc viêm phần phụ. Vi khuẩn từ đường tiết niệu có thể xâm nhập âm đọa và ngược dòng tấn công các bộ phận bên trong dẫn đến viêm đường sinh dục nữ. 1 trong các vi khuẩn thường thấy là Staphylococcus.

Các biến chứng viêm phần phụ

Viêm phần phụ 
Vô sinh hiếm muộn là biến chứng thường gặp của viêm phần phụ nếu không được điều trị kịp thời

Viêm phần phụ có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Bệnh để càng lâu thì nguy cơ biến chứng càng nguy hiểm. 

Viêm phúc mạc đáy chậu, viêm phúc mạc toàn thể

Viêm phần phụ không được điều trị đúng cách có thể lan rộng đến các bộ phận khác, đặc biệt là phúc mạc, dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc tiểu khung, viêm phúc mạc đáy chậu, viêm phúc mạc toàn thể, nhiễm trùng máu. Trong các trường hợp nghiêm trọng, viêm phúc mạc khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng toàn thân, có thể dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Đặc biệt, viêm vùng chậu kéo dài còn là nguyên nhân gây bể đài thận, ứ nước tại thận,...

Áp xe phần phụ

Khối viêm tại phần phụ có thể tiến triển và thành các ổ áp xe gây đau đớn dữ dội, kèm theo sốt cao trên 40 độ, ớn lạnh và cảm giác nôn - buồn nôn. Tình trạng này cần thực hiện nội soi ổ bụng để tháo mủ, kết hợp sử dụng kháng sinh phổ rộng.

Áp xe buồng trứng

Tình trạng này hiếm gặp, giống ứ mủ vòi tử cung. Nếu mổ phát hiện ra cần cắt buồng trứng.

Vô sinh

Viêm phần phụ ảnh hưởng đến buồng trứng, làm giảm chất lượng trứng và khả năng sản xuất trứng. Các tình trạng như viêm tắc vòi tử cung 2 bên, dính tua loa vòi cản trở đường đi khiến trứng không thể gặp được tinh trùng, hoặc có gặp thì khó có khả năng đậu thai do đã qua thời điểm thích hợp. 

Thai ngoài tử cung

Viêm tắc vòi tử cung làm cản trở đường đi của trứng, dẫn đến nguy cơ hợp tử làm tổ ngay tại vòi mà không phải tử cung. Tình trạng này thậm chí làm tăng nguy cơ vô sinh do phải cắt vòi tử cung để điều trị. 

Thai ngoài tử cung có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu khối thai bị vỡ, gây chảy máu ồ ạt và shock mất máu. 

Đau vùng chậu kinh niên

Viêm vùng phụ gây đau vùng chậu. Nếu không được điều trị, tình trạng đau vùng chậu có thể trở thành triệu chứng mãn tính, ảnh hưởng đến chất lượng sống của chị em.

Cách chẩn đoán viêm phần phụ

Do là bộ phận nằm sâu nhất của cơ quan sinh dục nữ, vì vậy viêm phần phụ thường được chẩn đoán bằng phương pháp siêu âm đầu dò. 

Ban đầu bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng và ấn vùng bụng bệnh nhân để kiểm tra tình trạng và xem có xuất hiện các khối bất thường hay không. Trường hợp bệnh nhân thấy đau sẽ đưa đi siêu âm. Nếu không siêu âm, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân chụp CT để đánh giá sự hình thành các ổ viêm, các khối áp xe.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể được thực hiện lấy mẫu tại âm đạo, cổ tử cung để tiến hành xét nghiệm tìm vi khuẩn gây bệnh. 

Điều trị viêm phần phụ

Hiện nay, tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân một cách hiệu quả:

  • Viêm phần phụ cấp do Chlamydia và lậu: điều trị bằng thuốc kháng sinh phổ rộng, cần điều trị cho cả bạn tình. 
  • Viêm phần phụ gây áp xe phần phụ và viêm phúc mạc đáy chậu: điều trị bằng kháng sinh toàn thân hoặc phẫu thuật nội soi giải phóng dính, chọc dò túi mủ,rửa ổ áp xe. 
  • Viêm phúc mạc bán cấp: ưu tiên điều trị Chlamydia Trachomatis bằng thuốc kháng sinh và phối hợp điều trị với bạn tình. 
  • Viêm phần phụ diễn tiến thành viêm phúc mạc toàn thể cần điều trị bằng kháng sinh và tiến hành phẫu thuật để làm sạch và dẫn lưu ổ bụng.  

Phòng ngừa viêm phần phụ như thế nào?

Là bệnh lý nguy hiểm và ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sức khỏe phụ nữ, tuy nhiên, viêm phần phụ có thể hoàn toàn phòng tránh và có thể điều trị đơn giản nếu chị em phát hiện sớm. Các biện pháp dự phòng viêm phần phụ bao gồm:

  • Vệ sinh vùng kín đúng cách hàng ngày: Làm sạch vùng kín bằng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ mỗi ngày, không thụt rửa âm đạo quá mức, thay đồ lót thường xuyên, giúp môi trường pH âm đạo được duy trì, đồng thời hạn chế nguy cơ xâm nhập sâu của vi khuẩn gây bệnh.
  • Thực hành vệ sinh trong kỳ kinh, vệ sinh cá nhân và vệ sinh sau giao hợp đúng cách 
  • Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng - 1 năm/ lần giúp phát hiện sớm viêm phần phụ (nếu có), từ đó có phương án điều trị hiệu quả.
  • Quan hệ tình dục an toàn: Thực hiện lối sống chung thủy 1 vợ - 1 chồng, sử dụng bao cao su khi quan hệ để hạn chế nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, đồng thời khám và điều trị cho bạn tình trong trường hợp mắc bệnh. Đặc biệt, chị em cần kiêng quan hệ tình dục khi đang mắc bệnh hoặc đang điều trị bệnh.
  • Điều trị viêm nhiễm phụ khoa: Khám và điều trị kịp thời viêm nhiễm phụ khoa giúp hạn chế nguy cơ xâm nhập sâu của vi khuẩn. 
  • Phát hiện và điều trị sớm viêm đường tiết niệu tránh trường hợp viêm ngược dòng
  • Duy trì lối sống lành mạnh: Tập thể dục đều đặn, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh là cách để tăng cường sức khỏe phụ khoa.

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh, người bệnh cần tới các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ trực tiếp thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị hiệu quả.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.

 

 

Đọc tiếp
Quay lại
Hỏi đáp Bác sĩ
Viết câu hỏi

Đăng ký tư vấn

Cơ sở chuyên khoa liên quan
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh
  • Số 8 đường Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: +(84-24) 7300 8866
Đặt lịch ngay
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Yên Ninh
  • Số 55 Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
Phòng khám đa khoa Hồng Ngọc Keangnam
  • Tầng 10, Keangnam Landmark 72, Phạm Hùng, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HỒNG NGỌC - KOSMO TÂY HỒ
  • Gian S20 và TMDV 2A + 2B, Tầng 1 và 2, tổ hợp chung cư, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại Newtatco - Kosmo Tây Hồ, Phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay