Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý thường gặp ở người trẻ tuổi, chủ yếu là nam giới. Giai đoạn đầu của thường không có biểu hiện rõ ràng nên người bệnh dễ chủ quan, không đi khám và chỉ phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn cấp.
Viêm cột sống dính khớp là gì?
Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý mãn tính nằm trong nhóm bệnh viêm khớp cột sống, đặc trưng bởi tổn thương khớp cùng chậu, cột sống và các khớp chi dưới.
Bệnh viêm cột sống dính khớp là bệnh tiến triển chậm song có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Dưới đây là một vài biến chứng của bệnh viêm cột sống dính khớp cần được lưu ý.
Dính khớp cột sống ngoại biên: dính khớp háng, khớp gối làm hạn chế vận động, dính khớp cột sống gây gù, dính khớp xương ức với sụn sườn gây cứng lồng ngực, hạn chế chức năng phổi.
Loãng xương, nguy cơ gãy xương: Viêm cột sống dính khớp làm mất khoáng xương, gây loãng xương, nguy cơ gãy xẹp hoặc gãy lún đốt sống.
Viêm màng bồ đào: Người bệnh có thể đột ngột bị đau mắt, mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
Các biến chứng khác: Viêm ruột mãn tính, viêm van động mạch chủ.
Có thể bạn quan tâm:
Triệu chứng viêm cột sống dính khớp
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh viêm cột sống dính khớp thường khá lờ mờ nên người bệnh thường chủ quan, không đi khám và chỉ phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn cấp, có biểu hiện rõ ràng.
Triệu chứng sớm nhất có thể thấy là các cơn đau tại vùng lưng, cột sống thắt lưng kéo dài trên 3 tháng, đau khi muốn thay đổi tư thế, đau nhiều vào ban đêm, sáng sớm.
Cứng cột sống, hạn chế vận động vùng thắt lưng khi cúi ngửa, nghiêng hoặc xoay, ngồi xổm khó.
Có biểu hiện của viêm khớp ngoại biên như sưng đau kéo dài khớp háng, khớp gối… nhưng không rõ nguyên nhân.
Bất thường về tư thế: ưỡn cột sống cổ, gù cột sống lưng, khom lưng ra phía trước.
Các biểu hiện ít gặp hơn: viêm kết mạc, tiêu chảy, đau bụng, loãng xương…
Nguyên nhân gây viêm cột sống dính khớp
Cho đến nay, giới chuyên môn vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm cột sống dính khớp. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh có mối liên quan chặt chẽ với yếu tố kháng nguyên hòa hợp mô HLA-B27. Có tới 90% trường hợp bệnh có sự hiện diện của HLA-B27.
Theo khảo sát với các đối tượng thuộc chủng tộc và sắc tộc khác nhau, có nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp nhưng lại không mang gen HLA-B27 và đa số người có HLA-B27 cũng không bị bệnh này. Do đó, sự xuất hiện của gen HLA-B27 chỉ được xem là một yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm cột sống dính khớp.
Chẩn đoán viêm cột sống dính khớp
Chẩn đoán lâm sàng
Chẩn đoán lâm sàng viêm cột sống dính khớp dựa trên các triệu chứng của người bệnh về các cơn đau vùng lưng, thắt lưng, tình trạng cứng cột sống và các bất thường về tư thế.
Chẩn đoán cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu: Nhằm mục đích xác định các dấu hiệu viêm như tăng tốc độ lắng máu, tăng CRP.
- Xét nghiệm kháng nguyên hòa hợp mô HLA-B27: Nếu xét nghiệm dương tính ở 80-90%, bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp.
- Chẩn đoán hình ảnh
Chụp X-quang nhằm xác định viêm khớp cùng chậu, tổn thương cột sống, viêm khớp háng, viêm điểm bám gân. Ở giai đoạn sớm, phim chụp X quang chưa phát hiện được tổn thương cấu trúc. Tiêu chuẩn này hầu như chỉ chẩn đoán được bệnh ở giai đoạn muộn. Vì vậy, bác sĩ có thể yêu cầu chụp cộng hưởng từ MRI nhằm phát hiện sớm hơn các tổn thương cấu trúc và giúp khẳng định hoặc loại trừ bệnh viêm cột sống dính khớp.
Chẩn đoán phân biệt
Viêm cột sống dính khớp thể cột sống cần phân biệt với bệnh Forestier trong khi thể phối hợp cần phân biệt với bệnh lao khớp háng
Chẩn đoán xác định
Chỉ chẩn đoán xác định bệnh viêm cột sống dính khớp khi có tiêu chuẩn X quang và ít nhất một yếu tố thuộc tiêu chuẩn lâm sàng.
Điều trị viêm cột sống dính khớp như thế nào?
Dùng thuốc
Khi sử dụng thuốc điều trị viêm cột sống dính khớp, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về liều lượng, cách dùng để tránh dùng sai cách, sai liều và các tác dụng phụ không mong muốn.
Thuốc kháng viêm không steroid (celecoxib, meloxicam, diclofenac, etoricoxib…): Có tác dụng chống viêm, giảm đau. Thuốc có thể sử dụng trong thời gian dài nếu tình trạng viêm vẫn tiếp diễn. Lưu ý, có thể có một số tác dụng phụ trên tim mạch, dạ dày, thận.
Thuốc giảm đau (paracetamol hoặc các dạng kết hợp): Sử dụng kết hợp với thuốc kháng viêm không steroid.
Thuốc giãn cơ: eperisone, thiocolchicoside theo liều lượng chỉ định của bác sĩ.
Tiêm corticosteroids tại chỗ áp dụng với trường hợp viêm các khớp ngoại biên kéo dài hoặc các điểm bám gân.
Thuốc thấp khớp làm biến đổi bệnh-DMARD (sulfasalazine, methotrexat): Không áp dụng cho bệnh nhân thể cột sống đơn thuần. Sử dụng sulfasalazine với bệnh nhân viêm khớp ngoại biên.
Chế phẩm sinh học kháng TNFα: Sử dụng kết hợp với thuốc kháng viêm không steroid, áp dụng với các trường hợp không đáp ứng với điều trị thường quy.
Vật lý trị liệu
Duy trì chế độ vận động lành mạnh là phương pháp để ngăn bệnh viêm cột sống dính khớp tiến triển nặng hơn. Chế độ luyện tập hợp lý giúp tăng cường sự dẻo dai, linh hoạt cho các khớp, cải thiện tư thế của người bệnh. Bệnh nhân có thể tự luyện tập tại nhà theo sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc đến các cơ sở điều trị vật lý trị liệu với sự giám sát chặt chẽ về cường độ luyện tập của các kỹ thuật viên chuyên nghiệp.
Phẫu thuật
Phẫu thuật thay khớp háng khá phổ biến đối với người bị viêm cột sống dính khớp. Thay khớp háng chỉ được chỉnh định trong trường hợp bệnh nhân bị đau kéo dài, hạn chế vận động, không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn. Đồng thời, có thể nhận thấy sự tổn thương cấu trúc khớp nghiêm trọng trên phim chụp X-quang.
Phẫu thuật chỉnh hình cột sống: Áp dụng khi cột sống biến dạng do viêm.
Ngoài ra, các trường hợp bị viêm cột sống dính khớp dẫn đến gãy đốt sống cấp tính cũng được xét chỉ định phẫu thuật.
Thực tế, điều trị viêm cột sống dính khớp phụ thuộc vào thuốc và mang tính chất lâu dài. Vì vậy, bạn nên đưa người bệnh đến khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Cơ xương khớp để được chẩn đoán và điều trị theo phác đồ cụ thể. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hoặc các thực phẩm chức năng mà không có chỉ định của bác sĩ, tránh gây hại cho sức khỏe.
Phòng bệnh viêm cột sống dính khớp
Do chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm cột sống dính khớp nên hiện tại không có cơ sở đưa ra các biện pháp phòng tránh bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, thiết lập chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, lành mạnh là cách để duy trì cơ thể khỏe mạnh, có thể phòng tránh các bệnh về xương khớp.
Một số khuyến cáo được đưa ra đối với bệnh lý này như nên nằm thẳng trên mặt phẳng cứng, không gối quá cao, tránh nằm võng, phòng tránh viêm nhiễm đường tiết niệu, sinh dục, viêm đường ruột, tập thể dục đều đặn, bơi, đạp xe…
Ngoài ra, khi có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến bệnh viêm cột sống dính khớp, người bệnh cần đến các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín có khoa cơ xương khớp để thăm khám, chẩn đoans và điều trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Tại Hà Nội, Khoa Cơ xương khớp của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc là địa chỉ điều trị viêm cột sống dính khớp được đông đảo khách hàng lựa chọn và đánh giá cao cả về chất lượng chuyên môn lẫn dịch vụ.
Đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn từng công tác tại các bệnh viện lớn trong và ngoài nước: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Royal North Shore Úc…
Hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại giúp phát hiện sớm các tổn thương cấu trúc tại khớp cùng - chậu và cột sống.
Kết hợp Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng trong điều trị với hệ thống máy trị liệu của Đức và kỹ thuật nắn chỉnh chuyên sâu của Áo giúp “đẩy lùi: các cơn đau nhức, cải thiện vận động cho người bệnh.
Đặc biệt, người bệnh đến thăm khám và điều trị viêm cột sống dính khớp tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc sẽ được tận hưởng nhiều tiện ích như không gian khách sạn bệnh viện 5 sao; lịch trình theo dõi cụ thể, chủ động hẹn tái khám; bảo hiểm bảo lãnh nhanh chóng; làm việc cả Thứ Bảy và Chủ Nhật không phát sinh phí.
Nếu có nhu cầu nhận tư vấn chuyên sâu hơn về viêm cột sống dính khớp tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, quý khách vui lòng liên hệ theo số Hotline 0889621046 để được hỗ trợ kịp thời.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: