Truyền Aclasta là phương pháp điều trị loãng xương tối ưu nhất hiện nay, sử dụng Acid Zoledronic truyền qua đường tĩnh mạch, có tác dụng làm chậm quá trình mất xương, ức chế tế bào hủy xương.
Đối tượng truyền Aclasta
Chỉ định
Bệnh nhân được chẩn đoán loãng xương theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 1994.
Điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh để làm giảm tỉ lệ gãy xương và tăng mật độ chất khoáng của xương.
Điều trị loãng xương ở nam giới.
Điều trị và phòng ngừa loãng xương do glucocorticoid.
Điều trị bệnh Paget xương.
Chống chỉ định
Hạ canxi máu.
Phụ nữ có thai và cho con bú.
Suy thận với mức lọc cầu thận (GFR) < 35 ml/ phút.
Quá mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
Bệnh nhân > 80 tuổi
Bệnh nhân có rối loạn nhịp tim
Ngoài ra, cần thận trọng khi sử dụng thuốc Aclasta cho:
Người từng bị hạ canxi máu hoặc rối loạn chuyển hóa chất khoáng
Người suy thận (cần theo dõi ClCr)
Người có nguy cơ hoại tử xương hàm và các xương khác
Người cần lái xe, vận hành máy móc
Ưu điểm của phương pháp truyền Aclasta
Truyền trực tiếp vào tĩnh mạch, hấp thụ gần như tuyệt đối vào xương.
Thời gian truyền nhanh chóng và chỉ cần truyền 1 lần/năm.
Dùng được với bệnh nhân không phù hợp với đường uống như: viêm dạ dày, trào ngược dạ dày, liệt nằm tại chỗ.
Giảm tối đa tác dụng phụ của đường uống, ít tác dụng phụ với đường tiêu hóa.
Hạn chế tình trạng quên liều, uống không đúng cách.
Quy trình truyền Aclasta
Bệnh nhân nằm thẳng trên giường bệnh, bác sĩ và điều dưỡng thực hiện truyền Aclasta theo thứ tự sau:
Bước 1: Kiểm tra hồ sơ bệnh án
Bước 2: Điều dưỡng rửa tay, đeo khẩu trang
Bước 3: Chuẩn bị bệnh nhân, thuốc và dụng cụ (bệnh nhân nằm ngửa, đo mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở).
Bước 4: Thực hiện 5 đúng, giải thích, động viên bệnh nhân, công khai thuốc và dịch truyền.
Bước 5: Kiểm tra chai truyền. Cắm dây truyền vào chai thuốc Aclasta, khóa lại, treo chai dịch, đuổi khí qua dây, khóa lại, có thể treo dây truyền lên cọc.
Bước 6: Cắt băng dính, bộc lộ vùng truyền, chọn tĩnh mạch. Đi găng tay, buộc dây cao su trên vùng truyền 3-5 cm. Sát khuẩn vị trí truyền từ trong ra ngoài theo hình xoắn ốc 3 lần. Đi kim vào tĩnh mạch, nối dây truyền thuốc Aclasta vào đốc kim, mở khóa cho dịch chảy với tốc độ 100 giọt/phút
Bước 7: Khi chai dịch truyền Aclasta hết, đổi sang chai dịch truyền Paracetamol 1g, liều lượng được tính theo cân nặng bệnh nhân 10-15mg/kg cân nặng.
Bước 8: Rút kim và băng urgo sau truyền. Bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường và theo dõi các triệu chứng sau truyền.
Chú ý theo dõi nhịp tim, huyết áp, nhịp thở trong suốt quá trình thực hiện, đặc biệt kiểm tra dấu hiệu của bệnh nhân mỗi 15-30 phút trong quá trình truyền thuốc và theo dõi bệnh nhân mỗi lần thay đổi tốc độ truyền.
Lưu ý sau khi truyền Aclasta
Tự theo dõi, phát hiện các tác dụng phụ của thuốc và xử trí theo hướng dẫn của bác sĩ. Triệu chứng này sẽ hết sau 2-3 ngày.
Tái khám đúng lịch, nếu xuất hiện các triệu chứng đau bất thường cần thông báo cho bác sĩ điều trị ngay.
Uống nhiều nước (1-2 lít) trước và sau truyền thuốc.
Bổ sung thêm Canxi và vitamin D đúng cách với chế độ dinh dưỡng khoa học, ăn các loại thực phẩm giàu Canxi và vitamin D.
Tắm nắng mỗi ngày vào buổi sáng từ 20-30 phút, không cho ánh sáng chiếu thẳng vào mắt.
Tập thể dục thể thao phù hợp với từng thể trạng bệnh nhân.
Sinh hoạt cẩn thận, không để chấn thương, té ngã…"