Trầm cảm sau sinh: nhận biết, phòng ngừa và điều trị

Trầm cảm sau sinh: nhận biết, phòng ngừa và điều trị

23-03-2020

Cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh con. Đặc biệt, cuộc sống và áp lực tinh thần rất dễ khiến phụ nữ lâm vào trầm cảm sau sinh. Vậy làm cách nào để nhận biết, phòng ngừa trước khi quá muộn? Hãy cùng tìm hiểu!

Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh là một rối loạn tâm trạng cực đoan liên quan đến suy nghĩ và cảm xúc của phụ nữ sau sinh. Người bị trầm cảm thường có những cảm giác buồn bã, trống rỗng, mệt mỏi, lo lắng, lo sợ con mình bị hại hay bản thân mình có thể sẽ làm hại em bé. Theo thống kê, có khoảng 10 - 20% phụ nữ sau sinh bị rối loạn tâm lý và căng thẳng quá mức, trong đó có khoảng 15% chị em được xác nhận là trầm cảm trong 3 tháng đầu sau sinh. Khoảng 25% còn lại cần can thiệp y tế tâm lý sau sinh 1 năm. 

Trầm cảm sau sinh có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng. Đôi khi tình trạng phát triển thành hành vi cực đoan, nêu không được điều trị tâm lý kịp thời có thể gây hại cho chính bản thân người mẹ và con của họ.

Triệu chứng nhận biết trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh Trầm cảm ở phụ nữ sau sinh rất phổ biến nhưng đa phần phụ nữ không tự nhận biết được

Các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm sau sinh tương đối khó nhận biết, và thường được nhận ra khi người bệnh có những hành động bộc phát. Một số biểu hiện điển hình có thể bao gồm:

  • Tâm trạng chán nản, bồn chồn, ủ rũ. Tình trạng này có thể kéo theo cảm giác bực dọc, khó chịu và tức giận. 

  • Khóc nhiều, ít giao tiếp, ít hứng thú với các hoạt động thường ngày yêu thích. Nhiều mẹ luôn tỏ ra lo lắng mình không phải người mẹ tốt.

  • Mệt mỏi quá mức, chán ăn, mất ngủ kéo dài hoặc ngủ quá nhiều.

  • Không có hứng thú với em bé, thậm chí sinh ra ác cảm với trẻ nhỏ.

  • Có suy nghĩ làm hại bản thân và làm hại con

  • Suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung và phân vân nhiều hơn.

Nếu không được điều trị, trầm cảm sau sinh có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc lâu hơn và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nếu phát hiện những điểm bất thường về tâm lý sau sinh, mẹ cần liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn hoặc đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị

Đăng ký khám cùng các bác sĩ tâm lý TẠI ĐÂY:

Trầm cảm sau sinh gây ra hậu quả gì?

Theo các nghiên cứu, trầm cảm sau sinh là căn bệnh nguy hiểm và có thể gây ra nhiều tác động xấu đến sức khỏe, tinh thần của mẹ cũng như của trẻ.

Đối với mẹ

Trầm cảm sau sinh không được can thiệp điều trị kịp thời thì có thể kéo dài hàng tháng hoặc lâu hơn, đôi khi trở thành một rối loạn trầm cảm mãn tính. Ngay cả khi được điều trị, trầm cảm sau sinh vẫn làm tăng nguy cơ trầm cảm trong tương lai của người phụ nữ. Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường:

- Không có đủ năng lượng để hoạt động nhất là trong chăm sóc con cái

- Người mẹ không thể tự chăm sóc em bé

- Có nguy cơ nghĩ đến tự tử cao hơn

Đối với em bé có mẹ bị trầm cảm sau sinh

Con của những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh không được điều trị có nhiều khả năng gặp vấn đề về cảm xúc và hành vi như:

- Chậm phát triển ngôn ngữ và vấn đề học tập

- Các vấn đề liên kết mẹ - con bị ảnh hưởng nặng nề

- Có thể có những hành vi bất thường hoặc dễ kích động hơn trẻ bình thường

- Trẻ có thể thường có những cảm xúc tiêu cực

- Chậm phát triển chiều cao và nguy cơ béo phì cao hơn trẻ khác

- Trẻ có thể thường xuyên căng thẳng và khó thích nghi với môi trường, gặp vấn đề về hòa nhập xã hội.

Đối với gia đình

Những gia đình có phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thi các thành viên cũng có nguy cơ bị trầm cảm. Những căng thẳng trong gia đình phát sinh triền miên gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và hạnh phúc gia đình.

Trầm cảm sau sinh Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh khiến không khí gia đình luôn căng thẳng

Những nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh

Giới chuyên gia chưa thể xác định chính xác nguyên nhân cụ thể gây trầm cảm sau sinh, một số yếu tố được cho là tăng nguy cơ gây bệnh bao gồm:

Tiền sử bệnh

Phụ nữ có tiền sử trầm cảm trước hoặc trong khi mang thai và đặc biệt là trong lần mang thai trước đó cũng có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh cao. Theo các nghiên cứu, có khoảng 50% phụ nữ bị trầm cảm có xu hướng mắc trầm cảm sau sinh. Đặc biệt, những người ngưng dùng thuốc điều trị trầm cảm vì thai kỳ có khả năng mắc trầm cảm sau sinh lên tới 68%. 

Thay đổi nội tiết

Thay đổi nội tiết tố trong thời kì mang thai và sau khi sinh có thể tác động làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh.

Khi mang thai, nồng độ nội tiết tố nữ estrogen và progesterone tăng cao. Trong 24 giờ đầu sau khi sinh con, nồng độ hormone nhanh chóng sụt giảm xuống mức bình thường. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự thay đổi đột ngột về mức độ hormone có thể dẫn đến trầm cảm. Điều này tương tự với sự thay đổi hormone trước thời kỳ mang thai và lúc mang thai của phụ nữ.

Mức độ hormone tuyến giáp cũng có thể giảm sau khi sinh. Tuyến giáp là một tuyến nhỏ ở cổ giúp điều chỉnh cách cơ thể sử dụng và dự trữ năng lượng từ thức ăn. Nồng độ hormone tuyến giáp thấp có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm.

Sức khỏe giảm sút

Phụ nữ sau khi sinh có sức khỏe yếu hơn bình thường. Những đau đớn về cơ thể (đau âm hộ do rạch trong khi sinh thường hoặc đau vết mổ do sinh mổ, đau cơn co tử cung…) có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của phụ nữ. Cơn đau kéo dài không được hỗ trợ khiến phụ nữ cáu kỉnh, bực bội và gia tăng cảm giác chán ghét mọi thứ nhất là em bé của mình hơn.

Yếu tố khách quan khác

Sự kết hợp của các yếu tố như điều kiện tài chính gia đình, hoàn cảnh sống chật chội hoặc đông đúc, sự thiếu quan tâm chia sẻ hay chăm sóc từ người thân nhất là bạn đời, áp lực gia đình hay từ bạn bè hàng xóm – những người tới thăm em bé, sự thiếu kinh nghiệm trong quá trình chăm con... làm gia tăng cảm xúc tiêu cực từ người phụ nữ và dễ dẫn đến trầm cảm.

Trầm cảm sau sinh Không được nghỉ ngơi đầy đủ làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh

Điều trị trầm cảm sau sinh

Điều trị trầm cảm sau sinh sẽ tập trung chủ yếu vào hướng điều trị tâm lý, đặc biệt là khi mẹ ở nhà. Trong một số trường hợp, do bệnh chuyển biến xấu hoặc khó can thiệp tâm lý, mẹ sẽ được kê dơn sử dụng thuốc chông trầm cảm.

Điều trị tâm lý

Bác sĩ chủ trị thường nói chuyện với người mẹ về những cảm xúc, suy nghĩ và sức khỏe để phân biệt giữa trường hợp buồn bã ngắn hạn sau sinh và bệnh trầm cảm.

Để đánh giá chính xác tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ có thể:

- Yêu cầu trả lời bộ câu hỏi sàng lọc về trầm cảm

- Xét nghiệm máu để xác định sự hoạt động của tuyến giáp

- Các xét nghiệm khác giúp loại trừ các nguyên nhân khác

Sau khi xác định mẹ có nguy cơ trầ cảm cao, bác sĩ tư vấn bằng cách nói chuyện, tâm sự với người bệnh. Mẹ cũng có thể được sắp xếp nói chuyện cùng một vài bệnh nhân cùng một nhóm các phụ nữ đã từng trải qua kinh nghiệm tương tự.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể tiếp xúc với người thân cận của bệnh nhân để nói chuyện và giúp trị liệu tại nhà.

Trị liệu tại nhà nhờ sự hỗ trợ của người thân

Gia đình, bạn bè và những người thân cận nhất có thể là nhân tố chính trong quá trình điều trị trầm cảm sau sinh.

Lúc này, người mẹ cần được chia sẻ, quan tâm và giúp đỡ hơn bao giờ hết. Gia đình nên hiểu và có những tương tác thích hợp như:

- Chủ động hỗ trợ người mẹ trong việc chăm sóc em bé và hướng dẫn chăm sóc em bé.

- Giúp người mẹ có những bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng và giấc ngủ trọn vẹn hơn.

- Hỗ trợ người mẹ giảm đau sau sinh.

- Thường xuyên tâm sự, chia sẻ những chuyện vui về cuộc sống xung quanh, tạo cho người mẹ có những hứng thú mới để quên đi muộn phiền.

- Vai trò của người chồng là cực kỳ quan trọng để giúp người vợ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Điều trị bằng thuốc

Thuốc chống trầm cảm cân bằng các hóa chất trong não giúp điều chỉnh tâm trạng và có thể cải thiện chứng trầm cảm sau ba hoặc bốn tuần.

Thuốc chống trầm cảm có thể gây ra các tác dụng phụ, nhưng hầu hết chúng sẽ mất đi sau một thời gian ngắn. Nếu các tác dụng phụ gây trở ngại cho cuộc sống hàng ngày hoặc nếu trầm cảm trở nên tồi tệ hơn, đến gặp bác sĩ biết ngay lập tức.

Ngoài ra, liệu pháp chống co giật (ECT) cũng có thể được sử dụng trong các trường hợp cực đoan để điều trị trầm cảm sau sinh. Phương pháp điều trị này sử dụng một dòng điện nhỏ truyền vào não trong khi bệnh nhân được gây mê toàn thân. Các chuyên gia tin rằng sự kích thích điện làm thay đổi các chất hóa học trong não giúp giảm các triệu chứng trầm cảm.

Trầm cảm sau sinh Trầm cảm sau sinh cần được điều trị đúng cách để tranh hậu quả đáng tiếc

Phòng ngừa trầm cảm sau sinh

Dự phòng trầm cảm sau sinh đặc biệt cần thiết với những người có tiền sử trầm cảm hoặc trầm cảm sau sinh.

Ngay từ khi mang thai

Đối với phụ nữ bình thường, ngay từ khi mang thai nên được quan tâm và chăm sóc cả về dinh dưỡng và tinh thần. Phụ nữ mang thai nên tự mình tham gia các hoạt động tích cực như đi bộ, vận động nhẹ, nghe nhạc, học một bộ môn nghệ thuật nào đó hoặc gặp gỡ bạn bè – người có kinh nghiệm thai kỳ… để giúp tâm trạng luôn ổn định, vui vẻ.

Với phụ nữ có tiền sử trầm cảm hoặc dấu hiệu nên gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Trong trường hợp nghiêm trọng, thuốc chống trầm cảm có thể được khuyến nghị phù hợp với phụ nữ mang thai.

Sau khi sinh

Sau khi sinh em bé, bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra sớm sau sinh để sàng lọc các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm sau sinh. Càng phát hiện sớm, việc điều trị sớm hơn có thể bắt đầu. Nếu bạn có tiền sử trầm cảm sau sinh, bác sĩ có thể đề nghị điều trị chống trầm cảm hoặc trị liệu tâm lý ngay sau khi sinh.

Phụ nữ sau khi sinh cần có chế độ sinh hoạt phù hợp:

- Thực hiện lối sống khoa học: đi dạo với bé hàng ngày, nghỉ ngơi đầy đủ, ăn thực phẩm lành mạnh và tránh uống rượu.

- Không gây áp lực và điều chỉnh mong muốn của bản thân, không cố gắng để đạt mọi thứ hoàn hảo, chỉ làm những gì bạn có thể.

- Dành thời gian cho chính mình: mặc quần áo đẹp, ra khỏi nhà và ghé thăm một người bạn hoặc làm một vài việc vặt. Hãy dành thời gian ở một mình với người bạn đời.

- Tránh việc tự cô lập bản thân. Bàn bạc với chồng, gia đình và bạn bè của bạn về các cảm xúc của bạn. Hỏi các bà mẹ khác về những trải nghiệm của họ. Phá vỡ sự cô lập để giúp bạn cảm thấy hòa mình trở lại với cuộc sống.

- Yêu cầu giúp đỡ: Cố gắng mở lòng với những người thân và cho họ biết bạn cần sự giúp đỡ. Nếu ai đó nhận trông bé để bạn có thể nghỉ ngơi, hãy nhận sự giúp đỡ. Bạn có thể ngủ, chợp mắt một chút hoặc bạn có thể xem một bộ phim hay uống cà phê với bạn bè.

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc

Đọc tiếp
Quay lại
Hỏi đáp Bác sĩ
Viết câu hỏi
Cơ sở chuyên khoa liên quan
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh
  • Số 8 đường Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: +(84-24) 7300 8866
Đặt lịch ngay
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Yên Ninh
  • Số 55 Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
Phòng khám đa khoa Hồng Ngọc Keangnam
  • Tầng 10, Keangnam Landmark 72, Phạm Hùng, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HỒNG NGỌC - KOSMO TÂY HỒ
  • Gian S20 và TMDV 2A + 2B, Tầng 1 và 2, tổ hợp chung cư, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại Newtatco - Kosmo Tây Hồ, Phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay