Đặt stent mạch vành đem lại hiệu quả điều trị cao với những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, tổn thương động mạch vành, hẹp động mạch vành. Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc là địa chỉ uy tín được nhiều khách hàng lựa chọn bởi sự an toàn, đạt hiệu quả cao trong việc điều trị và có mức chi phí đặt stent mạch vành hợp lý.
Đặt stent mạch vành là gì?
Stent là một cuộn lưới kim loại nhỏ được sử dụng trong thủ thuật can thiệp mạch vành bằng cách đặt vào đoạn động mạch bị tắc, sau đó bóng thu nhỏ trong stent được nong lên giúp mở rộng lòng động mạch, tạo điều kiện cho đường đi của máu được lưu thông dễ dàng. Đặt stent mạch vành thường được thực hiện trong việc điều trị các bệnh lý mạch vành như nhồi máu cơ tim cấp, giúp điều trị các triệu chứng tức ngực, khó thở, chóng mặt,...
Các loại stent phổ biến
Có 4 loại stent mạch vành đang được sử dụng, bao gồm stent kim loại thường, stent phủ thuốc, stent trị liệu kép, stent tự tiêu.
Stent kim loại thường
Stent kim loại thường là những ống lưới thép nhỏ để mở rộng động mạch bị tắc giúp ngăn chặn tình trạng tái tắc nghẽn động mạch. Loại stent này có thể được sử dụng ở những bệnh nhân bị dị ứng với polymer hoặc thuốc.
Stent phủ thuốc
Stent mạch vành phủ thuốc là một stent kim loại trần được phủ một lớp thuốc giúp ngăn ngừa sự phát triển của các mô sẹo. Điều này làm hạn chế nguy cơ tái hẹp động mạch (giảm 20 -30% so với stent kim loại thường). Stent này không được áp dụng cho các trường hợp dị ứng với thuốc.
Stent tự tiêu (Bioengineered Stent)
Loại stent này được làm từ chất liệu tan tự nhiên, có khả năng tự tiêu và cho phép thúc đẩy quá trình tái tạo thành mạch khỏe mạnh. Đặt stent tự tiêu trong can thiệp mạch vành cũng ít nguy cơ hình thành cục máu đông hơn các loại stent khác. Tuy nhiên, giá của stent tự tiêu cao gấp 2 – 3 lần stent kim loại thường.
Stent trị liệu kép (Dual Therapy Stent, DTS)
Đây là dòng stent mang ưu điểm của stent tự tiêu và stent phủ thuốc. Stent trị liệu kép cũng khắc phục nhước điểm hình thành cục máu đông và giảm nguy cơ tái tắc hẹp sau nong mạch đặt stent. Loại stent này cũng là dòng có chi phí cao nhất.
Có thể bạn quan tâm:
- 6 vấn đề nhất định phải biết về bệnh cơ tim phì đại để giảm nhẹ tối đa các biến chứng
- Bệnh cơ tim chu sản có gây nguy hiểm tới thai phụ và phụ nữ sau sinh không? Chẩn đoán và cách điều trị
- Siêu âm trong lòng mạch – Ứng dụng trong can thiệp mạch vành
- Những điều cần biết về can thiệp mạch vành
- Chuyên khoa Tim mạch BV Hồng Ngọc – Địa chỉ uy tín trong thăm khám và điều trị các bệnh lý tim mạch
- Nong mạch vành: Chỉ định, quy trình và lưu ý
Tại sao cần đặt stent mạch vành
Đặt stent là giải pháp điều trị tối ưu trong việc điều trị các bệnh lý mạch vành. Phương pháp này cũng giảm thiểu tối đa các triệu chứng và phòng ngừa biến chứng nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim,…
Tuy nhiên, vẫn có khả năng hình thành mô sẹo bên trong stent khi đã nong mạch đặt stent. Tình trạng này thường xảy ra trong vòng 6 – 12 tháng kể từ khi đặt stent. Lúc này, bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân tái hẹp, sau đó tiến hành nong bóng lại và đặt tiếp một stent khác vào trong lòng stent bị tái hẹp.
Nếu động mạch được căng ra chỉ bằng một quả bóng (nong mạch mà không có ống đỡ động mạch), động mạch có thể "co lại" và thu hẹp lại sau đó. Nguy cơ thu hẹp lại là khoảng 30%. Trong khi đó, sử dụng stent mạch vành thì nguy cơ này giảm xuống còn khoảng 10–15%. Nếu stent mạch vành phủ thuốc thì nguy cơ sẽ giảm thêm khoảng 2–3%.
Ngày nay, stent mạch vành được sử dụng trong tất cả các thủ thuật nong mạch. Trừ khi mạch máu quá nhỏ/ quá lớn để đặt stent hoặc bệnh nhân bị dị ứng với vật liệu trong stent (rất hiếm gặp)
Chỉ định stent mạch vành
Stent mạch vành được chỉ định cho những trường hợp:
- Động mạch vành bị thu hẹp từ 70%.
- Đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim và đau thắt ngực không khống chế được bằng các biện pháp nội khoa.
- Nhồi máu cơ tim.
- Đau thắt ngực xuất hiện sau phẫu thuật.
- Hiện tượng tái hẹp mạch vành sau khi đã can thiệp mạch vành.
- Lưu lượng máu cần được điều chỉnh nhanh chóng để điều trị cơn đau tim.
Quy trình đặt stent mạch vành
Việc đặt stent mạch vành được thực hiện thông qua thủ thuật xâm lấn tối thiểu được gọi là can thiệp mạch vành qua da (PCI) hoặc nong mạch vành (PDF).
- Bác sĩ tiến hành tiêm thuốc tê ở vị trí đặt stent mạch vành nhưng vẫn đảm bảo bệnh nhân tỉnh táo.
- Đo điện tâm đồ (ECG) để ghi lại hoạt động điện của tim và theo dõi nhịp tim bằng các điện cực dính vào da. Nhịp tim, huyết áp, nhịp thở và mức oxy sẽ được theo dõi trong suốt quá trình đặt stent mạch vành.
- Một ống rỗng dài (ống thông) được đưa vào từ mạch máu cổ tay hoặc háng đến phần động mạch bị tắc.
- Sử dụng tia X để dễ dàng dẫn hướng đến động mạch bị thu hẹp. Một sợi dây rất mảnh được đưa qua ống thông vào chỗ hẹp. Qua sợi dây đó, một quả bóng được chèn vào với một ống đỡ đưa đến động mạch bị hẹp.
- Sau khi xác định đúng vị trí đoạn mạch bị hẹp ống thông sẽ được đưa đến vị trí đó và bóng sẽ được bơm căng lên để thông động mạch
- Bác sĩ sẽ tiến hành đo, chụp ảnh hoặc chụp động mạch sau khi mở động mạch. Khi xác định rằng động mạch đã được mở đủ rộng, ống thông sẽ được rút ra.
- Tiếp đến ống thông, bóng và dây được tháo ra, để lại ống đỡ động mạch tại chỗ. Thủ thuật thường kéo dài 30–60 phút.
Đặt stent tim có nguy hiểm không?
Đặt stent mạch vành là phương pháp can thiệp tim mạch được sử dụng rất phổ biến hiện nay và không gây nguy hiểm nên bệnh nhân không cần quá lo lắng. Quá trình đặt stent thường chỉ diễn ra trong vòng 60 phút. Bệnh nhân thường phục hồi rất nhanh sau khi thực hiện thủ thuật đặt stent mạch vành. Bệnh nhân sẽ nằm viện theo dõi sau 4 – 6 giờ nếu đặt stent qua háng để kiểm tra tình trạng chảy máu và đi lại, hoạt động bình thường nếu thực hiện qua cổ tay.
Tình hình sức khỏe sẽ ổn định hơn sau 24h nhưng cần hạn chế các hoạt động nặng và nghỉ ngơi, thư giãn trong vài tuần đầu.
Một số trường hợp đặt stent mạch vành để điều trị đau tim, bệnh nhân cần mất nhiều thời gian hồi phục hơn.
Đặt stent mạch vành có hiệu quả vĩnh viễn. Chỉ có 2–3% nguy cơ thu hẹp trở lại và thường xảy ra trong vòng 6–9 tháng đầu sau đặt stent mạch vành. Có thể bị thu hẹp ở các động mạch khác và thường điều trị bằng các stent tiếp theo.
Người đặt stent mạch vành sống được bao lâu?
Để xác định chính xác tuổi thọ của bệnh nhân sau khi đặt stent mạch vành còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Biến chứng sau điều trị, giới tính, tuổi tác, tình trạng sức khỏe và lối sống
Một nghiên cứu được tiến hành >226 bệnh nhân (trong đó có 209 nam và 17 nữ, độ tuổi trung bình 56 ± 9 tuổi) sau khi đặt stent mạch vành thành công, cho thấy:
- Tỷ lệ sống sau 1 năm là 99,5% và sau 5 năm là 97,4%
- Tỷ lệ bệnh nhân sống không có biến chứng là 84,6% sau 1 năm và sau 5 năm còn 65,9%
- Tỷ lệ bệnh nhân sống đi kèm tình trạng thiếu máu cục bộ là 84,6% sau 1 năm và sau 5 năm là 44,8%.
Rủi ro sau điều trị và mức độ tổn thương tim
Người đặt stent mạch vành sống được bao lâu còn phụ thuộc vào biến chứng sau điều trị và mức độ tổn thương tim. Bệnh nhân sống khỏe mạnh sau 1 năm không có biến chứng là 75,6% (có tổn thương phức tạp) và 81,1% với trường hợp có tổn thương nhẹ.
Tỷ lệ bệnh nhân không thể kéo dài tuổi thọ sau khi đặt stent chủ yếu là do biến chứng tái hẹp. Một nghiên cứu khác trên 2944 bệnh nhân đặt stent mạch vành cho thấy, tỷ lệ tái hẹp là khoảng 33,2% (tổn thương nặng) và 24,9% (tổn thương nhẹ). Các trường hợp tổn thương phức tạp thì nguy cơ tái hẹp ngày càng cao.
Một số biến chứng có thể xảy ra sau khi đặt stent mạch vành:
- Tái hẹp: Đây là biến chứng thường gặp nhất sau khi đặt stent. Đặc biệt, nguy cơ tái hẹp cao hơn ở những trường hợp đặt stent bằng kim loại trần, thay vì stent phủ thuốc.
- Chảy máu tại vị trí da đưa ống vào: Bệnh nhân chảy máu ở chân hoặc cánh tay nơi đặt ống thông. Tình trạng chảy máu nghiêm trọng có thể xảy ra, thay vì chỉ xuất hiện các vết bầm tím như bình thường, khi đó bệnh nhân cần truyền máu hoặc phẫu thuật.
- Nhịp tim không đều: Nhịp tim có thể đập quá nhanh hoặc quá chậm trong quá trình đặt stent. Tuy nhiên tình trạng này chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn.
- Có thể bị cục máu đông trong vài tháng đầu sau thủ thuật: Tình trạng này không hiếm gặp, các cục máu đông hình thành làm tắc nghẽn động mạch và gây ra nhồi máu cơ tim. Do đó, bệnh nhân cần phải sử dụng aspirin và một số loại thuốc khác theo chỉ định để hạn chế nguy cơ này.
- Vỡ động mạch vành hoặc tắc hoàn toàn động mạch vành: Biến chứng này có thể cần phải xử trí bằng cách phẫu thuật bắc cầu động mạch khẩn cấp.
- Đột quỵ: Biến chứng này ít gặp nhưng rất nguy hiểm trong quá trình đặt stent mạch vành. Vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc đông máu để ngăn ngừa nguy cơ này.
- Nhồi máu cơ tim: Biến chứng này cũng có thể xảy ra trong suốt quá trình đặt stent mạch vành.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng tổn thương thận do dị ứng với thuốc cản quang và nhiễm trùng tại vị trí đặt ống thông.
Phụ thuộc vào giới tính
Theo một nghiên cứu tại Brazil được tiến hành từ năm 1999 đến 2010, khảo sát trên nhóm 19.263 bệnh nhân (có 63,6% là nam giới), trong các nhóm tuổi: 20 – 49 tuổi, 50 – 69 tuổi và nhóm trên 70 tuổi cho kết quả như sau:
Tỷ lệ sống sót của nam so với nữ trong vòng 30 ngày, 1 năm và 15 năm là:
- Sau 30 ngày: Tỷ lệ sống sót của nam là 97,3% cao hơn so với nữ là 97,1%.
- Sau 1 năm: Tỷ lệ của nam là 93,6%, trong khi nữ là 93,4%.
- Tỷ lệ sống sót sau 15 năm: Nam là 55,7%, thấp hơn nữ là 58,1%.
Như vậy, nam giới trong độ tuổi từ 20 – 49 tuổi có tỷ lệ sống sót cao hơn nữ trong vòng 9 năm sau khi điều trị, tỷ lệ này giảm dần sau 15 năm. Nam giới và phụ nữ ở độ tuổi từ 50 – 69 tuổi, trong 180 ngày theo dõi có tiên lượng sau điều trị ngang nhau. Ở nhóm tuổi cao hơn, tuổi thọ sau đặt stent của nữ giới cao hơn nam giới.
Tình trạng sức khỏe tổng thể của từng bệnh nhân
Bệnh nhân có thể tiếp tục sống khỏe mạnh 10 -15 năm sau đặt stent nếu tuân thủ các nguyên tắc điều trị và có lối sống lành mạnh.
Những người không gặp phải tình trạng thiếu máu cục bộ sẽ có tỷ lệ sống sót cao hơn so với những bệnh nhân đặt stent mạch vành đơn lẻ và các bệnh nhân đặt stent đi kèm các bệnh lý về nhồi máu cơ tim.
Trường hợp bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá lâu năm, cùng các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, cholesterol cao, tiên lượng sống kém hơn trong 5 năm.
Một số trường hợp bị tắc nghẽn mạch vành ở nhiều vị trí, đặt stent nhiều, mức độ hẹp nặng sẽ có thể gặp nhiều rủi to hơn khi đặt stent mạch vành, kéo theo tiên lượng sống ngắn hơn.
Chế độ chăm sóc sau điều trị
Việc xây dựng kế hoạch chăm sóc và quản lý sức khỏe tốt sau khi đặt stent có vai trò quan trọng trọng việc kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân. Chăm sóc bệnh nhân sau đặt stent mạch vành là yếu tố quan trọng giúp quá trình hồi phục nhanh. Bệnh nhân cần uống nhiều nước để loại bỏ hết thuốc cản quang ra khỏi cơ thể. Một số vấn đề cần lưu ý sau đặt stent mạch vành:
- Thuốc làm loãng máu: Bệnh nhân có thể cần dùng thuốc để ngăn ngừa cục máu đông sau khi đặt stent mạch vành như: Aspirin với một loại thuốc khác, chẳng hạn (Plavix), ticagrelor (Brilinta) hoặc prasugrel (Effient).
- Hạn chế vận động mạnh: Không tập thể dục gắng sức hoặc nâng vật nặng trong ít nhất 24 giờ sau khi đặt stent.
- Chương trình vật lý trị liệu phục hồi: Một số chương trình thể dục thể thao được cá nhân hóa giúp phục hồi chức năng tim, bao gồm: tập luyện thể dục, hỗ trợ tinh thần, xây dựng lối sống lành mạnh cho tim. Chương trình này được thiết kế dưới sự giám sát của chuyên viên để cải thiện sức khỏe cho những người mắc bệnh tim.
Cần theo dõi những biến chứng sau đặt stent mạch vành và tái khám để kịp thời xử lý các triệu chứng:
- Đau ngực hoặc khó thở.
- Suy nhược hoặc ngất xỉu.
- Chảy máu hoặc sưng ở vùng cơ thể nơi đặt ống thông.
- Đau hoặc khó chịu bên dưới vị trí đặt ống thông.
- Dấu hiệu nhiễm trùng, như: đỏ, sưng, chảy nước hoặc sốt.
- Sự thay đổi về nhiệt độ hoặc màu sắc của chân/ cánh tay ở vị trí đặt stent mạch vành.
Chi phí đặt stent mạch vành
Giá stent đặt mạch vành phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Bệnh viện điều trị: Các bệnh viện lớn thường có chi phí cao hơn các bệnh viện tỉnh.
- Loại stent mạch vành: Stent phủ thuốc chi phí sẽ cao hơn stent thường. Một số bệnh nhân cần đặt nhiều stent để mở nhiều đoạn động mạch vành nên sẽ tốn nhiều chi phí hơn. Mặt khác, xuất xứ của stent ở các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản sẽ có giá cao hơn các stent sản xuất tại Trung Quốc, Thái Lan.
- Chi phí phát sinh khác: Ngoài chi phí đặt stent, bệnh nhân còn phải chi trả các loại phí dịch vụ, xét nghiệm, thuốc men, buồng phòng,…
Hiện nay, chi phí đặt stent mạch vành tại các cơ sở thực hiện dịch vụ này dao động từ 40 đến 120 triệu/ lần. Nhiều bệnh nhân thắc mắc đặt stent mạch vành có được bảo hiểm không? Chi phí đặt stent mạch vành cũng được áp dụng với những trường hợp chi trả bằng bảo hiểm.
Chọn bệnh viện uy tín, chất lượng là yếu tố quan trọng hành đầu trong việc hạn chế tối đa các chi phí phát sinh và đảm bảo an toàn trong suốt quá trình điều trị.
Chuyên khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc đã triển khai và áp dụng phương pháp đặt stent mạch vành thành công cho nhiều khách hàng. Với trang thiết bị hiện đại hàng đầu cả nước, đội ngũ bác sĩ chuyên gia, chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, phòng ốc khang trang theo tiêu chuẩn 5 sao sẽ tạo sự an tâm cho tất cả bệnh nhân.
Đặt stent mạch vành là phương pháp can thiệp mạch vành hiệu quả hiện nay. Sau quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ và xây dựng chế độ chăm sóc sức khỏe khoa học tại nhà để rút ngắn thời gian hồi phục.
Thông tin liên hệ:
Chuyên khoa Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
– Địa chỉ: 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội
– Số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline tư vấn và đặt lịch khám: 0911 858 626
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh, người bệnh cần tới các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ trực tiếp thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị hiệu quả.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.