Vào mùa hè, trẻ nhỏ rất dễ bị rôm sảy. Rôm sảy thường mọc ở đâu? Nó có thể mọc ở toàn thân, nhưng thường mọc nhiều ở những vị trí như lưng, đầu, cổ… Phải làm sao để khắc phục tình trạng này giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn là vấn đề được các phụ huynh quan tâm.
Vì sao trẻ bị rôm sảy?
Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ bị rôm sảy, nguyên nhân là do:
Nắng nóng: Mùa hè là thời điểm trẻ dễ bị rôm sảy nhất trong năm. Nguyên nhân hàng đầu là do thời tiết nắng nóng khiến trẻ ra nhiều mô hôi và mọc rôm. Ngoài ra, việc ba mẹ mặc nhiều quần áo, quần áo dày, bó sát khiến bé bị nóng và dẫn đến nổi rôm.
Vi khuẩn: Mồ hôi tích tụ trên da tạo môi trường ẩm ướt, nhờn dính giúp vi khuẩn dễ bám vào và sinh sôi nảy nở nhanh chóng. Chúng là tác nhân gây viêm da, rôm sảy… thường gặp ở trẻ nhỏ.
Tuyến mồ hôi chưa hoàn thiện: Thời tiết nắng nóng, trẻ chạy nhảy, vận động nhiều khiến đổ mồ hôi. Thế nhưng, ở trẻ nhỏ, ống tuyến mồ hôi chưa hoàn thiện dẫn đến việc mồ hôi không thoát hết được ra ngoài, gây bít tắc lỗ chân lông và dẫn đến nổi rôm sảy.
Rôm sảy thường mọc ở đâu
Trẻ nhỏ có thể bị mọc rôm toàn thân nếu thời tiết quá nóng và bé ra nhiều mồ hôi. Tuy nhiên, có một vài vị trí mọc rôm nhiều nhất đó là cổ, lưng, đầu và tay.
Trẻ bị rôm sảy ở cổ
Cổ là vùng da có nhiều nếp nhăn nên dễ tích tụ mồ hôi, vi khuẩn và bụi bẩn. Ngoài ra, khi cho bé ăn, sữa hoặc thức ăn chảy xuống cổ không được lau rửa sạch sẽ cũng tạo điều kiện thuận lợi để các nốt rôm sảy mọc lên chi chít.
Với trường hợp trẻ mọc rôm ở cổ, ba mẹ nên:
Lau rửa cổ bé sau mỗi bữa ăn.
Không mặc áo cao cổ hoặc che kín cổ quá mức.
Nếu trẻ ra nhiều mồ hôi ở cổ, hãy lau khô cho bé bằng khăn mềm.
Tắm rửa sạch sẽ cho bé mỗi ngày, đặc biệt cần tắm sạch vùng cổ.
Nổi sảy ở lưng
Vùng lưng của bé thường đổ rất nhiều mồ hôi, nhất là khi bé chạy nhảy, vận động nhiều, thậm chí mồ hôi ướt sũng lưng áo. Khi bé bị nổi sảy ở lưng, ba mẹ nên:
Dùng khăn mềm lau khô mồ hôi cho bé.
Tắm rửa sạch sẽ cho con hằng ngày, có thể tắm bằng sữa tắm dành riêng cho trẻ hoặc tắm nước lá khế, lá dâu tằm…
Tạo môi trường vui chơi thoáng mát cho bé.
Cho con mặc quần áo thoáng mát, vải thấm hút mồ hôi tốt.
Rôm sảy mọc trên đầu
Nguyên nhân khiến bé bị nổi rôm trên đầu là do cơ thể bé tiết nhiều mồ hôi nhưng lượng mồ hôi không thoát hết ra ngoài được, gây ứ đọng các ống bài tiết, dẫn đến nổi rôm. Thêm vào đó, vùng đầu của bé có nhiều tóc nên dễ bắt bụi, dẫn đến bít lỗ chân lông và nổi rôm.
Khi bị nổi sảy trên đầu, vùng da đầu bé xuất hiện các mụn nước li ti, chúng mọc thành từng đám nhưng cũng có chỗ chỉ mọc một vài nốt. Rôm sảy khiến bé ngứa ngáy, khó chịu và con thường xuyên gãi đầu.
Nổi sảy trên đầu không được điều trị lâu ngày sẽ dẫn đến nhiễm trùng da. Nhất là khi vùng da đầu có thể ảnh hưởng đến não bộ nên ba mẹ hết sức cẩn thận.
Để cải thiện tình trạng nổi rôm sảy trên đầu, ba mẹ nên:
Gội đầu cho bé hằng ngày. Tốt nhất nên sử dụng dầu gội dành riêng cho bé để làm sạch bụi bẩn trên đầu và tóc của con, giúp da đầu thông thoáng. Khi gội đầu xong, ba mẹ dùng khăn mềm lau tóc cho bé và dùng máy sấy để sấy khô.
Khi bé đổ mồ hôi, hãy dùng khăn lau cho bé để da đầu luôn được khô thoáng.
Không nên đội mũ cho trẻ sơ sinh vì vùng đầu là nơi thoát nhiệt cho bé, nếu đội mũ có thể gây bí bách, ra nhiều mồ hôi dẫn đến mọc rôm.
Không dùng dầu gội đầu người lớn để gội cho bé vì chứa nhiều hóa chất có thể làm tổn thương làn da mỏng manh của bé.
Khi con ra ngoài nắng, hãy đội mũ mềm, vành rộng cho bé để tránh ánh nắng trực tiếp chiếu xuống da đầu.
Nổi sảy ở tay
Trẻ nhỏ thường rất hiếu động và tay chân chúng dường như không để yên. Vì thế, khi tay vận động nhiều sẽ tiết nhiều mồ hôi. Trong khi đó tuyến mồ hôi của bé chưa hoàn thiện, dễ bị bít tắc dẫn đến nổi sảy ở tay. Ngoài ra, tay bé hay cầm đồ vật nên dễ bị nhiễm khuẩn hơn. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến rôm mọc nhiều ở tay.
Khi bé bị nổi sảy ở tay ba mẹ nen:
Rửa sạch tay cho bé thường xuyên.
Mùa hè nên mặc áo cộc cho tay bé được thoáng mát.
Vệ sinh đồ dùng, đồ chơi thường xuyên để khi bé cầm nắm sẽ giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
Biện pháp khắc phục tình trạng rôm sảy ở trẻ
Trẻ nhỏ rất dễ bị nổi rôm sảy, nhất là vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng. Để khắc phục tình trạng này, giúp bé nhanh chóng khỏi bệnh, không còn ngứa ngáy, khó chịu, ngoài những cách làm kể trên cho riêng từng vị trí mọc rôm, ba mẹ nên chú ý:
Mặc quần áo thoáng mát: Mùa hè, ba mẹ nên mặc thoáng mát cho con, mặc quần áo cộc, áo ba lỗ rộng rãi để cơ thể bé không bị bí bách và cũng tạo điều kiện thoát mồ hôi dễ hơn so với việc mặc quần áo dày, bó sát.
Hạn chế cho trẻ ra ngoài khi trời nắng nóng: Dù bé bị nổi rôm ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, là đầu hay là tay thì ba mẹ cũng không nên cho con ra ngoài khi trời nắng, nhất là khung giờ từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều vì thời điểm này ánh nắng mặt trời có nhiều tia cực tím sẽ gây hại cho làn da của bé và khiến tình trạng rôm sảy nặng nề hơn.
Nằm điều hòa, phòng mát: Mùa hè, trẻ nhỏ nên được nằm trong phòng có điều hòa. Nếu không có điều hòa, hãy đảm bảo phòng của bé luôn sạch sẽ, thoáng mát. Vì nếu ở trong phòng bí bách, nóng nực con sẽ tiết nhiều mồ hôi, ngay cả trong khi ngủ, khiến cho tình trạng nổi rôm của bé nghiêm trọng hơn.
Tắm các loại lá: Các loại nước lá được nhiều mẹ lựa chọn để tắm cho con khi bé bị rôm sảy. Một số loại lá như dâu tằm, lá mướp đắng, lá khế, lá rau má… có tính mát, thanh nhiệt, giải độc và chống viêm sẽ giúp làm dịu da bé, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng và cải thiện tình trạng rôm sảy hiệu quả chỉ sau vài lần tắm. Ba mẹ hãy chuẩn bị những loại lá kể trên, rửa sạch rồi nấu cùng nước. Khi sôi già thì chắt lấy nước rồi pha thêm nước lạnh vào chậu và tắm cho bé.
Rôm sảy là tình trạng rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh lý này không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi nếu ba mẹ chăm sóc bé đúng cách. Bài viết này hy vọng sẽ hữu ích với ba mẹ để nhanh chóng cải thiện tình trạng rôm sảy ở trẻ, giúp con thoải mái và dễ chịu hơn.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/