Quá sản nội mạc tử cung là tình trạng hiếm gặp, chỉ thấy ở 133/100.000 phụ nữ và thường thấy nhất ở chị em trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không và điều trị đúng cách như thế nào? Hãy cùng Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Quá sản nội mạc tử cung là gì?
Quá sản nội mạc tử cung (hay còn gọi là tăng sản nội mạc tử cung, tăng sinh nội mạc tử cung) là tình trạng mà các tuyến trong nội mạc tử cung phát triển với kích thước, hình dạng không đều nhau khiến tỷ lệ tuyến/ mô đệm tăng lên bất thường so với nội mạc tử cung thông thường. Nói cách dễ hiểu, quá sản nội mạc tử cung là tình trạng tăng sinh quá mức của các tế bào nội mạc tử cung.
Tăng sản nội mạc tử cung là tình trạng các mô tế bào tại tử cung tăng sinh quá mức.
Thực tế, lớp nội mạc tử cung trong 1 chu kỳ kinh sẽ có thời điểm dày lên (ở đầu và giữa chu kỳ) và sẽ mỏng đi sau khi bong tróc (kinh nguyệt) dựa vào sự phát triển của 2 hormone là estrogen và progesterone.
Trong giai đoạn đầu chu kỳ, buồng trứng sẽ tiết ra hormone estrogen và làm niêm mạc tử cung dày lên. Sau khi trứng rụng, lượng progesterone sẽ tăng lên để đảm bảo tử cung sẵn sàng nhận trứng. Nếu không có thai, nồng độ 2 hormone này sẽ giảm xuống dẫn đến sự bong tróc của lớp niêm mạc (được gọi là kinh nguyệt).
Quá sản niêm mạc tử cung sẽ xảy ra khi hormone estrogen không được cân bằng bởi progesterone, dẫn đến lớp niêm mạc tiếp tục dày lên mà không có sự bong tróc. Ở phụ nữ mãn kinh, khi chu kỳ kinh nguyệt đã chấm dứt, buồng trứng ngừng hoạt động, việc niêm mạc tử cung dày lên bất thường thường liên quan đến các yếu tố như u xơ tử cung, béo phì, hoặc sử dụng liệu pháp hormone không đúng cách.
Các loại quá sản nội mạc tử cung
Dựa vào việc thay đổi tế bào tại nội mạc tử cung, quá sản nội mạc tử cung được chia làm 2 loại chính:
- Quá sản nội mạc tử cung điển hình: Đây là tình trạng lành tính, chỉ gồm các tế bào bình thường, không có những tế bào dị dạng, không có khả năng gây ung thư. Quá sản nội mạc tử cung điển hình có thể cải thiện.
- Quá sản nội mạc tử cung không điển hình: Đây là kết quả của sự phát triển quá mức của các tế bào bất thường, là dấu hiệu tiền ung thư. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, quá sản nội mạc tử cung sẽ tiến triển thành ung thư tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung.
Các chuyên gia cho biết, mặc dù tăng sản nội mạc tử cung chỉ có 1-3% trường hợp bệnh có thể chuyển biến thành ung thư, tuy nhiên chị em cần thực hiện khám và tầm soát ung thư định kỳ, từ đó có được phương án điều trị tối ưu nhất để hạn chế biến chứng nguy hiểm.
Đăng ký khám phụ khoa cùng chuyên gia TẠI ĐÂY
Quá sản nội mạc tử cung do đâu?
Như đã nói ở trên, quá sản nội mạc tử cung chủ yếu do sự phát triển quá mức của estrogen mà progesterone không đủ để cân bằng làm các tế bào nội mạc phát triển bất thường làm mất cân bằng nội tiết. Tình trạng này tập trung chủ yếu ở người có kinh nguyệt không đều, phụ nữ béo phì, người trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh hoặc người sử dụng estrogen là liệu pháp thay thế hormone.
Ngoài ra, u xơ tử cung cũng có thể là nguyên nhân gây quá sản nội mạc tử cung ở tuổi mãn kinh. Những khối u xơ ở vị trí thân tử cung có thể làm niêm mạc tử cung dày lên hoặc bị tổn thương, gây ra hiện tượng ra máu âm đạo bất thường – một yếu tố kích thích nội mạc tăng sinh.
Phụ nữ mãn kinh có u xơ tử cung có thể làm tăng nguy cơ mắc quá sản niêm mạc tử cung.
Dấu hiệu nhận biết quá sản nội mạc tử cung
Triệu chứng điển hình nhất của quá sản nội mạc tử cung là ra máu âm đạo bất thường. Tuy nhiên, quá sản có thể có thể có nhiều triệu chứng mở nhạt, và đôi khi có thể bị bỏ qua nếu không chú ý.
Một số biểu hiện chị em cần lưu ý bao gồm:
- Kinh nguyệt ngày càng kéo dài và lượng máu ra nhiều bất thường.
- Chu kỳ kinh quá ngắn (21 ngày).
- Chảy máu âm đạo bất thường sau khi mãn kinh.
Với phụ nữ mãn kinh có u xơ tử cung thì cần chú ý thêm một số dấu hiệu, bao gồm:
- Đau vùng chậu: Đau âm ỉ kéo dài hoặc đau dữ dội từng cơn.
- Đầy bụng, cảm giác khó chịu kéo dài
- Cảm giác mệt mỏi do thiếu máu, gây hoa mắt, chóng mặt.
Đau bụng kéo dài, chướng bụng khó tiêu có thể là dấu hiệu quá sản nội mạc tử cung ở phụ nữ mãn kinh có u xơ tử cung.
Chẩn đoán quá sản như thế nào?
Bên cạnh việc xem xét các yếu tố như: triệu chứng, lịch sử kinh nguyệt, độ tuổi bắt đầu hành kinh và mãn kinh, khai thác các loại thuốc đang dùng hoặc đã dùng,... các bác sĩ sẽ thực hiện thêm bước khám và xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác, bao gồm:
- Siêu âm qua ngả âm đạo để đo độ dày nội mạc tử cung.
- Lấy mẫu mô nội mạc tử cung để sinh thiết xem có dấu hiệu bất thường hay không.
- Nội soi tử cung để quan sát trực tiếp bên trong tử cung và đánh giá tình trạng niêm mạc. Trong quá trình này bác sĩ có thể nong và nạo để lấy mô tử cung đi kiểm tra.
Điều trị quá sản nội mạc tử cung như thế nào?
Phương pháp điều trị quá sản nội mạc tử cung sẽ phụ thuộc mức độ quá sản, tính chất quá sản và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Điều trị nội khoa
Quá sản nội mạc tử cung điển hình (không có tế bào bất thường) thì có thể sử dụng progestin - một dạng tổng hợp của progesterone để điều trị. Thuốc được dùng dưới dạng uống, đặt âm đạo, hoặc tiêm.
Dùng progestin cần điều trị trong thời gian dài và có thể có nguy cơ tái phát bệnh ở một số đối tượng, đặc biệt là phụ nữ béo phì.
Điều trị ngoại khoa
Cắt bỏ tử cung là phương án điều trị quá sản hiệu quả với phụ nữ đã mãn kinh.
Cắt bỏ tử cung có thể được cân nhắc trong các trường hợp:
- Phụ nữ tuổi mãn kinh, tiền mãn kinh, không còn nhu cầu sinh con có tăng sản nội mạc tử cung điển hình nhưng bệnh lý phức tạp, lớp nội mạc quá dày gây các triệu chứng nguy hiểm.
- Phụ nữ có tăng sản nội mạc tử cung không điển hình, tình trạng không cải thiện kể cả khi dùng thuốc.
Nếu không được điều trị kịp thời, quá sản nội mạc tử cung có thể chuyển biến thành ung thư. Vì vậy, chị em nên thảo luận với bác sĩ - chuyên gia giàu kinh nghiệm để có thể tìm được phương án điều trị đúng đắn.
Phòng ngừa quá sản nội mạc tử cung thế nào?
Không thể ngăn ngừa tình trạng quá sản nội mạc tử cung, nhưng phụ nữ mãn kinh có thể giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế tiến triển thông qua việc:
- Duy trì cân nặng hợp lý: Ăn nhiều rau xanh, tập thể dục đều đặn, tránh béo phì
- Tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng các liệu pháp thay thế hormone để cân bằng estrogen và progesterone đúng cách.
- Đặc biệt, các chuyên gia khuyến cáo chị em nên thực hiện khám phụ khoa định kỳ để có thể sớm phát hiện các vấn đề bất thường, từ đó có phương pháp can thiệp kịp thời.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Bùi Thị Mai - Khoa Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc.