Viêm gân không chỉ gây đau đớn mà có thể biến chứng ảnh hưởng đến vận động, thậm chí là mất khả năng vận động ở một số vị trí viêm nặng. Cùng tìm hiểu các phương pháp điều trị viêm gân để nhanh chóng chấm dứt tình trạng này.
Viêm gân là bệnh gì?
Gân là bộ phận tập hợp từ các sợi mô dày được tạo nên bởi collagen, có nhiệm vụ kết nối cơ và xương. Chức năng chính của gân là hỗ trợ khớp vận động trơn tru, dễ dàng và giữ cho xương không bị lệch khỏi vị trí ban đầu.
Viêm gân là tình trạng gân bị tổn thương và hay viêm, dẫn đến đau nhức, sưng nóng quanh khớp. Viêm gân có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí gân nào của cơ thể. Tuy nhiên, những vị trí thường bị viêm gân nhất gồm: vai, đầu gối, gót chân, cổ tay…
Nguyên nhân dẫn đến viêm gân
Viêm gân có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Trong đó gồm có:
Chấn thương
Căng cơ quá mức hoặc do cử động sai tư thế.
Do lặp lại thường xuyên một số vận động trong thời gian dài, gây chèn ép lên gân.
Do bệnh lý: viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp…
Ngoài những nguyên nhân kể trên, viêm gân còn có thể do những yếu tố nguy cơ như tuổi tác, nghề nghiệp gây nên. Tuổi càng cao thì nguy cơ viêm gân càng lớn. Những nghề nghiệp như vận động viên, người thường xuyên làm việc nặng, thường hoạt động sai tư thế cũng dễ bị viêm gân hơn những người làm công việc khác.
Dấu hiệu viêm gân thường gặp
Người bị viêm gân thường gặp phải những triệu chứng dưới đây:
Sưng gân
Căng cứng khớp và gân do bị sưng
Đau khi cử động tại vị trí bị viêm và vùng lân cận
Da trên gân mềm hơn do bị ảnh hưởng
Có khối u và nốt sần trên gân
Những triệu chứng này có thể kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng. Nếu không điều trị có thể dẫn đến đứt gân do gân bị căng quá mức, gây trở ngại khi cử động.
Những vị trí viêm gân thường gặp và triệu chứng điển hình
Viêm gân thường xảy ra ở những vùng như khớp vai, khớp khuỷu, cổ tay và vùng gót chân với những triệu chứng khác nhau tại mỗi vùng. Cụ thể:
Viêm quanh khớp vai
Là tất cả các trường hợp đau và hạn chế vận động khớp vai do tổn thương phần mềm quanh khớp gồm gân, cơ, dây chằng, bao khớp... Trong đó, thường gặp nhất là viêm gân nhị đầu và viêm gân trên gai. Ngoài ra một số các tổn thương khác thường gặp ở vị trí này là: viêm túi hoạt dịch dưới mỏm cùng vai hay rách gân bao chóp xoay. Tình trạng này cần được điều trị sớm nếu không sẽ dẫn tới cứng khớp và hạn chế vận động khớp vai.
Viêm điểm bám gân lồi cầu trong và ngoài xương cánh tay
Biển hiện thường gặp là đau khớp khuỷu, đau tăng lên khi cầm nắm đồ vật, khi vận động hay khi ấn vào khớp khuỷu. Loại viêm gân này thường gặp ở người chơi thể thao, tennis…
Nếu nghỉ ngơi và điều trị phù hợp, tình trạng này sẽ được phục hồi. Trường hợp để lâu dẫn đến mãn tính thì khả năng tái phát cao và tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Viêm bao gân cổ tay
Loại viêm gân này thường gặp nhất là viêm gân dạng dài duỗi ngón tay cái. Người bệnh sẽ cảm thấy đau và sưng gần vị trí gối ngón cái, đau nhiều khi vận động. Việc cầm nắm, cử động ngón tay cái và cổ tay đều gây đau.
Viêm cân gan chân, viêm gân Achille
Vị trí viêm gân này có những biểu hiện điển hình như đau nhói vùng gót chân khi đứng, tình trạng đau giảm dần khi đi lại. Nhưng khi bệnh nặng thì mức độ đau cũng tăng lên và đau cả khi đi lại. Nguyên nhân gây viêm cân gan chân có thể do vi chấn thương tại vùng gót chân làm giảm lượng máu nuôi dưỡng vùng gót chân dẫn đến tình trạng này.
Viêm gân cơ duỗi cổ tay quay ngắn
Biển hiện thường gặp là đau khớp khuỷu, đau tăng lên khi cầm nắm đồ vật, khi vận động hay khi ấn vào khớp khuỷu. Loại viêm gân này thường gặp ở người chơi thể thao, tennis…
Viêm gân dù ở vị trí nào nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến viêm gân mãn tính, không chỉ khiến người bệnh đau đớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt thường ngày, đến giấc ngủ, dẫn đến suy nhược cơ thể. Ngoài ra, nếu để lâu, viêm gân còn có thể dẫn đến rách gân, làm mất chức năng của khớp, hạn chế vận động.
Viêm gân có nguy hiểm không?
Viêm gân cấp tính thường gây đau, khó chịu nhưng có thể được điều trị khỏi trong vài ngày đến vài tuần. Thế nhưng, với những trường hợp viêm gân mãn tính, mức độ nghiêm trọng đáng lo ngại hơn.
Viêm gân mãn tính cần phải điều trị trong thời gian dài, từ 3-6 tháng hoặc hơn. Nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến đứt gân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cử động tại vị trí gân.
Có thể bạn quan tâm:
Phương pháp chẩn đoán viêm gân
Việc chẩn đoán viêm gân có thể dựa vào các triệu chứng lâm sàng, thói quen hoạt động hay tiền sử bệnh trước đó của bệnh nhân. Tuy nhiên, có một số triệu chứng của viêm gân giống với các bệnh lý khác về cơ xương khớp nên để chẩn đoán chính xác nhất cần thực hiện thêm một số kỹ thuật như:
Chụp X-quang: Cho hình ảnh chính xác, giúp bác sĩ quan sát cặn canxi ở quanh gân.
Chụp MRI hoặc siêu âm: Hình ảnh giúp bác sĩ quan sát tình trạng sưng, viêm tại bao gân.
Xem thêm: Viêm gân bánh chè
Phương pháp điều trị viêm gân phổ biến nhất hiện nay
Tình trạng viêm gân cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh diễn tiến thành mãn tính hay biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, viêm gân thường được điều trị theo các phương pháp dưới đây:
Thay đổi lối sống
Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, kết hợp các bài tập thể dục phù hợp với tình trạng bệnh sẽ giúp giảm thiểu những triệu chứng mà bệnh viêm gân gây ra.
Phương pháp này được thực hiện ngay tại nhà nên người bệnh có thể áp dụng mỗi ngày. Tuy nhiên, nhược điểm là không đem lại hiệu quả nhanh chóng, không trị được dứt điểm mà chỉ mang tính chất hỗ trợ và ngăn chặn bệnh tiến triển nặng.
Sử dụng thuốc giảm đau
Viêm gân khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và làm giảm chất lượng cuộc sống. Sử dụng thuốc giảm đau là cách chữa trị đem lại hiệu quả nhanh chóng, giúp làm giảm và chấm dứt cơn đau. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ mang tính chất nhất thời, không giúp điều trị bệnh triệt để.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc nào và liều lượng ra sao, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý mua thuốc về uống để tránh những tác dụng không mong muốn.
Vật lý trị liệu
Các phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, tia hồng ngoại, điện xung, kỹ thuật massage tay… đem lại hiệu quả tuyệt vời và được khuyến nghị sử dụng trong việc điều trị thoái hóa khớp, viêm gân.
Ưu điểm của phương pháp này là hạn chế lạm dụng thuốc điều trị, áp dụng được cho nhiều đối tượng. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn chưa phải tối ưu nhất do tác dụng từ từ, không đem lại hiệu quả nhanh chóng cũng như không giúp điều trị triệt để mà vẫn phải kết hợp thêm những phương pháp khác.
Phẫu thuật
Nếu áp dụng những phương pháp bảo tồn kể trên nhưng không đem lại hiệu quả thì người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật giúp loại bỏ canxi lắng đọng ở gân và thực hiện sửa chữa gân. Có 2 phương pháp phẫu thuật phổ biến hiện nay, đó là:
- Mổ nội soi được ưu tiên hơn do ít xâm lấn, đồng thời xử lý thêm các tổn thương khác (nếu có).
- Mổ mở được chỉ định khi gân bị đứt hoàn toàn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có thể gây ra 1 số rủi ro như nhiễm trùng, chảy máu, tổn thương thần kinh, cứng hoặc đau khớp.
Sau phẫu thuật, người bệnh được hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu.
Tiêm PRP điều trị dứt điểm viêm gân không cần phẫu thuật
Nếu như trước đây, phẫu thuật được xem là phương pháp tối ưu nhất giúp điều trị khỏi bệnh viêm gân thì ngày nay, phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) đem lại nhiều tác dụng tối ưu mà không cần phải phẫu thuật.
Nguyên lý hoạt động của phương pháp này là sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu hay tên viết tắt tiếng anh là PRP (Platelet-rich Plasma), được chiết tách từ chính máu của người bệnh bằng cách lấy máu của người cần điều trị viêm gân đem đi ly tâm, sau quá trình ly tâm sẽ tách chiết được lượng huyết tương giàu tiểu cầu gấp 6 – 10 lần huyết tương thông thường và tiêm vào vị trí thương tổn.
Tiểu cầu khi được hoạt hoá sẽ giải phóng ra các yếu tố tăng trưởng và các phân tử sinh học để kích thích phục hồi tại chỗ của mô tế bào. Khi tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, nhiều loại protein có vai trò quan trọng đối với quá trình làm lành vết thương được giải phóng, quá trình này được kích thích, tốc độ và khả năng phục hồi tại chỗ của mô tế bào diễn ra nhanh hơn.
Kết quả là tình trạng viêm gân được cải thiện và nhờ đó tiến trình viêm điểm bám gân tại chỗ cũng thoái triển và gân sẽ được bảo tồn, từng bước làm lành lặn trở lại như trước.
Bệnh viện Hồng Ngọc là địa chỉ uy tín có thể thực hiện được tất cả các phương pháp điều trị viêm gân, trong đó có tiêm PRP. Với đội ngũ bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm, quá trình tiêm đảm bảo thực hiện hoàn toàn trong môi trường khép kín, phòng thủ thuật vô khuẩn tuyệt đối một chiều đạt chuẩn, quy trình chặt chẽ, BV Hồng Ngọc sẽ giúp người bệnh chấm dứt cơn đau do viêm gân hiệu quả.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: