Các chuyên gia ở Viện Y học Johns Hopkin (Mỹ) vừa kết thúc một nghiên cứu và phát hiện thấy nhóm người cao niên mắc bệnh nghe kém có rủi ro mắc bệnh suy giảm trí nhớ cao. Kết quả nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Archives of Neurology số tháng 2/2011.
R. Lin trưởng nhóm đề tài cho hay kết luận trên được dựa vào nghiên cứu ở 639 người tuổi từ 36 - 90 không mắc bệnh suy giảm trí nhớ, được bắt đầu từ năm 1990 bằng nhiều phương pháp kiểm chứng khác nhau.
Trong số này có 125 người bị giảm thính lực ở thể nhẹ (25 - 40 decibels); 53 người bị giảm ở mức trung bình (41 - 70% decibels).
Kiểm tra mức độ suy giảm trí nhớ giữa kỳ (tức là được khoảng gần 12 năm) phát hiện thấy có 58 người mắc bệnh suy giảm trí nhớ, đặc biệt có 37 người chuyển sang giai đoạn bệnh Alzheimer (sa sút trí tuệ).
Mức độ suy giảm trí nhớ tăng cao từ nhóm người nghe thấy ở tần suất âm thanh trên 25 decibels và càng điếc thì tỷ lệ suy giảm trí nhớ càng cao, đặc biệt là ở nhóm người cao niên, trung bình nhóm trên 60 tuổi chiếm 36,4% số người có rủi ro cao về suy giảm trí nhớ do sức nghe giảm.
Bình quân, cứ tăng 10 decibels mới nghe thấy thì rủi ro suy giảm trí nhớ tăng 20%, bất kể dùng máy trợ thính hay không.
Mặc dù cơ chế đích thực của mối liên kết nói trên còn chứa đựng nhiều bí ẩn song qua phát hiện này các nhà khoa học cho rằng rất có thể đây là mối liên quan mang tính thần kinh, trong đó việc suy giảm thính lực làm cho con người bị hạn chế nhiều mặt, như bị cách ly khỏi xã hội, ít giao tiếp do tự ti, bị cách ly môi trường, gây cạn kiệt nhận thức và dễ dẫn dễ mắc bệnh suy giảm trí nhớ.
Hiện nay nhờ khoa học phát triển, việc suy giảm thính lực có thể khắc phục bằng cách dùng các loại máy trợ thính, tuy nhiên những người trong cuộc cũng nên áp dụng lối sống khoa học, vận động thể chất, tinh thần để hạn chế quá trình thoái hóa của não bộ.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/