Kháng sinh nhỏ mắt và những nguy cơ

Kháng sinh nhỏ mắt và những nguy cơ

15-11-2013
Sống khỏe

Phần lớn các thuốc nhỏ mắt là kháng sinh. Cũng như khi uống hay bôi kháng sinh nhỏ mắt có thể gây ra các tai biến, đặc biệt là khi dùng không đúng chỉ định hoặc không đúng cách.

Nhóm thuốc nhỏ mắt chỉ chứa kháng sinh

Nhóm này gồm các biệt dược chứa kháng sinh thông thường như chloramphenicol, tetracyclin đến các biệt dược chứa kháng sinh mạnh như cyprofloxacin, moxifloxacin...

Các bệnh về mắt đôi khi có biểu hiện bề ngoài rất giống nhau, nhưng lại do những tác nhân gây bệnh khác nhau, cần phải dùng kháng sinh đặc hiệu, nếu không sẽ không khỏi mà còn tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Ví dụ, viêm kết mạc đều làm cho mắt bị cộm, đỏ nhưng nếu do vi khuẩn phải dùng thuốc nhỏ mắt chloramphenicol, nếu do virut phải dùng thuốc mỡ mắt tetracyclin, nếu do lậu cầu phải dùng mỡ mắt tetracyclin kèm theo tiêm penicilin. Một số thuốc kháng sinh nhỏ mắt có thể gây ra một số tác dụng phụ tại chỗ làm khó chịu ở mắt.

Ví dụ, thuốc nhỏ mắt moxifloxacin (vigamox) làm giảm thị lực, khô mắt, viêm giác mạc, cương tụ, đau mắt ngứa mắt, xuất huyết dưới kết mạc. Thông thường, những tác dụng phụ này ít xuất hiện (khi dùng liều thấp), xuất hiện nhiều hơn (khi cần phải dùng liều cao) sẽ hết khi ngừng thuốc. Để đỡ khó chịu ở mắt, đôi khi cần dùng xen kẽ thuốc rửa mắt có tác dụng bôi trơn, giảm kích ứng, tạo cho mắt cảm giác dễ chịu.

Khi dùng nhỏ mắt, có một phần kháng sinh theo các mạch máu ở mắt vào trong cơ thể, tạo ra nồng độ trong huyết tương tuy không cao bằng khi uống với liều điều trị thông thường, nhưng nếu nhỏ quá liều và (hoặc) dùng lâu dài (trên hai tuần) thì thuốc vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như khi uống.   Điều này càng dễ xảy ra hơn với những thuốc có tốc độ thải trừ chậm. Vì lý do này mà chỉ được dùng đúng thuốc, đúng liều (số lần, số giọt phải nhỏ) và không dùng kéo dài (quá 2 tuần).

Một vài thuốc dễ gây ra tác dụng phụ toàn thân thường có ghi rõ các chống chỉ định như: không dùng thuốc nhỏ mắt chloramphenicol cho trẻ sơ sinh, người suy tuỷ. Không dùng thuốc nhỏ mắt cyprofloxacin cho phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ dưới 12 tuổi. Một số thuốc nhỏ có gây ra tác dụng toàn thân như khi uống nhưng chưa có thông tin đầy đủ. Tuy nhiên khi dùng loại nhỏ mắt này thường được khuyến cáo thận trọng.

nhỏ mắt

Trong khi dùng thuốc nhỏ mắt có kháng sinh, nếu có bệnh khác cần dùng một loại kháng sinh bằng đường uống hay đường tiêm phải rất thận trọng nhằm tránh những tương tác bất lợi. Ví dụ, khi dùng thuốc nhỏ mắt chứa chloramphenicol thì không uống hay tiêm gentamycin, tetracyclin, cephalosporin, polymycin; khi dùng thuốc nhỏ mắt tetracyclin thì không uống hay tiêm penicilin. Một số thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh có phổ kháng khuẩn trong phòng thí nghiệm rất rộng, nhưng trong thực tế lâm sàng lại chưa hẳn đã có hiệu lực với toàn thể các chủng vi khuẩn đó.

Những kháng sinh này nếu dùng lâu dài có thể dẫn đến tăng quá sản những chủng không nhạy cảm, tạo nên sự nhiễm khuẩn khác. Ví dụ, thuốc nhỏ mắt moxifloxacin được chỉ định cho viêm kết mạc do rất nhiều loại vi khuẩn, nhưng nếu dùng kéo dài thì chính nó cũng gây ra bội nhiễm, kể cả bội nhiễm nấm. Một trong những tác dụng phụ hay gặp ở thuốc này lại là gây viêm kết mạc. Các kháng sinh thế hệ mới có phổ kháng khuẩn rộng, nếu cứ coi là loại thuốc đa năng, cứ dùng kéo dài, dễ dẫn đến tác dụng phụ này.

Nhóm phối hợp kháng sinh và corticoid

Nhóm này bao gồm loại kết hợp corticoid với kháng sinh (như chlorocid-H chứa hydrocortison, chloramphenicol) hoặc với hai hay ba kháng sinh (như maxitrol chứa dexamethason, neomycin, polymycin)... Thuốc tiện dùng vì vừa chống nhiễm khuẩn (do kháng sinh), vừa giảm viêm (do corticoid).

Tuy nhiên, thành phần corticoid trong thuốc làm giảm sức đề kháng của cơ thể nên làm giảm hiệu lực của kháng sinh hiện có, làm nặng thêm bệnh và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhiễm khuẩn thứ phát (bao gồm cả virut và nấm)... Corticoid cũng làm chậm quá trình liền vết thương, làm tăng áp lực nội nhãn có khả năng tiến triển thành glaucom, tổn thương thị giác, khiếm khuyết thị lực không thường xuyên, hình thành đục thuỷ tinh thể (cataract) dưới bao phía sau, làm mỏng củng mạc dẫn đến thủng nhãn cầu. Tùy theo thành phần và tỷ lệ phối hợp, mỗi biệt dược có hiệu quả và tác dụng phụ ở mức khác nhau.

Vì vậy chỉ dùng loại thuốc này khi mà sự phối hợp với liều lượng tương thích trong sản phẩm đem lại hiệu quả đủ chống nhiễm khuẩn, tác dụng phụ của corticoid chỉ ở mức hạn chế (ví dụ dùng trong nhiễm khuẩn bán phần trước của mắt) chứ không dùng rộng rãi cho mọi nhiễm khuẩn hoặc tổn thương khác (như không thể dùng trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng, viêm kết mạc do nhiễm siêu vi, nhiễm nấm, tổn thương nhãn cầu do lao, loét giác mạc củng mạc).

Kháng sinh nhỏ mắt cần phải dùng theo chỉ định của thầy thuốc. Do không thấy ý nghĩa quan trọng của thuốc nhỏ mắt, lại chưa hiểu hết các tác dụng phụ, nhiều người dùng kháng sinh nhỏ mắt tuỳ tiện rất dễ gây tai biến.  

Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/

Đọc tiếp
Quay lại
Hỏi đáp Bác sĩ
Viết câu hỏi
Cơ sở chuyên khoa liên quan
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh
  • Số 8 đường Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: +(84-24) 7300 8866
Đặt lịch ngay
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Yên Ninh
  • Số 55 Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
Phòng khám đa khoa Hồng Ngọc Keangnam
  • Tầng 10, Keangnam Landmark 72, Phạm Hùng, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HỒNG NGỌC - KOSMO TÂY HỒ
  • Gian S20 và TMDV 2A + 2B, Tầng 1 và 2, tổ hợp chung cư, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại Newtatco - Kosmo Tây Hồ, Phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay