“Khám chữa bệnh từ xa mang lại lợi ích cho cả bệnh nhân, đội ngũ nhân viên y tế và là vũ khí đặc biệt trong cuộc chiến chống lại virus corona chủng mới”, ông Eric Topol, giám đốc viện nghiên cứu Scripps Research chia sẻ.
Ngàn năm qua, việc khám chữa bệnh bằng tay đã thể hiện bản chất mối quan hệ giữa bác sĩ và người bệnh. Bắt mạch, gõ và nghe nhịp thở, sờ và cảm nhận các khối u – tất cả đều là những tiếp xúc giữa người với người. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự chuyển dịch của một mô hình mới – khám chữa bệnh từ xa - phát huy ích lợi của công nghệ và dữ liệu kĩ thuật số. Mô hình này không chỉ là giải pháp cho đợt khủng hoảng này mà sẽ là một trong những kết quả còn tồn tại lâu dài của nó.
Khám chữa bệnh từ xa đã liên tục phát triển theo thời gian với sự tham gia của nhiều công ty trên khắp thế giới. Hiện nay, hình thức này chưa được xem là hình thức khám chữa bệnh chính và còn cần vượt qua nhiều trở ngại về pháp lý và thương mại, cũng như cần có nền tảng kỹ thuật số đảm bảo kết nối an toàn giữa bệnh nhân và bác sĩ.
Tuy nhiên, khi cả thế giới đang trong cảnh cách ly xã hội, chăm sóc sức khoẻ từ xa là một phần quan trọng trong giải pháp, thúc đẩy xu hướng khám chữa bệnh từ xa vốn đang phát triển. Nhiều công nghệ đã có sẵn và nhiều công nghệ khác sẽ nhanh chóng được phát triển để chống lại chủng virus corona mới.
Khám chữa bệnh từ xa là cần thiết. Những người có những triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như ho khan và sốt (một số triệu chứng khác bao gồm mệt mỏi, khó thở, mất cảm giác mùi vị) có thể được thăm khám nhanh qua video với bác sĩ hoặc y tá mà không cần đến bệnh viện nơi chật kín những người có khả năng đã nhiễm bệnh. Và những người này cũng sẽ không thể lây bệnh cho các nhân viên y tế.
Rủi ro nằm ở chỗ nếu một người bệnh lây cho bác sĩ thì không chỉ ảnh hưởng tới bác sĩ mà còn có thể lây bệnh cho cả những bệnh nhân khác được bác sĩ thăm khám. Sự cách ly về vật lý của hình thức khám bệnh từ xa giúp tránh việc lây nhiễm theo cấp số nhân này. Ở Ý, bệnh viện được coi là một trong những nguồn lây nhiễm Covid-19 chính và các bác sĩ kêu gọi việc chăm sóc sức khoẻ tại nhà.
Hệ thống y tế công của Mỹ đang tao điều kiện cho dịch vụ khám chữa bệnh từ xa. Trong tháng này, chương trình Medicare dành cho hơn 60 triệu người già của Mỹ cho biết họ sẽ tiến hành khám sức khoẻ trực tuyến. Các quy định liên bang được nới lỏng, cho phép các bác sĩ Mỹ hoạt động ngoài phạm vi bang, đây được coi là điều kiện thuận lợi cho tư vấn từ xa. Các công ty đang đổ xô làm bộ test covid-19 nhanh và đáng tin cậy như que thử thai dùng tại nhà. Những bộ kit dùng tại nhà để tự kiểm tra này đã bắt đầu được phân phát ở Seattle, Washington.
Các hoạt động xã hội và y tế đang diễn ra nhằm chống lại Covid-19 chắc chắn vẫn sẽ được duy trì khi cuộc khủng hoảng dần lắng xuống. Việc thăm khám từ xa sẽ vẫn được áp dụng cho việc sàng lọc, kiểm tra định kỳ và khám bệnh ngoại trú. Và đối với bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào khác, bao gồm cả cúm mùa, các cơ sở y tế cũng sẽ không muốn mạo hiểm để các bệnh nhân khác (và người nhà của họ) bị phơi nhiễm trong thời gian chờ khám hay để các nhân viên y tế của mình bị nhiễm bệnh. Khám chữa bệnh từ xa sẽ đóng vai trò là lần khám đầu tiên, giống như những cuộc điện thoại từ nhà trước đây.
Khám trực tuyến cũng hiệu quả hơn, cần ít nhân viên y tế hơn, cho phép họ làm những việc khác. Việc sử dụng những công cụ chat hay những màn hình “doctor-less” – sau khi chúng được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả - là một phương thức khác giúp giảm tải cho các y bác sĩ. Những bệnh nhân quan tâm đến các triệu chứng bệnh có thể hỏi xin hướng dẫn. Hệ thống thuật toán có thể phản hồi lại họ với những câu trả lời hữu ích nhất dựa trên những gì từng hiệu quả nhất khi áp dụng cho những người khác.
Vậy còn những thao tác thăm khám không thể thực hiện từ xa được thì sao? Những ống nghe ngày nay đang dần bị thay thế bởi điện thoại thông minh. Bệnh nhân có thể sử dụng micro để tự thăm khám từ xa, sử dụng một thuật toán để phân tích cơn ho và biết được liệu mình có bị viêm phổi hay không. Một loại nhiệt kế “thông minh” được sử dụng ở Mỹ có thể phát hiện chính xác thời điểm dịch cúm bùng nổ. Những dữ liệu sơ bộ cho thấy nó đã dự đoán dịch Covid-19 bùng nổ ở Florida bằng việc chỉ ra thân nhiệt của mọi người tăng cao vào thời điểm không phải là mùa cúm.
Mười năm trước, những người tập thể thao chỉ đếm bước đi đơn thuần, ngày nay họ đo cả nhịp tim và Apple Watch mới nhất còn có thể tạo ra hình ảnh điện tâm đồ giống như máy đo điện tâm đồ một đầu. Tương tự, miếng dán giá rẻ (hoặc Band Aid) với các cảm ứng liên tục ghi lại nhịp tim, cơn ho, nhịp thở và thân nhiệt có thể được sử dụng để theo dõi từ xa những bệnh nhân không cần nhập viện.
Khi thu thập và chia sẻ những dữ liệu này, quá trình xử lý thông minh và trí tuệ nhân tạo cho phép tìm ra những giải pháp mới nhằm cải thiện sức khoẻ. Viện nghiên cứu Scripps Research vừa công bố một nghiên cứu thực hiện trên hơn 47000 người cho thấy dữ liệu từ đồng hồ thông minh về nhịp tim lúc nghỉ ngơi (thường tăng cao trước những bất thường về thân nhiệt hoặc sốt) dự đoán việc khởi phát của các bệnh tương tự như cúm trong các khu vực địa lý tốt ngang hoặc hơn so với những công cụ trước đó. Một nghiên cứu quy mô lớn ở Mỹ được thực hiện để xác định xem có thể dự đoán chính xác khu vực bùng phát Covid-19 không. Qua đó, tăng cường cách ly chính xác, ngăn chặn tốt hơn, và áp dụng phương pháp điều trị sớm nhất có thể.
Tuy nhiên con đường để khám chữa bệnh từ xa trở thành hình thức phổ biến không hoàn toàn bằng phẳng. Đúng là có nhu cầu, có sự chấp nhận của xã hội và có công nghệ (ngày càng được cải thiện) nhưng những rào cản vẫn còn dù đã được thông qua về mặt pháp lý trong thời gian gần đây.
Hầu hết các hệ thống chăm sóc sức khoẻ trên khắp thế giới vẫn chưa xây dựng được nền tảng kỹ thuật số để thực hiện khám chữa bệnh từ xa. Đáp ứng được các tiêu chuẩn của Chính phủ về bảo mật là một việc khó khăn bởi dữ liệu được chia sẻ qua một mạng lưới cần được đảm bảo an toàn đặc biệt. Bệnh nhân lo ngại rằng những dữ liệu y tế của họ có thể bị đánh cắp hoặc mua bán.
Ngoài ra còn có những thách thức khác như nhu cầu truy cập băng rộng chất lượng cao, giá cả phải chăng. Điện thoại thông minh và các bộ kit kỹ thuật số đi kèm vẫn còn rất đắt, điều này đồng nghĩa với việc khám từ xa không khả thi với người nghèo, người già kém hiểu biết về công nghệ - đối tượng cần những giải pháp chăm sóc sức khoẻ nhất.
Khám chữa bệnh từ xa còn bị giới hạn, không thể thay thế hoàn toàn cho việc khám bệnh trực tiếp, không thể thực hiện các kiểm tra vậy lý (đặt tay) và sự kết nối sâu giữa người với người qua các tín hiệu phi ngôn ngữ, không truyền được sự đồng cảm, tin tưởng…
Phải mất hơn một năm để đại dịch qua đi. Điều quan trọng là chúng ta cần nhận ra rằng các đại dịch khác là một phần của tương lai. Giờ là lúc khai thác tiềm năng công nghệ nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tốt hơn và hiệu quả hơn,
Hạ tầng kỹ thuật số mang chúng ta gần nhau hơn trên mạng xã hội đồng thời tách chúng ta xa nhau trong thời kỳ cách ly xã hội. Chia cách về vật lý là đối nghịch với bản chất của y học: tiếp xúc của con người, khả năng gặp mặt trực tiếp và sự gần gũi cho phép đồng cảm và chia sẻ. Chúng ta đành chấp nhận bởi giờ việc đó mang lại lợi ích tốt nhất cho tất cả bệnh nhân và nhân viên y tế.
(Theo Ecomomist)