Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc bệnh cảm lạnh. Nếu được chăm sóc tốt, trẻ có thể dễ dàng cải thiện tình trạng bệnh. Bài viết này sẽ hướng dẫn ba mẹ cách chăm sóc trẻ bị cảm lạnh chuẩn khoa học ngay tại nhà để giúp bé mau hồi phục sức khỏe.
Dấu hiệu trẻ bị cảm lạnh
Cảm lạnh là bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Bệnh do virus gây ra. Có khoảng 200 loại virus có khả năng gây cảm lạnh, trong đó Rhinovirus là loại phổ biến nhất.
Trẻ nhỏ chưa được 2 tuổi có thể bị 8 - 10 đợt cảm lạnh mỗi năm. Giai đoạn đi mẫu giáo bé có thể bị khoảng 9 đợt cảm lạnh/năm và con số này giảm xuống còn 2 - 4 lần khi bé lớn hơn.
Khi bị cảm lạnh, bé sẽ có các dấu hiệu sau:
Chảy nước mũi.
Ho.
Sốt.
Hắt hơi.
Mệt mỏi, quấy khóc.
Các triệu chứng của cảm lạnh có thể giảm nhẹ và khỏi hẳn sau khoảng 7 - 10 ngày nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có thể trở nặng hơn và cần được chăm sóc y tế bởi bác sĩ chuyên khoa.
Nguyên nhân gây cảm lạnh ở trẻ
Tác nhân gây cảm lạnh ở trẻ là các loại virus. Chúng xâm nhập vào cơ thể và gây kích ứng, gây viêm nhiễm vùng niêm mạc mũi và vùng cổ họng. Những loại virus này xâm nhập vào cơ thể bé bằng một số con đường sau:
Tiếp xúc gần với người bệnh: Trẻ có thể hít phải không khí chứa virus gây cảm lạnh do người khác bị bệnh ho hoặc hắt hơi khiến một lượng nhỏ virus đi vào không khí.
Tiếp xúc với đồ vật có chứa virus: Virus gây cảm lạnh có thể lây lan sang cơ thể bé nếu con chạm phải đồ vật, đồ chơi có chứa virus. Sau đó, bé ngậm đồ chơi hoặc cho tay vào mũi, miệng khiến virus dễ dàng đi vào cơ thể và gây bệnh.
Biến chứng của bệnh cảm lạnh ở trẻ
Cảm lạnh ở trẻ tuy có thể tự khỏi nếu bé được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn nếu không can thiệp kịp thời.
Các biến chứng của bệnh cảm lạnh gồm:
Viêm tai giữa: Cảm lạnh với triệu chứng chảy nước mũi có thể làm tắc nghẽn đường mũi, gây phù nề mũi, họng và vòi nhĩ. Lâu dần dẫn đến viêm tai giữa.
Viêm họng: Cảm lạnh lâu ngày có thể dẫn đến viêm họng với các triệu chứng như: đau họng, đỏ amidan, sưng họng, nổi nốt đỏ vùng họng…
Hen suyễn: Cảm lạnh có thể xuất hiện triệu chứng khó thở, thở khò khè, tức ngực… Những triệu chứng này dễ làm khởi phát cơn hen ở những em bé có tiền sử hen suyễn.
Viêm phổi: Trẻ bị cảm lạnh không được điều trị sớm có thể biến chứng thành viêm phổi với các biểu hiện như sốt cao, ớn lạnh, đổ mồ hôi… Khi bé có những biểu hiện này thì ba mẹ nên đưa con đi khám ngay.
Viêm xoang: Cảm lạnh có thể làm tắc nghẽn xoang mũi của bé. Tình trạng này tạo điều kiện cho virus sinh sôi, phát triển trong dịch mũi rồi gây hại, dẫn đến viêm xoang hay nhiễm trùng xoang mũi.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị cảm lạnh đúng chuẩn khoa học
Khi bé bị cảm lạnh, nếu được chăm sóc đúng cách, trẻ có thể tự khỏi sau vài ngày mà không gây tác động gì quá xấu. Ba mẹ hãy chăm sóc trẻ bị cảm lạnh theo những hướng dẫn dưới đây:
Bù nước và điện giải: Trẻ bị cảm lạnh thường ra nhiều mồ hôi, nôn trớ, khiến bé thiếu nước và điện giải. Vì thế, ba mẹ nên bổ sung thêm nhiều nước và điện giải cho bé để bù lại lượng đã mất, ngăn ngừa mất nước có thể diễn tiến nguy hiểm. Trẻ nên được bổ sung nước hoặc uống dung dịch Oresol theo hướng dẫn của bác sĩ.
Vệ sinh mũi thường xuyên: Khi bé bị cảm lạnh, ba mẹ nên vệ sinh mũi cho bé mỗi ngày bằng cách nhỏ nước muối sinh lý 0,9%.
Hút dịch mũi: Trẻ bị cảm lạnh thường bị chảy nước mũi, ngạt mũi khiến bé rất khó chịu. Vì thế, ba mẹ hãy hút hết dịch mũi để bé dễ thở hơn. Khi hút mũi, ba mẹ nên dùng máy hút mũi chuyên dụng và thực hiện nhẹ nhàng để không làm tổn thương mũi bé.
Chia nhỏ bữa ăn: Khi bị cảm lạnh, bé cảm thấy mệt mỏi, khó chịu nên thường biếng ăn, biếng bú. Vì thế, ba mẹ có thể chia nhỏ các bữa ăn để bé ăn được nhiều hơn. Khi ăn, nên chế biến các món dễ tiêu hóa như cháo, súp… Hạn chế cho trẻ ăn đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ vì khó tiêu và dễ khiến bé bị nôn trớ.
Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều: Các triệu chứng của cảm lạnh khiến bé mệt mỏi, khó chịu nên ba mẹ hãy cho bé nghỉ ngơi nhiều hơn để nhanh hồi phục sức khỏe.
Hạ sốt: Khi bị cảm lạnh, hầu hết các bé đều bị sốt. nếu con sốt trên 38,5 độ C thì hạ đốt cho bé bằng cách chườm khăn ấm, mặc thoáng mát, sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ: Ba mẹ nên vệ sinh phòng ngủ, đồ chơi, đồ dùng của con thường xuyên để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn bám dính trên đồ vật hoặc không khí, giúp bệnh cảm lạnh của bé không trở nên nghiêm trọng hơn.
Hạn chế cho bé ra ngoài: Khi bé bị cảm lạnh, nên để con ở trong phòng, không nên cho ra ngoài trời. Nếu phải ra ngoài, nhất là vào mùa lạnh thì hãy giữ ấm thật kỹ cho bé.
Không tự ý dùng thuốc: Khi trẻ bị cảm lạnh, điều ba mẹ cần đặc biệt lưu ý đó là không được tự ý mua thuốc về cho bé uống. Dù là thuốc hạ sốt, giảm ho hay thuốc gì thì cũng cần tham khảo bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý dùng thuốc tiềm ẩn nhiều nguy hại và có những tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.
Biện pháp phòng ngừa cảm lạnh cho bé
Bệnh cảm lạnh tuy là bệnh thông thường, dễ khỏi nhưng ba mẹ cũng không được chủ quan vì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm nếu không được chăm sóc tốt. Việc cần làm đầu tiên đó chính là áp dụng các biện pháp phòng ngừa cảm lạnh thay vì đợi bé bị bệnh mới lo đi chữa.
Hãy áp dụng những cách dưới đây để giúp bé tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh:
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho bé. Nếu trẻ lớn rồi thì dạy bé rửa tay trước khi ăn, sau khi chơi với động vật và sau khi đi vệ sinh.
Không cho trẻ tiếp xúc gần với những người đang bị cúm, cảm lạnh hoặc nghi ngờ bị cảm lạnh.
Dạy trẻ che tay khi ho, hắt hơi.
Nhắc trẻ không nên chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Không được mút tay, cắn móng tay.
Vệ sinh phòng ở, đồ chơi, đồ dùng của bé thường xuyên.
Nên mang theo chai rửa tay khô khi cho bé ra ngoài để vệ sinh tay cho bé khi cần thiết.
Như vậy, nếu em bé của bạn đang bị cảm lạnh, hãy áp dụng những cách chăm sóc trẻ bị cảm lạnh được nêu ra trong bài viết này. Nếu chăm sóc đúng cách, bạn có thể yên tâm bé yêu sẽ nhanh chóng khỏi bệnh và hồi phục sức khỏe sớm.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/