Ngày 9/10 vừa qua, Bệnh viện Hồng Ngọc đã cấp cứu thành công cho một bệnh nhân bị vỡ tạng rỗng (thủng ruột) sau khi ngã từ độ cao 4 mét. Đặc biệt, bệnh nhân bị hẹp khít van tim 2 lá - một yếu tố gây bất lợi cho gây mê trong quá trình phẫu thuật và phục hồi sức khỏe hậu phẫu.
Sự cố bất ngờ
Sáng ngày 9/10, sư cô Thích Hương Giới (53 tuổi) hiện đang tu tập tại chùa Thiên Ân (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) không may bị trượt chân. Cú ngã từ độ cao 4m khiến sư cô đau dữ dội vùng bụng quanh rốn, đau xuyên ra sau lưng và nôn nhiều.
Nhận thấy tình trạng của sư cô có nhiều dấu hiệu bất thường, sư thầy trụ trì đã ngay lập tức gọi xe đưa sư cô đến cấp cứu tại bệnh viện Hồng Ngọc.
Chẩn đoán chính xác, cấp cứu kịp thời
Qua thăm khám lâm sàng, nhận thấy bệnh nhân bụng chướng, ấn đau khắp bụng, đau nhiều vùng hạ vị, bụng co cứng, các bác sĩ chận đoán bệnh nhân bị chấn thương vùng bụng kín.
Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành siêu âm ổ bụng tổng quát, chụp X-quang bụng không chuẩn bị, phổi, cột sống thắt lưng và khung chậu.
Từ hình ảnh siêu âm và X-quang, các bác sĩ phát hiện có nhiều khí tự do trong ổ bụng quanh quai ruột trên và thành bụng trước đồng thời xuất hiện liềm hơi dưới hoành trái. Sau khi hội chẩn, chẩn đoán xác định: bệnh nhân bị chấn thương bụng kín - vỡ tạng rỗng, chỉ định phẫu thuật mở xử trí theo thương tổn (mổ mở thăm dò, khâu lỗ thủng).
Bác sĩ Đỗ Văn Tọa – Bác sĩ tham gia kíp mổ cấp cứu ca bệnh trên cho biết: “Trường hợp bệnh nhân bị vỡ tạng rỗng do trấn thương, cần thiết phải mổ càng sớm càng tốt nhằm tránh tình trạng viêm phúc mạc hay nhiễm trùng lây lan sang các cơ quan nội tạng. Vì vậy, chúng tôi phải xử lý rất nhanh tất cả các xét nghiệm và thăm khám cần thiết để ca mổ được diễn ra sớm nhất.”
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 giờ đồng hồ kể từ thời điểm bị ngã, bệnh nhân đã được đưa vào phòng mổ.
Bệnh hẹp khít van tim 2 lá gây bất lợi cho gây mê và phẫu thuật
Vỡ tạng rỗng không phải là ca khó, tuy nhiên qua siêu âm tim, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có bệnh lý hẹp khít van 2 lá kèm theo. Đây là một yếu tố bất lợi cho quá trình phẫu thuật, ảnh hưởng nhiều đến kỹ thuật và phương pháp gây mê. Xác định phải mổ cấp cứu để cứu sống bệnh nhân, các bác sỹ khoa Gây mê hồi sức đã nhanh chóng hội chẩn để đưa ra chiến lược gây mê và hồi sức cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Vũ Việt Hòa – Bác sĩ trực tiếp gây mê và hồi sức cho ca bệnh thì việc gây mê hồi sức cho bệnh nhân bị thủng tạng rỗng kèm theo có bệnh lý hẹp khít van 2 lá sẽ gặp nhiều khó khăn hơn đối với những ca bệnh thông thường khác.
Hẹp khít van 2 lá là tình trạng tổn thương van tim nặng, có thể gây nhiều biến cố về tim mạch gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân trong cả cuộc phẫu thuật. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thủng tạng rỗng nên việc gây mê cũng khó khăn hơn vì phải sử dụng phương pháp khởi mê nhanh để tránh dịch đường tiêu hoá, thức ăn trào ngược vào đường hô hấp gây suy hô hấp. Vì vậy các bác sỹ gây mê hồi sức phải rất tập trung, theo dõi sát bệnh nhân và có chiến lược gây mê hồi sức tốt nhất để ca mổ được thành công.
Phương pháp vô cảm được sử dụng trong ca phẫu thuật là gây mê nội khí quản có kèm theo khởi mê nhanh kết hợp giảm đau ngoài màng cứng. Đây là những kỹ thuật khó và chuyên sâu trong chuyên ngành Gây mê hồi sức.
“Việc đảm bảo huyết động bệnh nhân ổn định đặc biệt là nhịp tim của bệnh nhân, sử dụng các thuốc không làm ức chế cơ tim, truyền dịch vừa đủ để không gây quá tải cho tim... là những việc làm rất quan trọng quyết định đến thành công của ca mổ” – Bác sĩ Hòa cho biết thêm.
Phẫu thuật thành công, bệnh nhân phục hồi tốt
Nhờ sự phối hợp ăn ý, thao tác nhanh gọn và chính xác của các bác sĩ, bệnh nhân không có các tổn thương khác, chỉ trong 1 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, kết thúc thành công.
Hậu mổ 30 phút, sau khi đánh giá bệnh nhân ổn định, các bác sỹ tiến hành rút ống nội khí quản tại phòng hậu phẫu và chuyển bệnh nhân về bệnh phòng sau 3 giờ theo dõi.
Sáng ngày 12/10, bệnh nhân đã được rút ống dẫn lưu, ống xông dạ dày, đau ít, vết mổ khô và đã có thể tự phục vụ: ăn được cháo loãng, đi đứng và sinh hoạt cá nhân.
Hiện, các dấu hiệu phục hồi đều rất tốt. Dự kiến, bệnh nhân có thể xuất viện trong hai đến ba ngày tới./.