Khoảng 60% phụ nữ trên 30 tuổi mắc u xơ tử cung, con số này tăng lên 80% ở phụ nữ trên 50 tuổi. Vậy điều trị bệnh lý này như thế nào?
U xơ tử cung là gì?
U xơ tử cung là khối u lành tính của tử cung phổ biến nhất ở phụ nữ. U có thể xuất hiện tại dưới niêm mạc, trong cơ hoặc ở dưới thanh mạc. Đa số các trường hợp mắc u xơ tử cung đều không có biểu hiện lâm sàng nên bệnh thường được phát hiện tình cờ thông qua thăm khám hoặc siêu âm phụ khoa.
Tuy nhiên, ở 1 bộ phận chị em, do có nhiều nhân xơ, hoặc u xơ tử cung nằm ở vị trí bất lợi, hoặc kích thước khối u quá lớn mà có thể gây ra các biến chứng như: xuất huyết tử cung bất thường, đau bụng hay vô sinh.
U xơ tử cung có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh sản của chị em
Tổng quan điều trị u xơ tử cung
Về cơ bản, nếu u xơ tử cung không gây ra bất cứ triệu chứng nào ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày hoặc người bệnh không nhu cầu mang thai thì không cần điều trị. Phương án điều trị u xơ tử cung được chỉ định khi khối u gây ra các biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em phụ nữ.
Với những trường hợp không cần phải điều trị, bệnh nhân mắc u xơ tử cung vẫn phải được theo dõi thường xuyên để dự phòng các biến chứng có thể xảy ra. Vì vậy, việc khám phụ khoa định kỳ với những phụ nữ đã mắc u xơ tử cung là phương pháp hiệu quả nhất để kiểm soát và có các biện pháp can thiệp kịp thời.
Khám phụ khoa cùng chuyên gia qua form
Lộ trình theo dõi người bệnh có UXTC không triệu chứng
Tùy vào từng độ tuổi của người bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra lộ trình theo dõi và điều tị u xơ tử cung sao cho phù hợp:
• Với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản: tùy vào vị trí và kích thước khối u mà bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển của chúng thông qua siêu âm định kỳ mỗi 6 tháng - 1 năm/lần. Thêm vào đó, bác sĩ cũng sẽ hỏi han thật kỹ để sớm phát hiện các dấu hiệu có thể gây ra các biến chứng nặng nề.
• Với phụ nữ mãn kinh: phần lớn sau mãn kinh, khối u sẽ thoái triển, giảm kích thước một cách đáng kể, thậm chí là biến mất. Các chuyên gia cho biết, bất kỳ sự phát triển nào của khối u xơ tử cung ở giai đoạn mãn kinh có thể là dấu hiệu của ung thư, vì vậy cần theo dõi qua khảo sát siêu âm mỗi 3 – 6 tháng để tầm soát sớm và điều trị kịp thời (nếu có). Một tỉ lệ vô cùng nhỏ cần loại trừ sarcoma ở phụ nữ mãn kinh khi có u vùng chậu lớn nhanh hay mới xuất hiện.
Điều trị u xơ tử cung như thế nào?
Mục tiêu chính trong việc điều trị u xơ tử cung là giải quyết triệu chứng cũng như biến chứng cho bệnh nhân, chứ không phải là giải quyết khối u. Hiện nay, bên cạnh việc can thiệp ngoại khoa thì điều trị nội khoa ngày càng tỏ ra ưu thế để đảm bảo khả năng sinh sản cho phái đẹp.
Các chuyên gia khuyến cáo, việc điều trị u xơ tử cung nên được cá thể hóa dựa trên tuổi, triệu chứng, kích thước u xơ cũng như nhu cầu mang thai và các tác dụng phụ có thể có của từng phương pháp.
Điều trị nội khoa
Phương pháp điều trị nội khoa chỉ được áp dụng khi được sự chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân TUYỆT ĐỐI không sử dụng thuốc khi không có hướng dẫn của chuyên gia y tế.
Điều trị nội khoa chủ yếu được áp dụng với với các trường hợp:
• U xơ tử cung gây rong kinh rong huyết nhưng chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể trạng hay chất lượng cuộc sống của bệnh nhân
• U xơ tử cung không gây chèn ép lòng tử cung, không dẫn đến vô sinh hoặc sẩy thai liên tiếp
• U xơ tử cung không gây chèn ép nặng niệu quản, không làm tắc nghẽn dẫn đến thận ứ nước hoặc suy thận mãn
• Phương pháp này cũng có thể được áp dụng để làm giảm kích thước khối u, cải thiện tình trạng thiếu máu của bệnh nhân trước khi mổ.
Dựa vào vị trí, kích thước và loại u mà u xơ tử cung có thể điều trị bằng phương pháp nội khoa/ ngoại khoa
Các thuốc có thể sử dụng để giảm tình trạng xuất huyết tử cung, giảm lượng máu kinh:
• Tranexamic acid là chất chống ly giải fibrin. Cần cẩn thận trên bệnh nhân đang điều trị huyết khối tĩnh mạch, suy thận hay quá mẫn với thuốc. Tuy nhiên hiệu quả điều trị của Tranexamic acid không cao gần như trong các trường hợp không được coi là phương pháp điều trị duy nhất.
• Viên thuốc tránh thai kết hợp: thường được sử dụng sau khi đã điều trị đợt xuất huyết cấp nhưng hiệu quả thường chậm.
• Các loại Progestins, uống hay đặt trong dụng cụ tử cung (LNG-IUS - vòng Mirena), hiện nay ít sử dụng vì sợi cơ của u xơ tử cung có nhiều thụ thể progesterone cũng như estrogens nên có thể làm u to lên.
• GnRH đồng vận có tác dụng ức chế tuyến yên chế tiết FSH và LH giảm các hormones steroids ở buồng trứng, từ đó giảm thể tích khối u xơ và giảm xuất huyết tử cung. Khi ngưng thuốc, khối u to trở lại cùng với các triệu chứng. GnRH đồng vận được ưu tiên sử dụng trong thời gian ngắn, trước các phẫu thuật.
• Thuốc điều hòa thụ thể progesterone có chọn lọc (SPRMs): Mifepristone, Ulipristal acetate (UPA). Ngày nay UPA được nhắc đến nhiều do hiệu quả lâm sàng được chứng minh cao. Cơ chế tác dụng của thuốc là làm tăng chết tế bào theo lập trình và làm giảm mô nền trong khối u nên ít tái phát sau khi ngưng thuốc. UPA không có tác dụng trên sợi cơ bình thường của khối u, không ức chế trục hạ đồi-tuyến yên-buồng trứng nên không gây triệu chứng mãn kinh như GnRH đồng vận.
Điều trị ngoại khoa
Các can thiệp ngoại khoa điều trị có thể bao gồm : bóc nhân xơ tử cung hoặc cắt tử cung hoàn toàn. Việc can thiệp ngoại khoa được ưu tiên trong các trường hợp khối u xơ gây ra các biến chứng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể trạng và chất lượng sống hoặc khối u gây hiếm muộn hoặc bệnh nhân không còn mong muốn có thai.
• Bóc nhân xơ tử cung: được lựa chọn cho các bệnh nhân mong muốn bảo tồn tử cung để mang thai.
• Phẫu thuật cắt tử cung là phương pháp điều trị tận gốc u xơ tử cung có biến chứng. Phương pháp này chủ yếu được áp dụng với các bệnh nhân có u xơ tử cung với kích thước quá lớn gây biến chứng nặng nề hoặc các trường hợp có nghi ngờ thoái hóa ác tính hay đa u xơ tử cung mà tiên lượng không còn mô lành để bóc được.
Tùy thuộc vào số lượng của khối u, kích thước, vị trí, mức độ dính và kinh nghiệm của phẫu thuật viên mà chọn ngả thực hiện bóc u xơ hay cắt tử cung như mổ nội soi, mổ mở hay cắt qua đường âm đạo.
Các thủ thuật thay thế phẫu thuật
Các thủ thuật thay thế phẫu thuật giúp ích cho các trường hợp các bệnh nhân điều trị nội khoa không đáp ứng và không đủ điều kiện điều trị phẫu thuật. Tuy nhiên các thủ thuật này có nguy cơ tái phát sau điều trị hoặc thất bại trong khi tiến hành thủ thuật. Điêu trị u xơ tử cung bằng các phương pháp thay thế KHÔNG ÁP DỤNG cho bệnh nhân mong muốn có thai.
• Thuyên tắc động mạch tử cung: được thực hiện bằng cách tiêm các hạt nhỏ vào mạch máu đến tử cung, mục đích chặn việc cung cấp máu để giảm triệu chứng và giảm kích thước của u xơ tử cung.
• Tiêu hủy UXTC bằng nhiệt: phương pháp này dựa trên việc tập trung các chùm siêu âm năng lượng cao vào một mô đích, biến thành nhiệt năng, nhờ nhiệt năng làm chết tế bào và hoại tử mô.
• Tiêu hủy UXTC bằng sóng cao tần: Là phương pháp mới trong điều trị UXCTC.
Việc điều trị u xơ tử cung còn phụ thuộc vào số lượng, vị trí, kích thước cũng như tính chất khối u. Khối u xơ càng to thì các biến chứng càng nặng nề và việc điều trị có thể gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chị em cần lưu ý thăm khám phụ khó định kỳ và đến bệnh viện uy tín kiểm tra khi có bất thường xảy ra.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Trần Phương Thảo - Khoa Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc.
Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/